Thuỷ điện Sơn La chuẩn bị tích nước hồ vào đầu tháng 5

Thứ năm, 08/04/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 8/4/2010, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng nghiệm thu nhà nước công trình nhà máy thuỷ điện Sơn La đã tổ chức cuộc họp với Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công của dự án, tổ chuyên gia giúp việc cho Hội đồng để thảo luận về những vấn đề có liên quan đến điều kiện tích nước hồ chứa vào đầu tháng 5/2010, bao gồm mô tả và đánh giá kết quả quan trắc các vết nứt bê tông RCC (bê tông đầm lăn) và bê tông CVC (bê tông đầm rung truyền thống) , phương pháp xử lý các vết nứt, đánh giá ảnh hưởng của các vết nứt và biện pháp xử lý đối với sự ổn định và an toàn của đập. GS.TSKH Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng đã chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án, việc mô tả các vết nứt đã được các đơn vị trên công trường thực hiện ngay sau khi phát hiện vết nứt, bao gồm vị trí xuất hiện, độ dài và độ rộng khe nứt trên bề mặt. Các vết nứt đã được mã hoá. Sau khi phát hiện và mô tả các vết nứt, trên công trường đã tiến hành khoan khảo sát xác định chiều sâu vết nứt với 27 lỗ khoan tương ứng trên 188 md khoan tại các vết nứt bề mặt. Kết quả nõn khoan khảo sát cho thấy các vết nứt có độ sâu phổ biến từ 4-6m, độ sâu vết nứt phát hiện lớn nhất tại bề mặt khối C5 là 9,6m tính từ bề mặt khoan.

Ban Quản lý dự án đã tiến hành lắp đặt các thiết bị quan trắc vết nứt theo đề cương phê duyệt có số liệu báo cáo hàng tháng, các số liệu được cập nhật thường xuyên và gửi cho Tư vấn thiết kế phân tích đánh giá.

Kết quả quan trắc độ mở vết nứt bê tông RCC và CVC thực hiện từ ngày 16/02/2009 đến 02/4/2010 cho thấy, đối với bê tông RCC, độ mở vết nứt diễn biến theo chu kỳ tương ứng các mùa trong năm và chịu ảnh hưởng của nhiệt độ bê tông trong thân đập. Vết nứt có bề mặt tiếp xúc trực tiếp với môi trường có độ mở dao động theo nhiệt độ môi trường, qua chu kỳ 01 năm cho thấy bề rộng vết nứt nhỏ hơn so với bề rộng vết nứt tại thời điểm phát hiện. Đối với các vết nứt có bề mặt nằm trong thân đập, theo số liệu quan trắc nhận thấy độ mở của tất cả các vết nứt quan trắc có xu hướng khép lại theo thời gian. Đối với các vết nứt thuộc bê tông CVC, diễn biến độ mở cũng tương ứng với nhiệt độ các mùa trong năm.

Để xử lý khắc phục các vết nứt, qua thí nghiệm trong phòng về khả năng bám dính, khả năng chống thấm với các mẫu bê tông có bề mặt khe nứt bão hoà bằng biện pháp bơm keo epoxy và thí nghiệm hiện trường lấy nõn khoan để phân tích cho thấy phương pháp bơm keo vào vết nứt bê tông CVC đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Trên cơ sở các kết quả thử nghiệm, đơn vị thi công đã lập hồ sơ thiết kế biện pháp xử lý các vết nứt và được Ban Quản lý dự án phê duyệt. Đến ngày 5/4/2010 đã xử lý xong các vết nứt ở dốc nước khoang tràn số 2, Block 27 thuộc đập không tràn, mặt thượng lưu hành lang 138m khu vực cửa nhận nước. Công việc xử lý vết nứt bê tông CVC liên quan đến tích nước hồ đang  được tiến hành khẩn trương và dự kiến hoàn thành trước 30/4/2010.

Đối với các vết nứt bê tông RCC mới phát hiện từ ngày 10/03/2010, trong đó có 7 vết nứt ở mặt thượng lưu hành lang và 7 vết nứt phía hạ lưu có bề rộng từ 0,2-0,5mm, công trường đã thực hiện thí nghiệm bơm keo epoxy E500 -Pentens, keo PU 169 -Pentens vào hai vị trí vết nứt tại hạ lưu của hành lang 180. Quan sát nõn khoan có chiều sâu 1m tại 2 vết nứt đã xử lý cho thấy khả năng thâm nhập và điền đầy vào khen nứt của những vết nứt có độ mở lớn hơn 0,5mm của 2 vật liệu bơm là như nhau, đối với những vết nứt nhỏ hơn, dưới 0,5mm, khả năng thâm nhập và điền đầy của keo PU kém hơn so với keo epoxy.

Theo đánh giá của Tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và đơn vị thi công, tuy không gây ảnh hưởng đến độ ổn định và an toàn của đập nhưng các vết nứt nói trên cần được xử lý chống thấm trước khi hồ tích nước.

Theo ý kiến các chuyên gia của Hội đồng, biện pháp khoan phụt keo để xử lý các vết nứt là cần thiết, tuy nhiên việc lựa chọn loại keo cũng như xây dựng quy trình thi công, nghiệm thu cho các biện pháp khắc phục là cần thiết, để có cơ sở cho công tác nghiệm thu. Bên cạnh đó, để hạn chế khả năng đập bị thấm, nên sử dụng lớp sơn phủ trên bề mặt đập ở phía thượng lưu sẽ đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên trước khi áp dụng sơn phủ cần phải có các thí nghiệm cần thiết.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Văn Liên đã đề nghị Ban Quản lý dự án hoàn chỉnh hồ sơ, sơ đồ mô tả các vết nứt đã phát hiện được, hoàn thiện quy trình xử lý vết nứt và quy trình kiểm tra, nghiệm thu công tác xử lý vết nứt, tiến hành khoan nõn một số vị trí trên đập RCC để thí nghiệm khẳng định về cường độ bê tông đảm bảo yêu cầu thiết kế ... để Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu cho phép tích nước hồ vào tháng 5/2010.

Minh Tuấn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)