Hệ thống quản lý chất thải hiệu quả

Thứ hai, 14/05/2018 15:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cơ chế xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quảNgày nay, trong giai đoạn khó khăn về kinh tế ở LB Nga, việc giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) cần cách tiếp cận tổng hợp, có sự cân nhắc và hợp lý nhằm tránh tình trạng mức phí tăng cao và sử dụng không hiệu quả kinh phí ngân sách khi thực hiện các dự án. 

Việc bổ sung, sửa đổi Luật liên bang "Chất thải sản xuất và tiêu thụ", theo đó từ đầu năm 2016 trách nhiệm chính trong lĩnh vực quản lý chất thải thuộc về chính quyền địa phương và đòi hỏi nhanh chóng đưa vào áp dụng tại các chủ thể của LB Nga các hệ thống bảo đảm an toàn sinh thái một cách hiệu quả.

Trong quá trình xây dựng các hệ thống tổng hợp quản lý chất thải cần sử dụng nguyên tắc đối tác Công - Tư (PPP) ở mức cao nhất và hướng tới không sử dụng kinh phí ngân sách.

Bản chất của hình thức đối tác Công - Tư PPP trong trường hợp này là việc quy định bằng pháp luật trách nhiệm của nhà nước trong việc xây dựng hệ thống quản lý chất thải tại vùng, phê duyệt mức phí giới hạn và định mức phát thải chất thải, còn chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng và vận hành các công trình phục vụ công tác quản lý chất thải trong các điều kiện của nhà nước. Về mặt pháp lý việc nêu ra và củng cố các trách nhiệm nêu trên được thực hiện dưới hình thức hợp đồng ủy quyền hoặc hợp đồng đầu tư.

Thành công của việc xây dựng hệ thống tổng hợp quản lý chất thải và việc triển khai thực hiện hệ thống một cách có hiệu quả phụ thuộc vào hai yếu tố chính:

- Xây dựng hệ thống quản lý chất thải phù hợp ở địa phương;

- Có cơ chế thu hút vốn đầu tư vào việc triển khai hệ thống trên cơ sở sự tích hợp tất cả các công trình đang được vận hành.

Trình độ chuyên nghiệp của các nhà phát triển hệ thống quản lý tại địa phương và các giải pháp được lựa chọn phụ thuộc vào việc hệ thống sẽ hoạt động như thế nào trong những thập niên tới: Hoặc là hệ thống vận hành với chi phí phù hợp và không phải sử dụng đến kinh phí ngân sách hoặc hoạt động với mức chi phí cao và cần sự hỗ trợ của ngân sách .

Xây dựng hệ thống quản lý chất thải cho vùng lãnh thổ ở địa phương

Giai đoạn đầu tiên trong sự phát triển của hệ thống quản lý chất thải vùng lãnh thổ là việc thu thập thông tin về khu vực: Đặc điểm địa lý, mật độ dân số, lượng chất thải phát sinh, khả năng bảo đảm năng lượng, sự sẵn có của đất trống, sự sẵn có các doanh nghiệp có khả năng sử dụng nguyên vật liệu tái chế trong sản xuất hàng hoá. Các thông tin đó giúp xác định các yếu tố cơ bản của hệ thống quản lý chất thải trên cấp độ chi tiết và bảo đảm tính chính xác.

Bước tiếp theo là xây dựng mô hình tối ưu bố trí các cơ sở quản lý chất thải. Mô hình tổng hợp khu vực bao gồm các số liệu tính toán số lượng tối ưu các cụm công trình, trong đó mỗi cụm công trình sẽ là một hệ thống tổng hợp quản lý chất thải khép kín từ khâu thu gom cho đến khâu cuối cùng là chôn lấp chất thải.

Trên giai đoạn đầu, việc xác định các công trình trụ cột sẽ được thực hiện. Đó là công trình mà xung quanh nó sẽ hình thành một cụm công trình. Công trình trụ cột của mỗi cụm công trình cần phải là bãi chôn lấp rác thải (như là một thành phần cơ bản của hầu hết các công nghệ cơ bản xử lý và tái sử dụng chất thải) cùng với việc bổ sung trang thiết bị đến mức có khả năng bảo đảm thực hiện công việc phân loại và vận chuyển chất thải. Các công trình phụ trợ được hình thành có tính đến công tác vận chuyển và sự sẵn có của cụm công trình thuộc hệ thống thu gom chất thải đã có. Trong mô hình nêu trên, mỗi cụm công trình đều vận hành một cách độc lập.

Cũng trong phạm vi vùng lãnh thổ, các lựa chọn về mặt kinh tế khả thi cho công nghệ tái chế và mức độ chế biến được quy định rõ. Khi xây dựng hệ thống quả lý chất thải vùng lãnh thổ, điều quan trọng là đánh giá đúng triển vọng của các công trình quản lý CTRSH đã có trong khu vực xét từ quan điểm sinh thái và kinh tế: Triển vọng và sự hợp lý của việc tiếp tục khai thác các công trình đó như hiện đại hóa hoặc cải tạo hoặc sự cần thiết phải đóng cửa công trình. Chỉ tiêu thể hiện hiệu quả của mô hình là khả năng triển khai thực hiện mô hình với mức phí đã được chính quyền địa phương quy định cho các dịch vụ thu gom, vận chuyển, chế biến, xử lý, tận dụng, chôn lấp CTRSH. Mức phí tối đa cho phép tùy thuộc vào tình trạng môi trường cũng như mức sống của dân cư. Chính quyền cần xác định các chỉ tiêu cơ bản thể hiện cho mục tiêu của việc triển khai hệ thống quản lý chất thải khu vực lãnh thổ trước khi triển khai thực hiện, ngay từ giai đoạn thiết kế hệ thống, vì cái giá phải trả cho sự thiếu sót sẽ là mức phí cao và sự cần đến hỗ trợ của ngân sách.

Trường hợp đáng tiếc là khi hệ thống được đưa vào vận hành rồi mới nhận thấy rằng hệ thống sẽ không vận hành được nếu thiếu sự hỗ trợ liên tục, thậm chí là cần hỗ trợ rất nhiều.

Hình thức đối tác Công - Tư trong việc xây dựng hệ thống quản lý chất thải cho khu vực lãnh thổ ở địa phương

Sau khi đã xác định được cần phải làm gì thì chuyển sang trả lời câu hỏi làm thế nào để làm được điều đó. Giải pháp của vấn đề này phụ thuộc vào sự sẵn có của các công trình thuộc lĩnh vực quản lý chất thải sẵn tại các chủ thể của LB Nga và sự hợp lý của việc sử dụng các công trình đó.

Điều quan trọng là không loại bỏ các công trình kết cấu hạ tầng đang hoạt động và có triển vọng cho sau này và cần tích hợp các công trình đó vào hệ thống đang được phát triển. Cách tiếp cận khác sẽ dẫn đến việc sử dụng đất không hợp lý, sử dụng ngân sách không hiệu quả (nếu công trình là tài sản của nhà nước hoặc của thành phố) và sự gia tăng căng thẳng xã hội do sự va chạm với lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này của nền kinh tế.

Chúng ta xem xét các tình huống khác nhau có thể nảy sinh trong qúa trình xây dựng hệ thống quản lý chất thải cho từng cụm công trình và các kịch bản phát triển của các tình huống.

Kịch bản đầu tiên là nếu công trình thuộc sở hữu tư nhân lại trở thành công trình then chốt trong cụm công trình đang được phát triển.

Để được tham gia vào hệ thống quản lý chất thải của cụm công trình có quy hoạch đã được phê duyệt trong chủ thể của LB Nga, doanh nghiệp cần phải bảo đảm cho công trình của doanh nghiệp hoạt động đạt các chỉ tiêu cần thiết để có thể tích hợp công trình vào hệ thống chung, bổ sung công suất thu gom và các trạm vận chuyển chất thải. Doanh nghiệp cần phải nhận được các yêu cầu nêu trên từ cơ quan chính quyền chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải.

Với mục tiêu củng cố các mối quan hệ đã nhận được sự đồng thuận của các bên trong trường hợp này tốt nhất là thông qua việc ký kết hợp đồng đầu tư trong đó quy định tất cả các điều kiện cần thiết để thực hiện dự án, có tính đến các chỉ tiêu chính của hệ thống quản lý chất thải khu vực lãnh thổ.

Nếu không đạt được sự đồng thuận đó, chính quyền cần phải lựa chọn nhà đầu tư khác.

Kịch bản thứ hai là khi công trình trụ cột thuộc quyền sở hữu nhà nước hoặc địa phương. Trong trường hợp này, tổ chức đang vận hành công trình trụ cột đó được ưu tiên nhận quyền giữ vai trò trụ cột trong cụm công trình (đó là doan nghiệp công ích hoặc pháp nhân khác). Trong trường hợp này, danh sách đầy đủ các cách tương tác với chính quyền đã được nêu trong pháp luật hiện hành. Đó là cách thành lập liên doanh trên cơ sở sở hữu của nhà nước hoặc địa phương, đó cũng là cơ chế hợp đồng ủy quyền và hợp đồng đầu tư áp dụng cho mọi trường hợp.

Nếu pháp nhân không đủ năng lực tổ chức hệ thống quản lý chất thải trong cụm công trình thì cần chọn đối tác khác.

Nếu nhà nước hoặc địa phương không muốn thực hiện trách nhiệm là chủ sở hữu của công trình thì vấn đề nêu trên được giải quyết thông qua việc bán hoặc tư nhân hóa các công trình thuộc lĩnh vực CTRSH. Về phần mình, chủ sở hữu mới cần phải cam kết với chính quyền về sự tham gia của họ trong việc xây dựng hệ thống quản lý chất thải khu vực lãnh thổ ở địa phương (tương tự kịch bản đầu tiên).

Kịch bản thứ ba là khi trong cụm công trình không có các công trình trụ cột do đó sẽ là không hợp lý nếu sử dụng cơ cấu nêu trên để thành lập liên doanh hoặc ký hợp đồng ủy quyền.

Trong trường hợp này, cách tốt nhất để xây dựng các công trình mới thuộc hệ thống quản lý chất thải khu vực lãnh thổ ở địa phương trong tương lai là ký kết hợp đồng đầu tư thông qua cơ chế lựa chọn nhà đầu tư trong số các nhà đầu tư đang hoạt động tại địa phương.

Cho đến nay, hầu hết các chủ thể thuộc LB Nga đều đã xây dựng được hành lang pháp lý riêng trong lĩnh vực hoạt động đầu tư, cũng như đã thành lập các tổ chức (như hình thức hội đồng, ủy ban) trực thuộc chủ thể giúp thực hiện việc đánh giá và lựa chọn các dự án đầu tư được xem là ưu tiên cao đối với chủ thể. Việc lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng hệ thống quản lý chất thải tại các cụm công trình trong tương lai cần được thực hiện theo các chỉ tiêu chính của hệ thống quản lý tổng hợp chất thải đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Với mục tiêu bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ được cung cấp với chất lượng phù hợp, cần chọn nhà đầu tư nêu ra đề xuất tốt nhất về mức giá dịch vụ, thời gian xây dựng và mức độ tham gia tài chính của nhà nước ...

Trong trường hợp chính quyền quyết định thiết lập quan hệ với đối tác tư nhân thông qua hình thức ủy quyền, cần đặc biệt lưu ý các nội dung sau.

Những trường hợp thường hay gặp là khi cơ quan, tổ chức triển khai đấu thầu và ký kết hợp đồng ủy quyền, trong đó giá trị của các công trình phát sinh do thực hiện hợp đồng không bị giới hạn và người nhận ủy quyền được bảo đảm nhận được mức thu nhập thỏa thuận.

Với cách tiếp cận này, hệ thống không khuyến khích người nhận ủy quyền sử dụng công nghệ và cơ chế hiệu quả hơn. Đối tượng phải chịu thiệt hại trước quyết định thiếu sự cân nhắc nêu trên là người dân đang sống tại khu vực do họ phải chi trả phí dịch vụ tăng cao và chính quyền do luôn ở trong tình trạng phải chịu sự rủi ro do sự cần phải hỗ trợ nhằm bảo đảm thu nhập khi thu nhập chưa đạt mức thỏa thuận hoặc cần phải bồi thường cho người nhận ủy quyền khoản giá trị còn lại của các công trình vừa đắt đỏ lại thiếu hiệu quả nếu người nhận ủy quyền quyết định chấm dứt hợp đồng. Với cách tiếp cận nêu trên, trong khối tài sản thuộc sở hữu của chính quyền sẽ xuất hiện các công trình có chi phí xây dựng tăng cao vi phạm Luật liên bang số 44-FZ "Về hệ thống hợp đồng mua sắm hàng hoá và dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của nhà nước và địa phương".

Việc áp dụng loại hình cơ cấu nêu trên tại các chủ thể của LB Nga làm nảy sinh các hậu quả tiêu cực dưới hình thức mức phí tăng cao và chi bổ sung từ ngân sách để có thể bảo đảm mức thu nhập đã được thỏa thuận cho người nhận ủy quyền.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, cần tránh áp dụng hình thức bảo đảm thu nhập cho người nhận ủy quyền đồng thời cần nêu ra nhiệm vụ kỹ thuật một cách rõ ràng khi tiến hành đấu thầu, xác định giới hạn cho phép về chi phí đối với dịch vụ tổng hợp (có tính đến hệ thống quản lý chất thải của khu vực lãnh thổ đã được xây dựng).

Kinh nghiệm của các nhà đầu tư tỉnh Volgagrad được xem là ví dụ tích cực về việc xây dựng hệ thống quản lý tổng hợp trong điều kiện không có sự bảo đảm và thực hiện nghĩa vụ từ ngân sách.

Bắt đầu từ năm 2012, trước khi Luật liên bang số 89-FZ được bổ sung và sửa đổi, chính quyền tỉnh Volgagrad đã phối hợp với cộng đồng các nhà chuyên nghiệp, xây dựng hệ thống quản lý chất thải của tỉnh cùng với lập và thực hiện chiến lược của tỉnh.

Từ các văn bản đã được phê duyệt, các nhà đầu tư nắm được cách làm của chính quyền và "các quy tắc của cuộc chơi", điều đó giúp họ sẵn sàng chấp nhận các rủi ro kinh doanh khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiện tại, tám hệ thống quản lý tổng hợp đang trong các giai đoạn xây dựng phù hợp với kế hoạch đã được thống nhất với chính quyền, trong đó có bốn hệ thống đã được đưa vào vận hành.

Các nhà đầu tư nhận được "Quy tắc của cuộc chơi" minh bạch và họ đã có thể xây dựng hệ thống trong điều kiện không sử dụng vốn ngân sách. Đối mặt với sự cạnh tranh khắc nghiệt, các nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm những công nghệ tối ưu nhất. Vì vậy, vốn đầu tư xây dựng các nhà máy trong hệ thống quản lý tổng hợp đạt khoảng 350 rúp/m3 một năm, thấp hơn 1,5-4 lần so với khi xây dựng các hệ thống tương tự tại các chủ thể khác.

Nhiều chủ thể của LB Nga đã thể hiện sự quan tâm đến cách tiếp cận nêu trên trong việc tổ chức các hoạt động của lĩnh vực này. Trong bối cảnh ngành còn thiếu sự quan tâm thích đáng cũng như tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, dường như cách tiếp cận nêu trên được xem là thích hợp nhất. Bởi vì, người dân được cung cấp dịch vụ có chất lượng phù hợp với mức giá phải chăng và đây cũng là một trong những mục tiêu cơ bản của hệ thống quản lý chất thải hiệu quả.

Xử lý rác bằng công nghệ xanh

Năm 2017, nhà máy xử lý rác đầu tiên theo công nghệ xanh được xây dựng tại Kazakhstan với công suất lên đến 160 tấn rác/năm; rác sau xử lý được chế biến thành nhiên liệu sinh học. Chủ đầu tư và nhà thầu của dự án là Công ty Đức Eggersmann Anlagenbau Kompoferm GmbH. Công ty đã xây dựng 800 nhà máy xử lý chất thải tại các nước trên thế giới.

Nhà máy xử lý chất thải độc đáo được xây dựng gần thủ đô nên được triển khai vào năm 2017. Về mặt khái niệm, dự án này là sự bổ sung và hoàn thiện cho dự án đầu tiên đã được triển khai tại làng công nghệ "xanh" Arnasay cách đó không xa. Tại làng Arnasay đã lắp đặt các trạm phát điện gió; rác được thu gom riêng biệt và một trường phổ thông địa phương với 120 học sinh, đã chuyển sang sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, cho phép tiết kiệm được đến 3 triệu tenge (tiền Kazakhstan) mỗi năm cho việc sưởi ấm và cấp điện. Hiện nay đã có khoảng 100 trường phổ thông loại này được xây dựng ở Kazakhstan.

Tại khu vực lân cận với nhà máy, du lịch sinh thái được triển khai như một dự án thí điểm. Hoạt động chuyên môn hóa du lịch sinh thái được gắn với việc nuôi cá giống tại các hồ nước tại khu vực này, cá giống sau đó được cung cấp cho người dân địa phương để nuôi và kinh doanh.

Hiện nay 35 công nghệ "xanh" đã được phát triển ngay tại Kazakhstan, đây là những công nghệ bảo vệ nguồn nước, sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, quản lý rác thải và hệ sinh thái và giảm ô nhiễm. Các dự án đã và đang được thực hiện là nhà kính trồng cây dùng năng lượng mặt trời diện tích đến 300 m2, nhà kính ngầm trồng cây sử dụng đèn điện và cấp điện bằng pin mặt trời.

Đồng thời, Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới đã lập kế hoạch thu hút đến 1,5 triệu USD/năm trong thời gian10 năm cho việc thực hiện các dự án kinh doanh "xanh" tại Vùng Ile-Balkhash. Mục tiêu của dự án là khôi phục hệ sinh thái khu vực Ile-Balkhash thông qua việc bảo tồn thiên nhiên với một hệ thống đa dạng sinh học độc đáo và bảo tồn loài hổ Turan. Vùng dự trữ sinh quyển Ile-Balkhash sẽ được thành lập trong khuôn khổ dự án.

Lưu ý rằng một trong những yếu tố chính quyết định sự phát triển năng lượng trong tương lai sẽ là sự phát triển các công nghệ mới gíup sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo mang tính cạnh tranh và không phải sử dụng sự hỗ trợ từ ngân sách.

Một yếu tố khác cản trở sự phát triển năng lượng tái tạo là chi phí sản xuất loại năng lượng này.

Về vấn đề tài chính - chi phí sản xuất năng lượng và phân phối, sự phù hợp của mức giá – đó là những yếu tố rất quan trọng, do điện có thể sản xuất từ các nhiều nguồn khác nhau nhưng vấn đề cơ bản là chi phí sản xuất. Sự cân đối giữa sản xuất và giá thành có ý nghĩa rất quan trọng. Gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều, các nguồn năng lượng tái tạo khác chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng cân đối năng lượng. Và các loại năng lượng đó khó có thể giữ được vị trí sử dụng phổ biến. Việc giải quyết vấn đề năng lượng ở LB Nga được thực hiện theo con đường khác. Đó là sử dụng nhiên liệu dạng viên hoặc nhiên liệu sinh học. Loại nhiên liệu này được sản xuất từ than bùn, chất thải gỗ và chất thải nông nghiệp. Đó là các viên nhiên liệu hình trụ có kích thước tiêu chuẩn. Trên thực tế đó là loại nhiên liệu miễn phí: Chỉ cần thu gom, điều đó tự nó sẽ ảnh hưởng tích cực đến môi trường và việc tổ chức sản xuất.

Hiện tại 90% trong tổng sản lượng viên nhiên liệu sản xuất tại LB Nga được xuất khẩu. Châu Âu và Trung Quốc tiêu thụ hàng triệu tấn loại nhiên liệu này.


Nguồn: Tạp chí Chất thải rắn sinh hoạt, tháng 6/2016
ND.:Huỳnh Phước 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)