Theo kế hoạch, các đơn vị này sẽ thoái vốn ra khỏi những lĩnh vực “tay trái” để tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính như xây lắp, tổng thầu EPC, đầu tư bất động sản, vật liệu xây dựng, đầu tư và kinh doanh thủy điện và cơ khí xây dựng.
Cụ thể, đến hết năm 2015, số lượng doanh nghiệp có vốn góp của 14 tổng công ty sẽ giảm từ 402 doanh nghiệp xuống còn 243 doanh nghiệp. Trong đó, thoái toàn bộ vốn góp tại 154 doanh nghiệp với tổng giá trị 4.491 tỷ đồng, thoái vốn tại các lĩnh vực khách sạn, du lịch ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán với tổng giá trị đầu tư 722 tỷ đồng.
Ông Đặng Văn Long, Vụ trưởng vụ Đổi mới doanh nghiệp, Bộ Xây dựng nhìn nhận, tiến độ TCC và cổ phần hóa tại các doanh nghiệp thuộc Bộ đều cơ bản bám sát yêu cầu đề ra.
Cụ thể, tính đến 31/12/2013, các Tổng công ty đã hoàn thành thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với tổng giá trị 295 tỷ đồng, đạt 5% kế hoạch thoái vốn; đang tìm kiếm nhà đầu tư thoái vốn tại 21 doanh nghiệp với tổng giá trị 1.183 tỷ đồng chiếm 26,3% kế hoạch thoái vốn.
Bộ Xây dựng đã tiến hành cổ phần hóa 5 Tổng công ty và 8 công ty con. Trong đó, 4 Tổng công ty đã bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và một Tổng công ty đang thẩm định giá trị doanh nghiệp. Trong 8 Công ty con thực hiện cổ phần hóa, có 4 công ty thực hiện bán cổ phần lần đầu, 2 công ty con đã chuyển thành công ty cổ phần và 2 công ty con đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2014.
Một số Tổng công ty thực hiện tái cơ cấu đạt kết quả tích cực là Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Sông Ðà, Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem).
Theo ông Đặng Văn Long, trong năm 2013 những khó khăn, vướng mắc về cổ phần hóa của các DN ngành Xây dựng (đất đai, lao động) đã cơ bản được tháo gỡ.
Điển hình, trước đây theo Thông tư 204/2012/TT-BTC của Bộ Tài Chính hướng dẫn hồ sơ, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng quy định các công ty phải có 2 năm liền làm ăn có lãi trước khi phát hành cổ phiếu mới đủ điều kiện tham gia thị trường chứng khoán làm kênh huy động qua thị trưòng này hầu như ách tắc thì nay rào cản này đã được tháo gỡ.
Khi đã có những bước đột phá về cơ chế chính sách vấn đề còn lại là sự nỗ lực từ chính các DN.
Vì vậy, trong năm 2014, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu tiếp tục cổ phần hóa 4 Tổng công ty và 7 công ty con. Năm 2015, con số này sẽ là 5 Tổng công ty và 5 công ty con.
Theo : chinhphu.vn