Đại diện nhóm thực hiện Đề tài, ThS. Đoàn Châu Phong - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vinaconex đã báo cáo kết quả thực hiện Đề tài và cho biết trong những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đã và đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, các đô thị, các khu công nghiệp được hình thành và phát triển rộng khắp, do đó, nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng mạnh. Vấn đề nhà ở cho người dân các đô thị lớn nói chung, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp, đang ngày càng nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ và chính quyền các thành phố.
Nhiều nước phát triển trên thế giới có cả một ngành công nghiệp xây dựng nhà ở có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn. Tại Việt Nam, các khu nhà chung cư lắp ghép thấp tầng được xây dựng trong thời kỳ năm 1954-1986 đã chứng minh nước ta cũng có thời kỳ phát triển mạnh nền công nghiệp xây dựng, dù rằng chất lượng các khu nhà ở được xây dựng công nghiệp hóa hàng loạt thời kỳ này chưa cao, xét trên cả khía cạnh chất lượng xây dựng và mặt bằng công năng sử dụng.
Cùng với chương trình phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ, nhiều công nghệ xây dựng mới đã và đang được đưa vào Việt Nam trong thời gian qua nhằm giảm giá thành xây dựng công trình, tăng tiến độ và chất lượng thi công. Tuy nhiên, phần lớn những công nghệ này mới chỉ được nghiên cứu nhỏ lẻ, do đó, việc nghiên cứu đề xuất mô hình công nghiệp hóa xây dựng nhà ở là nhu cầu cấp thiết giúp giải quyết một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay.
Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan về quá trình phát triển của công nghiệp hóa xây dựng nhà ở tại Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới và nghiên cứu sự phát triển của công nghệ xây dựng mới, vật liệu mới, xu hướng thiết kế mới xuất hiện tại Việt Nam trong những năm gần đây, đề tài nghiên cứu và đề xuất mô hình công nghiệp hóa xây dựng nhà ở tại Việt Nam; đưa ra các yêu cầu kỹ thuật phục vụ công tác tư vấn thiết kế, thi công và nghiệm thu mô hình đề xuất; xây dựng khung chương trình đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực tư vấn thiết kế, quản lý thi công, đào tạo công nhân để triển khai mô hình vào thực tế; đề xuất đầu tư công nghệ chế tạo cơ khí, kiểm tra chất lượng sản phẩm… cho đơn vị chế tạo và thi công lắp dựng.
Các báo cáo phản biện và ý kiến của các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao các kết quả trong Báo cáo tổng kết đề tài. Đề tài đã khảo sát, đánh giá được hiện trạng công nghiệp hóa xây dựng nhà ở tại Việt Nam; đã tìm hiểu được các công nghệ lắp ghép trên thế giới, từ đó đề xuất những công nghệ lắp ghép hiện đại phù hợp với điều kiện và khả năng sản xuất trong nước; đã đưa ra được phương pháp thiết kế về kiến trúc, kết cấu theo mô hình công nghiệp hóa lựa chọn; đã tiến hành được thí nghiệm kiểm chứng quy mô và đã xây dựng được khung chương trình đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc triển khai áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, Hội đồng đã góp ý với nhóm tác giả thực hiện đề tài cần bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá khả năng cung ứng trên thị trường; cập nhật lại các TCVN sử dụng trong đề tài và đề cập tới ưu thế về môi trường (tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, đất đai và thân thiện với môi trường).
Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu – TS. Nguyễn Trung Hòa – nhất trí với các ý kiến của các thành viên Hội đồng, và đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài.
Đề tài đã được nghiệm thu với kết quả xếp loại Xuất sắc.
Thu Huyền