Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới những bất cập và giải pháp trọng tâm

Thứ tư, 24/09/2014 09:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Triển khai đồng bộ công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mớiSau khi Chính phủ phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng (QHXD) nông thôn mới (Quyết định 139/ QĐ-TTg ngày 02/02/2010), Bộ Xây dựng đã nghiên cứu và ban hành Thông tư 09/2010/TT- BXD ngày 4/8/2010 Quy định việc lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và quản lý QHXD xã nông thôn mới. Để hướng dẫn cụ thể các địa phương trong việc lập quy hoạch nông thôn mới, Bộ Xây dựng đã đã tổ chức triển khai lập QHXD 11 xã điểm do TW chọn, 16 xã điểm do Bộ Xây dựng chọn như quy hoạch thí điểm theo các vùng miền trên cả nước. Đồng thời, phát hành 10.200 cuốn “Sổ tay hướng dẫn về QHXD nông thôn mới”.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT- ngày 28/10/2011 quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt QHXD xã nông thôn mới, nhằm lồng ghép các quy hoạch ngành liên quan trong quá trình quy hoạch, giúp các địa phương đơn giản, dễ thực hiện hơn đối với công tác QHXD nông thôn mới.

Căn cứ vào các nội dung quy định về lập, thẩm định, phê duyệt QHXD xã nông thôn mới của Thông tư liên tịch số 13/2011 và các quy định pháp luật khác co liên quan, Bộ Xây dựng đã thường xuyên hướng dẫn các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, tổ chức khoa học, cơ quan tư vấn thông qua các hội nghị, hội thảo; làm việc trực tiếp tại các địa phương. Nghiên cứu và hướng dẫn thiết kế mẫu các loại công trình công cộng cấp xã, mẫu khuôn viên ở, nhà ở nông thôn phù hợp với các vùng miền, đặc điểm sinh thái, loại hình sản xuất, quy mô ở của từng nhóm hộ, của từng vùng cho các địa phương, ưu tiên trước vùng bị ảnh hưởng nhiều về thiên tai theo chỉ đạo của TW…

Hơn 3 năm qua, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ triển khaithực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng chức năng, thẩm quyền; chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trongq úa trình thực hiện nhằm đạt được kết quả tốt nhất công tác QHXD xã nông thôn mới theo tinh thần chỉ đạo của TW, Chính phủ và Ban chỉ đạo TW Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả đáng ghi nhận

1. Công tác lạp, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới

Theo tổng kết từ báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 3/2014, hầu như các xã trên toàn quốc đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 90% so với tổng số xã trên toàn quốc. Trong đó:

- Vùng đồng bằng sông Hồng: 90%

- Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: 96%

- Vùng ven biển miền Trung: 93%

- Vùng Tây Nguyên: 98%

- Vùng Đông Nam Bộ: 58%

- Vùng đồng bằng sông Cửu Long: 97%

Nhìn chung, chất lượng các đồ án QHXD nông thôn mới còn chưa tốt nhưng đã đáp ứng được yêu cầu là cơ sở cho việc xây dựng các Đề án xây dựng nông thôn mới xã trong giai đoạn trước mắt, phục vụ tốt cho công tác xây dựng nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020.

Hầu hết các đồ án QHXD xã nông thôn mới đều lập theo Thông tư số 09/2010- BXD ngày 4/8/2010 và có bổ sung một số nội dung về quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất được quy định trong Thông tư liên tịch số 13/2011. Các đồ án chưa thể hiện rõ yêu cầu QHXD nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết 26 NQ/TWvề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thiếu tính liên kết vùng trong các mặt tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng hạ tầng khung, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cấp huyện, tạo điều kiện tiết kiệm trong đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gắn với điều kiện sống người dân đô thị. Nhìn chung, các đồ án QHXD xã nông thôn mới đáp ứng được yêu cầu trước mắt, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài trên địa bàn xã.

2. Công tác công bố và cắm mốc quy hoạch

Công tác công bố và cắm mốc quy hoạch rất cần thiết trong QHXD nông thôn mới nói chung, góp phần hiệu quả cho việc quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch. Mặc dù trong điều kiện bản đồ có hạn (chủ yếu lập QHXD xã nông thôn mới trên bản đồ giải thửa, không xây dựng được bản đồ cắm mốc), kinh phí cho công tác QHXD nông thôn mới còn hạn hẹp, nhiều xã đã chủ động triển khai cắm mốc quy hoạch, chủ yếu cắm mốc các trục đường chính trong xã. Cho đến nay, trên địa bàn toàn quốc, tỷ lệ số xã triển khai công bố quy hoạch đạt 49,56%, triển khai cắm mốc quy hoạch đạt 21,5%.

3. Công tác tổ chức, chỉ đạo

Để đẩy nhanh công tác lập quy hoạch theo tinh thần và mục tiêu của Quyết định 193/QĐ- TTg, UBND các tỉnh trên cả nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao:

- Đối với cấp Tỉnh: 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, đồng thời phân công trách nhiệm của từng thành viên Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo lĩnh vực để theo dõi, đôn đốc triển khai.

Các sở, ngành cấp Tỉnh: đã chủ động có văn bản hướng dẫn nội dung đồ án QHXD nông thôn mới theo quy định hiện hành, đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (điển hình như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh là các tỉnh từ Bắc miền Trung trở ra)

- Đối với cấp Huyện: thực hiện các nội dung chỉ đạo của cấp tỉnh, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, đôn đốc, hướng dẫn cấp xã thực hiện quy hoạch theo tiến độ đề ra. Tổ chức lập đề án theo Đồ án QHXD nông thôn mới đảm bảo theo quy định hiện hành, lựa chọn nội dung để vận động xây dựng nông thôn mới đảm bảo quy định hiện hành.

- Đối với cấp Xã: chủ động triển khai cùng với các đơn vị tư vấn, đôn đốc thôn ấp, phát động phong trào, tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý quy hoạch theo tiến độ để ra. Tổ chức lập đề án theo Đồ án QHXD nông thôn mới đảm bảo theo quy định hiện hành, lựa chọn nội dung để vận động xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian qua, với sự nỗ lực các ngành, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng với sự tham gia vào cuộc của nhân dân, đặc biệt sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, tỷ lệ hoàn thành công tác lập QHXD xã nông thôn mới đã đạt được kết qủa cao (trước khi có Quyết định 193/QĐ- TTg, toàn quốc mới chỉ đạt 23,4% đến nay đã đạt được khoảng 90% các xã có QHXD nông thôn mới). Nội dung các đồ án về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 193/QĐ-TTg.

Tuy vậy, công tác tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án còn lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở cho việc triển khai công tác đầu tư và phát triển kinh tế địa phương. Chất lượng một số đồ án QHXD nông thôn mới tại địa phương chưa cao, chưa thực sự bám sát yêu cầu và tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Công tác quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác QHXD nông thôn mới như Nghị định số 08/2005/NĐCP ngày 24/1/2005. Thông tư số 09/2010/TT- BXD ngày 4/8/2010, Thông tư Liên tịch số 13/2011/TLTT- BXD- BNNPTNT- BTNMT và cụ thể hơn trong 26 GHXD nông thôn mới (quy hoạch thí điểm) theo các vùng miền trên địa bàn cả nước đều có hướng dẫn cụ thể về xây dựng quy định quản lý xây dựng theo QHXD xã nông thôn mới. Thực tế, cho đến nay các xã được phê duyệt QHXD xã nông thôn mới hầu như chưa xây dựng quy định quản lý này. Đây là công việc cần đẩy mạnh để rà soát nâng cao chất lượng các đồ án QHXD xã nông thôn mới.

Phương hướng và một số giải pháp

Thời gian tới, cần tập trung rà soát nâng cao chất lượng QHXD nông thôn mới theo hướng bền vững. Phấn đấu trong năm 2014 hoàn thành 100% việc lập và phê duyệt QHXD xã nông thôn mới trên toàn quốc.

- Đẩy mạnh công tác công bố QHXD xã nông thôn mới được phê duyệt. Đảm bảo 100% số xã được phê duyệt quy hoạch thực hiện triển khai công bố QHXD xã nông thôn mới.

- Đẩy mạnh công tác cắm mốc quy hoạch (cho các trục đường chính trên địa bàn xã) theo QHXD xã nông thôn mới được duyệt.

- Tiếp tục hướng dẫn các địa phương về quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch được duyệt.

- Hướng dẫn tiêu chí nhà ở nông thôn, phù hợp với đặc thù và bản sắc văn hóa đối với từng vùng miền và phù hợp với điều kiện sống văn minh, hiện đại.

- Đảm bảo 100% cán bộ, công chức các cấp có liên quan được bồi dưỡng, tập huấn về công tác QHXD nông thôn mới .

Một số giải pháp cụ thể

- Công tác chỉ đạo điều hành: Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW tiếp tục chỉ đạo kiểm tra tình hình thực hiện lập QHXD xã nông thôn mới. Phân công công việc cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện trong địa phương nhằm đẩy nhanh và hoàn thành công tác lập quy hoạch trong năm 2014. Có kế hoạch tuyên truyền vận động mọi tầng lớp nhân dân hiểu được ý nghĩa và tham gia vào công tác lập QHXD nông thôn mới.

- Công tác nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn và đào tạo: tiếp tục nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, tăng cường kiểm tra, thường xuyên rà soát, đánh giá việc lập và thực hiện quy hoạch để kịp thời khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác QHXD nông thôn mới. Ban hành thiết kế mẫu nhà ở nhà ở nông thôn phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền theo hướng văn minh, hiện đại. Tiếp tục triển khai việc đào tạo nâng cao năng lực của địa phương trong công tác lập, thẩm định và quản lý QHXD nông thôn mới.

- Công tác phối hợp với các bộ, ngành : Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm hỗ trợ cho các địa phương tiếp tục thực hiện công tác QHXD nông thôn mới một cách có hiệu quả. Phối hợp với Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách về cơ cấu tổ chức của UBND cấp huyện, UBND cấp xã nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã đáp ứng được công tác quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ về cơ chế hỗ trợ đối với cán bọ cấp xã làm công tác kiêm nhiệm. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương quy hoạch các nội dung chuyên ngành…

Chương trình rà soát QHXD nông thôn mới trên phạm vi cả nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 5/8/2008 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Đảm bảo đến năm 2015 có 20% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ- TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. UBND các cấp cần tiếp tục và quyết liệt trong việc chỉ đạo và thực hiện công tác lập, rà soát nâng cao chất lượng các đồ án QHXD xã nông thôn mới trên địa bàn do mình quản lý. Cần tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chương trình QHXD nông thôn mới, về các chính sách có liên quan nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực nông thôn để người dân hiểu rõ hơn về nội dung QHXD và chủ động tham gia vào công tác QHXD cũng như đầu tư phát triển theo quy hoạch.

Việc phủ kín QHXD nông thôn trên cả nước có vai trò tiền đề, tạo điều kiện khai thác hợp lý, phát huy được những lợi thế để phát triển kinh tế- xã hội, tạo sự liên kết trong vùng, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất…một cách bền vững. Đồng thời từng bước nâng cao điều kiện sống, dân trí của người dân, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại ở khu vực nông thôn.


(Nguồn: Tạp chí Xây dựng & Đô thị, số 36/2014)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)