Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần tập trung nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công và đưa An Giang nằm trong nhóm các tỉnh, thành đạt điểm cao nhất.
Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tại hội nghị “Phân tích kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (Chỉ số PAPI) tỉnh An Giang năm 2019,” do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức ngày 22/7.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh An Giang, năm 2019, Chỉ số PAPI tỉnh An Giang đạt 44,37 điểm, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 4 bậc so với năm 2018; nằm trong nhóm các tỉnh, thành đạt điểm trung bình cao, xếp hạng 5/13 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Có 3/8 chỉ số thành phần PAPI tăng điểm so với năm 2018 như cung ứng dịch vụ công, thủ tục hành chính công và quản trị điện tử; có 5/8 chỉ số nội dung giảm điểm so với năm 2018 như tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, kiểm soát tham nhũng ở khu vực công, trách nhiệm giải trình với người dân và quản trị môi trường.
So với kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI năm 2019, An Giang có 2/6 chỉ số nội dung đạt và vượt kế hoạch đề ra như chỉ số cung ứng dịch vụ công đạt 7,8 điểm, vượt 0,1 điểm và thủ tục hành chính công đạt 7,58 điểm, vượt 0,28 điểm; có 4/6 chỉ số nội dung không đạt và thấp hơn kế hoạch đề ra như chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân, công khai minh bạch và kiểm soát tham nhũng ở khu vực công.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang Trương Long Hồ cho biết: Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện cả 8 nội dung đánh giá của Chỉ số PAPI tỉnh An Giang năm 2019 đạt được nhiều kết quả tích cực, thứ hạng tiếp tục được cải thiện qua từng năm.
An Giang vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành đạt điểm trung bình cao và có những chỉ số nội dung đạt điểm số thuộc nhóm các tỉnh, thành đạt điểm cao nhất như: cung ứng dịch vụ công, thủ tục hành chính công và quản trị môi trường.
Những năm tới, An Giang sẽ quan tâm cải thiện các chỉ số nội dung có điểm số thuộc nhóm các tỉnh, thành đạt điểm thấp nhất và điểm trung bình thấp như: trách nhiệm giải trình với người dân, tham gia của người dân ở cấp cơ sở và quản trị điện tử.
Để nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đề nghị các sở, ngành có liên quan tăng cường nghiên cứu, đề ra các giải pháp cải thiện 5 chỉ số nội dung được công bố trong Chỉ số PAPI năm 2019 bị mất điểm với năm 2018.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn An Giang tập trung nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự quản lý, điều hành của chính quyền, nhất là cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, khóm, ấp trên địa bàn tỉnh.
Tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2019. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục bám sát, triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh An Giang đến năm 2020 và kế hoạch năm 2020.
Trong đó, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nâng cao kết quả của 8 trục nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần của Chỉ số PAPI.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần lắng nghe, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc và trả lời thỏa đáng những kiến nghị của người dân; thực hiện tốt công việc này phải đi từ cơ sở.
Đối với chỉ số nội dung về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đôn đốc, đánh giá công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt trong khu vực công.
Ông Nguyễn Thanh Bình cũng lưu ý các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với cơ quan nhà nước.
Trong đó, tập trung cải cách hành chính, cung ứng dịch vụ hành chính công mang tính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước./.