Kinh nghiệm ứng dụng BIM vào thực tế xây dựng tại Vương quốc Anh và Ý

Thứ hai, 24/09/2018 10:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong ngành công nghiệp xây dựng đã được các chuyên gia trong ngành đề cập một cách cụ thể trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học và Thực tiễn Quốc tế lần thứ V với chủ đề “Các công nghệ BIM. Phương pháp và nguyên tắc định giá trong xây dựng. Các công nghệ cải tiến trong ngành xây dựng và ứng dụng” do Trung tâm KHKT quốc gia về Định giá xây dựng (Nga) tổ chức cuối tháng 2/2017. Tại Hội nghị, những chia sẻ của các chuyên gia đến từ Anh và Ý dành được sự quan tâm đặc biệt.  

Khi nói tới ưu điểm của việc ứng dụng BIM trong thiết kế, các chuyên gia thường lấy các kinh nghiệm của Anh để dẫn chứng. Tại Anh, hàng trăm công ty thiết kế - xây dựng đang hoạt động rất thành công với các quy trình kinh doanh được thiết lập với các ứng dụng BIM.

Theo ông Jay Bekham, giám đốc Phát triển kinh doanh của Công ty Trimble Solutions (Anh), BIM không chỉ là một mô hình mà còn là một hệ thống “thông tin vô cùng hữu ích”. BIM hỗ trợ xây dựng và phát triển kinh doanh xây dựng thành công, là công nghệ cần thiết cho cả bên đặt hàng và nhà thầu. Hiện nay các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tại Anh đang ứng dụng công nghệ BIM ở những cấp độ khác nhau. Cấp độ không (zero) là những giải pháp thiết kế và xây dựng truyền thống, sử dụng hạn chế phần mềm và trao đổi thông tin bằng giấy tờ hoặc bằng cách thông thường là sao chép các tệp tin. Cấp độ 1 bao gồm việc sử dụng mô hình 3D và hệ thống thiết kế tự động (CAD) để thiết kế. Đồng thời, hồ sơ tài liệu chính thức về các công trình được lập và phê duyệt dưới hình thức giấy tờ "hai chiều" thông thường. Cấp độ 2 - sử dụng CAD để phối hợp và trao đổi thông tin giữa các thành viên khác nhau tham gia vào toàn bộ quy trình xây dựng. Đây là mục tiêu tối thiểu cần đạt được hiện nay mà chính phủ Anh đề ra. Và cấp độ cuối cùng, cấp độ 3 chưa đạt được bởi liên quan tới việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế cho phép trao đổi dữ liệu trên toàn thế giới.

Cũng theo ông Jay Bekham, các công ty xây dựng ở Anh đang nỗ lực để chuyển đổi từ trao đổi tài liệu bằng giấy sang không gian số, song hiện tại chỉ có 20% doanh nghiệp đã đạt được cấp độ 2 trong ứng dụng BIM. Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực để hoàn thiện các tiêu chuẩn. Và trong lĩnh vực này, các công ty của Anh cũng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm.

Ông Jay Bekham cho biết, Chính phủ có vai trò quyết định trong việc chuyển đổi sang môi trường số của ngành Xây dựng. Các quan chức đã nhìn thấy tiềm năng tiết kiệm rất lớn của các công nghệ BIM khi thực hiện các dự án xây dựng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, và công nghệ đầy triển vọng này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ.

Năm 2012, Chính phủ Anh đã thông qua một số văn bản quan trọng về BIM, trong đó có quy định bắt buộc tất cả các dự án xây dựng vốn ngân sách Nhà nước phải sử dụng các công nghệ BIM. Từ năm 2016, tiêu chuẩn này đã chính thức có hiệu lực ở quy mô quốc gia. Mặc dù các doanh nghiệp tư nhân cũng như các dự án xây dựng được thực hiện bằng vốn tư nhân không nhất thiết phải áp dụng BIM, nhưng các doanh nghiệp này nếu mong muốn tham gia vào các hợp đồng với Nhà nước thì sẽ phải chuyển đổi sang phương thức mới.

Những thành công này phần lớn nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ Anh đã thành lập và tài trợ cho UK BIM Task Group - nhóm chuyên gia đã hoạt động qua mọi thời điểm cơ bản của quá trình chuyển đổi sang mô hình hóa thông tin. Riêng trong năm 2013, Chính phủ Anh đã chi gần 4 triệu Bảng cho tổ chức này, và điều rất thú vị là con số này ít hơn nhiều so với số tiền ngân sách được tiết kiệm trong quá trình thực hiện thí điểm các dự án vốn ngân sách.

Chính phủ Anh cũng nỗ lực nghiên cứu các tiêu chuẩn đặc thù cho việc ứng dụng BIM. Nhiệm vụ của các tiêu chuẩn này là đảm bảo lợi ích quốc gia khi thực hiện các dự án có ứng dụng BIM, xây dựng khung pháp lý và điều hòa việc chuyển đổi sang các công nghệ mới của toàn bộ ngành Xây dựng Anh.

Sau nhiều cuộc thảo luận kéo dài, vào năm 2013, chiến lược "Construction - 2025" đã ra đời. Tài liệu có thể truy cập công khai trên trang web của chính phủ Anh. Trong trường hợp thực hiện thành công, tới năm 2025, ngành Xây dựng Anh sẽ giảm được 50% lượng khí phát thải, giảm 50% thời gian thực hiện các công trình, giảm 33% chi phí xây dựng cơ bản và chi phí vận hành. Tuy nhiên, mục tiêu chính - Anh sẽ trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ xây dựng kỹ thuật số khi đạt được cấp độ 3 trong ứng dụng BIM. Với các công nghệ số, Chính phủ Anh kỳ vọng sẽ gia tăng xuất khẩu các dịch vụ tư vấn - xây dựng, bao gồm cả việc phổ biến rộng rãi các tiêu chuẩn Anh liên quan.

Để đạt được cấp độ 3 (cấp độ cuối cùng), các doanh nghiệp của Anh đã phải đi qua một chặng đường dài. Trước kia, các doanh nghiệp tập trung hoàn toàn vào khách hàng và nhà thầu, song như vậy chưa đủ. Cần trao đổi thông tin, liên tục hoàn thiện quy trình hoạt động, và một điều không kém phần quan trọng - cần nghiên cứu các quy định đối với mọi thành viên tham gia thị trường.

Ông Niko Netti - Tổng Giám đốc ISCA-ACADEMY (Ý) cho rằng: để ứng dụng BIM thành công, trước hết, cần trao đổi kinh nghiệm quốc tế cũng như chia sẻ với các doanh nghiệp đã ứng dụng phương pháp này. Vai trò của nhà nước là đề ra các nguyên tắc rõ ràng đối với các bên tham gia thị trường.

ISCA là hiệp hội phi thương mại, với các thành viên là doanh nghiệp hoặc cá nhân. Nhiệm vụ chính của hiệp hội là hỗ trợ việc kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. Hiệp hội đã phát triển một mạng lưới rộng khắp tại nhiều quốc gia và hoạt động trong các phân khúc thị trường khác nhau.

Theo ông Niko Netti, tại Ý, một trong những khâu phức tạp nhất trong hoạt động xây dựng chính là việc định giá. Đất nước có 92 tỉnh hợp nhất thành 20 vùng. Tại một số vùng có các phòng thương mại riêng để điều tiết các vấn đề định giá. Chính quyền các thành phố lớn như Milan và Venice đã định giá xây dựng ở cấp độ chính quyền đô thị. Mặc dù giá được lập bởi chính quyền nhà nước, các công ty tư nhân là thành viên của các phòng thương mại cũng được quyền tham gia định giá.

Tùy theo địa bàn hoạt động của doanh nghiệp, tối đa có 4 mức giá hiện hành (price - current) có thể được áp dụng trong xây dựng, đơn giá nguyên vật liệu và định mức lương tối thiểu của người lao động theo đó có thể được điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, tùy vào vị trí nhân sự có thể áp dụng các chuẩn mực khác nhau. Sự phức tạp trong các bảng dự toán sẽ được tháo gỡ nếu có một mô hình thông tin chung. Để đơn giản hóa công việc của các chuyên gia và giảm thiểu sai sót, rất cần một tiêu chuẩn về định giá trong hoạt động xây dựng.

Năm 2009, một tiêu chuẩn đã được ban hành, trong đó quy định rõ ràng về cách thức định giá vật liệu và dịch vụ trong xây dựng. Ông Niko Netti cho biết: nền tảng của tiêu chuẩn là mô hình thông tin dựa trên các giả định, giả thuyết, tức là toàn bộ công việc được chia ra nhiều loại khác nhau, có thể là nhiệm vụ, dịch vụ, cung cấp. Khi lập dự toán, cần tính tới giá thực tế cho các nguồn lực đầu vào khác nhau.

Tất cả những yếu tố nêu trên đều được đưa vào việc định giá. Theo ông Niko Netti: khi chia nhỏ các chi tiết cấu trúc, quy trình xác định giá trị trở nên đơn giản và dễ hiểu hơn rất nhiều, ngay cả đối với các chuyên gia ngoài ngành. Trong đơn giá hiện hành, các chuyên gia gắn liền các hạng mục ngân sách với từng chi tiết cấu kiện hoặc vật liệu của công trình xây dựng, sử dụng đơn vị đo lường thống nhất để định giá.

Kể từ khi công bố tiêu chuẩn, ngành Xây dựng Ý đã tiến một bước dài. Phương pháp BIM đã được một số doanh nghiệp tiên phong áp dụng để lập dự toán. Ủy ban Tiêu chuẩn hóa đã thông qua tiêu chuẩn mới, và trong năm 2017 tiếp tục ban hành điều khoản bổ sung cho tiêu chuẩn này. Tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy các công nghệ số trong việc định giá và ứng dụng BIM ở cấp quốc gia.

Thực tiễn xây dựng của Ý đã cho thấy ưu điểm quan trọng nhất của BIM là tiết kiệm tới 40% ngân sách dự án. Do đó, Chính phủ Ý đã thông qua quyết định, theo đó bắt đầu từ năm 2019, các cuộc đấu thầu xây dựng của nhà nước chỉ xem xét các dự án có ứng dụng BIM.

Những chia sẻ của các chuyên gia của Anh và Ý tại Hội nghị quốc tế đều thống nhất ở một quan điểm - BIM chưa phải là ngưỡng cuối trong việc chuyển đổi công nghệ xây dựng. Trong tương lai không xa, trong lĩnh vực xây dựng sẽ phổ biến những xu hướng tương tự như nhiều lĩnh vực tiên tiến khác, trong đó có điện tử thông minh, thực tế ảo tăng cường, kỹ thuật robot, mạng kết nối vạn vật (IoT), các tổ hợp bay không người lái và in 3D. Sự lạc quan càng được củng cố, bởi trong thực tiễn xây dựng của thế giới hiện nay đã ghi nhận nhiều kinh nghiệm ứng dụng các giải pháp này, cho dù phần lớn mới đang ở mức độ thử nghiệm./.

 


Nguồn: Tạp chí StroiMediaProekt – Belarus (www.stroimedia.by) tháng 4/2017
ND: Lệ Minh
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)