Theo báo cáo của tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng), Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung là vùng đất địa đầu Tổ quốc, có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng của quốc gia; là vùng chứa đựng nhiều giá trị về di sản địa chất, đa dạng sinh học, có nền văn hóa đậm đà bản sắc rất có ý nghĩa đối với quốc gia và quốc tế. Có vị trí độc đáo nằm ở trung tâm trên hành lang Quốc lộ 4, về phía đông liên kết với các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh; về phía tây liên kết với các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Cao nguyên đá Đồng Văn đầy tiềm năng trở thành trung tâm, đầu mối phát triển du lịch khu vực miền núi Bắc bộ; nhất là sau sự kiện ngày 3/10/2010, khu vực này đã được UNESCO công nhận là CVĐCTC trong tổng số 91 công viên tại 27 quốc gia. Tuy nhiên, những năm qua, kinh tế địa bàn chưa phát triển, kết cấu hạ tầng yếu kém, giao thông không thuận tiện, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa được đầu tư tương xứng để khai thác các thế mạnh của địa bàn. Trước tình hình đó, Nhiệm vụ lập Quy hoạch xây dựng là rất cần thiết, nhằm hoạch định chiến lược đầu tư xây dựng; đồng thời là một bước hiện thực hóa Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 7/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030 (theo đó, Chính phủ đã định hướng phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch quốc gia, đầu mối để thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng và ổn định c hính trị một cách bền vững cho toàn vùng Bắc bộ).
Trong báo cáo, tư vấn nêu rõ 02 nội dung lớn của quy họach - xây dựng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, và xây dựng 04 đô thị du lịch Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh. Tư vấn đã đưa ra các căn cứ pháp lý tương đối đầy đủ; phạm vi nghiên cứu quy hoạch rõ ràng; đầy đủ các đánh giá hiện trạng tổng hợp từ đó đề xuất các định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, định hướng phát triển không gian ...
Các thành viên tham dự cuộc họp đều nhất trí với sự cần thiết của nhiệm vụ lập quy hoạch, đồng thời đề nghị tư vấn lập bản đồ 1:2000, bổ sung thêm các căn cứ pháp lý; phạm vi nghiên cứu có 04 huyện nên không gian có tính chất vùng liên huyện, cần thể hiện tính chất này rõ nét hơn trong báo cáo. Ngoài ra, đây là một trong những địa bàn đặc trưng của Việt Nam, nên vấn đề làm thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát huy, vừa giữ gìn bản sắc 17 dân tộc miền núi vô cùng độc đáo, vừa tạo được những điểm nhấn cho vùng đất giàu giá trị tự nhiên và giá trị nhân văn này - đó đều là những đề bài được các thành viên nêu ra và cùng tư vấn thảo luận trong cuộc họp. Vấn đề xác định cơ sở nguồn lực thực hiện để dự án có tính khả thi cũng được các thành viên hết sức quan tâm.
Tổng hợp các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đề nghị tư vấn tập trung nghiên cứu các nội dung chủ đạo trong Quy hoạch xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn - là công viên địa văn hóa, công viên địa sinh học, công viên khoa học địa chất; và lập quy hoạch xây dựng 04 đô thị du lịch với việc xác định rõ ràng tính chất từng khu vực, cần chú trọng kiến trúc truyền thống, cây xanh...trong mỗi đô thị du lịch. Đặc biệt, tư vấn cần đi sâu nghiên cứu, chắt lọc các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc của Hà Giang để xây dựng thành công một đồ án tốt, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh. Trong việc này, Thứ trưởng đề nghị Sở Xây dựng Hà Giang cung cấp thông tin, sát sao cùng tư vấn nhằm hoàn chỉnh báo cáo; và giao tư vấn nhanh chóng hoàn thiện công việc trong vòng 2 tuần, đảm bảo trong tháng 4/2014, Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt.
Phòng TT-TL