Những chuyển biến tích cực trong công cuộc xây dựng chính phủ điện tử
Từ những năm 2000, Đảng và Nhà nước đã chủ trương đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới.
Nhiều chính sách đã được đưa ra, nổi bật là Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 “triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực.”
Chính phủ Việt Nam đã xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.
Năm 2015, lần đầu tiên Chính phủ có Nghị quyết tập trung về Chính phủ điện tử - Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 - với kỳ vọng nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước; đáp ứng, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; thúc đẩy cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế khi nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chính phủ Việt Nam đã xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.
Với những chính sách mới kể trên, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam những năm vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc về phát triển Chính phủ điện tử, liên tiếp trong 4 kỳ đánh giá từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đều tăng hạng. Hiện Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á.
Chỉ số EGDI được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần: Chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII); Chỉ số Nguồn nhân lực (HCI); Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI).
Theo báo cáo, vị trí xếp hạng về các chỉ số thành phần của Việt Nam năm 2020 có sự thay đổi tương đối lớn. Chỉ số Hạ tầng viễn thông tăng mạnh, xếp thứ 69, tăng 31 bậc so với năm 2018; Chỉ số Nguồn nhân lực xếp thứ 117, tăng 3 bậc so với năm 2018; Chỉ số Dịch vụ trực tuyến xếp thứ 81, bị giảm 22 bậc so với năm 2018, xếp thứ 59).
Hiện nay một số hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử đã được đưa vào vận hành, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Văn phòng Chính phủ, đến nay, hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) - vận hành từ ngày 24/6/2019 - đã giúp quản lý đồng bộ, đầy đủ các phiên họp của Chính phủ, thực hiện biểu quyết điện tử, lấy ý kiến thành viên Chính phủ trên môi trường mạng được nhanh chóng, hiệu quả.
Cùng với đó, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ ra mắt từ ngày 13/3/2020, đã kết nối 16 bộ, cơ quan với 20 chế độ báo cáo và 88/200 chỉ tiêu kinh tế-xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Khi điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối qua Hệ thống, ước tính tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước 460 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau 8 tháng hoạt động, đến ngày 6-8, đã tích hợp, cung cấp 990 dịch vụ công trực tuyến; hơn 55,6 triệu lượt truy cập, trên 213.000 tài khoản đăng ký, hơn 13,4 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 253.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến; tiếp nhận, hỗ trợ trên 21.400 cuộc gọi, hơn 7,4 nghìn phản ánh kiến nghị.
Ước tính tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm.
Giao diện Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Đến nay, hầu hết các bộ, cơ quan đã thực hiện kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Nhiều đơn vị đã áp dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử, như Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc.
Các bộ, cơ quan cũng đã triển khai kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Y tế và Bộ Thông tin Truyền thông đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và nếu nhân rộng mô hình thành công này, thời gian tới sẽ có nhiều bộ, ngành, địa phương đạt được chỉ tiêu tương tự. Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện, tích hợp, cung cấp nhiều dịch vụ công thiết yếu, các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp (129 dịch vụ công) có số lượng lớn hồ sơ phát sinh đồng bộ trạng thái (hơn 580.000 hồ sơ).
Về tình hình triển khai cải cách thủ tục hành chính, các bộ, cơ quan đã thực hiện tốt việc đánh giá tác động, rà soát, công bố, công khai thủ tục hành chính. Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành cũng được các bộ quan tâm thực hiện.
Mới đây, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định Chính phủ số là một trong ba trụ cột lớn, cùng với kinh tế số và xã hội số.
Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Chính phủ điện tử quốc gia và các đại biểu trải nghiệm dịch vụ công quốc gia qua việc bấm biển số tại Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể.
Trong đó, về phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 của Chương trình là 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, các mục tiêu đến năm 2025 là đưa kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.
Cán bộ Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Tĩnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh minh họa: Hoàng Ngà/TTXVN)
Cùng với đó, Chương trình cũng hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Công nghệ thông tin (IDI), nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI) và thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).
Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã xác định năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, coi chuyển đổi số là cơ hội để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025. Hiện Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hiến kế đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính phủ điện tử
Việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam ở một số ngành, lĩnh vực đã có những chuyển động đáng mừng, tuy nhiên để tiếp cận với tầm cao thế giới, Việt Nam cần có những nỗ lực không nhỏ.
Họp báo công bố việc tích hợp thêm 6 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025 Việt Nam có tên trong Top 4 quốc gia hàng đầu về Chính phủ điện tử tại Đông Nam Á và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu thế giới về Chính phủ điện tử.
Để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia, Việt Nam còn có rất nhiều việc cần thực hiện, cần lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế để hoàn thiện lộ trình, lựa chọn giải pháp thích hợp với Việt Nam.
Năm 2019, phát biểu tại Hội nghị “Spring Meetings 2019” do Ngân hàng Thế giới tổ chức (WB) về Quản trị số, phát triển Chính phủ số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, bài học lớn nhất được rút ra là phải triển khai đồng thời cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ (BPR) và ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, minh bạch thông tin, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025 có tên trong Top 4 quốc gia hàng đầu về Chính phủ điện tử tại Đông Nam Á và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu thế giới về Chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, người đứng đầu các Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp mới tạo yếu tố quyết định thành công.
Ngoài ra cần phải có chiến lược quản lý thay để thay đổi thói quen làm việc từ giấy tờ truyền thống sang môi trường điện tử. Do vậy cần thiết phải triển khai song song việc đào tạo, tập huấn và tạo áp lực từ trên xuống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng, Chủ nghiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký sổ văn bản điện tử. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Bên cạnh các chiến lược, định hướng cụ thể, hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử là một trong những sự kiện lớn, góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Năm 2020 ghi dấu cột mốc tròn 15 năm sự kiện hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử được tổ chức.
Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 sẽ diễn ra ngày 17/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số - Mô hình và giải pháp công nghệ.”
Tại hội thảo, các lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh, thành phố cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng thảo luận, đề xuất mô hình, lộ trình và giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử Cổng dịch vụ công quốc gia hướng tới hình thành Chính phủ số.
Đại diện Ban tổ chức cho biết phiên báo cáo chính sẽ tập trung giới thiệu mô hình, lộ trình và giải pháp công nghệ nhằm phát triển Cổng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ số, với các tham luận của đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ Thông tin Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam, việc tiếp tục tổ chức hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử là để làm sao tạo ra chuyển biến trong trong nhận thức, nhất là nhận thức của những người đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử./.
Hệ thống trang thiết bị hiện đại tại một trung tâm phục vụ hành chính công. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)