Thành công của các khu công nghiệp sinh thái trên thế giới

Thứ tư, 25/10/2017 14:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Việc sử dụng tổng hợp tất cả các loại chất thải ở Liên bang Nga hiện nay rất cấp thiết. Đây không chỉ là việc xử lý và chôn lấp chất thải một cách hợp lý mà còn là vấn đề cung cấp nguyên liệu thứ cấp đến mức tối đa và thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm được sản xuất từ loại nguyên liệu thứ cấp đó.

Liên bang Nga cần xây dựng hệ thống quản lý tổng hợp chất thải và tài nguyên thứ cấp nhằm giảm đến mức thấp nhất hoạt động chôn lấp chất thải và thực hiện các chính sách tiết kiệm tài nguyên. Trên cơ sở của hệ thống quản lý tổng hợp nêu trên như kinh nghiệm thế giới cho thấy, đó là việc tổ chức mạng lưới các khu công nghiệp ở những nơi xử lý tổng hợp và đồng bộ chất thải.

Trong hai thập kỷ qua, một số khái niệm đã được phát triển tạo điều kiện cho các trung tâm công nghiệp là cơ sở cho sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, được cải tạo, đạt được các chỉ tiêu cao về sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và hiệu quả môi trường, trong đó phải kể đến các biện pháp tổ chức các quan hệ liên kết với nhau, với các tổ chức thuộc chính phủ và các viện nghiên cứu.

Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) là cộng đồng của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nhằm cùng nhau hướng tới sự nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường thông qua sự hợp tác quản lỷ tài nguyên môi trường, bao gồm năng lượng, nước, vật liệu và các tài nguyên khác (trên nguyên tắc lợi ích tập thể ).Sự thành lập KCNST nhằm thực hiện một mô hình thống nhất về trao đổi sản phẩm phụ hoặc tổ chức mạng lưới thực hiện sự trao đổi đó, hay còn được gọi là cộng đồng công nghiệp. Trên giai đoạn phát triển tiếp theo, các cụm doanh nghiệp chế biến xuất hiện, trong đó họ sử dụng chất thải và các sản phẩm phụ làm nguyên liệu đầu vào. Sau đó, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ định hướng sinh thái tiên tiến, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường... cũng được chuyển vào KCNST. KCNST hiện đại được xây dựng xung quanh một khái niệm sinh thái cơ bản, ví dụ khái niệm về sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả chất thải sản xuất và tiêu dùng. Khu phức hợp nhiều chức năng cũng được thành lập, trong đó ngoài khu công nghiệp còn có cả các cơ sở thương mại và nhà ở.

Các giai đoạn phát triển KCNST cho thấy các trạng thái khác nhau của sự phát triển, từ quy trình sản xuất tuyến tính kém phát triển thiếu sự tổ chức dòng lưu chuyển phản hồi của vật liệu cho tới quy trình sản xuất hiện đại có các dòng tuần hoàn lưu chuyển nguyên vật liệu. Các KCNST bị hạn chế về không gian. Ranh giới địa lý được xác định cho từng doanh nghiệp hoặc nhà máy (ở cấp vi mô), các KCN, các khu công nghệ hoặc các khu vực (cấp trung gian), cũng như các trung tâm khu vực hoặc toàn cầu (ở cấp vĩ mô).

Trên thực tế là không thể nêu ra được một mô hình duy nhất cho việc thành lập KCNST hoạt động hiệu quả. Mỗi KCNST đang hoạt động trên thế giới hoặc một chủ thể đáp ứng định nghĩa về KCNST đều là riêng biệt. Các KCNST thường được thành lập tự phát, do sự quan hệ tương hỗ của một số cơ sở công nghiệp và (hoặc) một số cơ cấu của đô thị, tuy nhiên vai trò của nhà nước trên giai đoạn đầu của việc lập dự án và giai đoạn đưa dự án vào khai thác luôn luôn có ý nghĩa quan trọng.

Các KCNST hiện đại được hình thành trên cơ sở một doanh nghiệp chính (đầu tàu) hoặc nhóm doanh nghiệp, hoặc là các chủ thể hướng vào giải quyết một vấn đề nhất định của quận, huyện, thành phố (ví dụ quản lý hiệu quả chất thải, tài nguyên nước, rừng, nâng cao hiệu quả năng lượng...).

Theo đó, tất cả các KCNST được phân loại thành: KCNST công nghiệp, KCNST đô thị và khu phức hợp công nghiệp sinh thái.

Lợi thế kinh tế cơ bản của KCNST là tiết kiệm nguyên vật liệu (thông qua tổ chức quy trình trao đổi nguyên vật liệu), năng lượng (thông qua nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo); giảm chi phí môi trường (thông qua việc quản lý chất thải có hiệu quả); áp dụng các biện pháp khuyên khích ở cấp nhà nước và địa phương (thông qua giảm thuế, giảm chi phí sử dụng điện, nước, áp dụng chế độ ưu đãi về cấp đất xây dựng, sự bảo đảm của nhà nước về vốn tín dụng vay của ngân hàng, tổ chức hệ thống đơn hàng của nhà nước đối với các sản phẩm được sản xuất từ vật liệu tái chế hoặc áp dụng công nghệ ''xanh", xây dựng quan hệ đối tác công - tư...).

Sự khảo sát các mô hình KCNST khác nhau cho thấy chiến lược phát triển, kế hoạch hành động, hệ thống sản phẩm, quy trình, vật liệu và công nghệ, các nội dung kinh tế và môi trường của các chủ thể tương tự trên thế giới trên thực tế gần như giống nhau. Ngoại trừ các vấn đề về tổ chức, quản lý và hỗ trợ pháp lý cho hoạt động của KCNST liên quan trực tiếp đến các đặc điểm quốc gia, địa lý và kinh tế của mỗi quốc gia.
Các KCNST thực hiện 3 nhiệm vụ chính:

Giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm tác động đến môi trường thông qua việc tổ chức sự liên kết giữa các chủ thể tham gia cộng đồng công nghiệp, thu được lợi ích kinh tế, phát triển bền vững của khu vực. Trong đó, mỗi nhiệm vụ được cụ thể hóa.

Nhiệm vụ 1: Giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và giảm tác động đến môi trường:

- Giảm chi phí năng lượng và vật liệu tại từng cơ sở sản xuất riêng biệt và trên phạm vi cả KCNST; nâng cao hiệu quả sử dụng các loại nguyên vật liệu; giảm lượng khí thải và chất thải thải ra môi trường đối với từng cơ sở sản xuất riêng biệt và trên phạm vi cả KCNST; giảm chi phí sản xuất thông qua việc thiết lập các liên kết cộng đồng trong phạm vi KCNST và ngoài phạm vi này.

Nhiệm vụ 2: Đạt được các lợi ích kinh tế:

- Tăng thêm thu nhập cho tất cả các chủ thể tham gia hợp tác công nghiệp và tiết kiệm chi phí thông qua sử dụng hiệu quả nguồn lực (tiết kiệm năng lượng, vật liệu, quản lý chất thải hiệu quả hơn, tuân thủ các yêu cầu quy định tại Luật Môi trường);

Giảm sự phụ thuộc vào thị trường loại tài nguyên không tái tạo và phải nhập khẩu; giảm rủi ro về sức khoẻ và an toàn; tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường cung cấp sản phẩm và dịch vụ "xanh" đang ngày càng được mở rộng; nâng cao khả năng thích ứng và sự linh hoạt của doanh nghiệp đối với những thay đổi về quản lý thông qua sự quản lý năng động của các KCNST; cải thiện hình ảnh trong cộng đồng của doanh nghiệp và của KCNST xét về phương diện tổng thể.

Nhiệm vụ 3: Phát triển khu vực bền vững:

- Sự thành lập các KCNST tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực thông qua sự khuyến khích đổi mới và đa dạng hóa hoạt động kinh tế ở cấp địa phương và khu vực; các chiến lược đổi mới sinh thái giúp giảm sự phụ thuộc của khu vực vào các nguồn tài nguyên không tái tạo được, do vậy nâng cao tính bền vững trước tình trạng thiếu nguồn cung cấp tài nguyên.

Việc nghiên cứu các KCNST đang hoạt động hiệu quả và các hệ thống sinh thái công nghiệp trên cấp khu vực giúp xác định được các yếu tố tạo nên sự thành công của các KCNST. Các yếu tố thành công đó góp phần thành lập rộng rãi các chủ thể tương tự kể cả tại Liên bang Nga.

Một số trong số chúng được liệt kê trong Bảng dưới đây.

Bảng 1: Các yếu tô tạo nên sự thành công của KCNST

Trong giai đoạn đầu, vai trò chính của cơ quan điều phối là tuyển dụng các doanh nghiệp tham gia bằng cách giới thiệu các kết quả phân tích chi phí - lợi ích, hỗ trợ pháp lý và hành chính, cung cấp dịch vụ đào tạo và hỗ trợ thông tin trong quá trình phát triển của dự án.

Các cơ quan điều phối trong các KCNST đang hoạt động được chia thành hai nhóm:

- Quan hệ hợp tác theo hình thức tư nhân hoặc đối tác Công-Tư của các chủ thể giữ vai trò trung gian trong KCNST (các nhà cung cấp dịch vụ công ích, nhà cung cấp dịch vụ, người thuê bất động sản, ví dụ hiệp hội của các chủ thể kinh tế);

- Các cơ quan nhà nước hoạt động trên phạm vi địa lý rộng hơn, nhưng đang phát triển các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ pháp lý cho các cơ sở công nghiệp.

Tại các KCNST lớn, dịch vụ của cơ quan điều phối có thể bao gồm: Phát triển các mô hình kinh doanh; lập các dự án phát triển và quản lý; quản lý rủi ro; Bảo đảm sự liên kết, nâng cao nhận thức và hình thành hình ảnh xã hội; tương tác với các cơ quan chính quyền nhà nước; quản lý kết cấu hạ tầng sử dụng chung và lĩnh vực dịch vụ; phát triển kinh tế; thu hút các doanh nghiệp mới tham gia và xây dựng mối quan hệ hợp tác.

Thông thường, KCNST là nơi các doanh nghiệp thương mại triển khai các công nghệ tiên tiến an toàn với môi trường, đôi khi là các tổ chức nghiên cứu khoa học.

Các khuyến nghị sau đây được xây dựng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm tiên tiến về sự phát triển thành công của các KCNST hoặc chuyển đổi khu công nghiệp thành một khu liên hợp công nghiệp sinh thái hoạt động hiệu quả:

1. Phổ biến thông tin về hoạt động thành công của KCNST nhằm nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước, khu vực tư nhân, cộng đồng.

2. Thành lập cơ quan điều phối hoạt động hiệu quả và hợp pháp với vai trò là chủ thể trung gian và hỗ trợ việc thực hiện các cơ hội thông qua việc giới thiệu các sản phẩm mới về sinh thái và tổ chức các mối liên kết trao đổi giữa các doanh nghiệp trong KCNST.

3. Hợp tác với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học nhằm đẩy nhanh quá trình ứng dụng thích hợp và triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới sinh thái.

4. Bảo đảm thực hiện các giải pháp kinh tế hiệu quả dành cho doanh nghiệp thông qua việc nêu ra các hạn chế về mặt pháp lý hoặc hỗ trợ tài chính cho việc triển khai thực hiện các mô hình khác nhau của tổ chức (ví dụ, thành lập mối quan hệ đối tác Công - Tư).

- Lựa chọn địa điểm bố trí KCNST và các ngành công nghiệp chính.

- Khi lập kế hoạch phát triển KCN mới cần xem xét việc quản lý dòng chảy của vật liệu và năng lượng, công tác giao vận và vận tải, bắt đầu với chiến lược phát triển khu vực dựa trên quy trình đánh giá tác động môi trường chiến lược đã được hoàn thiện:

- Nghiên cứu sơ bộ về khu vực lãnh thổ, xác định các khả năng tổ chức quy trình trao đổi vật chất công nghiệp;

- Xác định kinh nghiệm thành công và xây dựng mạng lưới xã hội;

- Tổ chức các hội thảo chuyên đề;

- Tiến hành thăm dò ý kiến và kiểm toán;

- Xác định cơ hội và lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho các giải pháp đã được xây dựng kế hoạch;

- Quản lý dự án và hỗ trợ;

- Thực hiện các ứng dụng và giám sát.

5. Phát triển kết cấu hạ tầng sử dụng chung phục vụ việc sản xuất và phân phối năng lượng thích ứng với nhu cầu của địa phương: Hoạt động sản xuất nói chung và phân phối nhiệt, hơi nước cho các quy trình công nghiệp, kết cấu hạ tầng sử dụng chung phục vụ việc phát điện và sử dụng năng lượng tái tạo; phát triển kết cấu hạ tầng sử dụng chung phục vụ việc thu gom và xử lý sơ bộ nước thải nhằm quản lý tốt hơn nguồn nước.

6. Xây dựng mạng lưới cấp nước sử dụng chung nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp, thúc đẩy việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước và tiết kiệm nước ăn.

7. Thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tái chế chất thải thông qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến xử lý các loại chất thải cụ thể phát sinh trong KCNST.

8. Xác định các hệ thống tái chế có thể áp dụng nhằm phát triển mạng lưới thu gom chất thải hoặc xây dựng hệ thống quản lý chất thải tổng hợp quy mô cả KCNST và các khu vực liền kề xung quanh.

9. Thành lập cơ quan tuyển dụng kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mới và cung cấp các dịch vụ chung cho cư dân của KCNST (như cung cấp các dịch vụ y tế và pháp lý, tổ chức và tiến hành hội nghị, hội thảo, bảo đảm an ninh, duy trì hệ thống phương tiện vận tải sử dụng chung, mạng lưới cung cấp thức ăn...).

Các khuyến nghị này bổ sung cho các biện pháp được thực hiện trên quy mô của doanh nghiệp, như thiết kế sản phẩm sinh thái hoặc xây dựng bền vững, bảo đảm hiệu quả sử dụng năng lượng, hiệu quả sử dụng nước và giới thiệu các công nghệ sản xuất sạch.

Do thiếu các phương pháp được tiêu chuẩn hóa sử dụng trong việc đánh giá thành tựu đổi mới về sinh thái xét về số lượng và/hoặc chất lượng, thành công cụ thể và lâu dài của các KCNST rất khó đánh giá và so sánh. Do tại các quốc gia khác nhau đang áp dụng các cơ chế kinh tế và thể chế khác nhau, nên việc đưa ra các tiêu chuẩn chung cho sự đổi mới kỹ thuật và đổi mới sinh thái là một nhiệm vụ khó khăn.

Luật pháp Trung Quốc là ví dụ duy nhất. Trung Quốc đã xây dựng bộ chỉ số quốc gia đánh giá hiệu quả hoạt động của KCNST. Các chỉ tiêu cơ bản được tập trung vào việc xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm phát thải khí thải ra môi trường, giảm phát thải chất thải và chất thải rắn tính trên một đơn vị giá trị gia tăng, nâng cao giá trị hệ số tái sử dụng nước.

Điều quan trọng là ngày nay mặc dù thuật ngữ "Khu công nghiệp sinh thái" được nhắc đến nhiều hơn trong các cuộc thảo luận về hệ thống quản lý chất thải, nhưng cần lưu ý rằng trên thực tế chưa phải mọi bãi lấp chôn rác hoặc tất cả các nhà máy tái chế chất thải đi kèm với một bãi chôn lấp loại chất thải còn lại sau khi đã thực hiện quá trình phân loại chất thải, đều có thể gọi là KCNST.

Năm 2016, các chuyên gia từ Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại LB Nga, cùng với các chuyên gia của cộng đồng ngành, đã thực hiện công trình nghiên cứu "Phát triển công nghiệp xử lý chất thải sản xuất và tiêu dùng". Công trình sẽ được đưa vào Chương trình Nhà nước "Phát triển ngành công nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành".

Trong khuôn khổ của công trình nghiên cứu đã tiến hành phân tích và đánh giá kinh nghiệm thế giới về phát triển KCNST và đánh giá về mặt kinh tế và kỹ thuật khả năng tổ chức khu vực lãnh thổ xử lỷ tổng hợp chất thải ở LB Nga. Đây là một nội dung có ý nghĩa quan trọng, do Bộ Công nghiệp và thương mại LB Nga đang đề xuất các biện pháp hỗ trợ của nhà nước cho KCNST và nêu ra yêu cầu đối với các khu vực đó vì mục tiêu phát triển cách tiếp cận đầy đủ ở LB Nga.

V.A. Mariev, T.s. Smirnova
Nguồn:Tạp chí “Chất thải sinh hoạt rắn”, số 2/2017 ND: Huỳnh Phước

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)