Giải pháp bảo tồn di sản kiến trúc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ năm, 16/10/2014 15:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Viêc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị có thành công hay không phụ thuộc vào việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển. Nếu chúng ta khám phá môi trường lịch sử vì thế hệ tương lai thì chúng ta nhất thiết phải đảm bảo rằng cơ chế giữ gìn di sản kiến trúc đô thị phải được nghiên cứu, triển khai theo hướng bền vững. Để từ đó có thể đề xuất những biện pháp bảo tồn thích hợp.

Thực trạng, khó khăn và thách thức

Đô thị hóa là một hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đô thị. Đó là quy luật chung của các thành phố đang phát triển. Trong quá trình phát triển đô thị các di sản kiến trúc bị xâm hại làm cho vấn đề bảo tồn di sản gặp nhiều khó khăn.

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra ở TP HCM rất nhanh, làm mất dần bản sắc kiến trúc đô thị. Áp lực về kinh tế là rất lớn làm cho các khu vực có di sản trở thành một món hàng bất động sản hơn là di sản của đô thị. Sự thay đổi về mật độ dân cư trong thành phố, nhất là những khu vực có di sản kiến trúc đô thị dẫn đến các công trình kiến trúc, các lô đất bị chia cắt nhỏ hơn. Cấu trúc đô thị bị thay đổi.

- Hệ thống pháp luật, chính sách bảo tồn di sản chưa đầy đủ, chưa được cập nhật rộng rãi. Việc tuân thủ pháp luật của công dân sinh sống trong khu vực có di sản chưa tốt.

- Cơ quan quản lý di sản còn thiếu nhân lực và điều kiện thực hiện bảo tồn di sản. Nguồn nhân lực quản lý và trùng tu di sản chưa được đào tạo bài bản và đúng cách.

- Quy hoạch và nhận diện di sản kiến trúc chưa thực hiện triệt để đến nơi đến chốn, dẫn đến một số di sản kiến trúc bị xuống cấp, biến dạng không kịp thời phục dựng,

- Có nhiều di sản được nhận diện nhưng chưa tìm cho nó một công năng thích hợp để di sản đó tồn tại và phát triển. Chưa tìm ra cho di sản “hồn sống” vốn có của nó.

- Vấn đề khó khăn nhất là nguồn kinh phí không gian quan tâm đúng mức cho công việc bảo tồn các di sản kiến trúc trong thành phố.

Hiện nay, các di sản kiến trúc đô thị ở TP HCM chịu nhiều thách thức bởi quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa. Làm thế nào để vừa phát triển thành phố hiện đại, vừa bảo tồn được các di sản kiến trúc đô thị? Giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là vấn đề hết sức cấp bách và quan trọng của Thành phố hiện nay.

Một vài ý kiến để khắc phục những khó khăn và thách thức trên

- Trước hết, muốn bảo tồn di sản kiến trúc đô thị ở TP HCM phải được sự đồng thuận của Nhà nước và các cấp quản lý. Sự công nhận một số khu vực thành phố là di sản đô thi của Việt Nam là hết sức cần thiết và cấp bách. Đó là cơ sở pháp lý để tiến hành thực hiện các bước tiếp theo. Từ đó làm cho mọi người hiểu ra tầm quan trọng của di sản kiến trúc trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.

- Sự công nhận về di sản không chỉ đơn giản là vấn đề bảo vệ những công trình lịch sử hay những công trình xây dựng cũ mà quan trọng hơn, phải bảo tồn toàn bộ môi trường lịch sử của di sản với vai trò quan trọng trong sự đa dạng của văn hóa. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng việc thẩm định di sản, xếp hạng di sản thuộc về kiến trúc hay trí tuệ và thừa nhận tầm quan trọng của nó.

- Việc tạo ra nguồn vốn riêng cho việc bảo tồn trùng tu, sửa chữa di sản cũng hết sức quan trọng. Một trong những cách để tạo ra nguồn vốn sẽ tăng đáng kể số vốn phân bổ cho toàn bộ những hoạt động văn hóa, cũng như làm cho nhiều loại hình di sản kiến trúc được hõ trợ về tài chính.

- Thành lập cơ cấu chính quyền chuyên quản lý và bảo tồn di sản kiến trúc giúp chiến lược bảo vệ các di sản chặt chẽ hơn. Ban quản lý di sản có trách nhiệm to lớn là trùng tu, sửa chữa các di sản kiến trúc.

- Tăng cường năng lực quản lý về di sản ở cấp địa phương thông qua các cơ quan thẩm quyền của địa phương, những cơ quan khác coi trọng việc gìn giữ di sản kiến trúc của địa phương mình.

- Lập bản đồ phân vùng những khu vực cần được bảo tồn di sản kiến trúc. Vận dụng tối đa pháp luật hiện có (Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Di sản và các văn bản hướng dẫn…) để thực hiện công tác phân vùng, bảo tồn và trùng tu di sản.

- Phối hợp giữa cơ quan thẩm quyền của thành phố và cơ quan thẩm quyền của địa phương, khuyến khích cơ quan thẩm quyền của địa phương có đội ngũ cán bộ của riêng mình. Để họ có cơ hội tiếp cận với việc bảo tồn và kiến thức chuyên môn.

- Chú ý đến những công trình đang bị xâm hại hoặc đang bị xuống cấp nghiêm trọng, từ đó đề xuất các biện pháp bảo vệ cần thiết.

- Nâng cao việc tiếp cận với di sản , xóa bỏ rào cản đối với việc tiếp cận và những chương trình giáo dục.

- Phối hợp hoạt động với các cơ quan khác ở cấp địa phương và phối hợp hành động với lĩnh vực tư nhân và tối đa hóa các nguồn lực.

- Đào tạo - phát triển các kỹ năng về di sản thông qua các trường, và các lĩnh vực trong giáo dục cao học.

- Tìm kiếm cơ hội mới cho các đối tác trong lĩnh vực tư nhân trong việc bảo vệ di sản kiến trúc đô thị.

1. Những ưu tiên trung hạn:

- Phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức văn hóa khác nhau để đảm bảo rằng nguồn vốn được áp dụng một cách chiến lược để đáp ứng tốt nhất cho những yêu cầu.

- Xác định những vấn đề đặt ra đối với di sản cả trên khía cạnh về sự đe dọa đối với những di sản và sự quan tâm tới di sản (đã bị suy giảm) bởi những rào cản trong việc tiếp cận.

- Đánh giá hiệu quả của việc bảo tồn. Trong phạm vi của những quyết định về chính sách và sử dụng nguồn vốn hiệu quả cho việc bảo vệ những di sản đang cần được bảo vệ tốt hơn.

- Sở Xây dựng, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch và cơ quan truyền thông có trách nhiệm đề ra những chính sách trong công tác bảo tồn và gìn giữ di sản kiến trúc.

- Sở Tài nguyên và môi trường thành phố cùng các ban ngành khác có trách nhiệm về việc lập kế hoạch quyền sử dụng đất. Mục tiêu của chính sách này là tạo ra hệ thống sử dụng đất công bằng và hiệu quả ở những vùng khác nhau. Nhằm thúc đẩy sự phát triển có chất lượng bền vững.

-Thúc đẩy việc hợp tác với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong việc trùng tu sửa chữa, quản lý các công trình và cụm công trình kiến trúc cần được bảo tồn hiện là sở hữu của Nhà nước. Thông qua hình thức cho thuê dài hạn hoặc ngắn hạn. Từ việc cho thuê này, Nhà nước có một khoản thu ngân sách dồi dào, dành từ 20 – 80% các nguồn thu đó hỗ trợ công tác bảo tồn các công trình kiến trúc (phần lớn là các công trình thuộc sở hữu tư nhân không có điều kiện trùng tu - như Phố cổ Hội An đã làm). Hằng năm thành phố phải trích một khoản ngân sách để dùng vào việc bảo tồn di sản kiến trúc. Khoản ngân sách nhiều hay ít tuỳ thuộc vào số lượng công trình và mức độ bảo tồn. Song song đó tổ chức bảo tồn di sản của thành phố cần quảng bá di sản, tìm các nhà tài trợ tình nguyện (các hỗ trợ này chiếm khoảng 20-30%). Tổ chức cho các di sản những lễ hội truyền thống cho các công dân sống trong khu di tích và cho khách tham quan nhận thức được bản sắc, văn hóa và giá trị của di sản.

2. Hỗ trợ trực tiếp: Thành phố cấp vốn hỗ trợ cho những công trình di sản kiến trúc được xếp hạng đặc biệt, có tầm ảnh hưởng lớn đến di sản đô thị và có kế hoạch khôi phục di sản.

3. Giảm thuế: Các cơ quan địa phương nghiêm cấm không được thu thuế từ địa phương mình trong việc bảo vệ những di sản kiến trúc.

Giảm thuế nhập khẩu đánh vào thiết bị sử dụng trong việc khôi phục những công trình di sản (miễn thuế giá trị gia tăng).

Kết luận

Thật ra, bảo tồn di sản và phát triển là 2 vấn đề tuy đối lập nhưng có mối quan hệ hữu cơ hết sức mật thiết. Muốn cho TP HCM hiện đại giàu bản sắc thì đòi hỏi trong quá trình phát triển đô thị phải quan tâm tới việc bảo tồn các di sản kiến trúc. Trong quá trình hình thành và phát triển của thành phố đã để lại cho thành phố hôm nay nhiều công trình mang ý nghĩa lịch sử, giàu giá trị về mặt nghệ thuật. Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị để phát triển, phát triển đô thị cần phải bảo tồn các di sản kiến trúc mà đô thị để lại. Đó là 2 mặt tương hỗ, hướng đền mục tiêu TP HCM phát triển đô thị bền vững.


(Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 7/2014)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)