Ngày 23/7/2015 tại cơ quan Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch xây dựng vùng Chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn đến năm 2030. Tham dự Hội nghị có đại diện UBND các địa phương tham gia Đồ án Quy hoạch, các thành viên Hội đồng thẩm định từ Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, các Bộ ngành TW, các Hội và Hiệp hội chuyên môn, các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Xây dựng.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn chủ trì Hội nghị thẩm định
Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn - Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia (VIUP) - đã báo cáo tóm tắt nội dung, cơ sở pháp lý và sự cần thiết lập Quy hoạch. Theo báo cáo, Chiến khu cách mạng ATK là một vùng di tích lịch sử cách mạng quan trọng, gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh và những năm tháng trường kỳ kháng chiến của dân tộc thời kỳ 1941-1954. Vùng chiến khu Việt Bắc trải rộng trên địa bàn 06 tỉnh miền núi phía Bắc; trong đó vùng trung tâm ATK nằm trên đất các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn). Những năm qua, thể hiện các chính sách của Đảng và nhà nước đối với các dân tộc miền núi, vùng ATK đã nhận được rất nhiều sự quan tâm đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trong vùng. Tuy nhiên, giá trị của khu vực chưa được khai thác hiệu quả tương xứng với tiềm năng; chưa có một mô hình quy hoạch, quản lý và khai thác liên thông của cả 03 tỉnh để phát huy mọi thế mạnh của vùng ATK cùng với hệ thống các di tích. Do đó, việc lập Đồ án Quy hoạch là cần thiết, là bước hiện thực hóa Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Kạn đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 3/5/2013.
Thực hiện việc lập Đồ án, tư vấn đã tổng hợp và đánh giá hiện trạng kinh tế xã hội của vùng ATK, tình hình bảo tồn và khai thác các di tích lịch sử cách mạng, từ đó đề xuất giải pháp quy hoạch vùng liên tỉnh kết hợp với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vùng di tích. Bên cạnh đó, trong Đồ án, tư vấn cũng đề xuất các chương trình, dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, liên thông trong vùng đảm bảo sự gắn kết các cụm, điểm di tích (đình Tân Trào, đài tưởng niệm Bác Hồ ở Định Hóa,…) với các danh thắng, các trung tâm dịch vụ của vùng như hồ Núi Cốc, thác Bảy tầng (Thái Nguyên), thác Bản Ba, suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang),… phục vụ cho việc phát triển du lịch vùng, góp phần tăng thu ngân sách, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Sau khi nghe các báo cáo phản biện và ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nhất trí với toàn Hội đồng thông qua Đồ án. Theo Thứ trưởng, đây là một Đồ án tương đối đặc thù, song tư vấn về cơ bản thực hiện tốt, thể hiện chuyên môn cao. Bên cạnh đó, còn một số vấn đề tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương rà soát, chỉnh sửa (nguồn vốn, các dự án ưu tiên đầu tư,…) để Đồ án khả thi, sớm đi vào thực tế phát triển kinh tế xã hội của 03 tỉnh, và góp phần nâng cao hình ảnh một vùng “Thủ đô kháng chiến” giàu truyền thống cách mạng.
Lệ Minh