5 vấn đề mới cần được nghiên cứu kết hợp với sửa đổi Luật Nhà ở

Thứ tư, 13/11/2013 12:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kết hợp sửa đổi Luật Nhà ở phù hợp với Nghị định 11/2013/NĐ-CP về Quản lý đầu tư phát triển đô thị và Nghị định 15/2013/NĐ-CP về Quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển nhà ở thương mại có quy hoạch và kế hoạch; bổ sung quy định về tài chính nhà ở; quy định lại thời điểm xác định sở hữu nhà ở; quy định sở hữu nhà ở có thời hạn… là những nội dung đang được tiếp tục thảo luận trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, hiện có 5 vấn đề mới cần được nghiên cứu kết hợp với sửa đổi Luật Nhà ở, thay đổi quan điểm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng về các nguồn vốn, phù hợp với các nghị định của Chính phủ, đặc biệt là Nghị định 11/2013/NĐ-CP về Quản lý đầu tư phát triển đô thị và Nghị định 15/2013/NĐ-CP về Quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Vấn đề mới thứ nhất là quan điểm phát triển nhà ở thương mại, cần nhấn mạnh việc phát triển có quy hoạch và kế hoạch. Thẩm quyền của địa phương và của trung ương phải được quy định rõ ràng và khớp với nhau.

Vấn đề mới thứ 2 là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung thêm một chương mới Tài chính nhà ở, trong đó có quy định dư nợ các ngân hàng cho vay...

Vấn đề mới thứ ba là quy định mới về thời điểm sở hữu nhà ở. Đây được cho là vấn đề mới khá phức tạp, dễ gây rắc rối, tranh chấp. Theo Luật Nhà ở trước đây, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà và bàn giao nhà được coi là thời điểm khách hàng thanh toán hết tiền. Chủ đầu tư (CĐT) dự án khi thu toàn bộ tiền của người mua, theo luật pháp giao nhà xong hết nghĩa vụ.

Nhưng Luật Nhà ở lại quy định trách nhiệm làm sổ đỏ lại là trách nhiệm của CĐT nên có tình trạng phổ biến là mua nhà vào ở 5 năm nhưng vẫn không có giấy tờ, không được mua bán hoặc người mua mới nộp 20% tiền nhà được mua bán, còn nộp 100% thì không được mua bán.

Vì vậy, cần thống nhất và đưa vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định lại thời điểm sở hữu nhà là thời điểm ràng buộc trách nhiệm của CĐT trong việc hoàn thành nghĩa vụ của mình (làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất), đồng thời mở rộng cơ hội cho người mua được giao dịch tiếp. CĐT chỉ được thanh toán đến thời điểm giao nhà khoảng 90- 95%, phần còn lại sẽ được nộp nốt khi bàn giao xong giấy chứng nhận.

Điểm mới thứ 4 trong Luật Nhà ở (sửa đổi) là quy định khái niệm mới về sở hữu nhà có thời hạn, phù hợp với Luật Đất đai… Quy định này sẽ đảm bảo được việc quản lý các khối tài sản chung, tiền đất được tính có thời hạn và sẽ rẻ hơn, kéo giá BĐS giảm xuống.

Vấn đề mới thứ 5 là phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Trước đây, Luật Nhà ở ghi rất chung chung, NƠXH là nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, có mục ghi nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế và người dân tham gia vào nhưng không có quy định cụ thể.

Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dựa trên nghị định đang xây dựng, cụ thể hóa hơn các vấn đề lựa chọn CĐT, quy hoạch, hình thức hỗ trợ, quy định số dư nợ các ngân hàng thương mại, thành phần đối tượng...

Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã đề cập đến vấn đề nhà ở đang hình thành trong tương lai phải có hợp đồng bảo lãnh tín dụng của tổ chức tín dụng; nguyên tắc phát triển BĐS, bảo hiểm nhà ở (chống cháy, nổ)…

Ngoài ra, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có thêm một chương mới về nhà chung cư, trong đó quy định rõ phát triển nhà ở chung cư có hai loại: Loại là nhà ở có thời hạn và nhà ở không có thời hạn.

Tùy theo điều kiện cụ thể mà chính quyền địa phương quy định khu vực phát triển nhà ở có thời hạn và khu vực phát triển nhà ở không có thời hạn, sau khi thống nhất với cơ quan quản lý nhà nước của trung ương về nhà ở.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Quan điểm phát triển nhà ở của Luật Nhà ở (sửa đổi) dựa trên cơ sở quan điểm cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cụ thể hóa các loại hình nhà ở, trong đó có loại hình NƠXH, nhà ở sở hữu nhà nước, nhà tái định cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở để nghỉ dưỡng (làm nhà trong khu nghỉ dưỡng) và được kinh doanh cho thuê theo quy định của pháp luật.

Hiện đã có quy định được dùng nhà ở để làm những việc gì và không được làm việc gì. Nhà ở muốn sử dụng vào mục đích khác phải tuân thủ các điều kiện, phù hợp với các quy hoạch ngành, quyết định của chính quyền địa phương, quy định pháp luật. Vì vậy, cần phải phân loại nhiều loại hình nhà ở để có nhiều biện pháp quản lý khác nhau, thể hiện quan điểm phát triển BĐS phải theo quy hoạch, kế hoạch (đã được thể hiện trong Nghị định 11/2013/NĐ-CP nay được cụ thể hóa và nâng lên một bước thành luật).

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung các điều khoản và lấy ý kiến đóng góp cho Luật Nhà ở (sửa đổi) trong thời gian tới.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)