Luật Xây dựng hiện hành qua gần 9 năm triển khai đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kể cả trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng cũng như hoạt động xây dựng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện cần phải sửa đổi.
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng việc sửa đổi phải bảo đảm thống nhất các quy định về đầu tư xây dựng, đồng bộ với các luật khác, phù hợp với thông lệ quốc tế, với các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết; thực hiện chương trình cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng và hạn chế thất thoát lãng phí, nâng cao chất lượng công trình và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Luật Xây dựng sửa đổi sẽ điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng sử dụng mọi loại nguồn vốn khác nhau và xuyên suốt toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng. Bao gồm các khâu từ lập quy hoạch xây dựng, lập và quản lý dự án ĐTXD đến khảo sát, thiết kế thi công xây dựng cho đến nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào xây dựng và khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo hiểm công trình.
Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng sửa đổi cũng xử lý mối quan hệ giữa Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công. Theo đó, đối với các dự án đầu tư có xây dựng công trình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thì Luật Xây dựng không điều chỉnh việc phân bổ vốn và quản lý vốn đầu tư mà tập trung điều chỉnh việc lập, thẩm định phê duyệt dự án và các yếu tố đặc thù mang tính kinh tế kỹ thuật chuyên ngành như quy hoạch xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế xây dựng, định mức đơn giá, tổng dự toán…
Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng nên giữ nội dung lựa chọn nhà thầu xây dựng quy định tại dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) thay vì quy định tại Luật Đấu thầu vì Luật Đấu thầu chỉ nên là luật quy định chung còn các nội dung chuyên ngành nên để các luật chuyên ngành quy định. Trách nhiệm về đấu thầu xây dựng nên để Bộ trưởng Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm.
Ông Hùng cũng đề nghị dự án Luật Xây dựng sửa đổi cần có một chương riêng quy định về việc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng; bổ sung thêm các nội dung quy định tại chương Trách nhiệm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của các cơ quan Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng nội dung dự án Luật Xây dựng sửa đổi mới cần bổ sung các điều khoản quy định cụ thể về trách nhiệm của các Bộ quản lý chuyên ngành trong luật. Bởi quy định như vậy nâng cao trách nhiệm của các bộ quản lý chuyên ngành trong theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dự án chuyên ngành.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về việc quản lý đầu tư xây dựng; về quy hoạch xây dựng; về thẩm định dự án đầu tư xây dựng, về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong đầu tư xây dựng.
Dự án luật sẽ được trình Quốc hội khóa XIII thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, diễn ra vào cuối năm 2013 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 sau đó.
Theo : chinhphu.vn