Nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu công nghệ tái chế cao su phế thải làm nhiên liệu lỏng"

Thứ hai, 01/06/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tái chế, sử dụng nguồn phế thải để sản xuất ra các sản phẩm có ích cho xã hội là một trong những giải pháp tối ưu nhất để giảm thiểu lượng chất thải, tạo ra các sản phẩm giá thành thấp góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên của quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Trên thế giới nhiều nước đã nghiên cứu tái sử dụng lốp xe phế thải thành nhiên liệu đốt trong các lò nung sản xuất clinke xi măng, thành cốt liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Việc tái chế cao su phế thải tại Việt Nam nói chung chưa có những công nghệ tái chế ở trình độ cao có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế và ý nghĩa môi trường lớn. Hầu hết lượng cao su phế thải của Việt Nam chỉ được thu gom và xuất sang Trung Quốc với giá cả không định. Trong khi đó thì nhu cầu năng lượng của nước ta ngày càng tăng. Do đó việc nghiên cứu chuyển hoá lượng cao su phế thải thành nhiên liệu lỏng vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên lại càng trở nên bức thiết hơn.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Vật liệu xây dựng chủ trì hiện đề tài "Nghiên cứu công nghệ tái chế cao su phế thải làm nhiên liệu lỏng" nhằm mục tiêu nghiên cứu công nghệ xử lý, tái chế cao su phế thải thành nhiên liệu lỏng để đốt cho lò nung VLXD, tạo ra nguồn nhiên liệu mới từ phế thải nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Ngày 29/05/2009, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng KHCN chuyên ngành đã tiến hành nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu công nghệ tái chế cao su phế thải làm nhiên liệu lỏng" do TS. Mai Ngọc Tâm thuộc Viện Vật liệu xây dựng chủ trì thực hiện.

Nhóm đề tài đã điều tra khảo sát thu thập thông tin về nguồn lốp cao su phế thải trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; nghiên cứu các giải pháp xử lý nguyên liệu cho quá trình nhiệt phân cao su phế thải thành nhiên liệu lỏng; nghiên cứu lựa chọn những điều kiện tối ưu để nhiệt phân Cracking cao su thành nhiên liệu lỏng (như điều kiện nhiệt độ, áp suất, thời gian nhiệt phân...); nghiên cứu các giải pháp bảo vệ môi trường và ngăn ngừa ô nhiễm của quá trình nhiệt phân cao su phế thải thành nhiên liệu lỏng; nghiên cứu thành phần hoá học của sản phẩm nhiệt phân cao su phế thải; nghiên cứu các tính chất của sản phẩm nhiệt phân như chỉ số nhiệt năng, độ bốc hơi, độ bắt cháy... so sánh với dầu FO; nghiên cứu sử dụng dầu nhiệt phân để đốt trong các lò nung VLXD như lò con thoi, lò nấu thuỷ tinh, lò nung gạch...; chế tạo thử nghiệm 2 tấn dầu.

Việc nghiên cứu nhiệt phân cao su phế thải làm nhiên liệu lỏng đạt hiệu suất cao (hiệu suất dầu từ 38 - 40%) và dầu nhiệt phân là loại chất đốt nhiệt trị cao hơn 10.000Kcal/kg đã mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường cho xã hội.

Hội đồng Khoa học công nghệ chuyên ngành Bộ Xây dựng đã đánh giá cao tính khoa học và thực tiễn của đề tài và nhất trí xếp loại xuất sắc.

 

Minh Tâm
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)