Đây là nhận định của ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) về việc phát triển VLXD phục vụ các công trình ven biển và hải đảo.
Dây chuyền số 4 của nhà máy Thành Thắng, Hà Nam
Theo ông Phạm Văn Bắc, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành Vật liệu xây dựng đã đi trước một bước.
Phát triển đa dạng các chủng loại xi măng có tính năng chịu được trong môi trường khí hậu biển để phục vụ các công trình xây dựng ven biển và hải đảo (xi măng bền sulfat, xi măng xỉ, phụ gia cho xi măng chịu nước biển...) là một trong những mục tiêu của Đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 126/QĐ-TTg, ngày 25/1/2019 (Đề án 126). Đến nay, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các doanh nghiệp đang triển khai tốt Đề án 126 trên diện rộng. Các nhà khoa học, các doanh nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và sản xuất thành công xi măng bền sulfat có tính năng chịu mặn, phục vụ cho xây dựng các công trình khu vực biển, đảo.
Nghi thức đốt lò, đưa vào vận hành dây chuyền số 4 tại nhà máy xi măng Thành Thắng.
Công ty Cổ phần Xi măng Thành Thắng Group (Hà Nam) là một trong những doanh nghiệp tiên phong hưởng ứng Đề án 126. Ngày 27/12/2021 ghi dấu mốc quan trọng, khi công ty đưa vào vận hành dây chuyền đầu tiên chuyên sản xuất các sản phẩm xi măng chất lượng cao, xi măng chịu mặn bền sulfat phục vụ các công trình ven biển và hải đảo, với công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm (dây chuyền số 4 tại nhà máy xi măng Thành Thắng). Dây chuyền 4 có mức đầu tư 4.951 tỷ đồng, được đầu tư thiết bị tiên tiến hiện đại sản xuất tại các nước G7.
Ông Phạm Văn Bắc cho biết, việc phát triển và sử dụng hiệu quả VLXD chịu mặn không chỉ góp phần tăng tuổi thọ công trình mà quan trọng hơn nữa là phục vụ tốt cho Chiến lược phát triển kinh tế biển. Việc đưa vào vận hành dây chuyền chuyên sản xuất xi măng bền sulfat có ý nghĩa rất lớn, góp phần khẳng định Việt Nam đang dần làm chủ công nghệ và sản xuất thành công các vật liệu chịu mặn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các công trình khu vực ven biển, hải đảo. Ngoài xi măng bền sulfat, nhiều vật liệu phục vụ công trình biển đảo khác cũng đã được nghiên cứu, sản xuất thành công như sản phẩm kính, gạch ốp lát, phụ gia cho bê tông, thép hợp kim…