Quy hoạch đô thị với mục tiêu phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Thứ hai, 13/08/2018 11:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế toàn cầu tất yếu. Các quốc gia, các thành phố đều đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng này, nhằm tránhtrở nên lạc hậu với thế giới đang biến đổi từng ngày. Hơn nữa, thế giới đang đứng trước thách thức về môi trường ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên, an ninh xã hội và kinh tế suy thoái. Vì vậy, phát triển đô thị thông minh đang là một trong những giải pháp mà các quốc gia lựa chọn. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông để quy hoạch và quản lý đô thị, vận hành các dịch vụ đô thị và các nhu cầu khác của cuộc sống người dân, bảo vệ môi trường, an toàn cộng đồng… một cách thông minh, giúp cho nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, duy trì tiến bộ xã hội đến phát triển bền vững.

1. Kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh của các nước trên thế giới:

Các thành phố được đánh dấu trên bản đồ đô thị thông minh thế giới là các thành phố có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao, cơ sở hạ tầng hiện đại, đã và đang phát triển theo hướng bền vững. Các thành phố này đã lựa chọn và thử nghiệm áp dụng công nghệ thế hệ mới vào nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm vận hành thành phố một cách thông minh và bền vững hơn. Nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và phát triển đô thị thông minh của các nước cho phép chúng ta lựa chọn con đường phù hợp nhất để xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam.

Hàn Quốc

Từ năm 2003, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng chiến lược vĩ mô của quốc gia “U-city”. Trong các thành phố “U-city”, công nghệ thông tin có mặt trong tất cả các bộ phận cấu thành của thành phố, để người dân có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ đô thị.

Dựa trên Chiến lược xây dựng “U-city”, tháng 6/2011, thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã đưa ra kế hoạch “Seoul thông minh năm 2015” thể hiện tham vọng trở thành một thành phố thông minh tầm cỡ thế giới. Từ năm 2014, người dân có thể dử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để tiếp cận 81 dịch vụ hành chính của thành phố Seoul.

Singapore

Singapore đã xây dựng chiến lược Smart Nation nhằm biến Singapore thành một quốc gia thông minh thực sự đầu tiên trên thế giới, qua một loạt các phát kiến, để trở thành một thành viên trên sân chơi thế giới. Một phần chiến lược này chính là sự ra mắt của các hộp thông minh chứa các cảm biến và được kết nối qua cáp quang, sẽ đo cảm biến thành phố và cung cấp thông tin theo thời gian thực đến cho các thành phố và các công dân.

Hệ thống giao thông công cộng sạch sẽ, tổ chức tốt với những động cơ mạnh mẽ hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, Singapore còn có chương trình quản lý rất thông minh, cam kết cung cấp các dịch vụ trực tuyến (98% các dịch vụ công đều có thể tiếp cận online). Nhà ở và môi trường, hoạt động thương mại, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là những lĩnh vực khác nữa mà Singapore tập trung hoàn thiện bằng việc đầu tư công nghệ thông minh.

Liên minh Châu Âu

Từ năm 2017, Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa ra và bắt đầu thực hiện một loạt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. Tiêu chí đánh giá của EU đối với thành phố thông minh bao gồm 6 phương diện là: Kinh tế thông minh, môi trường thông minh, quản lý thông minh, giao thông thông minh, cuộc sống thông minh và con người thông minh. Các kết quả đánh giá cho thấy, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, Luxembourg, Bỉ và Áo có những thành phố có mức độ thông minh khá cao. Những kinh nghiệm của các nước EU trong việc cải thiện giao thông, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là những bài học bổ ích đối với các quốc gia khác.

Mỗi thành phố Châu Âu có kinh nghiệm và thành công trong phát triển đô thị thông minh ở mỗi lĩnh vực khác nhau như: Helsinki, Phần Lan là thành phố rất sáng tạo, được đánh giá cao nhờ dữ liệu mở và minh bạch. Thành phố có hơn 1.200 kho dữ liệu mở và 108 ứng dụng đã được xây dựng, sử dụng trong chương trình dữ liệu mở của Helsinki. Thành phố có 100% tòa nhà thương mại và dân cư có đồng hồ đo điện thông minh, 70% tòa nhà thương mại có hệ thống điều khiển tự động. Helsinki cũng đã thực hiện lưới điện thông minh trên toàn thành phố và đang thử nghiệm dịch vụ xe buýt theo yêu cầu. Vienna, Áo có các chương trình chia sẻ rất sáng tạo giúp cho ngay cả các du khách cũng có thể tiếp cận chương trình. Copenhagen – Đan Mạch được biết đến như là một “thành phố xe đạp”. Thành phố đã tạo mọi điều kiện để phát triển giao thông xe đạp, từ việc lập cấu trúc đô thị trong quy hoạch, đến xây dựng các tuyến đường, đồng thời cung cấp các dịch vụ nhận dạng RFID và định vị toàn cầu cho xe đạp để lưu thông của người đi xe đạp không bị cản trở bởi hệ thống đèn tín hiệu giao thông.

Ngoài ra, Copenhagen còn ghi điểm ở chỉ số “con người thông minh” căn cứ trên các thước đo về xã hội, giáo dục và sáng tạo. Các công dân Copenhagen là những người am hiểu công nghệ nhất, tham gia vào hơn 1.000 sự kiện công nghệ mỗi năm.

Barcelona – Tây Ban Nha

Barcelona thường được xếp hạng cao trong bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng năm. Barcelona có hẳn một chương trình về thành phố thông minh rất hùng mạnh với 22 dự án bao phủ mọi thứ, từ Wifi công cộng khắp nơi đến hiệu quả sử dụng năng lượng. Thành phố hỗ trợ chăm sóc và nâng cao chất lượng cuộc sống lớp dân số già đang ngày càng gia tăng của họ qua mạng lưới kỹ thuật số. Barcelona đang xây dựng nền du lịch thông minh để bảo vệ vào bảo tồn văn hóa địa phương, chất lượng cuộc sống cho các cư dân địa phương.

Nhận xét: Kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh trên thế giới cho thấy không có một định nghĩa chung “thông minh” cho mọi đô thị. Mỗi quốc gia, mỗi thành phố khác nhau xây dựng “đô thị thông minh” của mình theo những tiêu chí, những lĩnh vực khác nhau, tùy thuộc quy mô, tính chất đô thị, điều kiện kinh tế, văn hóa – xã hội, mức độ đầu tư mong muốn và các vấn đề đô thị phải đối mặt. Tuy những thành công trong phát triển đô thị thông minh mới được ghi nhận ở các nước phát triển nhưng có thể thấy đô thị thông minh không phải là một sản phẩm cụ thể theo một mẫu hình nào đó mà là một khung các định hướng và hành động nhằm áp dụng công nghệ thông minh vào các lĩnh vực để các chức năng của đô thị được quy hoạch và hoạt động hiệu quả hơn trên quan điểm phát triển đô thị bền vững sẵn có. Chính vì vậy, mọi đô thị đều có thể bắt đầu một tiến trình để trở nên thông minh từ những điều kiện đang có.

2. Thực trạng và khả năng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Việt Nam là nước đang phát triển có tốc độ đô thị hóa nhanh, công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tại các đô thị lớn, tình trạng ùn tắc giao thông đang trở nên phức tạp; quản lý các hạ tầng đô thị như cấp, thoát nước, thu gom xử lý rác thải và nước thải…gặp nhiều khó khăn; các dịch vụ công cộng như y tế, văn hóa, giáo dục…đều quá tải; ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, thủ tục hành chính rườm rà và nhiều rào cản đã làm cản trở sự phát triển kinh tế. Tại các đô thị nhỏ, việc phát triển dàn trải, thiếu các động lực phát triển rõ ràng khiến kinh tế đô thị phát triển chậm chạp; các lĩnh vực quản lý môi trường, hạ tầng ít được quan tâm đầu tư, về lâu dài sẽ phát sinh những vấn đề khó giải quyết. Trong khi đó Việt Nam là nước được cho là có hạ tầng công nghệ thông tin cập nhật tốt ở châu Á; người Việt Nam nhanh nhạy, có kiến thức và rất có hứng thú đối với các công nghệ mới; chính phủ Việt Nam đang thể hiện mong muốn và quyết tâm phát triển đất nước bền vững, thịnh vượng, văn minh và phát triển đô thị thông minh đang là giải pháp chính phủ lựa chọn hướng tới để thực hiện các mục tiêu đề ra. Vì vậy, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam là khả thi, đây không phải là trào lưu mà chính là giải pháp đi tắt đón đầu để giải quyết các vấn đề của đô thị hiện nay, là sự đầu tư cần thiết cho phát triển bền vững trong tương lai.

Các lĩnh vực trong đô thị có thể đầu tư công nghệ thông minh tại Việt Nam:

- Giao thông thông minh: Áp dụng công nghệ để tối ưu hóa năng lực giao thông:

+ Khuyến khích giao thông công cộng bằng cách tăng tính tiện dụng như thông báo tuyến xe, giờ xe, thời gian chờ giúp tiết kiệm thời gian của hành khách.

+ Tích hợp các phương tiện: Thông báo cho hành khách các phương tiện tích hợp cho chuyến đi, chi phí của từng phương tiện, hành trình chuyến đi để hành khách có thể lựa chọn.

+ Điều chỉnh đèn giao thông ưu tiên những luồng lưu lượng lớn giúp giảm ùn tắc.

+ Cung cấp thông tin về điểm, bãi đỗ xe, các điểm nóng, các tuyến đường bị ùn tắc, gợi ý các giải pháp lựa chọn…

+ Hệ thống thu phí thông minh tại các tuyến đường hay bị tắc vào giờ cao điểm hoặc đi vào khu vực trung tâm. Để làm được thì phải có hệ thống camera và thiết bị cảm biến tự trừ tiền qua thẻ tín dụng lắp trên xe.

+ Có định vị toàn cầu để xác định điểm đi và điểm đến, sử dụng dịch vụ chung xe, giúp tiết kiệm các chuyến taxi lưu hành.

+ Khuyến khích sử dụng xe đạp bằng dịch vụ cho thuê xe kết nối toàn đô thị với hạ tầng đỗ trả xe thuận tiện.

- Hạ tầng thông minh: Ứng dụng công nghệ xây dựng hạ tầng thông minh cung cấp nước sạch; cung cấp điện; chiếu sáng đô thị; thu gom, xử lý rác thải.

+ Thu gom rác thải thông minh: Sensor được lắp vào thùng rác được nối kết thông tin đến trung tâm xử lý sẽ cho phép trung tâm biết tổng khối lượng rác cần thu gom, thời gian rác đầy để thu gom, giúp cho công ty thu gom lên được kế hoạch thu gom rác và dân cư cũng được đảm bảo vệ sinh, thu rác kịp thời.

+ Thu gom nước mưa thông minh.

+ Chiếu sáng thông minh: Dùng đèn cảm ứng tiết kiệm điện chiếu sáng đường phố; tính giá điện theo khung giờ nhằm giảm phụ tải điện trong giờ cao điểm.

- Tòa nhà thông minh:

+ Thiết bị đèn cảm ứng giúp tiết kiệm điện

+ Cấp nước cảm ứng.

+ Thông gió, chiếu sáng tự nhiên có điều khiển tự động.

- Chính quyền điện tử: Tăng tính minh bạch, giúp cải cách thủ tục hành chính tăng hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Kết nối dữ liệu các bệnh viện, chuẩn hóa các yêu cầu kỹ thuật giúp giảm chi phí và thời gian khám chữa bệnh.

- Xây dựng các hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung để cho phép các doanh nghiệp công nghệ tham gia và khuyến khích phong trào khởi nghiệp.

- Kết nối hoạt động thương mại, ngân hàng…

- Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu mở.

3. Quy hoạch đô thị thông minh

“Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị”. Do vậy, trong công cuộc phát triển đô thị thông minh, quy hoạch có nhiệm vụ định hướng phát triển không gian đô thị để tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý phát triển đô thị nhằm hướng tới một nền kinh tế đô thị với các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao; xã hội, công bằng văn minh; giảm thiểu sử dụng tài nguyên, khuyến khích năng lượng tái tạo, giảm ô nhiễm, phát thải, và thúc đẩy các công nghệ môi trường.

Việt Nam với hơn 800 đô thị được chia thành 6 loại, có quy mô, tính chất khác nhau, thuộc các vùng miền có đặc điểm điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội rất đa dạng, việc lựa chọn mô hình, công nghệ, lĩnh vực, mức độ phát triển đô thị thông minh sẽ là rất linh hoạt và phong phú, phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng đầu tư của từng đô thị. Việc lập quy hoạch đô thị thông minh cần quan tâm tới những khía cạnh như:

- Môi trường phát triển đô thị: Xác định mô hình phát triển đô thị là nội dung quan trọng trong lập đồ án quy hoạch đô thị. Các mô hình đô thị nén, đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị phát triển bền vững…đã được nghiên cứu phát triển và áp dụng đều có chung mục tiêu với đô thị thông minh. Các mô hình trên đây là cơ sở, nguyên lý để xây dựng đô thị thông minh và ngược lại phát triển đô thị thông minh chính là một trong những giải pháp để hướng tới đô thị xanh, đô thị phát triển bền vững.

- Chiến lược phát triển đô thị: Đồ án quy hoạch cần nghiên cứu các động lực phát triển đô thị rõ ràng, từ đó xác định các trung tâm động lực, lĩnh vực động lực và dự án chiến lược của đô thị. Đây là các cơ sở để đầu tư hạ tầng công nghệ thông minh cho đô thị một cách hiệu quả.

- Cấu trúc phát triển đô thị: Mỗi đô thị có cấu trúc phát triển khác nhau, phụ thuộc điều kiện địa hình, đất đai, tài nguyên, quy mô phát triển đô thị…Việc xác định hình thái cấu trúc phát triển đô thị là cơ sở để thiết lập các ứng dụng thông minh. Ví dụ như xác định cấu trúc phát triển đô thị theo định hướng giao thông tại các đô thị lớn, giúp tăng hiệu quả hệ thống đô thị nhất là giao thông công cộng thông qua ứng dụng công nghệ thông minh; thiết lập cấu trúc đô thị dựa trên cảnh quan mặt nước sẽ cần áp dụng công nghệ thông minh trong quản lý cảnh quan mặt nước, quản lý thoát nước xanh…

- Tốc độ đô thị hóa và mật độ dân cư tập trung là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chiến lược đô thị thông minh. Đô thị càng nén thì những giải pháp đô thị thông minh sẽ càng tỏ ra có hiệu quả.

- Quy mô đô thị: Đô thị càng lớn thì càng có nhu cầu về hạ tầng, về kết nối, do đó càng cần tới những giải pháp thông minh. Tuy nhiên, thực hiện những giải pháp thông minh cho những đô thị lớn thường là rất khó, vì có quá nhiều mối quan hệ ràng buộc và những vấn đề kỹ thuật. Thực tế cho thấy, những đô thị quy mô vừa phát triển được các ứng dụng đô thị thông minh một cách toàn diện hơn.

- Quy hoạch sử dụng đất: Việc áp dụng công nghệ thông minh cho phép tăng cường quản lý đất đai làm tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, giúp thay đổi hình thái đô thị theo hướng bền vững hơn, giảm quy mô đất đai đô thị trong khi vẫn đảm bảo hoạt động của các chức năng, dịch vụ cho một quy mô dân số lớn.

- Quy hoạch giao thông đô thị: Thiết kế hệ thống giao thông công cộng thuận lợi, khoảng cách đảm bảo khả năng đi bộ, các tiến nghi vỉa hè thuận tiện cùng với áp dụng các công nghệ thông minh hỗ trợ người dân. Thiết kế mạng đường cho xe đạp an toàn, có các tiện nghi đỗ xe, gửi xe, thuê xe thông minh.

- Hệ thống thông tin mở: Trong quy hoạch và quản lý đô thị, hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ, cập nhật và được kết nối là cơ sở để lập quy hoạch, để hoạch định các kế hoạch, các chính sách về quản lý đất đai, quản lý xây dựng đô thị một cách khoa học, chính xác; giúp tiết kiệm thời gian, chi phí nghiên cứu. Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân giúp hoạt động đô thị, các hoạt động của thị trường (đặc biệt là thị trường BĐS) trở nên minh bạch và lành mạnh.

4. Kết luận

Phát triển đô thị thông minh là xu thế chung thế giới nhằm hướng tới phát triển đô thị bền vững. Với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, cần thiết nghiên cứu cẩn trọng và lựa chọn các lĩnh vực, công nghệ phù hợp, ưu tiên những ngành, lĩnh vực đạt hiệu quả cao trong ngắn hạn và ít rủi ro. Để phát triển đô thị thông minh cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cả nhà nước và khối tư nhân. Trong đó, chính phủ tạo hành lang pháp lý khuyến khích phát triển công nghệ thông minh; chính phủ hỗ trợ các nghiên cứu cơ sở, các nghiên cứu thí điểm để tìm ra các giải pháp phù hợp với xuất phát điểm và các vấn đề của đô thị Việt Nam, làm nền tảng cho việc áp dụng rộng rãi. Doanh nghiệp luôn có vai trò quan trọng nhất trong việc thực thi các chính sách, doanh nghiệp sẽ thực hiện các dự án thông minh hướng tới cộng đồng và đây sẽ là thương hiệu cho sản phẩm của nhà đầu tư. Việc huy động nguồn lực phát triển đô thị thông minh cần có cơ chế để toàn xã hội tham gia; nhà nước đảm nhận những đầu tư cơ bản ban đầu, doanh nghiệp sẽ tham gia thông qua hoạt động đầu tư xây dựng và bán sản phẩm công nghệ trong quá trình vận hành. Qua đó, xây dựng đô thị đạt mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam bền vững và sống tốt.


(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 91+92/2018)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)