Ảnh: VGP/Lê Sơn
Các chỉ số về CCHC, hài lòng của người dân đạt kết quả cao
Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, kết quả kiểm tra thực tế tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc, gia đình hộ đồng bào thiểu số làm kinh tế giỏi, kết quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn và ý kiến lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng đạt được trên các mặt phát triển KT-XH, đặc biệt kết quả triển khai công tác CCHC, kết quả thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến KT-XH và tâm lý, đời sống của nhân dân.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành trên cơ sở bảo đảm việc gắn kết chặt chẽ giữa CCHC với phát triển KT-XH. Đây cũng chính là thực hiện phương châm của Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, bứt phá và hiệu quả”.
Công tác CCHC năm 2019 của tỉnh Vĩnh Phúc tăng 4 bậc về chỉ số cải cách hành chính; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh nằm trong nhóm có điểm số cao nhất; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt mức cao so với các địa phương trong cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2018.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định CCHC là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh đã triển khai áp dụng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mang lại hiệu quả tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, như: Tăng cường thực hiện các giải pháp, sáng kiến đẩy mạnh cải cách quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; rút ngắn quy trình xử lý, cắt giảm thời gian và chi phí thực hiện 825 thủ tục hành chính; kiện toàn và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 100% sở, ngành, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện xử lý hồ sơ trên môi trường mạng từ xã, phường đến sở, ngành
Các lĩnh vực như tài chính công để đẩy mạnh thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử được tỉnh quan tâm tổ chức triển khai, trong đó 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã được đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet; việc liên thông với UBND tỉnh, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành được thực hiện qua Trục liên thông văn bản quốc gia; Cổng dịch vụ công tỉnh Vĩnh Phúc đã được xây dựng và đáp ứng chức năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định, đã kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 363 thủ tục hành chính.
Việc xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng được triển khai đồng bộ đến 20/20 sở, ban, ngành, 9/9 huyện, thành phố và 136 xã, phường, thị trấn qua phần mềm một cửa, phần mềm một cửa hành chính công, cổng dịch vụ công trực tuyến; có 366 danh mục thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc trong thời gian qua, cơ bản đã bao trùm trên các lĩnh vực đời sống xã hội đối với đồng bào dân tộc và vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo, như: Đã chủ động bố trí 100% nguồn lực từ ngân sách của tỉnh (28,5 tỷ đồng) để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc một cách toàn diện, đầy đủ trên mọi lĩnh vực KT-XH, quốc phòng, an ninh, phấn đấu hết năm 2020 hoàn thành mọi chỉ tiêu đặt ra tại các đề án, chương trình liên quan đến chính sách dân tộc.
Đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh còn khoảng 5,5%, thấp hơn so với cả nước là 22,2%, tỉ lệ hộ cận nghèo còn 12,2%, thấp hơn so với cả nước là 13,2%; cấp hơn 22.000 thẻ BHYT miễn phí cho người dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn các xã thuộc vùng khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, một số xã đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Một số cơ quan, đơn vị, thủ trưởng chưa quyết liệt trong CCHC
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót đối với công tác này mà tỉnh Vĩnh Phúc cần khắc phục trong thời gian tới.
Đó là, một số cơ quan, đơn vị, địa phương người đứng đầu chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ CCHC; một số công chức tham mưu về CCHC chưa đáp ứng yêu cầu; một số sở, ban, ngành, địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc, trực thuộc thực hiện nhiệm vụ CCHC.
Việc công bố thủ tục hành chính tại địa phương có lúc còn chậm; công khai thủ tục hành chính, công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử hoặc Cổng dịch vụ công của tỉnh chưa đầy đủ và kịp thời; việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng hệ thống thông tin báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu; việc đồng bộ trạng thái hồ sơ trên Cổng dịch vụ công còn chưa kịp thời.
KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển chưa bền vững, đặc biệt là nội lực để phát triển kinh tế; chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hóa thị trường chưa mở rộng. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm. Công tác thu hút đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh còn khó khăn; số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo còn cao; tỉ lệ người dân tộc thiểu số được đào tạo trình độ sau THPT/toàn tỉnh còn thấp.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phát huy lợi thế so sánh, tiềm năng sẵn có để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn
Đề cập đến nội dung này, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, Vĩnh Phúc cần phát huy lợi thế so sánh, tiềm năng sẵn có để phát triển tỉnh nhanh hơn, bền vững hơn như nghiên cứu, khảo sát để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của vùng miền núi có ưu thế về thổ nhưỡng, khí hậu; thúc đẩy mạnh mẽ thu hút đầu tư gắn với CCHC, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần gắn với bảo vệ an ninh trật tự và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Vĩnh Phúc nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, có điều kiện thuận lợi về giao thông, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có nhiều chính sách được triển khai thực hiện có hiệu quả như thu hút đầu tư nước ngoài, trình độ dân trí tương đối đồng đều, an ninh trật tự được giữ vững… Đây là nền tảng cho kinh tế Vĩnh Phúc bứt phá ngoạn mục thời gian qua, trở thành một trong những tỉnh phát triển khá, có ngân sách đóng góp quan trọng cho Trung ương, thu nội địa cao, các chính sách an sinh xã hội cho người dân được bảo đảm…
Với lợi thế địa-kinh tế của mình, vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia. Tỉnh cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH, nhất là phải phát huy được các tiềm năng, thế mạnh lớn của Vĩnh Phúc trong phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lâm nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính.
Trong đó, cần gắn công tác CCHC và việc thực hiện các chính sách dân tộc với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ, tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; tạo chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, làm cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, cán bộ là “công bộc của dân”, phải “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, liêm, chính, kiệm, cần”.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện, sửa đổi, bổ sung những văn bản sai thẩm quyền, có dấu hiệu trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với phát triển KT-XH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là tiếp tục kịp thời tháo gỡ các rào cản để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, tài nguyên phục vụ phát triển KT-XH; kiểm soát chặt chẽ quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục nghiên cứu cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục trên cơ sở đổi mới quy trình thực hiện, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục quan tâm thực hiện việc trả lời phản ánh, kiến nghị, tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền.
"Việc cắt giảm bao nhiêu thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp mới chỉ là biểu hiện bên ngoài. Quan trọng là phải thực chất cắt giảm về thời gian và tiền bạc cho nhân dân, mà cụ thể là không để thủ tục đi lòng vòng bên trong bộ máy hành chính mới là điều đáng bàn", Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Bộ máy hành chính và người đứng đầu phải theo kịp sự phát triển của KHCN
Về tiến độ triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý văn bản, hồ sơ công việc, ứng dụng chữ ký số cá nhân, bảo đảm đạt tỉ lệ các sở, ngành và tương đương thuộc UBND tỉnh xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng đạt tối thiểu 60% và tỉ lệ các phòng, ban và tương đương thuộc UBND cấp huyện đạt 30%; thực hiện gửi văn bản điện tử không kèm bản giấy theo đúng quy định; cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4; hoàn thành việc xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo địa phương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để hình thành Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, bảo đảm đến hết năm 2020, ít nhất 30% chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý được triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của địa phương.
“Muốn vậy, cả bộ máy hành chính và người đứng đầu phải theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo… Nếu không sẽ bị tụt hậu, đào thải”, Phó Thủ tướng Thường trực nhìn nhận.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ của tỉnh thời gian vừa qua. Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về đánh giá công chức, viên chức, bảo đảm khách quan, trung thực. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ làm công tác dân tộc thực hiện chính sách dân tộc nói riêng.
Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá; triển khai việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC.
Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số về trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời có chính sách khuyến khích thu hút số trí thức trẻ mới ra trường về công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao các bộ, ngành Trung ương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tạo điều kiện cho Vĩnh Phúc phát triển nhanh và bền vững, có đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của đất nước.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc đã tinh giản 3 chi cục, giảm 44 phòng chuyên môn thuộc sở, 14 phòng chuyên môn thuộc chi cục, giảm 145 đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với cơ quan cấp huyện đã giảm 10 phòng chuyên môn. Sáp nhập 274 thôn, tổ dân phố để thành lập 131 thôn, tổ dân phố, giảm 143 thôn, tổ dân phố. Từ năm 2015 đến nay, đã giảm 1.714 chỉ tiêu biên chế.