“Đảm bảo quy hoạch xây dựng phải đi trước”

Thứ bẩy, 12/04/2014 07:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh trong buổi làm việc với UBND TP HCM về tình hình thực hiện quản lý nhà nước về Quy hoạch xây dựng, Hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị sáng nay (11/4), tại buổi làm việc còn có lãnh đạo các cục, vụ, viện của Bộ Xây dựng cũng như lãnh đạo các sở Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, GTVT và TN&MT.

TP HCM là một đầu mối giao thông quan trọng về cả đường bộ, đường thủy và đường không, nối liền các tỉnh trong vùng và còn là một cửa ngõ quốc tế. TP HCM còn là trung tâm kinh tế, văn hóa giáo dục quan trọng, giữ vai trò đầu tầu kinh tế của Việt Nam.

Có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.095,6 km2, được chia thành 19 quận và 5 huyện, với 322 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 259 phường, 58 xã và 5 thị trấn). Dân số bình quân trên địa bàn thành phố năm 2013 ước có 7.990,1 ngàn người.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn cả năm tăng 9,3% so năm trước. Tổng vốn đầu tư năm 2013 là trên 227.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 4,7%. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên 197.680 tỷ đồng, bằng 92,3% kế hoạch năm; tăng 4,6% so với năm 2012.

Theo đại diện sở Quy hoạch - Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng vùng TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP HCM và 7 tỉnh xung quanh gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang với diện tích khoảng 30.404 km2, bán kính ảnh hưởng từ 150 - 200 km.

Theo đó, tầm nhìn đến 2050, Vùng TP HCM sẽ là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm công nghiệp công nghệ cao với trình độ chuyên môn hóa cao; đồng thời là trung tâm văn hoá - đào tạo - y tế chất lượng cao, là vùng có cảnh quan và môi trường tốt.

Đối với Quy hoạch chung xây dựng đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồ án quy hoạch này được lập và phê duyệt theo Luật xây dựng 2003 (chưa theo Luật quy hoạch 2009). Thành phố cũng đã phê duyệt các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng cho 22 quận, huyện (trên 24 quận huyện thuộc TP HCM, 2 quận giữ nguyên không điều chỉnh là quận 1 và quận 5). Từ năm 2003 đến tháng 07/2012, thành phố đã lập 626 đồ án quy hoạch chi tiết (QHCT) xây dựng tỷ lệ 1/2000 – quy hoạch phân khu (QHPK) với tổng diện tích gần 87.728 ha, đạt tỷ lệ phủ kín 92,35% so với 95.000 ha tổng diện tích đất đô thị.

Cũng từ năm 2003 đến nay, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND các quận, huyện đã phê duyệt 632 đồ án QHCT tỷ lệ 1/500 để lập dự án đầu tư xây dựng, tổng diện tích 5.715 ha chiếm tỷ lệ hơn 6% so với so với 95.000 ha tổng diện tích đất đô thị.

Tuy nhiên, Việc triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 phục vụ nhu cầu quản lý và phát triển tại các khu vực trung tâm (Q.1, Q.3, Q.4), đặc biệt là các khu đất thay đổi chức năng, chỉ tiêu quy hoạch về tầng cao, mật độ, hệ số sử dụng đất còn chậm; do đó, dẫn đến sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường đô thị.

Liên quan đến tình hình trên, đại diện sở TN&MT cho biết, các cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát có 1.264 địa điểm với diện tích đất 18.881 ha được chấp thuận địa điểm đầu tư (479 địa điểm với diện tích 4.381 ha) hoặc được giao đất cho thuê đất (785 địa điểm với diện tích 14.500 ha) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi và sản xuất kinh doanh; qua đó đã kiến nghị thu hồi 135 địa điểm với diện tích 2.081 ha ( do có tỷ lệ đền bù đất dưới 50% tổng diện tích của địa điểm); gia hạn thực hiện 321 địa điểm và đang xử lý 99 địa điểm.

Hiện nay TP HCM đang tiến hành lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM. Thành phố đã phê duyệt Quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu.

TP HCM là địa phương đi đầu trong việc ban hành quy định cụ thể nhằm triển khai Luật Quy hoạch đô thị và quy chế quản lý kiến trúc - quy hoạch chung đô thị theo Đồ án quy hoạch chung thành phố hiện đang được Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố triển khai thực hiện làm cơ sở cho công tác cấp giấy phép xây dựng.

Trong thiết kế đô thị, Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp với chính quyền các quận 1, 3 và một số nhóm chuyên gia thiết kế đô thị của Pháp và Đức nghiên cứu về thiết kế đô thị và một số khu vực tại quận 1, 3, 5, 7, 8 và một số tuyến đường chính (Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài; Xa lộ Hà Nội; Đại lộ Đông Tây).

Bên cạnh đó, một số thiết kế đô thị và cảnh quan cho các khu vực đặc biệt cũng đang được triển khai như dự án bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn, dự án khu phố đi bộ trung tâm thành phố.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã thực hiện việc phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch xây dựng xã nông thôn theo Quyết định 400/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Theo quy hoạch chung đến năm 2025, TP HCM sẽ có 22 khu công nghiệp và 30 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 9.000 ha. Hiện nay, thành phố đã có 16 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập với tổng diện tích hơn 3.700 ha, trong đó 12 khu công nghiệp đã hoàn thành có tỷ lệ lấp đầy 95%.

Quy hoạch chung khu Công nghệ cao thành phố (quy mô 913 ha) đã được thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung. Quy hoạch xây dựng mới các trường đại học, cao đẳng và các quy hoạch ngành khác.

Ngoài ra, thành phố chủ động triển khai các Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường dạy nghề; điều chỉnh quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch chi tiết các trung tâm chuyên ngành về y tế, giáo dục, thể dục thể thao để làm cơ sở quản lý quỹ đất và triển khai đầu tư xây dựng còn chậm.

Theo báo cáo của đại diện Sở GTVT, hiện thành phố tập trung xây dựng, cải tạo, mở rộng các trục hướng tâm, các đường cao tốc, các đường vành đai, các trục chính đường đô thị, các nút giao thông, đường sắt đô thị theo quy hoạch đã được phê duyêt về phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Các dự án cụ thể đang triển khai: Các trục hướng tâm: QL1 phía đông và xa lộ Hà Nội đang được đầu tư mở rộng quy mô 8 – 12 làn xe, dự kiến hoàn thành 2014; QL13, QL22, QL50 đã và đang chuẩn bị đầu tư trên một số đoạn tuyến theo quy hoạch. Các tuyến đường cao tốc: Hoàn thành tuyến Hồ Chí Minh – Trung Lương, đang triển khai TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và đoạn Chơn Thành – Đức Hòa.

Các tuyến đường vành đai: Đang triển khai dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi vành đai 1 (cũ), dự kiến hoàn thành 2014, vành đai 2 phấn đấu khép kín năm 2015, đang kêu gọi vốn đầu tư xây dựng vành đai 3,4 theo quy hoạch. Các trục chính đô thị và trục xuyên tâm: Hoàn thành Đại lộ Đông – Tây, đường trục Bắc – Nam còn đoạn Nguyễn Văn Linh đến nút giao bờ nam cầu Bà Chiêm đang lập dự án đầu tư và đoạn qua địa bàn quận 4 và các tuyến trục chính khác xây dựng kết hợp chỉnh trang đô thị. Đang nghiên cứu lập dự án các tuyến xuyên tâm trên cao và kêu gọi đầu tư.

Về quy hoạch tuyến đường sắt đô thị, đến nay đã khởi công tuyến Metro số 1 từ chợ Bến Thành đi Suối Tiên trên 6 tuyến metro theo quy hoạch. Tuy nhiên, công tác phát triển giao thông đô thị tại thành phố còn nhiều khó khăn tồn tại do thiếu nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Việc thay đổi nhà đầu tư, hoặc nhà đầu tư rút khỏi dự án đã và đang tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng là nguyên nhân lớn dẫn tới sự chậm trễ trong các dự án.

Hiện thành phố đã chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình ngầm để chuẩn bị triển khai quy hoạch không gian ngầm (theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nằm bên dưới hệ thống giao thông mặt đất của thành phố, hiện có tới hơn 4.430km đường ống cấp nước các loại, hơn 1.142km đường cống thoát nước cùng 816 cửa xả thoát nước ra kênh, rạch. có hơn 825km đường dây điện chuyển tải, 15.175km đường dây điện phân phối…).

Thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm thành phố rộng 930ha chú trọng phát triển nhiều không gian ngầm. Cụ thể như đường bộ, quảng trường, trung tâm mua sắm, bãi đậu xe ngầm bên dưới đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, công viên 23/9, công viên dọc bờ sông Sài Gòn…

Ngoài ra còn có các nhà ga metro ngầm sẽ được xây dựng. Các dự án đi ngầm, trên cao hay bãi đỗ xe ngầm triển khai rất chậm do vướng thủ tục giao đất, thuê đất giữa chủ đầu tư và sở ngành trong việc xác định diện tích miễn tiền thuê đất, đơn giá thuê đất. Điều chỉnh thiết kế cơ sở nhiều lần, một số định mức, tiêu chuẩn chưa có... Hiệu quả dự án chưa thuyết phục ngân hàng cho vay vốn.

Về Cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, thành phố đã Quy hoạch cấp nước đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện trạng quản lý và phát triển cấp nước với tổng công suất cấp nước khoảng 1,6 triệu m3/ngđ; tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch đạt 87,5%; mức tiêu thụ nước sinh hoạt bình quân đầu người đạt 125 l/người; tỷ lệ thất thoát thất thu đã đạt được thành tích đáng kể từ 44% giảm xuống còn 36,5% (tuy nhiên vẫn còn ở mức cao so với mức bình quân các đô thị toàn quốc 27%).

Do các tuyến ống toàn thành phố quá lớn, trải qua nhiều giai đoạn đầu tư nên đã cũ và rò rỉ nhiều; việc đầu tư chống thất thoát đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, cộng với hạ tầng ngầm phức tạp, giao thông tắc nghẽn gây khó khăn khi triển khai thực hiện.

Về tình trạng sụt lún do sử dụng nước ngầm nghiêm trọng nên thành phố đã có báo cáo tình hình về Bộ Xây dựng và trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức họp, trao đổi để tìm giải pháp khắc phục tình trạng sụt lún này.

Hiện nay Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu “Giải quyết ngập do mưa, xử lý nước thải cho khu vực Vùng trung tâm với diện tích 100km2, dân số khoảng 3.3 triệu người”.

Theo đó, đã có 3 dự án được triển khai để thực hiện nhiệm vụ “Nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước và xây dựng hệ thống thu gom nước thải”, bao gồm: Dự án vệ sinh môi trường thành phố; dự án cải thiện môi trường nước.

Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh xác định mục tiêu “Giải quyết ngập do triều cường và lũ thượng nguồn”. Theo đó, các nội dung thực hiện bao gồm: Xây dựng tuyến đê bao khép kín từ Bến Súc đến sông Kinh Lộ và bao bọc qua địa phận tỉnh Long An với 13 cống kiểm soát triều lớn. Nạo vét, cải tạo các kênh trục để điều tiết lũ, đồng thời nghiên cứu xây dựng các hồ điều tiết nước.

Trong công tác quản lý chất thải rắn, hiện tổng lượng chất thải rắn thu gom vào khoảng 7.000 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt gần 100%. Thành phố đã tích cực, chủ động trong việc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn nhằm giải quyết tốt vấn đề này, góp phần tạo cảnh quan môi trường đô thị xanh, sạch đẹp.

Đến nay TP HCM có khoảng 1.200 ha đất nghĩa trang, nhiều nghĩa trang đã và đang được giải tỏa để xây dựng các công trình hạ tầng và dân cư. Hiện nay tại 10 nghĩa trang lớn của thành phố chỉ còn khoảng 25 ha đất trống, có thể mai táng được 41.000 huyệt mộ (6 m2/huyệt). Các nghĩa trang mới được đầu tư xây dựng không đáng kể. Hiện thành phố có 2 Trung tâm hỏa táng chủ yếu đang hoạt động là Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa hoạt động từ năm 1984 và Trung tâm hỏa táng Đa Phước hoạt động từ năm 2005.

Tổng diện tích đất cây xanh đô thị trên địa bàn thành ước khoảng 430 ha. Tỷ lệ đất công cộng dành cho cây xanh trên đầu người đạt khoảng 0,57 m2/người. Toàn Thành phố có 61 công viên lớn, nhỏ.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có 74 dự án phát triển khu đô thị mới (có quy mô từ 20ha trở lên) với tổng quy mô là 24.760ha trong đó có 01 khu đô thị được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu (khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng). Nhiều dự án khu đô thị mới với quy mô lớn như Khu đô thị mới Thủ Thiêm (737ha), khu đô thị cảng Hiệp Phước (3.912ha); khu đô thị Tây Bắc thành phố (6.000ha)…

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của đại diện các cục, vụ, viện của bộ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã ghi nhận những thành quả mà thành phố đã đạt được trong công tác quản lý đô thị. “Trong công tác quản lý đô thị thành phố làm rất tốt, bộ mặt đô thị luôn thay đổi mới hơn, đẹp hơn cùng thời gian. Cụ thể là thành phố đã có quy hoạch chi tiết khu trung tâm hiện hữu (930 ha) để bảo tồn và phát triển. Bộ luôn lấy thành phố làm điển hình”, Thứ trưởng chia sẻ.

Bên cạnh đó Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh còn đóng góp thêm nhiều ý kiến trong công tác quản lý đô thị. Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh về Quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị: Thành phố cần lưu ý xem xét việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch không làm thay đổi định hướng của Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt diện tích dành cho mạng lưới giao thông, không gian mở, các công trình công cộng, đầu mối hạ tầng kỹ thuật phải phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành.

Thành phố cần ưu tiên dành các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho công tác lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết theo Luật Quy hoạch đô thị mới tập trung vào các khu vực có nhu cầu quản lý và phát triển để đảm bảo quy hoạch xây dựng phải đi trước, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm.

Đẩy nhanh và mở rộng công tác thiết kế đô thị cho các trục chính đô thị và các khu trung tâm đô thị, cùng với quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan theo thiết kế đô thị. Các thiết kế đô thị này là các công cụ hết sức cần thiết và hiệu quả trong công tác quản lý đô thị nhằm nâng cao chất lượng cảnh quan đô thị.

Chú trọng vấn đề thích ứng tác động biến đổi khí hậu có tính đa ngành, cần có các giải pháp không gian thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là không gian cây xanh mặt nước, phát huy bản sắc đô thị sông nước. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Cần phải sớm xây dựng Chương trình phát triển đô thị phù hợp với điều kiện thực tế phát triển, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị (thí điểm) nhằm phát triển thành phố một cách bền vững theo đúng quy hoạch và kế hoạch.

Khẩn trương rà soát lại quy hoạch để cập nhật bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn và định hướng phát triển của Thành phố. Đẩy mạnh việc thực hiện các dự án trọng điểm đúng tiến độ và chất lượng. Xây dựng kế hoạch quản lý và hạn chế khai thác nguồn nước ngầm khắc phục tình trạng sụt lún mặt đất.

Cuối cùng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cũng lưu ý thành phố nên có 1 đầu mối tập hợp thông tin của các sở ngành khác, giúp cho công tác trao đổi thông tin giữa Bộ Xây dựng và thành phố được tốt hơn.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)