Dân cư sống nhiều đời trong KDT
KDT thành Cổ Loa nằm trên địa bàn các xã Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ huyện Đông Anh, TP Hà Nội, có diện tích khoảng 840,4ha, được đánh giá là địa bàn đa dạng, đặc sắc với ba hệ giá trị lịch sử - nhân văn – sinh thái hòa quyện.
Trải quan hàng nghìn năm, nhiều di tích thuộc thành Cổ Loa đã mất dấu tích, chỉ có thể tìm thấy thông qua khảo cổ học. Nhiều di tích khác đã bị thiên nhiên và con người làm mờ dấu tích. Hiện KDT thành Cổ Loa còn sót lại 60 hạng mục lớn, nhỏ.
Riêng di tích vòng thành, tổng chiều dài của cả 3 vòng thành là 15,8km, chỉ còn lưu dấu vết khoảng 11,8km, chủ yếu là ở vòng thành Trung và thành Ngoại. Khu vực thành Nội và đoạn giao thoa của 3 vòng thành tại Loa Khẩu đang có nguy cơ mất dần dấu tích.
Theo khảo sát của đơn vị tư vấn, đất nông nghiệp và đất lưu không chiếm 67% diện tích KDT. Dân cư sinh sống nhiều đời trong KDT thành Cổ Loa chiếm khoảng 13% tổng diện tích đất, phân bố dày đặc trong khu vực thành Nội, thành Trung và một phần khu vực thành Ngoại. Dân cư xấm lấn di tích nổi trên mặt đất vào khoảng 275 hộ…
Xác lập vùng, lớp bảo vệ di tích
Theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, đồ án Quy hoạch tổng thể gồm 3 sản phẩm chính là đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 KDT thành Cổ Loa; Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị KDT thành Cổ Loa; Quy chế quản lý đầu tư và bảo tồn, phát huy giá trị KDT thành Cổ Loa.
Đại diện đơn vị tư vấn cho biết, đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 KDT thành Cổ Loa xác lập 3 vùng bảo vệ di tích. Vùng I (bảo vệ nghiêm ngặt) từ hào, thành Ngoại trở vào, ưu tiến tối đa cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phục dựng, khai thác di tích. Vùng II (vùng đệm cảnh quan) từ ranh giới quy hoạch đến hào, thành Ngoại sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực từ đô thị bên ngoài vào khu di tích.
Vùng III (kiếm soát tiếp giáp), khoảng 200m từ ranh giới quy hoạch ra ngoài đối với các KĐT huyện Đông Anh, kiểm soát chiều cao xây dựng công trình trong KĐTM để không lất át chiều cao di tích.
Đối với các di tích đơn lẻ, đồ án quy hoạch xác lập 3 lớp bảo vệ. Trong đó, lớp I, bảo vệ nghiêm ngặt công trình, vật thể di tích. Lớp II, khuôn viên cảnh quan xung quanh di tích. Lớp III, kiểm soát xây dựng, cảnh quan và hoạt động trong phạm vi ảnh hướng của di tích.
Đồ án cũng đề cập đến giải pháp quy hoạch tổng thể về bảo tồn và khai thác không gian lịch sử. Theo đó sẽ thiết lập chiến lược khảo cổ học dài hạn tại KDT Thành Cổ Loa và lập kế hoạch bảo tồn và phục dựng hệ thống thành, hào và tôn tạo các di tích đơn lẻ…
Đồng thời, đồ án cũng đặt ra các giải pháp quy hoạch phát triển không gian sinh thái; phát triển hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng du lịch… và đề xuất khống chế khu dân cư trong KDT ở ngưỡng tối đa là 15.500 người, mật độ trung bình khoảng 145 – 155người/ha, khoảng 240 – 260m2/hộ...
Đồ án cần có sự kế thừa…
Trong chuyến kiểm tra thực địa KDT thành Cổ Loa, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đề nghị đơn vị tư vấn VIUP phải có bản đồ hiện trạng 1/2000 và 1/500 ở một số khu vực trung tâm. Bản đồ phải cập nhật đầy đủ thông tin về hiện trạng quy hoạch không gian làng xóm, di tích, giao thông, không gian cây xanh, mặt nước…
Để có đầy đủ thông tin trên, đơn vị tư vấn phải tiến hành điều tra khảo sát thực địa, kiểm kê nhà cửa kỹ càng. Đây là cơ sở quan trọng để lập quy hoạch này. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và VIUP cần phối hợp kiểm tra lại hiện trạng để cập nhật, bổ sung đầy đủ, khoa học.
Thứ trưởng cũng đề nghị rà soát các quy hoạch đã được duyệt trước đây và hiện đang được triển khai, từ đó xem xét tiếp tục kế thừa những nội dung đã làm tốt, điều chỉnh những nội dung bất hợp lý trong đồ án này. Các nội dung điều chỉnh cần có tính khả thi cho giai đoạn trước mặt và lâu dài.
Đơn cử, ở khu vực Loa Khẩu, cách đây vài năm đã quy hoạch và xây dựng chợ nhưng khách vào mua hàng ít, thành ra người dân vẫn họp chợ ở khu vực cũ và ven đường. Vấn đề này cần được điều chỉnh trong đồ án quy hoạch này. Sẽ là rất lãng phí nếu không khai thác hiệu quả chợ mới xây dựng.
Tương tự, việc di dời nhà dân trên vòng thành Nội cũng vậy. Để phục hồi Họa Hồi và thành Nội thì phải xem xét rất cụ thể. Bản vẽ ít nhất phải thể hiện rõ ở tỷ lệ 1/500.
Hệ thống tuyến đường chính dẫn vào đền, đình, chùa và am Mỵ Châu phải có thiết kế quy hoạch không gian rõ hơn, đặc biệt chú ý về cảnh quan không gian. Đồ án phải làm rõ phương án cải tạo kiến trúc nhà cửa, cây xanh và đề xuất cụ thể hơn các phương án chăm chút cảnh quan cây xanh xung quanh khu vực các di tích kiến trúc…
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn yêu cầu: Các di tích, di sản và công trình kiến trúc truyền thống phải được tu bổ, tôn tạo theo thiết kế được duyệt của cơ quan có thẩm quyền, tránh sử dụng nguồn vốn xã hội hóa mà không được thẩm định và phê duyệt thiết kế.
Các công trình kiến trúc cũ hiện hữu ở khu vực thành Nội và ở lối vào chính thì đồ án cần có đề xuất chỉnh trang. Công trình sẽ xây dựng mới phải được kiểm soát tốt hơn về kiến trúc, tầng cao, mật độ xây dựng…
Cuối cùng, KDT Cổ Loa cần có quy định quản lý để thực hiện xây dựng theo quy hoạch (sau khi được phê duyệt). “Quy hoạch chỉ khả thi khi các nội dung của đồ án bám sát thực tiến, phù hợp với khả năng đầu tư và nhất là có cơ chế quản lý để các cơ quan, cán bộ quản lý và người dân phải thực hiện nghiêm túc. Quy chế quản lý phải được soạn thảo đủ ý, mạch lạc, dễ hiểu...”, Thứ trưởng nói.
Theo : Báo Xây dựng điện tử