Cách tiếp cận thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên sự tham gia của cộng đồng ở quy mô thành phố và quốc gia

Thứ ba, 21/10/2014 14:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là vấn đề được nhân loại quan tâm. Quá trình BĐKH và mặt nước biển dâng (MNBD) ảnh hưởng và tác động toàn diện đến sự phát triển bền vững, tác động sâu rộng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường của toàn cầu. Do ảnh hưởng của BĐKH & MNBD, thiên tai trên phạm vi toàn cầu đã, đang và sẽ xảy ra với tần suất nhiều hơn, phức tạp hơn, cường độ tăng mạnh hơn, làm trầm trọng thêm mức độ ảnh hưởng của thiên tai.

Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Việt Nam là một trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất đối với BĐKH. Nếu mực nước biển tăng 1 mét ở Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% thu nhập quốc nội GDP.

Các địa bàn thường gánh chịu hậu quả nặng nề của quá trình BĐKH & MNBD là các vùng đồng bằng trũng thấp, vùng duyên hải miền Trung, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và các khu vực ven biển với hơn 80% dân số có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, TP.Cần Thơ, TP.Huế, trong những năm gần đây, cường độ và lượng mưa lớn, triều cường đã gây ngập lụt thường xuyên, làm ách tắc giao thông trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân và phá hỏng nhà cửa, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, làm chậm các tiến trình triển khai thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.

Các đô thị Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. Hệ thống đô thị đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc nhiều ao hồ, kênh thoát nước bị lấp, gây ra hiện tượng ngập cục bộ, tiêu thoát nước kém. Hậu quả của quá trình đô thị hóa cùng với những tác động của BĐKH đòi hỏi chính quyền và nhân dân các đô thị phải có những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu và thích ứng với những tác động của BĐKH.

Nhận thức được tác động tiêu cực của BĐKH, Chính phủ Việt Nam đã ký nhiều văn bản pháp luật quan trọng: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 02/12/2008, phê duyệt “Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”. Theo Chương trình này, các Bộ, ngành, địa phương sẽ phải thực hiện việc đánh giá mức độ của BĐKH ở Việt Nam đối với các lĩnh vực, các ngành, các địa phương trong từng giai đoạn, tích hợp vấn đề này vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 31/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 2623/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch phát triển đô thị của Việt Nam ứng phó với BĐKH trong giai đoạn 2013-2020”. Những nỗ lực ứng phó, thích ứng với BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu. Ngoài những giải pháp về kỹ thuật và quản lý nhằm thích ứng, giảm thiểu những tác động của BĐKH, kinh nghiệm ở nhiều nước đã cho thấy cộng đồng dân cư có vai trò to lớn trong việc đóng góp vào quá trình quy hoạch xây dựng đô thị ứng phó với BĐKH.

Kinh nghiệm Thành phố eThekwini – Nam Phi: Sử dụng công cụ Thích ứng dựa vào cộng đồng đô thị (Urban community-based adaptation – CBA) là công cụ để quản trị khí hậu thành phố. Thành phố được coi là một nhà lãnh đạo toàn cầu trong thích ứng đô thị và đã thông qua một loạt các phương pháp để thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH… Chương trình bảo vệ khí hậu của thành phố được điều hành bởi Vụ Quy hoạch môi trường và bảo vệ khí hậu với trọng tâm là thành phố, hệ sinh thái thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng, tập trung vào phát triển các công cụ hữu ích mới, lồng ghép bảo vệ khí hậu vào các quy hoạch và các hoạt động của thành phố. Việc phát triển một phương pháp tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng thích ứng với BĐKH được nhấn mạnh cùng với việc tạo ra quan hệ hợp tác biến đổi khí hậu Durban (Durban Climate Change Partnership- DCCP). Trong năm 2010, một ban chỉ đạo đại diện cho tất cả các bên liên quan chính được thành lập. Tuy nhiên, do sự kết hợp của các yếu tố, bao gồm cả sự mất lòng tin giữa các bên, thiếu một động lực bền vững và không có khả năng để tìm tài trợ bên ngoài cho các hoạt động của chính quyền địa phương; vào tháng 8 năm 2012, hoạt động của DCCP đã bị đình trệ mặc dù chính quyền địa phương mong muốn sẵn sàng khuyến khích một cách tiếp cận có sự tham gia.

Trường hợp Durban cho thấy một cách tiếp cận duy nhất để thích ứng là không đủ và CBA cần phải được tích hợp như một phần của một gói các công cụ áp dụng ở cấp thành phố. Để có hiệu quả lồng ghép CBA, một thành phố cần đảm bảo bất kỳ tổ chức mới được thành lập phải đáp ứng một cách thích hợp nhu cầu của các bên liên quan, được đưa vào khuôn khổ phù hợp và tạo điều kiện để loại bỏ bất kỳ sự mất mát lòng tin hiện tại mà nó thể là kết quả của các quan hệ chính trị và quyền lực xã hội hiện tại.

Cải cách thể chế để đưa phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng tại chương trình nghị sự ở Uruguay và Argentina

Uruguay đang trải qua một tiến trình thiết kế lại thể chế với nhiệm vụ sử dụng phương pháp tiếp cận toàn diện hơn ở nhiều cấp độ. Trong năm 2009, Chính phủ tạo ra hệ thống BĐKH quốc gia đáp ứng đa dạng để phối hợp phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu và thích ứng chuẩn bị kế hoạch ứng phó với BĐKH quốc gia. Tuy nhiên, mặc dù luật mới xem xét bản chất xuyên suốt của BĐKH và sự tương tác cần thiết giữa việc sử dụng đất đai, sử dụng nước, các quy định về môi trường và rủi ro thiên tai, nhứng tiến bộ trong thể chế quốc gia chưa thấm nhuần đến các cấp địa phương, ngoại trừ các dự án thí điểm riêng lẻ. Sự tham gia tích cực của người dân vào việc lập các quy hoạch lãnh thổ và quy hoạch nước đô thị cũng đang được xem xét, nhưng điều này đòi hỏi một ý chính trị mạnh mẽ và cam kết từ các chuyên gia kỹ thuật, mà nó có độ lệch với các quy trình truyền thống.

Ở Argentina, quá trình cải cách lại thể chế mới ra đời mà không có thay đổi quy mô lớn trong cơ cấu tổ chức hoặc các khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ xuyên suốt thích ứng BĐKH. Tuy nhiên, một số tiến bộ đã được thực hiện. Các Bộ trưởng làm việc với nhau để tích hợp hành động về giảm nhẹ nguy cơ thiên tai (disaster risk reduction – DRR) và thích ứng BĐKH vào quy hoạch lãnh thổ. Tuy nhiên, vấn đề BĐKH và phương pháp tiếp cận tích hợp không thực sự lan tỏa ra Bộ khác trên toàn quốc, hoặc lan tỏa đến việc hướng dẫn lập quy hoạch và DRR ở cấp địa phương. Điều này đã gây ra những khó khăn thực hiện DRR và lập quy hoạch BĐKH được coi là trách nhiệm của cơ quan môi trường trong khi quy hoạch hệ thống dịch vụ đô thị thuộc trách nhiệm của các cơ quan khác có thể làm tăng tính dễ tổn thương và rủi ro nếu được thực hiện quy hoạch đó, không quan tâm đến vấn đề thích ứng. Chính quyền địa phương thiếu nguồn lực tài chính dành cho khắc phục những rủi ro thiên tai, càng ít tài chính hơn cho quy hoạch BĐKH, cũng như ít có năng lực kỹ thuật liên quan hoặc ủy quyền hợp pháp về vấn đề này. Đó là những hạn chế thường thấy ở các thành phố Argentina.

Quy hoạch phòng chống thiên tai bằng sức mạnh của cộng đồng tại Thái Lan

Những cơn lũ quét, những vụ lở đất đã tàn phá nhiều ngôi làng, nhiều đường sá và cầu cống trong mùa mưa ở miền Bắc Thái Lan. Nhiều thành phố và cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng trung tâm thành phố dọc theo các bờ sông Chiangmai bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là vùng đất thấp và những vùng trũng. Cộng đồng Sacred heart là một ví dụ, bà con đã định cư tại vùng thấp nhất gần sát sông Mae Ping trên 80 năm. Mực lũ ở đây cao hơn 1-1,5m so với những năm trước đây. Trong khu vực định cư, có con đường cắt ngang chia cộng đồng thành 2 khu vực. Khu phía Bắc nằm ở vùng cao, xung quanh là khu thương mại có nền đất cao hơn so với khu ở của dân cư nên thường bị ngập úng nước. Khu phía Nam nằm ở gần sông, khu vực có nền đất thấp dọc theo con kênh cũ, con kênh này được sử dụng như cống thoát nước cho khu vực phía Bắc.

Từ sau trận lũ năm 2006, cư dân ở 2 khu vực có sự bất hòa vì cho rằng vùng này là nguyên nhân gây ra lũ cho vùng kia. Để làm sáng tỏ điều này, nhóm kiến trúc sư trẻ đã cùng với cộng đồng 2 khu vực tổ chức các cuộc họp cùng lập bản đồ vùng lũ lụt, xác định dòng chảy của lũ, những ngôi nhà dễ bị ảnh hưởng của lũ, số cụ già cao tuổi, xác định khu vực an toàn để có thể trú ngụ ngắn ngày, nhà vệ sinh công cộng cùng các nguồn lực của cộng động như thuyền tư nhân, số lượng nhà và vị trí nhà của những thanh niên có thể giúp đỡ cũng như các ý tưởng và những khả năng khác. Qua những cuộc họp, thành viên cộng đồng ở 2 khu vực đã tiến hành khảo sát chi tiết các hộ gia đình, kiểm tra các cống thoát nước và so sánh với cốt cao độ của khu vực. Họ chủ động thành lập các nhóm cộng đồng trong khu vực của mình để làm việc với nhóm kiến trúc sư trẻ về quy hoạch tổng thể khu vực từ đó thảo luận tiếp với chính quyền địa phương. Đồng thời bà con cũng tổ chức một quỹ cộng đồng để giải quyết các vấn đề ảnh hưởng tới cộng đồng và hướng giải quyết. Các ý kiến đóng góp và ý tưởng của bà con cư dân (đặc biệt ý kiến của những người cao tuổi sinh sống lâu năm tại khu vực) đã giúp cho giải đáp những nguyên nhân và biện pháp giảm thiểu tác động của lũ lụt cũng như các vấn đề cần làm việc với cộng đồng khác gần đó và những đề xuất lên chính quyền thành phố.

Một số bài học kinh nghiệm

Thông qua những thí dụ nêu trên cho thấy: Thích ứng với BĐKH trong các đô thị là một thách thức rất phức tạp. Do đó, phương pháp tiếp cận để thích ứng với BĐKH nên được tiến hành đa cấp và đa chiều cả ở cấp đô thị và quốc gia. Thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng là một cơ hội cho sự tham gia của địa phương và của cộng đồng dân cư trong quá trình hình thành khung kế hoạch và các hoạt động thích ứng với BĐKH.

Quá trình quy hoạch xây dựng đô thị, quá trình xây dựng các thể chế, cơ chế để triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH rất cần thiết có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Khi xem xét về BĐKH, quá trình quy hoạch bao gồm quá trình đánh giá tổn thương và rủi ro, bao gồm cả đánh giá ở cấp cộng đồng, nơi mà cộng đồng dân cư rất hiểu biết các quy luật tự nhiên, các tác động của BĐKH đến cộng đồng dân cư trong cả một quá trình… Điều này hết sức quan trọng cho việc tìm ra những giải pháp quy hoạch phù hợp, hiệu quả và có những quyết định đúng đắn của chính quyền địa phương trong việc phối hợp phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu và thích ứng, chuẩn bị kế hoạch ứng phó với BĐKH quốc gia. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho việc trao đổi kiến thức, học hỏi từ cộng đồng và các hành động thích ứng với BĐKH. Thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng cần trở thành một phần của hộp công cụ trong khung chính sách thích ứng với BĐKH đô thị ở cấp địa phương và cấp quốc gia.


Nguồn: Tạp chí Xây dựng & Đô thị, Số 37-2014

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)