Tọa đàm “Giải pháp, công nghệ thi công xây dựng trụ điện gió trên biển”

Thứ bẩy, 25/12/2021 16:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 25/12/2021, Tạp chí Xây dựng phối hợp Công ty Cổ phần thương mại Xi măng Sao Mai tổ chức tọa đàm trực tuyến “Giải pháp, công nghệ thi công xây dựng trụ điện gió trên biển”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại biểu khách mời trong nước và quốc tế.


Quang cảnh buổi tọa đàm

Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, việc phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đồng thời bảo đảm thân thiện với môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển trải dài hơn 3.200km và khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, được đánh giá có nhiều tiềm năng đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió. Tuy nhiên, thi công xây dựng các dự án điện gió thường gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đối với các dự án điện gió trên biển, vì phải tuân theo những điều kiện tự nhiên của thời tiết như gió, sóng, khả năng tiếp nhận thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài (năng lực cảng biển), những thách thức trong vận chuyển, thi công lắp đặt thiết bị tại công trường (năng lực về quản lý thi công, lực lượng nhân viên kỹ thuật, năng lực các thiết bị cần cẩu siêu trọng, an toàn lao động tại công trường…).

Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Duy Quang - Trưởng phòng Thiết kế, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Khang Đức trình bày một số giải pháp công nghệ thi công dự án điện gió phổ biến trên biển cũng như các khó khăn, thách thức liên quan đến thi công và hướng khắc phục. Theo đó, thế giới hiện này thường áp dụng 2 giải pháp công nghệ thi công móng trụ điện gió trên biển gồm: Công nghệ Fix (áp dụng cho vùng nước nông và vùng chuyển tiếp với độ sâu nước <60m: có các dạng trọng lực (Gravity) bê tông cốt thép; cọc thép đường kính lớn Monopile, dạng dàn thép Jacket và dạng Tripod 3 chân); công nghệ Floating áp dụng cho vùng nước sâu, với độ sâu >60m. Dạng này có 2 loại phổ biến là Semi-submersible và Spar. Còn tại Việt Nam thường áp dụng các dạng móng trụ điện gió trên biển phổ biến là cọc thép monopile đường kính từ 5 - 8m và cọc multi-pile (có 2 dạng: cọc PHC đường kính từ D800 - 1000mm với số lượng cọc từ 36 - 45 cọc tùy kích thước móng; cọc thép SPP đường kính từ D1200-D1800mm với số lượng cọc từ 6-14 cọc tùy kích thước móng). Theo dự báo của các nhà khoa học, móng trọng lực Gravity và Jacket sắp tới sẽ được nghiên cứu và triển khai áp dụng tại Việt Nam.


TS. Nguyễn Việt Hưng trình bày tham luận tại tọa đàm

Đề cập đến một số thách thức khi áp dụng các công nghệ xây dựng điện gió của châu Âu vào điều kiện thực tiễn ở Việt Nam (nhu cầu nhân lực chất lượng cao, sử dụng các vật liệu địa phương, các điều kiện địa chất, địa hình, hải văn, điều kiện về trang thiết bị xây dựng, văn hóa xây dựng ở Việt Nam), TS. Nguyễn Việt Hưng - Tổng Giám đốc Công ty CTV WIND Việt Nam đã lấy dẫn chứng cụ thể về kinh nghiệm áp dụng các công nghệ châu Âu để thiết kế và thi công các dự án điện gió trên biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bàn về giải pháp và kỹ thuật sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực cho công trình điện gió trên biển, ThS. KS. Lê Phát Nghĩa - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Bê tông ly tâm Thủ Đức - Long An cho biết, ở Việt Nam, cọc bê tông ly tâm dự ứng lực thường chiếm ưu thế trong lĩnh vực cọc đúc sẵn. Tuy nhiên, việc sản xuất cọc bê tông ly tâm cho móng trụ điện gió trên biển không đơn thuần là đổ bê tông và quay ly tâm một cách thông thường. Để sản xuất và cung cấp cọc với đường kính D900, D1000, chiều dài 30m trở lên đòi hỏi kinh nghiệm và sự đồng bộ kỹ thuật trong xử lý vật liệu đáp ứng được điều kiện của môi trường biển và trong suốt quá trình sản xuất - lưu kho - vận chuyển.

ThS. KS. Lê Phát Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm áp dụng quy trình sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực đường kính lớn và các kỹ thuật sản xuất hệ thống làm mát nước và hệ thống xử lý vật liệu trước khi đưa vào sản xuất; thiết bị và mặt bằng sản xuất đáp ứng được các thông số của đơn vị thiết kế cọc yêu cầu; một số rủi ro lớn trong công tác lưu kho - vận chuyển, cẩu lắp cọc (liên quan đến kích thước và trọng lượng của cọc ảnh hưởng đến chất lượng công trình); một số trường hợp cần lưu thiết kế cọc để xem xét và dự phòng với các công trình trong tương lai.


ThS. KS. Janne Kristin Pries chia sẻ kinh nghiệm của Đức về bảo vệ chống xói bằng Geotextile sand containers cho móng trụ điện gió

Tại tọa đàm, ThS KS. Janne Kristin Pries - Giám đốc sản phẩm cho công trình thủy, Tập đoàn NAUE (Đức) chia sẻ kinh nghiệm của Đức về bảo vệ chống xói bằng bao vải địa kỹ thuật chứa cát (geotextile sand containers) cho móng trụ điện gió. Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại biểu khách mời cũng tích cực trao đổi, thảo luận nhiều nội dung xoay quanh chủ đề cuộc tọa đàm, như: giải pháp công nghệ thi công và các thách thức khi thi công dự án điện gió trên biển; bài học kinh nghiệm cho quá trình vận chuyển và lắp đặt turbine điện gió trên biển. Thông qua các bài thuyết trình, các diễn giả đã giúp người nghe nhận diện được những khó khăn, thách thức trong thi công, xây dựng các dự án điện gió trên biển, và đề xuất được một số giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm an toàn lao động, chất lượng công trình và tiến độ thi công theo kế hoạch.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)