Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu các giải pháp công nghệ nhằm tạo lập mô hình phát triển nhà ở xã hội”

Thứ tư, 27/07/2016 12:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 26/7/2016, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp nghiệm thu các kết quả của Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp công nghệ nhằm tạo lập mô hình phát triển nhà ở xã hội” do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Xây dựng thực hiện. TS. Hoàng Quang Nhu – Phó Vụ trưởng Vụ KHCK và Môi trường Bộ Xây dựng chủ trì cuộc họp.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Chủ nhiệm đề tài - TS. Phạm Đình Tuyển cho biết, mục tiêu đặt ra đề tài là nghiên cứu các giải pháp công nghệ tiên tiến và đồng bộ, tạo lập mô hình phát triển nhà ở xã hội phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển nhà ở xã hội trên thế giới; cụ thể hóa các quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội; cung cấp luận cứ khoa học phục vụ cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Thông qua việc điều tra, khảo sát các dự án, mô hình phát triển nhà ở xã hội hiện nay về mặt xã hội học đối với đối tượng thụ hưởng, giải pháp quy hoạch, kiến trúc và xây dựng, mô hình tổ chức quản lý… nhóm đề tài đã tiến hành nghiên cứu tương đối tổng hợp và đồng bộ các vấn đề từ lý luận đến thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đồng thời đề xuất những vấn đề mới về lý luận: Phát triển nhà ở xã hội là hướng về người dân chứ không phải hướng về nhà ở; khuyến khích các dự án nhà ở xã hội và hỗ trợ tài chính cho các hộ có thu nhập thấp để thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, tự cải tạo nhà ở của mình; phát triển nhà ở xã hội theo chuỗi sản xuất; phát triển nhà ở xã hội phải đi trước và là yếu tố tạo lập các khu nhà ở, khu đô thị mới; dự báo đến giai đoạn 2018-2020 tại Việt Nam sẽ có sự bùng nổ về phát triển nhà ở xã hội.

Để thực hiện đề tài này, nhóm nghiên cứu đã đặt nền móng ban đầu cho việc xây dựng các khái niệm có liên quan đến phát triển nhà ở xã hội: cách tính toán nhu cầu về nhà ở xã hội, nhu cầu về vốn và khả năng thu hồi vốn đối với các sản phẩm nhà ở xã hội; doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội, tổ chức cộng đồng; mức lương và khả năng chi trả cho nhà ở xã hội; mối quan hệ giữa nhà ở xã hội và thị trường bất động sản; hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển và quản lý nhà ở xã hội; sinh kế cho người dân trong dự án nhà ở xã hội…

Đề tài đã xây dựng được Chỉ số đánh giá khả năng hiện thực của sản phẩm để xác lập mối tương quan giữa khả năng chi trả của người dân và giá thành sản phẩm nhà ở xã hội – đây là công cụ quan trọng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, nhóm đề tài còn tiến hành nghiên cứu nhiều biện pháp đồng bộ để giảm giá thành xây dựng nhà ở xã hội song vẫn đảm bảo chất lượng theo quan điểm của nhà sản xuất và cả người tiêu dùng sản phẩm nhà ở xã hội: cơ cấu hợp lý của sản phẩm nhà ở xã hội; ứng dụng các giải pháp công nghệ xây dựng tiên tiến để giảm chi phí xây dựng; xác định quy mô căn hộ tối thiểu trên cơ sở tổng hợp các không gian chức năng tối thiểu và theo số lượng người sinh sống trong căn hộ, căn nhà; ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội trong phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Đề tài cũng đã đề xuất 4 mô hình phát triển nhà ở xã hội, gồm: mô hình phát triển nhà ở xã hội dạng đầu tư xây dựng tập trung (theo dự án); mô hình phát triển nhà ở xã hội dạng dân doanh (hình thức phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân để bán, cho thuê); mô hình phát triển nhà ở xã hội dạng phi tập trung (phát triển nhà ở xã hội theo dự án có sự tham gia của các thành phần kinh tế và người dân); mô hình nhà ở xã hội tự xây đơn lẻ.

Bên cạnh các báo cáo chuyên đề và báo cáo tổng hợp đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm mô hình phát triển nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh, Hà Nội, quy mô 0,4ha và Dự án nhà ở xã hội tại huyện Duy Tiên, Hà Nam với quy mô khoảng 9,3ha; xây dựng hê thống cơ sở dữ liệu về phát triển và quản lý nhà ở xã hội…

Nhận xét về các kết quả nghiên cứu của Đề tài, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng thống nhất cao tính thời sự và ý nghĩa của Đề tài đối với thực tiễn hiện nay về phát triển nhà ở xã hội của nước ta. Các chuyên gia của Hội đồng cũng đánh giá cao sự công phu, nghiêm túc trong việc thực hiện đề tài này của nhóm tác giả, với phạm vi nghiên cứu rộng, số liệu điều tra khảo sát thực tiễn phong phú, các phân tích số liệu có tính khoa học và tin cậy.

Bên cạnh những ưu điểm, các chuyên gia của Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến để nhóm tác giả hoàn thiện báo cáo thuyết minh đề tài, trong đó đề nghị bố cục lại báo cáo để người đọc dễ hiểu, làm rõ một số cơ sở về đề xuất diện tích nhà ở xã hội, cập nhật các cơ chế chính sách mới ban hành trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Hoàng Quang Nhu nhất trí với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng và đề nghị nhóm tác giả tiếp thu, chỉnh sửa trong báo cáo. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng cũng đánh giá cao công sức của nhóm tác giả trong việc thực hiện đề tài này, đề nghị nhóm tác giả sắp xếp lại bố cục báo cáo theo đúng đề cương đề xuất để người đọc dễ theo dõi, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn trích dẫn trong báo cáo đề cập nhật, sắp xếp lại phần kết quả thực hiện và các đề xuất kiến nghị.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Hội đồng bỏ phiếu thông qua, xếp loại Khá./.


Minh Tuấn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)