Nghiệm thu các đề tài của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST)

Thứ tư, 29/07/2015 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng ngày 29/7/2015, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu các đề tài nghiên cứu biên soạn dự thảo tiêu chuẩn quốc gia “Cầu nhiệt trong xây dựng - Dòng nhiệt & nhiệt độ bề mặt - Tính toán chi tiết” mã số TK 01-13, và “Thông gió cho tòa nhà - Phương pháp tính toán xác định lưu lượng không khí trong tòa nhà bao gồm cả sự thẩm thấu” mã số TK 02-13 - hai đề tài do TS. Vũ Văn Đại (Viện Khoa học công nghệ xây dựng) làm chủ nhiệm. Cuộc họp do TS. Nguyễn Trung Hòa -Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường, Bộ Xây dựng chủ trì.

Toàn cảnh cuộc họp nghiệm thu

Về đề tài TK 0113, TS. Vũ Văn Đại cho biết: cầu nhiệt có thể xuất hiện tại bất kỳ vị trí tiếp giáp nào trong kết cấu xây dựng, hoặc tại nơi có sự thay đổi về cấu trúc kết cấu xây dựng, đặc trưng bởi mật độ dòng nhiệt thay đổi; nhiệt độ bề mặt bên trong thay đổi. Đối với từng dạng cầu nhiệt, việc tính toán riêng sẽ rất khó đảm bảo độ tin cậy và độ chính xác cao.Tiêu chuẩn ISO 10211:2007 đã tổng hợp được các phương pháp tính cho các dạng cầu nhiệt từ đơn giản đến phức tạp đảm bảo độ tin cậy cao; đưa ra các đặc điểm kỹ thuật trong mô hình tính toán 3 chiều và 2 chiều của một cầu nhiệt nhằm tính toán sự truyền nhiệt, đánh giá chính xác lượng nhiệt hao tổn của toàn công trình hay một phần công trình; đồng thời tính toán nhiệt độ bề mặt tối thiểu, từ đó đánh giá rủi ro do ngưng tụ bề mặt. Do vậy, tiêu chuẩn này đã được nhóm nghiên cứu chọn chuyển dịch toàn bộ, làm cơ sở thực hiện đề tài.

Về đề tài TK 02 -13, nhóm tác giả đã chuyển dịch tiêu chuẩn châu Âu EN 15242:2007 “Thông gió cho tòa nhà - Phương pháp tính toán xác định lưu lượng không khí trong tòa nhà bao gồm sự thẩm thấu”, TS. Đại cho biết: tại Việt Nam, việc tính toán thông gió hiện nay chủ yếu tuân theo hướng dẫn trong TCVN 5687:2010; trong đó, việc tính toán xác định lưu lượng thông gió cần thiết đảm bảo yêu cầu tiện nghi và vệ sinh môi trường được quy định tương đối chi tiết. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chưa đề cập tới sự rò rỉ và hiệu suất của từng bộ phận trong hệ thống, do đó, độ tin cậy trong các kết quả tính toán chưa cao, tổn hao năng lượng của hệ thống chưa được giảm thiểu tối đa. EN 15242:2010 giải quyết được toàn bộ các vấn đề nêu trên, và được nhóm lựa chọn chuyển dịch, biên soạn cho việc thực hiện đề tài này.

Nhìn chung, các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều nhất trí về sự cần thiết của các đề tài, sự nghiêm túc, phương pháp làm việc khoa học của nhóm tác giả. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng lưu ý nhóm chỉnh sửa một số lỗi dịch thuật; thống nhất một số từ, thuật ngữ, số liệu trong báo cáo thuyết minh; bổ sung phần tài liệu viện dẫn cho các đề tài. Hội đồng nhận xét: hai đề tài sau khi chỉnh sửa sẽ là những tài liệu tham khảo rất hữu ích cho các kỹ sư, các nhà thiết kế, nhà xây dựng trong lĩnh vực liên quan, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong các tòa nhà, công trình.

Chủ tịch Hội đồng - TS.Nguyễn Trung Hòa nhất trí với các nhận xét và đánh giá của toàn Hội đồng. Hai đề tài được Hội đồng nghiệm thu đều với kết quả bỏ phiếu loại Khá.

Lệ Minh
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)