TP. Hà Nội đã có 1.720 TTHC đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, góp phần mang lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ phận một cửa huyện Đông Anh. Ảnh Hòa An
Theo Văn phòng UBND TP. Hà Nội, về nhiệm vụ thực hiện cải cách hành chính quý III/2020, Đoàn kiểm tra của Thành phố đã kết hợp kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất không báo trước đối với 26 cơ quan, đơn vị Thành phố, trong đó kiểm tra chuyên đề về nội dung chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đối với 12 xã, phường, thị trấn thuộc 6 quận, huyện; kiểm tra CCHC tại quận, huyện và các xã, phường, thị trấn trực thuộc 14 đơn vị…
Kết quả kiểm tra cho thấy việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của công dân, tổ chức; việc tiếp công dân được duy trì ổn định; không có phản ánh kiến nghị về thái độ ứng xử không phù hợp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra cơ bản chấp hành nghiêm chỉnh thời gian làm việc theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra đều có lịch phân công cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức và người lao động làm việc luân phiên trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhằm đảm bảo giải quyết hồ sơ cá nhân, tổ chức theo yêu cầu công việc, phù hợp với yêu cầu chống Covid-19 trong giai đoạn mới.
Đến hết tháng 8/2020, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính thuộc Thành phố là 1.813 TTHC. Tổng số TTHC đủ điều kiện để triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 của Thành phố là 1.720 TTHC; tổng số DVCTT mức 3, 4 của Thành phố đang cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là: 1.671/1.720 TTHC. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là: 1227 TTHC; mức độ 4 là 444 TTHC.
Việc giải quyết hồ sơ TTHC, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên Thành phố thực hiện tập trung tại hệ thống một cửa điện tử Thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế).
Công tác cải cách thể chế tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thành phố. UBND Thành phố đã ban hành một số VBQPPL liên quan phát triển kinh tế, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng; tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo sự đột phá về thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; tư vấn, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Thành phố tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Kết quả, đã sáp nhập Ban Quản lý dự án (quy hoạch kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp; sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giảm từ 21 trường còn 10 trường, giảm 11 trường (đạt tỷ lệ 52,4%), phương án sắp xếp các cơ sở bảo trợ xã hội (từ 12 cơ sở còn 5 cơ sở, giảm 07 cơ sở, tỷ lệ 58,3%).
Bên cạnh đó, sắp xếp, chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đổi tên và quy định lại chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn từ Trung tâm Vận chuyển cấp cứu Hà Nội sang Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội; bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hà Nội.
Thành phố cũng đã ban hành các Quyết định thông qua phương án đơn giản hóa TTHC, công bố Danh mục TTHC, các quy trình giải quyết nội bộ TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế trên một số lĩnh vực: Ngoại vụ, Văn hóa và Thể thao, Giao thông Vận Tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.