Ngày 29/12/2021, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đồ án quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn, đại diện các Bộ, các hội, hiệp hội chuyên ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị
Tóm tắt thuyết minh Đồ án, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) cho biết, huyện Văn Giang có diện tích tự nhiên là 71,94km2, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hưng Yên, giữa đường vành đai III và vành đai IV của Thu đô Hà Nội, trên tuyến QL 5A, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đê tả sông Hồng.
Phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Văn Giang được thực hiện trong địa giới hành chính huyện Văn Giang: phía Bắc giáp huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội; phía Nam giáp huyện Khoái Châu và huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; phía Đông giáp huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên; phía Tây giáp sông Hồng và TP. Hà Nội.
Đô thị Văn Giang được quy hoạch với tính chất là trung tâm kinh tế (dịch vụ, thương mại, công nghiệp và phát triển nhà), văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của khu vực; đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đồ án đưa ra các chỉ tiêu phát triển đô thị Văn Giang như sau: về quy mô dân số, đến năm 2030 đạt khoảng 250.000 người, đến năm 2040 đạt khoảng 350.000 người, tầm nhìn đến năm 2050 đạt khoảng 500.000 người; về quy mô đất xây dựng đô thị, đến năm 2030 là khoảng 4.400ha, đến năm 2040 là khoảng 5.815ha.
Về định hướng phát triển không gian, đô thị Văn Giang được phân thành 3 phân vùng, gồm: vùng đô thị hóa tập trung (phần diện tích chọn đất xây dựng các khu đô thị được xác định trên cơ sở mở rộng thị trấn Văn Giang và gắn kết với 2 khu đô thị lớn là Ecopark và Dream City, gồm từng phần hoặc toàn bộ địa phận hành chính các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, Long Hưng, Liên Nghĩa, Nghĩa Trụ); các vùng đệm (phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, logistic, thương mại, dịch vụ...); vùng bãi ngoài để phát triển đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch, cảnh quan môi trường, quản lý xây dựng (theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình), gắn với các khu dân cư hiện hữu được cải tạo, nâng cấp.
Bên cạnh định hướng phát triển không gian, Đồ án cũng đưa ra các định hướng trong phát triển đô thị Văn Giang, như: định hướng hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kinh tế (phát triển trung tâm hành chính - chính trị; hệ thống giáo dục, đào tạo; hệ thống cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe; phát triển công trình văn hóa; phát triển công trình thể thao và cây danh; phát triển thương mại dịch vụ; phát triển du lịch; phát triển công nghiệp); quy hoạch sử dụng đất; thiết kế đô thị; định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; đánh giá môi trường chiến lược; các dự án ưu tiên đầu tư.
Tại hội nghị, các chuyên gia thành viên Hội đồng đánh giá cao nỗ lực của đơn vị tư vấn trong việc phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên để nghiên cứu, tổng hợp thông tin, lập Đồ án. Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, tài chính, thương mại, môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, an ninh quốc phòng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong thời gian qua, Văn Giang đã thực hiện rất tốt công tác thu hút đầu tư, có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Hưng Yên và cả nước.
Toàn cảnh hội nghị
Để khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng lợi thế của đô thị Văn Giang, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ vai trò, vị trí của tỉnh Hưng Yên nói chung, đô thị Văn Giang nói riêng trong việc tiếp cận các chiến lược, định hướng phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô Hà Nội; làm rõ những nét đặc trưng, nổi bật của đô thị Văn Giang và mối liên hệ vùng giữa Văn Giang với các đô thị lân cận, từ đó đề xuất các giải pháp tổng thể để đảm bảo phát triển Văn Giang thành đô thị sinh thái, thông minh, năng động, giàu bản sắc. Tư vấn cũng cần xác định mô hình, cơ cấu phát triển đô thị Văn Giang; đánh giá sâu hơn hiện trạng các khu dân cư hiện hữu, lưu ý dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội và cho các yêu cầu khác; rà soát, làm rõ sử dụng đất bãi bồi sông Hồng tuân thu nghiêm các quy định pháp luật về phòng chống lũ. Bộ trưởng đề nghị tư vấn nghiên cứu định hướng sử dụng không gian ngầm, đảm bảo phù hợp, thống nhất với các cấp độ quy hoạch; nghiên cứu định hướng phát triển giao thông công cộng trong đó ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên sớm hoàn thiện hồ sơ Đồ án và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.