Ngày 23/11/2022, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045. Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, hội, hiệp hội chuyên ngành; lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị thẩm định
Theo báo cáo thuyết minh, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ, gồm thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế), có diện tích đất tự nhiên 27.108ha. Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 05/12/2008 và phê duyệt điều chỉnh cục bộ tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 08/8/2019.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô phù hợp với Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển biển Việt Nam và chiến lược phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; phù hợp với quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển và các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
Nhiệm vụ đưa ra các yêu cầu nghiên cứu, trong đó có đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng; phân tích, đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng và động lực phát triển; đề xuất định hướng khung phát triển; định hướng phát triển không gian; quy hoạch sử dụng đất theo các giai đoạn quy hoạch; quy hoạch hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật; đánh giá môi trường chiến lược; đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện.
Tại hội nghị, đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, các hội nghề nghiệp chuyên ngành là thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến, đề nghị phía tư vấn và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bổ sung, làm rõ một số vấn đề về mô hình thu hút đầu tư; nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của khu kinh tế, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của khu vực; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật bao gồm khai thác không gian xanh, chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ tiêu cây xanh, chiếu sáng và cấp thoát nước; lồng ghép mô hình chống ngập lụt để ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng năng lượng tái tạo.
Tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia thành viên hội đồng, bà Trần Thu Hằng đồng thời bổ sung một số ý kiến: cần lưu ý rà soát, làm rõ những nội dung về giải pháp kết nối vùng và các khu đô thị xung quanh; dự báo các vấn đề về hệ thống đô thị; dự báo phát triển dân số; quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng; quy hoạch phát triển du lịch khu kinh tế mà không phá vỡ cấu trúc, hệ sinh thái tự nhiên của khu kinh tế.