Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị.
Du lịch là mũi nhọn
Côn Đảo là một huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu 185km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 230km. Với tiềm năng phát triển du lịch lịch sử cách mạng và thiên nhiên, nhiều định hướng quy hoạch được ban hành nhằm xây dựng Côn Đảo phát triển đồng bộ, hiện đại gắn với bảo tồn phát huy giá trị của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương.
Trong đó, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 5/9/2011 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch chung 2011). Sau 10 năm triển khai thực hiện quy hoạch, Côn Đảo đã và đang được đầu tư xây dựng thành một đô thị có cấu trúc tốt, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, diện mạo đô thị có nhiều nét khởi sắc, bảo tồn khai thác được các giá trị cảnh quan và di tích đặc thù, mở ra các hướng phát triển tiềm năng.
Trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế Côn Đảo liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng du lịch - dịch vụ đạt 89,58%; công nghiệp đạt 6,65% và nông – lâm - ngư nghiệp chỉ có 3,77%. Doanh thu du lịch đạt 6.499 tỷ đồng, tăng bình quân 23,18%/năm và tăng gấp 4,72 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.
Mặc dù vậy, quá trình triển khai thực hiện theo Quy hoạch chung 2011 vẫn nảy sinh một số bất cập do một số khu vực chưa cập nhật sát với thực tế, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý theo quy hoạch. Cùng với đó, sau khi Quy hoạch chung 2011 được phê duyệt, nhiều quy hoạch tổng thể và chuyên ngành của Côn Đảo cũng được phê duyệt và triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Côn Đảo còn chịu ảnh hưởng mạnh bởi quá trình biến đổi khí hậu, đặc biệt là nguy cơ nước biển dâng. Tình hình này khiến vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu cần được tích hợp vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và địa phương.
Với những căn cứ kể trên, việc lập Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2050 là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.
Hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích
Ranh giới khu vực lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, gồm 16 đảo với diện tích 7.678ha, trong đó đảo Côn Sơn có diện tích 5.964ha. Quy mô dân số hiện trạng đến đầu năm 2021 đạt khoảng 10.760 người.
Phạm vi nghiên cứu gián tiếp khoảng 20.500ha, bao gồm diện tích bảo tồn biển trong phạm vi Vườn Quốc gia Côn Đảo 14.000ha và diện tích vùng đệm biển 6.500ha (không tính vào diện tích Vườn quốc gia). Về thời gian Quy hoạch, giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Côn Đảo lần này sẽ có 4 mục tiêu chính. Một là cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ, của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc rà soát, điều chỉnh những nội dung quy hoạch đã được phê duyệt theo Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 5/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ; cập nhật các điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030.
Hai là xây dựng huyện Côn Đảo phải bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ sinh thái rừng biển, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng phát triển hiện đại và bền vững.
Ba là xây dựng đô thị Côn Đảo theo mô hình kinh tế tuần hoàn hạ tầng, hướng tới mục tiêu hình thành một đô thị xanh, phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường rừng biển, tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội. Bốn là tạo cơ sở cho việc triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư và quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch.
Theo Dự thảo Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung, Côn Đảo trong thời gian tới sẽ có tính chất là khu du lịch quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế; là đô thị hội tụ đầy đủ các tiềm năng để trở thành một đô thị phát triển về du lịch dịch vụ sinh thái biển đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt với nhà tù Côn Đảo có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử; là khu vực bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển đảo của quốc gia, quốc tế, và đồng thời cũng là khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Dự báo đến năm 2030, dân số Côn Đảo sẽ đạt khoảng 30.000 người, bao gồm 12.000 dân thường trú, tạm trú. Đến năm 2045, dân số trong khu vực sẽ tăng lên khoảng 40.000 người với dân số thường trú, tạm trú khoảng 18.000 người.
Trong khi đó, lượng khách du lịch đến Côn Đảo trong giai đoạn năm 2030 dự kiến đạt khoảng 2,2 triệu khách/năm; giai đoạn đến năm 2045 đón khoảng 2,7 triệu khách/năm. Để có thể đáp ứng các chỉ tiêu phát triển dân số và khách du lịch, quy mô đất xây dựng đô thị, du lịch cũng được dự báo tăng thêm 100 – 160ha đến năm 2030, và 150 – 240ha đất dân dụng mới đến năm 2045, chỉ tiêu khoảng 50 – 80m2/người giữ nguyên trong cả 2 giai đoạn.
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2050.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Nhiệm vụ đã nêu ra các nội dung chính cần nghiên cứu điều chỉnh, bao gồm: Phân tích và đánh giá các nội dung của Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo được phê duyệt tại Quy hoạch chung 2011; Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, dân số, lao động, đất đai, cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, môi trường sinh thái tại Côn Đảo; Xác định rõ vai trò, mối quan hệ của Côn Đảo với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng Đông Nam bộ và cả nước; Nghiên cứu đề xuất các phương án phân vùng chức năng; Xác định quỹ đất các khu vực bảo tồn di tích văn hóa lịch sử, các khu vực bảo tồn tự nhiên...; Đề xuất định hướng phát triển không gian cho Côn Đảo trên cơ sở rà soát, kế thừa hợp lý các định hướng của Quy hoạch chung năm 2011 và các quy hoạch ngành có liên quan; Đề xuất các giải pháp về thiết kế đô thị và quản lý đô thị theo quy hoạch; Xây dựng các chương trình và các dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư…
Thiên đường du lịch tầm cỡ quốc tế
Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, hồ sơ của Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Côn Đảo đến năm 2045 đã đảm bảo yêu cầu pháp lý, khái quát được các vấn đề thực trạng phát triển, công tác lập quy hoạch, nêu ra quan điểm, mục tiêu của điều chỉnh quy hoạch, sơ bộ dự báo được quy mô phát triển, xác định các yêu cầu trọng tâm cần nghiên cứu và yêu cầu đối với nội dung điều chỉnh quy hoạch, tiếp thu và giải trình đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành, Hội nghề nghiệp.
Mặc dù vậy, các thành viên Hội đồng cũng có một số góp ý nhỏ cho UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét bổ sung, hoàn thiện Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Côn Đảo đến năm 2045.
Trong đó, Vụ Quy hoạch – Kiến trúc đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét lý do và sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch, tên của quy hoạch, ranh giới, căn cứ lập quy hoạch, đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch chung 2011, cân nhắc mục tiêu phát triển lên đô thị loại III, cân nhắc chỉ tiêu sử dụng đất hướng đến tiết kiệm, hiệu quả, đánh giá động lực phát triển của các đảo và đánh giá sự giao thoa giữa các quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý vấn đề bảo tồn khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà tù Côn Đảo trong quy hoạch, diện tích đất có di tích, tác động của quy hoạch tới diện tích rừng đặc dụng và đánh giá hiện trạng, định hướng phát triển du lịch của Côn Đảo. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an kiến nghị bố trí quỹ đất cho các công trình an ninh, quốc phòng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn góp ý phát triển Côn Đảo trở thành một khu du lịch đặc thù, gắn liền với bảo tồn thiên nhiên. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị bổ sung đánh giá liên kết của đảo chính với các đảo lân cận.
Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đặc biệt lưu ý vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của Côn Đảo, giữ gìn nhà tù Côn Đảo và các di tích liên quan; Phát triển Côn Đảo trở thành đô thị đặc biệt, không nên phát triển đạt tiêu chí đô thị loại III; Phát triển cảng biển và sân bay để thúc đẩy giao lưu quốc tế; xây dựng công trình kiến trúc đặc thù làm điểm nhấn…
Thay mặt địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định và khẳng định sẽ xây dựng mô hình phát triển Côn Đảo theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, hướng đến mục tiêu trở thành điểm du lịch quốc tế, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã tổng kết ý kiến của Hội đồng thẩm định và nhấn mạnh một số nội dung chỉ đạo cần UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhanh chóng thực hiện. Đó là làm rõ hơn sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch chung; Rà soát quy hoạch chi tiết cảng hàng không Côn đảo, quy hoạch Vườn quốc gia Côn Đảo tác động như thế nào đến Quy hoạch chung; Xem xét phương án đầu tư cấp điện cho Côn Đảo; làm rõ phạm vi khu vực bảo tồn biển, cấu trúc đô thị gắn kết với du lịch; Nhận diện những vấn đề đặc thù trong nhiệm vụ phát triển Côn Đảo; Mục tiêu và tính chất của Côn Đảo trong Quy hoạch chung không thể tách với Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh; Tạo điểm nhấn kiến trúc cho Côn Đảo…
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đã yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổng hợp và tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thành hồ sơ Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Côn Đảo, gửi Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng kể từ khi Nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.