Singapore và những bí quyết phát triển đô thị thành công

Thứ hai, 15/10/2018 08:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Singapore là quốc gia có tốc độ đô thị hóa “chóng mặt” nhưng lại mang tới cho người dân một cuộc sống chất lượng cao, trong khi vẫn bảo toàn việc phát triển bền vững. Để có được kết quả tốt đẹp như vậy, các chuyên gia, các nhà quản lý đô thị đã đúc kết ra nguyên lý cơ bản nhất mà Singapore đã ứng dụng.

Các nguyên tắc chiến lược tạo nên thành công của Singapore trong suốt chặng đường phát riển của đất nước này kể từ những năm 60 của thế kỷ trước bao gồm 7 trụ cột, có tính liên thông và mục tiêu xuyên suốt là đặt lợi ích của con người, người dân vào trung tâm phụng sự của hệ thống công và mọi chính sách phát triển đất nước. Và dưới dây là 7 nguyên tắc chiến lược tạo nên thành công của Singapore.

1. Có nền quản trị tốt

Muốn có nền quản trị tốt, cần đảm bảo các nguyên tắc: Nền hành chính quốc gia liêm chính và có trách nhiệm, dựa trên cơ chế thực tài (đảm bảo tuyển dụng người tài làm việc trong bộ máy chính quyền) và tinh thần thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó, cần có chính sách công thực mạnh và thực dụng (theo nghĩa tích cực), bắt buộc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức.

2. Có nền công vụ trung thực và hiệu quả

Đây cũng là nhu cầu tự thân xuất phát từ bối cảnh năm 1959, nền công vụ Singapore được tiếp quản từ người Anh sau khi Singapore nắm quyền tự quyết và Đảng Hành động Nhân dân (PAP) thắng cử, phải đối mặt với hai thách thức kép là tạo việc làm cho người dân và đảm bảo nhà ở cho dân. Để hoàn thành hai sứ mệnh đầy thách thức này, nền công vụ Singapore phải cải tổ theo hướng trung thực và hiệu quả, đảm bảo có đủ năng lực thực thi có hiệu quả và hiệu quả các chính sách của Chính phủ.

Tính hiệu quả của nền công vụ phụ thuộc vào cơ chế thực tài. Công chức được tuyển dụng trên cơ sở năng lực chuyên môn giỏi và được thăng tiến dựa trên năng lực và tiềm năng. Công chức không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ bị thải loại. Cơ chế thực tài cho phép chính quyền lựa chọn được những người giỏi nhất có đủ năng lực giải quyết các thách thức quốc gia (như sứ mệnh tạo việc làm và đảm bảo nhà ở cho mọi người dân Singapore). Bên cạnh đó, một nền công vụ hiệu quả cũng đòi hỏi công chức phải có tính trung thực. Nền công vụ trung thực sẽ loại trừ các nguy cơ tham nhũng, bảo đảm chất lượng dịch vụ công, góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và thu hút được đầu tư nước ngoài. Nguyên tắc thực tài và trung thực sẽ bảo đảm sự tự tin của nền công vụ và niềm tin của dân chúng đối với chính quyền.

3. Phát triển kinh tế - tạo việc làm cho người dân

Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ mới khi tiếp quản chính quyền là phải tạo việc làm cho mọi người dân Singapore. Khi đất nước không có đất đai để phát triển nông nghiệp và thu hút việc làm thì công nghiệp hóa là một lựa chọn tất yếu. Mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài được đặt ra và khi người dân đã có việc làm, thì giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế cần đặt trọng tâm không chỉ vào việc tạo thêm việc làm, mà là tạo việc có thu nhập cao hơn.

4. Phát triển nhà ở công - xây nhà cho dân ở

Khi người dân đã có việc làm, thì nhu cầu tiếp theo là cần nơi ăn, chốn ở ổn định. Chính phủ Singapore xác định trách nhiệm của mình là phải đảm bảo cho mọi người dân đều có nhà để ở. Chính sách nhà ở công ra đời từ năm 1964 và từ đó đến nay đã thành công tốt đẹp, có tới hơn 90% người dân Singapore sống tại nhà ở công – các căn hộ do Chính phủ đầu tư xây dựng và bán lại với cơ chế sao cho người dân có thu nhập thấp vẫn đủ khả năng sở hữu căn hộ.

5. Phát triển hệ thống giao thông đường bộ - giúp người dân di chuyển thuận lợi

Khi chính sách tạo việc làm và nhà ở cho người dân thành công cũng lại tạo ra một thách thức mới, đó là vấn đề tắc nghẽn giao thông đô thị. Trước thực trạng đó, Chính phủ Singapore đặt ra mục tiêu phải đảm bảo cho giao thông thông suốt, thuận tiện cho người dân đi lại, từ đó, giảm các chi phí cơ hội do ùn tắc giao thông gây ra, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển hiệu quả hơn.

Chiến lược thông minh của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề giao thông đô thị là: kiểm soát chặt chẽ việc sở hữu và sử dụng xe ô tô cá nhân; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng; đồng bộ hóa quy hoạch hệ thống giao thông và quy hoạch sử dụng đất đai. Đặc biệt, cơ chế thu phí tắc nghẽn giao thông được áp dụng từ năm 1998 được coi là một sáng kiến đặc biệt thành công của Singapore trong giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông giờ cao điểm, đã được nhiều quốc gia trên thế giới học tập, áp dụng.
Một nét chính sách cực kỳ độc đáo và nhân văn của Chính phủ nhằm khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng đó là: xây dựng các mái che cho các con đường dẫn từ các ga tàu điện ngầm tới xe buýt và các khu nhà ở của  người dân. Sự thuận tiện của hệ thống giao thông công cộng đã thu hút hơn 60% người dân quốc đảo sử dụng phương tiện này, góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề tắc nghẽn giao thông của thành phố.

6. Bảo vệ môi trường - giữ cho đất nước sạch và xanh

Khi các điều kiện cơ bản về việc làm, nhà ở và giao thông được bảo đảm, Chính phủ Singapore tính đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tin tưởng sâu sắc rằng, việc đảm bảo một môi trường đô thị sạch và xanh là vô cùng quan trọng đối với sự ổn định xã hội. Từ đó, các chính sách về đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý nước thải thành nước sinh hoạt, phủ xanh các tòa nhà cao tầng (với triết lý việc xây dựng các tòa nhà lấy đi thảm cây xanh trên mặt đất thì phải trả lại màu xanh tự nhiên đó trên các nóc nhà hoặc ban công tòa nhà), trồng thêm công viên cây xanh và kết nối các công viên trên toàn thành phố bằng các con đường thư giãn.

7. Phát triển đô thị - tạo nên một thành phố đáng sống và bền vững

Phát triển thành phố trở thành một nơi đáng sống và có tính bền vững, truyền cảm hứng cho hơn 5,6 triệu người dân là mục tiêu mà Chính quyền đô thị Singapore hướng tới. Do vậy, quan điểm chỉ đạo quy hoạch đô thị của thành phố dựa trên ba từ khóa cơ bản: Tổng thể, Tích hợp và Hướng tới tương lai mục tiêu biến Singapore từ “Thành phố vườn” thành “Thành phố trong vườn”.

Có sự khác biệt khá tinh tế giữa triết ký xây dựng thành phố nhiều cây xanh (thành phố có vườn) với thành phố nằm trong một khu vườn rộng lớn được bao bọc bởi màu xanh vô tận của cây cỏ, đa dạng sinh học và muôn loài cùng sinh sống giao hòa với con người.

Tầm nhìn về Thành phố vườn được Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu khởi xướng từ năm 1967 nhằm đưa Singapore trở thành một thành phố nhiều cây xanh và môi trường trong sạch để cuộc sống người dân thư giãn hơn. Tầm nhìn này được hiện thực hóa khởi đầu bằng Chương trình tập trung trồng mới cây xanh từ cuối những năm 1960, Ngày trồng cây được chính thức công bố từ năm 1971, Luật về công viên và cây xanh được ban hành năm 1975, xây dựng nhiều công viên mới từ những năm 1970 và con đường – hành lang xanh kết nối các công viên trong thành phố từ những năm 1990.

Tầm nhìn Thành phố ở trong vườn được khởi xướng từ năm 1998 như một giai đoạn tiếp theo của Tầm nhìn Thành phố vườn với các hoạt động trọng tâm như: xây dựng các khu vườn đẳng cấp thế giới ở Singapore; làm trẻ hóa các công viên đô thị và con đường đi bộ; tối ưu hóa các không gian đi bộ dành cho cây xanh và giúp con người thư giãn; làm giàu đa dạng sinh học trong môi trường đô thị; lôi cuốn và truyền cảm hứng cho cộng đồng để cùng tham gia đồng sáng tạo vì một Singapore xanh hơn và đáng sống hơn.
Các nguyên tắc và chiến lược lập kế hoạch phát triển đô thị của Singapore dựa trên 5 nguyên tắc: Tư duy dài hạn; Lập kế hoạch có tính liên kết xuyên ngành; Đảm bảo tính minh bạch trong quá trình lập kế hoạch và phát triển; Thi hành có hiệu quả; và Linh hoạt.


Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 93/2018

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)