Bộ Xây dựng đã có công văn 857/BXD-HĐXD 9/5, gửi Văn phòng Chính phủ về việc thành lập Ban quản lý dự án xây dựng nội dung trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Ban quản lý dự án Bảo tồn phát huy giá trị di tích 18 Hoàng Diệu như sau:
1. Về đề nghị thành lập Ban quản lý dự án xây dựng nội dung trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Căn cứ Quyết định số 281/2006/QĐ-TTg ngày 19/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì "Bộ Xây dựng được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chịu trách nhiệm toàn bộ về việc xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm về yêu cầu, nội dung chuyên môn của dự án, nội dung trưng bày, hình thức trưng bày, tổ chức trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; tổ chức sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật mới, đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ để nhận bàn giao quản lý sử dụng công trình khi hoàn thành".
Theo nội dung văn bản số 48/TB-VPCP ngày 19/3/2007 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, giao cho Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức, nhân sự và Quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án, nhằm đảm bảo tốt sự phối hợp đồng bộ giữa nhiệm vụ xây dựng và nội dung chuyên môn của Bảo tàng; nghiên cứu kỹ các hồ sơ đã có để chuẩn bị kỹ các nhiệm vụ liên quan.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn thiện dự thảo thiết kế nội dung Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; xây dựng kế hoạch chi tiết về sưu tầm, bổ sung tài liệu hiện vật mới để trưng bày và đào tạo cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý khi Bảo tàng đi vào hoạt động; thành lập Hội đồng Khoa học và Ban Điều hành trưng bày Bảo tàng.
Theo văn bản 274/TB-VPCP ngày 28/12/2007 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là: không thành lập dự án riêng về trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; tất cả các nội dung chuyên môn và nhu cầu kinh phí kèm theo như sưu tầm, đào tạo… Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lập dự toán trong tổng mức đầu tư của dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Cơ chế chi tiêu do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Xây dựng quyết định.
Như vậy, việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị thành lập Ban quản lý dự án xây dựng nội dung trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là không cần thiết, vừa không phù hợp với các quy định của Luật Xây dựng vừa không đúng với nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản trên.
Đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ động triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời căn cứ vào yêu cầu, tính chất và nội dung trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cử cán bộ chuyên gia có chuyên môn và năng lực, có số lượng phù hợp bổ sung vào Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; phối hợp với Bộ Xây dựng kiện toàn tổ chức và nhân sự, quy định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ phận để Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia đủ năng lực quản lý thực hiện dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng.
2. Về đề nghị thành lập Ban quản lý dự án Bảo tồn phát huy giá trị di tích 18 Hoàng Diệu:
Căn cứ nội dung văn bản số 265/TB-VPCP ngày 19/12/2007 của Văn phòng Chính phủ Thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội thì Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới quản lý dự án gồm toàn bộ các công việc: xây dựng Nhà Quốc hội và cảnh quan khuôn viên lô D, đường Bắc Sơn, mở rộng đường Độc Lập, cải tạo đường Hoàng Văn Thụ và các dự án thành phần: Dự án Khảo cổ Khu Di tích Hoàng Thành do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì, Dự án bảo tồn Di tích 18 Hoàng Diệu do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì.
Bộ Xây dựng chỉ đạo Ban quản lý dự án xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ xây dựng và hoàn thành đồng bộ tất cả các công việc trên.
Như vậy, Dự án bảo tồn Di tích 18 Hoàng Diệu là một dự án thành phần của Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội, do đó việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị thành lập Ban quản lý dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích 18 Hoàng Diệu là không phù hợp với quy định của Luật Xây dựng và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản nêu trên.
Trung tâm Tin học
Toàn văn công văn 857/BXD-HĐXD