Tính bản địa của Kiến trúc nhà ở dân gian Nam Trung bộ

Thứ tư, 01/04/2015 10:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trên cơ sở so sánh và phân tích sự khác biệt giữa kiến trúc nhà ở dân gian Nam Trung bộ với kiến trúc nhà ở dân gian vùng Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, bài viết tìm kiếm những đặc điểm mang tính bản địa của kiến trúc nhà ở dân gian Nam Trung bộ, từ đó khẳng định những giá trị nổi bật của chúng.

Có nhiều quan điểm cho rằng: Kiến trúc nhà ở dân gian của người Việt ở Nam Trung bộ nói riêng và ở miền Trung nói chung “tiếp thu tối đa những kỹ thuật gỗ cơ bản của miền Bắc”. Chúng là sự chuyển hóa của nhà ở dân gian vùng Đồng bằng Bắc bộ, và càng “nam tiến”, các cấu kiện của ngôi nhà càng được đơn giản hóa để biến thành kiểu vì kèo nhà rường rất phổ biến ở miền Trung. Quan điểm này có vẻ đúng nếu chúng ta chỉ quan sát các ngôi nhà dân gian từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Tuy nhiên, xem xét nhà dân gian từ Quảng Bình trở vào, ngoài một số điểm tương đồng với kiến trúc dân gian ở miền Bắc như sự phân chia theo số gian lẻ, sự liên kết “lỏng lẻo” giữa bộ khung và nền nhà thông qua hệ chân tảng, sự nhấn mạnh vai trò của không gian giữa - nơi thờ cúng tổ tiên, một số kỹ thuật ghép mộng và việc sử dụng vật liệu, có thể nhận thấy nhiều nét khác biệt đáng chú ý.

1. Sự khác biệt trong tổ chức khuôn viên ngôi nhà

Nếu như nhà ở dân gian miền Bắc luôn kiêng kị lối vào trực diện với ngôi nhà chính thì nguyên tắc này không hề được tuân thủ, ít nhất là tại ngôi nhà ở Huế và vùng phụ cận. Tại đây, ngoài các ngôi nhà có hướng tiếp cận từ phía bên và phía sau như thường thấy ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, chúng ta còn thấy khá phổ biến mô hình tổ chức khuôn viên trong đó cổng, lối vào, sân trước và nhà chính nằm trên một trục thẳng từ ngoài vào trong. Để hạn chế tầm nhìn trực diện, người ta chỉ đơn giản tạo ra một bức bình phong xây gạch hay thậm chí là một bụi cây trên trục đó, buộc người phải đi vòng sang hai bên để tiếp cận sân trước của ngôi nhà. Cách tổ chức này đã tạo ra các bố cục khá cân xứng cho tổng thể ngôi nhà, điều mà ít nhất ở vùng Đồng bằng Bắc bộ có được. Dù nguyên tắc này dường như ít phổ biến ở miền Nam Trung bộ, nhưng Hồ sơ điều tra nhà dân gian của Viện Nghiên cứu Kiến trúc thực hiện năm 2001 và 2002 đã cho thấy sự tổn tại của những bố cục khuôn viên kiểu này ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định (Ví dụ nhà ông Phạm Trinh ở thôn An Đạo, xã Tịnh Long, An Tịnh, Quảng Ngãi). Trong cuốn “Lịch sử Kiến trúc truyền thống Việt Nam” của Nguyễn Sỹ Quế và đồng nghiệp, cũng có bản vẽ một ngôi nhà dân gian ở Quảng Nam có lối vào đối diện với ngôi nhà chính. Điều đó khẳng định một nét khác biệt đáng chú ý trong nguyên tắc tổ chức khuôn viên giữa nhà rường và các ngôi nhà dân gian vùng Đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa.

2. Sự khác biệt trong đặc điểm của bộ vì/bộ vài

Về nguyên tắc cấu trúc của bộ vì/vài. Thoạt nhìn, bộ vài nhà rường có đặc điểm gần gũi với bộ vì kẻ chuyền ở Đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa. Tuy nhiên, quan sát kỹ có thể dễ dàng nhận thấy những khác biệt rất lớn. Trong khi bộ vì ở miền Bắc được tổ chức theo nguyên tắc đuôi kẻ trên “đè” lên đầu kẻ dưới thì bộ vài nhà rường lại có nguyên tắc ngược lại - đầu kèo (tương ứng với kẻ ở Bắc bộ) bên dưới gác lên đuôi kèo bên trên. Cụ thể: Đầu kèo hiên (kèo cù) gối lên đuôi kèo lòng ba, đầu kèo lòng ba gối lên đuôi kèo lòng nhì, đầu kèo lòng nhì gối lên đuôi kèo lòng nhất…). Cách bố trí này làm nhà rường “linh hoạt” hơn nhiều so với nhà dân gian của người Việt ở miền Bắc, bởi có thể dễ dàng thêm bớt một hay nhiều đơn vị kèo trong quá trình sử dụng. Cũng từ đặc điểm cấu trúc này, chúng ta có thể suy luận trình tự lắp dựng các cấu kiện trong bộ khung của nhà dân gian hai vùng chắc hẳn cũng khác nhau đáng kể.

Đặc điểm thành phần của bộ vì/vài: Trong khi bộ vài của nhà rường từ Quảng Bình trở vào có đặc điểm tương đối đồng nhất với thành phần không thể thiếu là cái trến thì bộ vì nhà dân gian vùng Đồng bằng Bắc bộ lại rất phong phú về thành phần cấu tạo và đa dạng về kiểu dáng (bộ vì kiểu giá chiêng, kiểu kẻ chuyền, chồng rường, cọc báng… và những biến thể lai tạp giữa chúng. Theo cách nói của PGS.TS. Nguyễn Khắc Tụng thì “Nhiều kiểu vì kèo nhà miền Bắc quá dư thừa các cấu kiện, thậm chí sự có mặt của một số cấu kiện chỉ có giá trị như là để trang trí”. Quả vậy, xét về tính hợp lý thì bộ vài nhà rường được đánh giá cao hơn nhiều so với bộ vì của vùng Đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa, bởi nó khá thuần nhất và hầu như không có cấu kiện thừa - hay nói cách khác là hầu hết mọi cấu kiện thành phần đều có vai trò trong cấu trúc chung của bộ khung. Tính hợp lý của bộ vài nhà rường còn được thể hiện ở việc các đòn tay được kê trực tiếp lên các thanh kèo, trong khi các thanh hoành ở vùng Đồng bằng Bắc bộ hay Thanh Hóa thường được kê lên kẻ một cách gián tiếp nhờ các cấu kiện trung gian. Ngoài ra, trong khi rất nhiều bộ vì ở miền Bắc được tạo thành từ các cấu kiện nằm ngang (ngoài cấu kiện chéo và cấu kiện thẳng đứng) thì bộ vài nhà rường thường chỉ có một cấu kiện nằm ngang duy nhất là trến (hay tréng/trếng/trính/tránh – tên gọi tuỳ từng địa phương).

Sự dư thừa của các cấu kiện trong bộ vì cùng với sự ưa chuộng các chi tiết gỗ lớn làm bộ vì ở Đồng abừng Bắc bộ và cả Thanh Hóa có phần nặng nề, trong khi đó, bộ vài từ Quảng Bình trở vào thanh thoát hơn nhiều, ngay cả khi được bổ sung nhiều chi tiết trang trí. Ngoài ra kích cỡ của cột trong bộ khung nhà ở hai vùng cũng có sự khác biệt đáng kể - trong khi cột nhà rường luôn luôn thanh mảnh (cột cái thường chỉ có đường kính xấp xỉ 20cm), tạo cảm giác thoáng đãng, nhẹ nhàng thì ở vùng Đồng bằng Bắc bộ những cột lớn chắc khoẻ được ưa chuộng hơn. Khi nghiên cứu nhà ở dân gian Quảng Nam, nhà dân tộc học Nguyễn Bạt Tụy cũng nhận xét: “Cột nhà ở Quảng Nam thường sàn sàn như nhau, không mấy khi lớn, chớ ở Bắc phân biệt những nhà “tiểu khoa” có cột dưới 2 tấc, những nhà “trung khoa” có cột trên hai tấc, và những “đại khoa” có cột tới 5 tấc”. Như vậy, chúng ta thấy có sự khác biệt rõ rệt về quan niệm thẩm mỹ đối với nhà ở dân gian gữa hai vùng miền.

Một điểm đáng chú ý nữa là trong khi bộ vài của nhà rường hầu như luôn có đủ hai cột chính (cột hàng nhất) thì ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, nhất là tại các ngôi nhà có niên đại muộn, rất hay bắt gặp kiển nhà trốn 1 cột cái, thậm chí có trường hợp trốn cả 2 cột cái để tạo ra không gian sử dụng thông thoáng trong nhà. Ngoài ra trong khi bộ khung nhà vùng Đồng bằng Bắc bộ không thể thiếu ngưỡng cửa - phần liền kết ngang ở chân của các cột quân nằm ở ranh giới giữa không gian trong và ngoài nhà, thì ở nhà rường cấu kiện này được bố trí sát mặt đất hoặc hoàn toàn không có. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến động tác ra vào nhà, mà ở vùng Đồng bằng Bắc bộ được coi là một sự cố ý để mọi người thận trọng và thành kính hơn khi bước từ không gian “thường tục” vào trong không gian “thiêng liêng” - nơi bố trí ban thờ tổ tiên.

Tên gọi của các cấu kiện trong bộ khung nhà giữa 2 vùng miền cũng có sự khác biệt đáng kể. Bên cạnh những thuật ngữ sử dụng chung (có lẽ đã được vay mượn trong quá trình tiếp biến văn hóa) nhiều thuật ngữ của nhà rường khá xa lạ với vùng Đồng bằng Bắc bộ. Ví dụ như trến/tréng, kèo lòng nhất/kèo lòng nhì/kèo đấm/kèo quyết, kèo cù, đầu cù, đòn tay, liên ba, khuôn cụi, ấp quả/trỏng quả… Khi đề cập đến những ngôi nhà dân gian từ Thừa Thiên Huế đến Tiền Giang, Trần Thí Quế Hà cho rằng “Những tên gọi này dường như đã được lưu truyền tại miền Trung và miền Nam từ trước khi người Việt chính thức đến định cư tại đây”.

3. Sự khác biệt trong hình dạng và tổ chức mặt bằng nhà

Đối với nhà dân gian vùng Đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa, khi cần mở rộng không gian sử dụng người ta có xu hướng tăng số gian cho ngôi nhà để tạo thành những ngôi nhà có mặt bằng chạy dài theo chiều dọc với số gian lên tới 7, 9 thậm chí 11. Với độ sâu không quá lớn, thường chỉ khoảng 5 hàng cột, ban thờ tổ tiên thường được bố trí sát bức tuờng hậu của ngôi nhà. Trong khi đó ở miền Trung, ngoài phát triển theo cả chiều dọc ngôi nhà còn có thể được phát triển theo cả chiều ngang để tạo thành những ngôi nhà có độ sâu khá lớn, có khi lên tới 7, 8 hàng cột, trong đó có những ngôi nhà mặt bằng vuông hoặc gần vuông. (Những số liệu tham khảo thực địa cho thấy, chỉ có từ Quảng Bình trở vào, đặc biệt là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam chúng ta mới bắt gặp loại nhà có chái kép - tức là hai bên chái nhà được tạo thành không phải một mà hai bước cột). Trong những ngôi nhà này, ngoài việc ngăn chia không gian theo chiều ngang người ta còn có thể phân chia theo cả chiều sâu để tạo thành bố cục phía trước là không gian thờ cúng tổ tiên, phía sau là không gian sinh hoạt của gia đình hoặc ít nhất cũng là không gian hành lang kín nối liền 2 bên chái nhà.

Khác với cách làm hiên nhà dân gian ở Đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa, hiên nhà rường thường chỉ là ở các gian giữa, trong đó không ít trường hợp có cốt thấp hơn nền nhà, hoặc mái hiên chỉ nhằm mục đích che bậc tam cấp dẫn lên nhà. Khi đó rõ ràng hiên nhà không đóng vai trò là không gian đa năng như thường thấy ở Đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa, nơi mà nguyên tắc bất di bất dịch là nền nhà và nền hiên có cùng cao độ, dù có thể được lát bằng vật liệu khác nhau.

4. Sự khác biệt về mái nhà và hình thức mái nhà

Nếu như ở vùng Đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa phổ biến loại nhà 2 mái bít đốc thì ở miền Trung (từ Quảng Bình trở vào) lại phổ biến loại nhà 4 mái (phổ biến nhất là laọi mái nửa chỏm). Có thể thấy đây là đặc điểm nổi trội bởi ngay cả khi ngôi nhà có chiều dài không quá lớn với chỉ 4 bước cột, người ta cũng vẫn sử dụng loại mái này để tạo ra loại nhà 1 gian 2 chái điển hình - điều không bao giờ bắt gặp ở các địa phương khác. Cách xử lý này làm cho khu vực trung tâm - các gian giữa - của ngôi nhà càng được nhấn mạnh hơn. Nghiên cứu về kiến trúc nhà vườn Huế cũng cho thấy loại nhà phổ biến nhất ở vùng này là một gian hai chái và nhà ba gian hai chái, trong khi loại nhà 5 gian bít đốc - vốn thường gặp ở vùng Đồng bằng Bắc bộ - thì rất hiếm thấy. Đối với những ngôi nhà rường có chái kép, bộ mái thường khá đồ sộ với đỉnh mái cao và phần diềm mái thấp như đè xuống cũng tạo ra một nét riêng cho kiến trúc nhà rường.

Liên quan đến mái nhà và hình thức mái nhà, cũng không thể bỏ qua loại nhà mái ở Bình Định và Phú Yên gọi là nhà lá mái, ở Quảng Trị gọi là nhá mái xông, ở Quảng Nam gọi là nhà bỏ đất/ trần bích, ở Quảng Ngãi gọi là nhà đắp, còn người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận gọi là thang lâm. Đây là kiểu nhà rất đặc trưng được phân bố từ nam sông Gianh trở vào. Đặc điểm của nó là mái gồm 2 lớp - lớp dưới bằng đất sét trộn rơm và lớp trên lợp ngói hoặc tranh, khoảng cách giữa hai lớp mái dao động từ 40cm đến 140cm. Điều này làm tổng thể bộ mái có chiều cao khá lớn. Quan sát của Pierre Gourou vào những năm 1930 cho thấy loại nhà này từng tồn tại ở Quảng Trị và Bình Định. Những khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: Nhà lá mái tồn tại khá phổ biến ở Quảng Nam, Quảng Ngãi (trong đó có đảo Lý Sơn) và Bình Định. Ngay cả tại Phú Yên cũng vẫn còn những ngôi nhà kiểu này. Có thể khẳng định đây là kiểu nhà mang đặc trưng vùng miền rất rõ rệt bởi chúng hoàn toàn vắng bóng từ bắc sông Gianh trở lên tới vùng Đồng bằng Bắc bộ.

5. Sự khác biệt về phương pháp thiết kế bộ khung nhà

Khi so sánh nhà dân gian miền Trung với nhà dân gian miền Bắc Việt Nam, nhà nghiên cứu Hideaki Hayashi tại Đại học Waseda, Nhật Bản đã phát hiện ra mỗi vùng miền lại sử dụng một loạt dụng cụ hoàn toàn khác nhau để thiết kế bộ khung nhà. Trong khi ở miền Bắc sử dụng thước sàm và chủ yếu dựa vào các mực kẻ ngang và thẳng thì nhà ở miền Trung lại sử dụng thước nách có hình dạng tam giác đều… Từ đó ông nhận định: Thật khó để có thể tìm thấy điểm tương đồng nào trong thiết kế các công trình giữa hai miền. Trong khi các thợ mộc dựa vào các yếu tố ngang và sử dụng thước Sàm trong thiết kế ở miền Bắc thì thợ mộc ở miền Trung lại thường sử dụng Kèo và Thước Nách. Cõ lẽ, hai phong cách này hoàn toàn khác nhau và không thể tương thích với nhau.

Hideaki Hayashi phân biệt kỹ thuật thiết kế bộ khung nhà của 2 miền bằng cách đặt tên cho chúng là Phương pháp thước vuông Việt (được sử dụng nhiều ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hoá và Nghệ An) và Phương pháp thước nách (được dùng nhiều ở các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai và Tiền Giang). Ông cho rằng, Phương pháp Thước nách là phương pháp đặc trưng riêng có của miền Trung/Nam Việt Nam bởi trên thế giới “không có một công trình nào sử dụng công cụ thiết kế để xác định độ dốc mái tương tự như thước Nách”. Ông cũng loại trừ khả năng các chúa Nguyễn đã truyền bá phương pháp thước nách vào miền Trung Việt Nam bởi tại Thanh Hóa - quê hương của các chúa Nguyễn phương pháp thước vuông Việt chính là phương pháp được sử dụng phổ biến. Có lẽ nhờ có phương pháp thước nách mà độ dốc mái của nhà rường từ Quảng Bình trở vào được xác định một cách khá chính xác khiến đòn tay có thể được bố trí trực tiếp trên các thanh kèo mà không cần sử dụng bất cứ một cấu kiện trung gian nào như thường thấy ở miền Bắc Việt Nam.

6. Kết luận

Những sự khác biệt rất lớn trên đây của nhà rường với nhà dân gian miền Bắc cho thấy nhà rường có những đặc điểm mang tính bản địa rõ rệt, thể hiện ở cách tổ chức khuôn viên, đặc điểm cấu trúc bộ vì/vài, hình dạng và tổ chức mặt bằng nhà, hình thức mái nhà và phương pháp thiết kế bộ khung nhà. Sự phân bố rộng rãi của chúng trên khắp các tỉnh thành ở miền Trung (từ Quảng Bình trở vào) và sự thiếu vắng hoàn toàn của các cấu kiện nhà miền Bắc tại đây khiến chúng ta có thể khẳng định nhà rường không hề có quan hệ cội nguồn với nhà dân gian vùng Đồng bằng Bắc bộ. Rất có thể trong quá trình “nam tiến”, người Việt đã tiếp thu những kinh nghiệm bản địa để dần từng bước tạo dựng nên một kiểu kiến trúc độc đáo là nhà rường, góp phần làm phong phú thêm di sản kiến trúc gỗ cổ truyền của Việt Nam.


Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 238/2015

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)