Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng bày tỏ vui mừng được đón tiếp đồng chí Nabil Benabdellah và các thành viên trong đoàn đến thăm và làm việc với Bộ Xây dựng, đồng thời khẳng định, mặc dù hai nước xa nhau về khoảng cách địa lý, nhưng sự quan tâm và những tình cảm tốt đẹp mà hai nước luôn dành cho nhau, cũng như quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước ngày càng được củng cố và tăng cường.
Vui mừng trước quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước đang tiếp tục phát triển, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, đó là nền tảng quan trọng để làm sâu sắc thêm quan hệ chính trị giữa hai Đảng, hai nước, quan hệ hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Nhà ở và Chính sách đô thị Ma-rốc.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của đồng chí Nabil Benabdellah, và coi đây là một sự kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Tại buổi tiếp và làm việc Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã giới thiệu với đồng chí Nabil Benabdellah về các chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, các công việc đang làm cũng như những định hướng chiến lược của ngành Xây dựng Việt Nam trong thời gian tới trong các lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch – kiến trúc, phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng, qua đó cho thấy, còn rất nhiều tiềm năng để thúc đầy hợp tác giữa hai bên.
Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng, đồng chí Nabil Benabdellah cho biết, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, kỳ vọng của đoàn là nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Bộ và chia sẻ kinh nghiệm trong những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý đô thị, phát triền nhà ở, đồng chí Nabil Benabdellah cho biết, Ma-rốc từ rất lâu đã quan tâm đến công tác quản lý lãnh thổ và đô thị, với các quy hoạch tổng thể cấp quốc gia, vùng và đô thị cũng như các quy hoạch ở cấp thấp hơn như quy hoạch các khu, quy hoạch chi tiết. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Ma-rốc là 65%, trong 10 năm tới dự kiến sẽ có 75% dân số cả nước sống ở đô thị - đó là một sức ép rất lớn đối với các thành phố của Ma-rốc về nguồn cung nhà ở, hạ tầng và dịch vụ công cộng. Trong thời gian dài trước năm 2004, do thiếu nguồn lực cũng như thiếu sự quan tâm đầy đủ của Nhà nước đã dẫn đến tại nhiều thành phố của Ma-rốc xuất hiện các khu nhà ở tồi tàn, khu ổ chuột, các khu phố cổ đông đúc không được bảo đảm về các dịch vụ hạ tâng phục vụ cho sinh hoạt, xung quanh các thành phố lớn có nhiều khu nhà ở được xây dựng tự phát, không có giấy phép xây dựng… Để cải thiện tình trạng này, từ năm 2004, Ma-rốc bắt đầu triển khai một chương trình xóa bỏ các khu nhà ổ chuột với tổng số khoảng 260.000 hộ tại 85 thành phố. Theo chương trình này, người dân được lựa chọn hoặc tái định cư tại các lô đất đã có hạ tầng (nếu có điều kiện kinh tế) hoặc định cư trong các căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội. Trong vòng 10 năm (2004-2014), Ma-rốc đã hoàn thành việc tái định cư cho 230.000 hộ, đã có 55 thành phố xóa được các khu nhà tồi tàn và hoàn thành xây dựng 320.000 căn nhà ở xã hội. Về nguồn lực, đồng chí Nabil Benabdellah cho biết, trong 10 năm đó, Ma-rốc đã chi 3 tỷ USD cho phát triển nhà ở xã hội, và 4 tỷ USD cho việc sắp xếp, chỉnh trang lại các khu nhà ở xập xệ và các khu nhà xây dựng trái phép.
Để huy động các nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội, chính phủ Ma-rốc khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, thông qua hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế; thành lập quỹ vốn nhà ở từ lệ phí đánh vào xi măng, sau đó là phí đánh vào cát, sắt thép làm bê tông. Quỹ này mỗi năm thu được khoảng 400 triệu USD để dành cho phát triển nhà ở xã hội. Trong Chương trình xóa bỏ nhà ổ chuột, Chính phủ Ma-rốc cũng có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân di dời đến nơi ở mới. Việc thực hiện Chương trình này đã tạo ra một thị trường xây dựng hết sức sôi động, tạo thêm năng lực cho các doanh nghiệp xây dựng, từ đó có thể vươn ra thị trường xây dựng quốc tế trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội.
Để tạo ra các khu nhà ở xã hội có chất lượng, Bộ Nhà ở và chính sách đô thị Ma-rốc đã phối hợp với các Bộ hữu quan để tập trung các nguồn lực đầu tư, hình thành nên các khu nhà ở xã hội đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, hài hòa với cảnh quan đô thị, áp dụng các triết lý tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và phát triển bền vững…
Đánh giá cao những kinh nghiệm phát triển đô thị của Ma-rốc, đặc biệt là kinh nghiệm về phát triển nhà ở xã hội – một lĩnh vực mà Việt Nam đã hết sức quan tâm, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng mong muốn hai bên sẽ tiếp tục có những buổi phối hợp làm việc trong các lĩnh vực cụ thể để chia sẻ kinh nghiệm. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, những kinh nghiệm của Ma-rốc là rất đáng quý đối với Việt Nam, trong thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường trao đổi các đoàn để học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Minh Tuấn