Quy hoạch hạ tầng làng xã nông thôn đồng bằng sông Hồng tầm nhìn 2030 theo hướng phát triển xanh bền vững

Thứ năm, 09/04/2015 16:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chắc chắn sẽ có những sự thay đổi rất cơ bản về phương thức sản xuất, phát triển kinh tế do kết quả công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước theo định hướng của Đảng. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, thay đổi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn sẽ làm thay đổi đến hệ thống hạ tầng sản xuất, hạ tầng xã hội và môi trường, không gian sống ở các làng xã. Từ những mô hình cấu trúc làng truyền thông đã được nâng cấp, điều chỉnh một phần qua công tác Quy hoạch nông thôn mới vừa qua, làng xã cũng sẽ phải có những thay đổi trong các mô hình kinh tế mới, theo đúng quy luật “mô hình kinh tế quyết định mô hình cư trú”. Kết quả nghiên cứu đã đề xuất định hướng quy hoạch hạ tầng làng xã nông thôn ĐBSH tầm nhìn 2030 theo hướng phát triển xanh - bền vững trong đó có mô hình “Hạ tầng xanh” và các mô hình ứng dụng công nghệ mới. Những mô hình này sẽ là cơ sở thiết lập các đồ án quy hoạch nông thôn giai đoạn tới nhằm đạt được mục tiêu phát triển nông thôn bền vững trong tương lai.

Trước những tác động của nền kinh tế thị trường, cùng với những bước tiến trong công tác Quy hoạch nông thôn mới giai đoạn vừa qua, nhằm đáp ứng yêu cầu của 19 tiêu chí nông thôn mới, làng xã đã có những sự thay đổi như sau:

- Hình thành hệ thống hạ tầng xã hội cho các làng xã như chợ, công trình giáo dục, y tế, nhà văn hóa. Đảm bảo quy mô diện tích đất, công trình theo quy mô dân cư, các quy chuẩn hiện hành.

- Hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp, đường làng được bê tông hóa, kể cả một số tuyến đường nội đồng. Nhiều làng xã đã được cung cấp nước sạch. Nhà ở được xây dựng theo xu hướng kiên cố hơn, tiện nghi hơn.

- Công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng truyền thống như: Đình, chùa, Miếu được người dân quan tâm gìn giữ.

- Hạ tầng sản xuất bước đầu được nâng cấp, bê tông hóa đường nội đồng.

Nhìn chung đây là một phong trào nâng cấp, cải tạo làng xã có quy mô lớn và đã được những kết quả đáng trân trọng: Tạo nên một môi trường sống tốt đẹp hơn cho người dân nông thôn. Đến tháng 3/2014 đã có 90% xã ở ĐBSH đạt tiêu chí nông thôn mới.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch nông thôn mới diễn ra trong bối cảnh nền sản xuất nông nghiệp nông thôn chỉ bước đầu trong quá trình phát triển và đổi mới, nguồn lực còn rất hạn chế. Chính vì vậy, nó chưa đòi hỏi phải tạo nên sự thay đổi toàn diện, triệt để trong cấu trúc quy hoạch làng xã, chưa có điều kiện để có tầm nhìn xa hơn. Nhiều tiêu chí như môi trường, xử lý nước thải, thu nhập chưa đạt được do điều kiện nguồn vốn xây dựng không đủ.

Bộ Xây dựng đã tổng kết: “Các đồ án chưa thể hiện rõ yêu cầu QHXH nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết 26 NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thiếu tính liên kết vùng trong các mặt tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng hạ tầng khung, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cấp huyện, tạo điều kiện sống người dân nông thôn gắn với điều kiện sống người dân đô thị. Nhìn chung, các đồ án QHXD xã nông thôn mới đáp ứng được yêu cầu trước mắt, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài trên địa bàn xã”. (Tạp chí Xây dựng và Đô thị số 36/2014)

Một số dự báo về những nhân tố kinh tế mới

- Với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp nông thôn sẽ có điều kiện để áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tăng năng suất lao động. Những mô hình kinh tế mới của tương lai sẽ hình thành, ứng dụng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như nuôi trồng trong nhà kính, các mô hình nuôi cá tập trung, thuỷ canh, trồng rau sạch, trồng hoa công nghiệp…có thể sẽ được triển khai như mô hình của các nước trong khu vực châu Á.

- Chủ trương thực hiện công tác dồn điền đổi thửa cũng đang có kết quả, tạo tiền đề cho sản xuất quy mô lớn.

- Cùng với tác động của quá trình đô thị hóa, sự phát triển của hệ thống đô thị, nông thôn cũng có cơ hội phát triển các hoạt động kinh tế dịch vụ, cơ hội phát triển các làng nghề, các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, du lịch văn hóa, sinh thái.

- Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm phần lớn cũng đang là xu thế trong toàn vùng.

- Giá trị sản xuất cao, hiệu quả kinh tế trong sản xuất sẽ tạo nên nguồn lực để xây dựng nông thôn. Dự báo thu nhập GDP bình quân Việt Nam năm 2050 là 20.000 USD/người (Gormal Sachs). Năm 2030 có thể dự báo đạt 10.000 USD/người.

- Các đồ án quy hoạch chưa chú ý đến giao thông tĩnh. Những điểm dừng đỗ để vận chuyển hàng hóa, vận chuyển nông sản, vận chuyển nguyên vật liệu cho xây dựng từ bên ngoài vào bên trong làng chưa được chú ý. Khi không thể tạo toàn bộ đường làng thành đường ô tô thì những bãi đỗ xe, điểm tập kết để vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thủ công vào bên trong làng là rất cần thiết.

- Hệ thống thoát nước mưa và nước thải không hiệu quả nếu dựa trên mạng giao thông hiện nay. Phần lớn các phương án thu gom nước thải theo đồ án quy hoạch là từ các đường nhánh về trục đường chính, hướng này lại ngược với hướng cao độ tự nhiên. Nếu theo phương án này, các cốt đường nhánh cũng phải nâng lên và sẽ thay đổi toàn bộ hệ thống cao độ hiện có của các làng xã.

- Trong nhiều đồ án, giải pháp xử lý nước thải cũng chưa thực sự được đặt ra, còn cho chảy thẳng ra hệ thống ao hồ chung hay sông ngòi. Khả năng thiết lập các trạm xử lý nước thải tập trung cho một xã, thôn là không phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay.

Hiện tại, các hộ gia đình hầu như không dùng phân bắc mà xử lý phân thông qua bể phốt. Nước thải khu vệ sinh và nước thải sinh hoạt chảy ra ao hồ sẽ gây ô nhiễm môi trường. Với các thôn nhiều ao hồ, vấn đề ô nhiễm không nghiêm trọng nhưng khi ao hồ gia đình bị lấp thì đây sẽ là khó khăn lớn.

Việc thu gom rác, xử lý rác cũng gặp khó khăn do hệ thống giao thông cơ giới khó tiếp cận, hạn chế khả năng thu gom, vận chuyển đến các điểm xử lý rác tập trung. Đặc biệt với các xã có làng nghề, gây ra tình trạng ô nhiễm.

Nhìn chung, hạn chế nhất hiện nay chính là hệ thống hạ tầng khung của làng xã dựa trên cấu trúc phân nhánh kiểu cành cây, chỉ phù hợp với giao thông đi bộ và một cấu trúc cộng đồng xã hội khép kín. Phải thay đổi, chuyển đổi cấu trúc này mới có thể đáp ứng nhu cầu của cuộc sống tương lai. Vấn đề chuyển đổi sao cho không làm xáo trộn, đảo lộn cuộc sống của cộng đồng dân cư hiện có và cũng phù hợp với từng bước đầu tư, phát triển kinh tế.

Đề xuất mô hình hệ thống “Hạ tầng xanh nông thôn” điển hình cho quy hoạch làng xã nông thôn ĐBSH

Quy hoạch phát triển làng xã nông thôn tầm nhìn 2030 phải được định hướng từ sự thay đổi của hệ thống hạ tầng. Hạ tầng phải đi trước một bước, tạo tiền đề cho đổi mới kinh tế nông thôn. Đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống tương lai.

Theo định hướng phát triển xanh bền vững, tác giả đề xuất mô hình “Hạ tầng xanh nông thôn” điển hình với các nguyên tắc:

- Lồng ghép phát triển hạ tầng với việc gìn giữ bảo vệ môi trường, tái tạo hệ sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên, sử dụng vật liệu địa phương.

- Giao thông và hạ tầng đáp ứng được xu hướng cơ giới hóa trong sản xuất và đời sống. Hạ tầng đi trước một bước để tạo điều kiện phát triển sản xuất, đáp ứng toàn diện các yêu cầu đổi mới kinh tế, xã hội trong tương lai.

- Tạo nên khung phát triển hạ tầng làng xã ở phần biên. Từ khung hạ tầng này kết nối với hạ tầng ở phần lõi và đồng ruộng, không chỉ chú trọng cải tạo ở phần lõi làng xã như hiện nay. Phần lõi là hệ thống đường làng ngõ xóm cũ sẽ được nâng cấp từng bước, bảo tồn và kế thừa các giá trị của không gian truyền thống.

- Đổi mới đồng bộ giữa liên kết hạ tầng nơi cư trú với hạ tầng sản xuất, giữa phát triển hạ tầng làng xã với đổi mới phương thức phát triển sản xuất. Đảm bảo tính tương thích giữa mô hình phát triển kinh tế và mô hình cư trú nông thôn.

- Phát triển Hạ tầng xanh là sự kết hợp các yếu tố Quy hoạch - Công nghệ mới. Những thành tựu công nghệ tiên tiến phải được cập nhật, ứng dụng, đặc biệt là các xu hướng sử dụng công nghệ xanh.

Các đặc điểm chính của mô hình như sau:

1.Quy hoạch giao thông: Chuyển đổi cấu trúc đường giao thông làng xã từ dạng phân nhánh cành cây sang dạng mạng, tăng cường khả năng tiếp cận giao thông cơ giới tới hộ gia đình và với giao thông cơ giới nội đồng. Thay đổi từ dạng tiếp cận đi từ một trục chính vào lõi và phân nhánh sang dạng tiếp cận từ nhiều hướng bên ngoài và bên trong.

Đây là giải pháp rất căn bản vì hệ thống giao thông là bộ khung chính cho các thành phần khác của hạ tầng kỹ thuật đi theo.

Giải pháp:

+ Xây dựng tuyến đường bao quanh thôn, làng. Đường rộng 5,5m - 7m cho 2 xe ô tô tránh nhau được. Tuyến đường không đi sát vào đất dân cư mà có một khoảng cách để tạo diện tích đất cho một số chức năng khác và của hạ tầng kỹ thuật;

+ Nối giao thông nội đồng với tuyến đường bao quanh thôn, làng;

+ Nối thông các ngõ chính với đường bao mới được xây dựng;

+ Đường chính của làng, thôn giữ nguyên tuyến, nâng cấp chất lượng bề mặt, chiều rộng tối thiểu 3-5,5m. Cho 1-2 làn xe tuỳ điều kiện thực tế nhưng không làm thay đổi cảnh quan truyền thống;

+ Tổ chức một số điểm dừng xe ở đầu đường chính, ngõ chính để tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng, làm sân gom sản phẩm nông nghiệp;

+ Xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới đường nội đồng để tạo điều kiện phát triển sản xuất. Mạng lưới đường cách nhau 400 - 500m, chiều rộng đường từ 2,7m đến 5m. Tuyến đường 2,7m – 3,5m có chỗ mở dừng, tránh cho xe cơ giới và đặt các máy công cụ: Tuốt lúa, vận chuyển, tập kết sản phẩm nông nghiệp.

Giao thông cơ giới đuờng biên làng xã kết nối với giao thông nội đồng chính là điểm mới để thích ứng với sự phát triển của các phương thức sản xuất nông nghiệp mới, sản xuất lớn và sản xuất công nghệ cao. Những sản phẩm như rau sạch, hoa…có thể được thu gom tại các điểm dừng và đưa ra thẳng thị trường. Các hoạt động dịch vụ cho sản xuất cũng có điều kiện tiếp cận.

2. Xây dựng hệ thống ao hồ chung, xử lý nước thải bằng ao hồ sinh học, mô hình xử lý nước thải phân tán ở khu vực biên. Từng bước tiến tới xử lý nước thải với chất lượng cao, có thể tái sử dụng.

Nhất thiết phải hình thành hệ thống ao hồ chung (trên đất công) để chủ động trong việc điều tiết mưa, nước thải, bảo vệ môi trường, thay thế dần các ao hồ riêng trong hộ gia đình đang có xu hướng hẹp lại dần. Khẳng định ao hồ là một thành phần tất yếu tồn tại trong hệ sinh thái của nông thôn ĐBSH. Hệ thống ao, hồ cần hình thành 2 loại:

- Ao hồ trữ nước mưa, hỗ trợ cho cấp nước sinh hoạt, sản xuất khi vào mùa khô, thiếu nước cấp từ sông (Hồ điều hoà). Có thể kết hợp nuôi cá.

- Ao hồ thu gom và xử lý nước thải phân tán bằng ao hồ sinh học.

Đây là một giải pháp thích hợp để xử lý nước thải nông thôn hiện nay, kết hợp với việc xây dựng các trạm xử lý nhỏ dạng phân tán. Các hồ xử lý theo phương pháp sinh học phải hình thành trước, các trạm xử lý nhỏ có thể hình thành sau tuỳ theo dạng nước thải, mức độ ô nhiễm. Giải pháp:

- Xây dựng hệ thống ao hồ chung, giáp với tuyến đường bao quanh thôn, làng.

- Xây dựng rãnh thu gom nước mưa chảy về các ao hồ trữ nước mưa, hồ điều hoà.

- Xây dựng cống nước thải chạy dọc theo đường ngõ chính mới thông với đường cao, chảy qua các bể xử lý chung của xóm, chảy vào ao hồ sinh học.

Giải pháp này khác với giải pháp đề xuất trong các đồ án quy hoạch hiện nay, thay vì thu gom nước về trục chính trong làng còn kết hợp cả việc lập các hướng tuyến thoát ra đường bao. Như vậy phù hợp với địa hình, độ dốc tự nhiên và cũng giảm được việc phải nâng cốt san nền trong làng xã.

Các ao hồ bao quanh làng cũng tạo điều kiện để kết nối mặt nước, tránh tình trạng ao tù và góp phần tạo môi trường không khí, điều hoà nhiệt độ mùa hè…phù hợp với điều kiện nóng ẩm vùng ĐBSH. Việc trồng cây ven hồ góp phần tạo cảnh quan chung cho thôn làng, làm hạn chế bớt những ấn tượng xấu về mật độ xây dựng cao, nhà 3 tầng chen chúc, thiếu cây xanh trong rất nhiều các làng xóm hiện nay.

3. Xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, gồm ao hồ chứa nước mưa, bể chứa nước mưa chung cho nhóm nhà, bể chứa hộ gia đình.

Việc thu gom nước mưa để tái sử dụng cho sinh hoạt, tưới cây, sản xuất là một trong những tiêu chí đặt ra cho hệ thống hạ tầng xanh nông thôn. Đây cũng là xu hướng tiết kiệm tài nguyên chủ đạo của nhiều quốc gia trên thế giới.

Giải pháp

+ Thu gom nước mưa vào các hồ điều hoà, trữ nước mưa quanh làng tại các ao chung.

+ Làm bể nước mưa cho các nhóm, cụm hộ gia đình: Gồm một hoặc nhiều bể chứa, khối tích bể chứa khoảng 20 - 30m3. Tuỳ theo điều kiện kinh tế, tình hình cấp thiết ở từng địa phương mà có thể tăng quy mô. Khuyến khích xây dựng bể nước mưa của hộ gia đình.

Ngoài các giải pháp bể chứa thông thường đang sử dụng, cần có các nghiên cứu công nghệ mới về thu gom nước mưa cho từng quy mô trong hệ thống. Kiến nghị hướng phát triển công nghệ phù hợp là làm bể làm bằng vật liệu nhẹ (composit, bạt nhựa) đặt nổi hoặc trong các ao thu nước mưa hoặc giếng làng cũ. Bể đặt trong nước sẽ làm giảm tối đa bề dày của vật liệu, tăng độ bền vật liệu, giảm giá thành (Hiện nay đã có một số cơ sở sản xuất bể nước mưa theo xu hướng này).

4. Chuyển đổi chức năng sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt bên trong đường bao cho xây dựng nhà ở và công trình công cộng cần bổ sung.

Một số diện tích đất nông nghiệp nằm bên trong đường bao kiến nghị được sử dụng cho các chức năng:

- Chuyển đổi thành đất ở (thông qua đấu giá) để lấy kinh phí bù vào việc xây dựng hạ tầng. Theo chính sách chuyển đổi đất xen kẹt, diện tích này nằm kề đường giao thông cơ giới mới nên thuận tiện cho hoạt động dịch vụ, đấu giá có hiệu quả. Nhà ở mới được quản lý tốt hơn về kiến trúc, có dự kiến cho phát triển dịch vụ.

- Làm đất dự trữ cho xây dựng công trình công cộng đáp ứng nhu cầu của tương lai.

- Trồng cây xanh tạo cảnh quan, bổ sung quỹ đất cây xanh công viên TDTT còn thiếu.

5. Sử dụng vật liệu địa phương để xây dựng đường giao thông.

Việc tận dụng các cốt liệu địa phương để làm đường nông thôn cũng cần coi là một tiêu chí theo hướng hạ tầng xanh, làm giảm bớt giá thành, giảm việc vận chuyển vật liệu từ nơi khác đến. Với một số công nghệ mới hiện nay, nhiều cốt liệu địa phương như đất, đá mạt, công nghệ bao đất có thể được sử dụng để thay thế các cốt liệu đá dăm, cát vàng thông thường.

6. Khuyến khích sử dụng các công nghệ mới trong xử lý chất thải.

Mô hình quy hoạch mới đòi hỏi phải có công nghệ phù hợp trong việc xử lý môi trường. Hai hướng áp dụng công nghệ đã được khẳng định tính ưu việt, phù hợp với điều kiện kinh tế nông thôn cần nghiên cứu áp dụng là:

a. Công nghệ xử lý nước thải phân tán: Sử dụng hệ thống bể xử lý nước thải phân tán cho nhóm gia đình, mỗi thôn có thể có vài khu xử lý. Bố trí trước khi nước thải ra ao hồ sinh học. Đặc biệt cần áp dụng ngay đối với các làng nghề, sản xuất có chất thải có nguy cơ ô nhiễm cao (dệt, làm giấy…) tránh để ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.

b. Thiết lập hệ thống xử lý rác thải phân tán: Xu hướng xử lý rác thải tại nguồn, xử lý phân tán là xu hướng công nghệ tốt, giảm giá thành và cũng giảm mức độ ô nhiễm hơn so với việc thu gom về các bãi xử lý lớn. Hệ thống xử lý rác thải phân tán đặt cạnh đường bao, sau khi thu gom từ các ngõ xóm.

7. Tái tạo cảnh quan và hệ thống tuyến xanh kết nối hệ sinh thái trong và ngoài làng, góp phần tăng cường sự đa dạng sinh học.

Trồng cây xanh ven ao và đường khu vực biên của thôn, làng, tạo nên hình ảnh làng quê xanh ngay từ tầm nhìn bên ngoài. Tạo tuyến cây xanh (trồng Tre, Xoan), cây bụi là môi trường liên kết hệ sinh thái bên trong làng với các điểm xanh ngoài làng (trang trại, điểm du lịch sinh thái), tăng cường sự đa dạng sinh học.

8. Bảo tồn các không gian cảnh quan truyền thống trong làng: Bảo tồn các công trình kiến trúc truyền thống. Giữ gìn, tôn tạo không gian cảnh quan ao làng, đình chùa, giếng làng, những con đường có hàng rào cây xanh… Việc xây dựng mới chủ yếu ở đường biên cũng làm giảm áp lực chia nhỏ đất xây dựng bên trong làng, tạo điều kiện cho công tác bảo tồn.

Từng bước xây dựng Hạ tầng xanh, tương thích giữa phát triển kinh tế với phát triển hạ tầng.

Phát triển hạ tầng phải gắn với đổi mới công nghệ, với xu hướng tiết kiệm năng lượng, gắn với phát triển xanh, đây là nguyên tắc của phát triển bền vững. Hạ tầng cũng phải phù hợp với khả năng của nguồn lực, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là vấn đề chỉ có thể giải quyết được tốt trong giai đoạn sau năm 2020.

Tuy nhiên không có nghĩa phải đợi đến 2020 mới tiến hành xây dựng hạ tầng xanh. Với hệ thống hạ tầng khung này có thể phân 2 giai đoạn thực hiện như sau:

- Giai đoạn 1: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: Định hướng quy hoạch đường bao, xây dựng các hệ thống ao hồ sinh thái, nối thông ngõ cụt ra ngoài đường biên dự kiến để hạn chế việc phải giải toả sau này. Đường bao nếu chưa có điều kiện có thể xây dựng đường đi bộ, giai đoạn sau mở rộng thành đường ô tô.

- Giai đoạn 2: Từ năm 2020 - 2030. Xây dựng đường bao và hạ tầng giao thông, thoát nước kết nối trong, ngoài. Xây dựng hệ thống ao hồ thu gom nước mưa, tạo cảnh quan, thiết lập các tuyến kênh sinh thái. Xây dựng đường giao thông và hạ tầng nội đồng, kết nối đường bao với đường nội đồng.

Với các làng nghề đã có những tiềm lực kinh tế nhất định, cần thiết phải triển khai xây dựng ngay theo mô hình này để tạo được hạ tầng có khả năng chịu tải tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Kết luận: Với tầm nhìn 2030, khi các tác động của quá trình công nghiệp hóa, làng xã nông thôn ĐBSH sẽ có những thay đổi về căn bản. Quy hoạch phát triển hạ tầng làng xã theo mô hình “Hạ tầng xanh nông thôn” là một giải pháp có thể đáp ứng cho yêu cầu phát triển bền vững của làng xã trong tương lai. Rất cần được tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng triển khai vào thực tiễn cho công tác Quy hoạch nông thôn mới giai đoạn tới.


Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 237/2015

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)