Chuỗi hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị đô thị toàn quốc 2022

Chủ nhật, 20/11/2022 14:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trong khuôn khổ Hội nghị Đô thị toàn quốc lần thứ ba với chủ đề chung “Quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, chuỗi hội thảo với các chuyên đề 2 “Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng tới phát triển bền vững” và chuyên đề 3 “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị” đã diễn ra, thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các Bộ ngành, các địa phương, các hội nghề nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế.


GS. Đặng Hùng Võ trình bày tham luận tại hội thảo

Tại các hội thảo, những tham luận về các cơ chế chính sách liên quan tới công tác quản lý phát triển đô thị, đặc biệt việc hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị gắn với đổi mới trong hướng tiếp cận quy hoạch và biện pháp thực hiện, phù hợp với nguồn lực thực hiện nhận được sự quan tâm lớn từ các đại biểu tham dự. 

Phát biểu tại hội thảo, GS. Đặng Hùng Võ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu rõ: vấn đề đầu tiên cho các đô thị muốn phát triển thành công là nguồn lực đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị. Đô thị cần tìm cách hợp lý huy động được nguồn lực tại chỗ để chỉnh trang, phát triển mới có thể bắt kịp xu thế của thời đại. Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguồn lực đầu tiên là nguồn lực từ các tài nguyên thiên nhiên, gồm hai nhóm - đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác. Cần tìm các giải pháp để tạo giá trị tăng thêm của đất đai tại các đô thị, và cần tìm giải pháp hợp lý để thu được các giá trị tăng thêm này.

Phân tích sự phát triển của một số thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và kinh nghiệm của một số thành phố lớn trên thế giới trong việc vốn hóa đất đai, thu giá trị đất đai trong đô thị hóa, GS. Đặng Hùng Võ chỉ ra: hình thức thu giá trị đất đai tăng thêm tại Việt Nam hầu như chưa được quan tâm đúng mức. GS. Đặng Hùng Võ đề xuất Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan trong việc thu giá trị đất đai tăng thêm gắn với quá trình đô thị hóa bằng chính sách thuế bất động sản, thuế thu nhập từ chuyển quyền bất động sản và việc chuyển dịch đất đai theo phương thức góp/tái điều chỉnh đất.

Bên cạnh những đề xuất, kiến nghị mang tính gợi mở, thẳng thắn từ các cơ quan, tổ chức trong nước, những chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế cũng cho thấy một vấn đề quan trọng khác - cần phải xây dựng hệ thống đô thị theo cơ chế kết nối các đô thị ở cấp vùng để cùng giải quyết các vấn đề chung như biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý nguồn nước và xây dựng hạ tầng khung của vùng, đồng thời tạo động lực phát triển theo cụm, phát huy được tiềm năng phát triển của từng đô thị trong vùng, từ đó góp phần phát triển kinh tế và phát triển bền vững toàn vùng, toàn hệ thống đô thị.


Đại diện các tổ chức quốc tế trình bày tham luận tại hội thảo

Trình bày tham luận “Chương trình phát triển đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tiềm năng triển khai tại Việt Nam”, bên cạnh việc phân tích rõ lợi ích đầu tư cho khả năng chống chịu BĐKH của các đô thị (giúp nâng cao năng lực của chính quyền thành phố, góp phần đẩy mạnh phát triển thấp carbon, tăng trưởng xanh), đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) Marc S.Fomi cũng cho biết: mục tiêu của Chương trình là tạo điều kiện phát triển các đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các đô thị xây dựng khung chính sách, cơ chế, công cụ lập kế hoạch và quản lý để phát triển đô thị bền vững. Chương trình cũng trang bị chuyên môn kỹ thuật, nâng cao năng lực và hỗ trợ tài chính cho các bên liên quan nhằm tạo một chiến lược đầu tư khả thi cho phát triển thích ứng với BĐKH. Về cơ chế triển khai, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý tổng thể và thực hiện Chương trình; các thành phố tham gia chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện dự án phát triển đô thị thông minh thích ứng với BĐKH; WB có trách nhiệm hỗ trợ Bộ Xây dựng trong triển khai thực hiện Chương trình.

Một nội dung quan trọng được tập trung thảo luận trong chuỗi hội thảo là các giải pháp nhằm ứng phó, thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Đặc biệt, nhiều tham luận tập trung phân tích một trong những giải pháp quan trọng nhất - phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vấn đề cốt lõi trong chỉnh trang đô thị chính là hạ tầng đô thị, nhất là chỉnh trang hạ tầng giao thông, thoát nước, cây xanh.

Tại các hội thảo, tham luận của nhiều địa phương và nhiều đơn vị cũng cho thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch và phát triển đô thị gắn với dữ liệu tích hợp của Quốc gia, dữ liệu đất đai trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và từng địa phương.


Toàn cảnh một trong chuỗi ba hội thảo chuyên đề

Theo đánh giá tổng kết của Ban Tổ chức, bằng tinh thần trách nhiệm, bằng tâm huyết, các bài viết, bài tham luận, các ý kiến, đề xuất, kiến nghị được đưa ra tại các hội thảo sẽ giúp các cơ quan quản lý tìm cách tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong phát triển đô thị hiện nay; tạo cơ sở để nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị bền vững, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đô thị ngày càng cao của người dân cả nước. Các nội dung trao đổi, thảo luận tại các hội thảo cũng góp phần thiết thực hỗ trợ các địa phương định hướng các chương trình hành động, cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP.

Bích Ngọc - Lệ Minh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)