Ngành Xây dựng: Chủ động vượt khó

Thứ ba, 02/12/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“Mặc dù thời gian qua nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, ngành Xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự phấn đấu bền bỉ, sự chỉ đạo nhanh nhạy, Ngành đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần tăng trưởng chung của nền kinh tế, ổn định chính trị”. Đó là nhận xét được các vị đại biểu nhất trí cao trong Hội nghị báo cáo giữa nhiệm kỳ đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2006 - 2010 của ngành Xây dựng do đồng chí Nguyễn Hồng Quân - Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì ngày 27/11/2008, tại Hà Nội.


Các DN ngành Xây dựng đã tập trung cao độ
hoàn thành nhiều công trình trọng điểm.nh: MT

Cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện

Thảo luận tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đều cho rằng: Hệ thống cơ chế chính sách đã được hoàn thiện hơn, phủ kín các lĩnh vực thuộc quản lý của Ngành tạo điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phân cấp mạnh hơn, làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành và chủ thể tham gia đầu tư xây dựng; giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo động lực thúc đẩy đầu tư, phát triển thị trường xây dựng. Đại diện Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Điệp khẳng định: “Đến nay, văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng đã tương đối hoàn thiện, cơ chế chính sách có nhiều bước đột phá. Thời gian qua, 6 bộ có tất cả 60 đề án thì Bộ Xây dựng đã chiếm 30 đề án. Điều đó chứng tỏ Bộ đã làm việc tích cực với cường độ cao và  hiệu quả”.

Hoàn thành quy hoạch của  9 chuyên ngành sản xuất VLXD, 23 tỉnh hoàn thành việc lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển VLXD đến năm 2020, 6 tỉnh đang tiến hành lập. Bộ đang chỉ đạo triển khai dự án Quy hoạch tổng thể ngành Công nghiệp VLXD Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch khoáng sản làm VLXD và Quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng. Thị trường xi măng bình ổn. Năm 2006, toàn ngành sản xuất được 32,35 triệu tấn, năm 2007 đạt 36 triệu tấn, năm 2008 ước đạt 40,5 triệu tấn và dự kiến năm 2009 sẽ đạt 50 triệu tấn (hoàn thành vượt mức mục tiêu kê hoạch đề ra).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đánh giá cao những đổi mới tư duy trong công tác quản lý Nhà nước toàn Ngành, trên tất cả các lĩnh vực như: Phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội, thị trường BĐS… Đặc biệt, quản lý thị trường BĐS là lĩnh vực mới, nhưng Bộ đã chủ động hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như: Soạn thảo Luật Kinh doanh BĐS, Nghị định số 153/2007/NĐ-CP và ban hành các thông tư, quyết định tạo cơ sở hành lang pháp lý cho lĩnh vực này. 

Các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các hoạt động xây dựng (bao gồm công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, công tác cấp phép xây dựng và chứng chỉ hành nghề xây dựng, quản lý chất lượng công trình, kinh tế xây dựng, thanh tra kiểm tra), quản lý phát triển VLXD cũng được ban hành, triển khai sâu rộng.

Cơ chế chính sách về nhà ở đã bám sát chủ trương xã hội hoá, xoá bỏ bao cấp, khuyến khích tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tự tạo lập nhà ở, vì vậy diện tích nhà ở tăng, riêng trong 3 năm 2006 - 2008 tổng diện tích nhà ở xây mới ước đạt 1.021,7 triệu m2, bình quân 12m2 sàn/người (đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2008), chất lượng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Doanh nghiệp tự “giải cứu”

Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, các DN trong Ngành đã nỗ lực “tự giải cứu”, bước đầu vượt khó thành công. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng của các DN thuộc Bộ được duy trì năm sau cao hơn năm trước, kết quả giá trị SXKD trong 2 năm 2006, 2007 và ước thực hiện năm 2008 đạt 259.750.968 triệu đồng, bằng 108,3% kế hoạch đề ra, đạt 53,1% chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006 - 2010; tổng giá trị đầu tư đạt 75.229.817 triệu đồng, đạt 97% kế hoạch đề ra trong 3 năm và  đạt 41,7% kế hoạch 5 năm; trung bình mỗi năm các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đăng ký thực hiện khoảng 500 dự án.

Công tác sắp xếp đổi mới DN  bước đầu đã tạo ra mô hình quản lý mới, phù hợp với cơ chế thị trường, giúp DN tập trung nguồn lực để phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tiếp cận nhanh với công nghệ mới. Đến nay, Bộ đã hoàn thành việc xây dựng kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức hoạt động của 3 Viện, hoàn thành chuyển 13 TCty sang mô hình Cty mẹ - Cty con, tổ chức lại 14 Cty độc lập để hình thành 2 TCty hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con, hoàn thành CPH thí điểm 1 TCty Nhà nước, triển khai thực hiện CPH 9/15 TCty, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt Đề án thành lập 3 Tập đoàn kinh tế và hiện đang triển khai nghiên cứu xây dựng 2 Đề án thành lập tập đoàn. Năng lực quản lý, kể cả quản lý hợp đồng tổng thầu EPC, quản lý đầu tư theo hình thức BOT, BT, BOO của nhiều DN đã có bước tiến vượt bậc, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, tư vấn, thi công nhiều công trình có quy mô lớn, hiện đại.

Cần hợp lực để cạnh tranh

 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Một số chính sách mới chưa thực sự đi vào cuộc sống, hành lang pháp lý trong một số lĩnh vực chưa đầy đủ và đồng bộ; việc lập, điều chỉnh quy hoạch tại một số đô thị còn chậm; cung cầu về nhà ở, nhất là tại các đô thị lớn chưa cân đối, chương trình phát triển nhà ở xã hội còn chậm triển khai. Vấn đề hạ tầng kỹ thuật đô thị như: Cấp thoát nước, ô nhiễm môi trường còn nhiều tồn tại; công tác cấp phép xây dựng tạm và nhà ở nông thôn chưa được đẩy mạnh; năng lực, sức cạnh tranh của các tổ chức tư vấn còn hạn chế, nguồn nhân lực tại địa phương còn thiếu và yếu… Sự biến động về giá cả, đặc biệt là giá nguyên vật liệu, cùng với sự tăng cao của lãi suất ngân hàng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà thầu xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều DN xây lắp còn hạn chế về khả năng cạnh tranh cũng như quản lý, thi công các dự án lớn áp dụng công nghệ mới, kỹ thuật phức tạp.

Lắng nghe ý kiến của các đơn vị, DN, địa phương, Bộ trưởng chỉ đạ Nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, nền kinh tế trong nước đang có dấu hiệu chuyển từ lạm phát sang thiểu phát. Các DN cần nắm thông tin để có thái độ và phản ứng phù hợp, phải có trách nhiệm và cần chủ động, phân tích đưa ra những chiến lược đúng đắn. “Bản thân mỗi DN là một cỗ máy, cỗ máy dừng lại là chết, nên DN phải chủ động vượt khó. Về mặt quản lý Nhà nước, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong khuôn khổ pháp lý, lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Trung ương thì Trung ương làm, thuộc thẩm quyền của địa phương thì địa phương phải làm. Trong quá trình thực hiện, còn gặp thiếu  vướng mắc gì thì địa phương và các đơn vị cần có đề suất cụ thể.” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2006 - 2010:

1. Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung và xây dựng đồng bộ, đầy đủ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ.

2. Triển khai rộng rãi đến các ngành, các địa phương, hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, hệ thống tiêu chuẩn đã được ban hành.

3. Tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác lập quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Mục tiêu đến năm 2010 đạt 50% các xã có quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Nghiên cứu cơ chế huy động nhiều nguồn vốn, thực hiện xã hội hoá trong công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị và nhà ở.

4. Tiếp tục cải cách hành chính trong toàn Ngành từ Bộ đến các sở, các DN, đơn vị trọng tâm là thủ tục hành chính.

5. Phấn đấu đến năm 2010 hoàn thành CPH 15 TCty; hoàn thành trình và triển khai thực hiện Đề án thành lập 5 Tập đoàn kinh tế sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

6. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và quản lý hoạt động các đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP.

7. Tiếp tục kiện toàn lực lượng Thanh tra xây dựng; tăng cường thanh tra kiểm tra, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng công trình, nhất là chất lượng công trình xây dựng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong xây dựng.

8. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong Ngành vững mạnh...


Theo Báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)