Thiết kế đô thị cho không gian mặt nước Hà Nội

Thứ sáu, 25/02/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hà Nội là một thành phố lịch sử, duyên dáng và hấp dẫn. Năm 2004, Hà Nội đã được bình chọn là thành phố hấp dẫn thứ hai của Châu Á. Góp phần không nhỏ vào sự nổi tiếng và duyên dáng ấy của Hà Nội là hệ thống sông- hồ đã hình thành rất lâu đời và gắn liền với những đặc điểm về địa hình, địa mạo, địa chất thủy văn của  đô thị ngàn năm tuổi này.

Nhiều ý kiến cho rằng sông hồ là một trong những yếu tố đặc trưng của Hà Nội, mang lại cho thành phố một bản sắc- điều mà các thành phố khác không dễ gì có được. Trên thực tế, trong quá trình hình thành và phát triển, Hà Nội đã hình thành các hệ thống sông, hồ dày đặc, chiếm 17% diện tích nội thành. Các sông mương và hồ nối với nhau thành một chuỗi và tạo nên một hệ thống nhất. Hệ thống này đều có một cấu trúc, một hình thái không gian gắn liền với cấu trúc đô thị, nó nằm đan xen trong các khu làng đô thị, khu phố cũ, các khu chung cư cũ, khu đô thị mới…và chính điều đó đã tạo nên bản sắc và giá trị cho Hà Nội. Và hệ thống cảnh quan mặt nước trong đô thị đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong tổng thể đô thị và thể hiện được văn hoá và lối sống của người Hà Nội thời kỳ mới.

Bên cạnh những hệ thống sông ngòi, kênh mương của Hà Nội như: sông Hồng, sông Cà Lồ, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Đà, sông Đáy… và những con sông thoát nước như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Lừ… hiện nay ở Hà Nội tồn tại một số lượng hồ ao tương đối lớn (mặc dù số lượng mặt nước đã bị giảm từ 320 hồ ao còn 110 hồ ao), các hồ ao này có kích thước lớn nhỏ rất khác nhau và phân bố rộng rãi khắp địa bàn thành phố.

Với số lượng tương đối lớn, Hà Nội đứng đầu trong cả nước về số lượng sông hồ, nhưng việc khai thác sử dụng quỹ mặt nước này ở Hà Nội phục vụ cảnh quan và đời sống đô thị vẫn còn chưa triệt để và còn rất nhiều điều chưa hợp lý. Với các hồ nằm ở trung tâm thành phố, gần đây đã được chăm sóc và cải tạo cảnh quan nên ngày càng đóng góp nhiều hơn trong việc phục vụ dân cư đô thị như: hồ Tây, hồ Bảy Mẫu, hồ Trúc Bạch, Hoàn Kiếm, Thiền Quang, Thủ Lệ, Giảng Võ…Tuy nhiên những đóng góp này vẫn chưa xứng với tiềm năng của các hồ vì việc khai thác hồ hiện nay mới chỉ dừng ở mức độ sử dụng những gì hiện có. Mà chưa có sự đầu tư. Nâng cao giá trị và bổ sung thêm các tiệnn ích đô thị xung quanh hồ. Ngoài ra vẫn còn khá nhiều hồ nằm ở các quận  ngoại vi và vùng ven đô chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, thậm chí còn nằm trong nguy cơ bị lấp, lấn trở thành đất ở hoặc là nơi đổ nước thải, rác thải…

Với hệ thống sông ngòi, kênh mương trên địa bàn Hà Nội cũng chịu chung số phận, thường bị lấn chiếm cũng chịu chung số phận, thường bị lấn chiếm hay san lấp làm đất xây dựng hoặc bị biến thành nơi đổ rác thải công cộng, gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan đô thị nhất là ở các vùng ngoại thành. Như vậy, việc bảo vệ địa hình và hệ thống sông ngòi của Hà Nội có một ý nghĩa lớn, nằm nâng cao, cải thiện không gian bằng các tiện ích đô thị liên kết không gian mặt nước với không gian xanh của thành phố là một công việc rất cần thiết cho Thủ đô Hà Nội.

Ở các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Australia, Nhật…việc nghiên cứu và quy hoạch thiết kế cảnh quan sông hồ nhằm tạo nên môi trường sống cho con người tốt hơn đã được chú trọng từ nhiều thập kỷ nay. Các loại hình hoạt động xung quanh không gian mặt nước dành cho sinh hoạt cộng đồng của con người đã trở thành những hạng mục công trình không thể thiếu trong hệ thống cảnh quan đô thị. Tại nhiều nước, các không gian mặt nước được quy hoạch thành những điểm trung tâm giao tiếp rất hấp dẫn.

Nhiều nứơc trong khu vực quanh ta như Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan…các không gian cây xanh mặt nước đã đưcợ quy hoạch, quản lý đảm bảo cho các hoạt động cho con người, góp phần thoả mãn nhu cầu giao tiếp, nghỉ ngơi và văn minh đô thị.

Vì vậy chúng ta sẽ phải làm gì để bảo vệ hệ thống sinh thái sông hồ của Hà Nội- thành phố của hệ thống sông hồ- giữ được cái duyên dáng cái đẹp của chính mình.

 Một số các giải pháp cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh hệ thống sông hồ Hà Nội:

- Giải pháp giữa mặt nước với bờ kè- hình thức bờ kè:

+ Không gian hồ nước đảm bảo chất lượng về cảnh quan và môi trường.

+ Tăng khả năng ổn định của bờ hồ.

+ Tăng điều kiện mỹ quan và điều kiện vệ sinh đô thị.

+ Tạo nên cảnh quan hấp dẫn cho không gian mặt nước, hài hoà với cảnh quan xung quanh.

- Giải pháp giữa mặt nước với không gian cây xanh, thảm cỏ:

Đường dạo, gạch lát: hệ thống vỉa hè trong toàn bộ khu vực được hướng dẫn cách lát gạch theo chủ đề, theo motip design, chỉ thị màu sắc và chất liệu vỉa hè…tạo nên bản sắc riêng cho khu vực.

- Giải pháp giữa mặt nước với không gian kiến trúc ven hồ:

Xây dựng tổ hợp kiến trúc quy mô vừa phải với kiến trúc hiện đại, sinh thái, có nhiều điểm nhìn đẹp và người dân được hưởng hệ thống dịch vụ tiện nghi hướng tới đại bộ phận dân cư đô thị. Thiết kế dành cho người tàn tật đảm bảo người tàn tật dễ dàng sử dụng. Không gian cảnh quan ven sông hồ có nhiều loại kiến trúc công trình:

+ Kiến trúc công  trình lớn (công trình công cộng).

+ Kiến trúc công trình trang trí.

+ Kiến trúc công trình nhỏ.

Các công trình này được quan tâm đến các yếu tố như: về hình thức mặt đứng, mặt bên các công trình, về mái công trình, về chiều cao, khối tích công trình, cũng như các yếu tố về màu sắc, vật liệu và trang trí.

+ Lựa chọn những công trình đặc biệt có màu sắc hiện đại gây ấn tượng cho khu vực, tạo nên sự ấn tượng và hấp dẫn.

+ Sử dụng các màu sắc phù hợp với sự cảm nhận của con người, tạo sự hài hào với cảnh quan xung quanh, tránh sử dụng những màu sắc gây cảm ứng với sự cảm nhận của thị giác.

- Giải pháp giữa hồ nước với cảnh quan phông nền:

Mối quan hệ với khu dân cư, với các dịch vụ công cộng hay các khu chức năng khác của đô thị ở xung quanh, những điểm di tích nếu có, tạo nên cảnh quan nền, cảnh quan này không được lấn át không gian mặt nước.

- Giải pháp hướng vào chính với cảnh quan hồ nước:

+ Tạo nên trục cảnh quan hấp dẫn: không gian hồ nước đảm bảo chất lượng về cảnh quan và môi trường; tăng khả năng ổn định của bờ hồ; tăng điều kiện mỹ quan và điều kiện vệ sinh đô thị; tạo nên cảnh quan hấp dẫn cho không gian mặt nước, hài hoà với cảnh quan xung quanh.

+ Tạo điểm nhấn các trục chính bằng các thủ pháp về bố cục không gian tạo nên không gian hướng tầm nhìn tới mặt hồ.

Giải pháp về cây xanh

Cây xanh trục đường:

- Cây trồng theo tuyến: trục đường liên kết các khu chức năng với không gian cảnh quan hồ nước, tạo thành những tuyến hướng trục chính.

- Trục hướng chính của hồ nước cần tạo nên không gian ấn tượng bằng việc trồng một loại cây có cùng độ cao, thân thẳng như dừa, cau bụng hoặc những cây cắt xén có cũng hình dnạg, kích thước… có màu xanh của lá quanh năm. Quảng trường trong khu vực phối kết với các loại cây, thảm hoa nhiều màu sắc.

Cây bụi hoa:

Cây bụi hoa đặt tại các khu có tiểu cảnh nhỏ, viền quanh các con đường hay trang trí lối vào không gian công cộng, quán giải khát, ki ốt. Cây bụi hoa còn trang trí ở bao lơn các công trình ven sông hò, tạo nét đẹp khi công trình soi mình xuống dòng nước.

Cỏ: Không gian cảnh quan ven sông hồ, cỏ là một trong những yếu tố cần thiết. Cỏ mang lại màu xanh mát dịu cho cảnh quan. Mọi người có thể đến đây để cắm trại hay nghỉ dưỡng cuối tuần.

 Giải pháp đối với các vật thể hỗ trợ không gian kiến trúc, dịch vụ không gian công cộng:

Ghế ngồi:

+ Những đồ vật này thiết kế đơn giản, dễ kê, gắn, phản ánh tính đương đại, hài hoà với cảnh quan xung quanh, tạo ra ấn tượng cho từng khu vực.

+ Ngoài ra cần thiết kế tiện nghi: bậc thang, tường, thành bể, đài phun, lan can cho người già, cho người đi xe lăn, hệ thống âm thanh cho người mù, thảm cỏ.

+ Đồ cần bền và vật liệu phù hợp với tính năng như: ghế ngồi không quá lạnh vè mùa đông, không quá nóng về mùa hè…

+ Ghế ngồi phù hợp với cảnh quan xung quanh, sử dụng vật liệu ấm về mùa đông, mát về mùa hè.

+ Tuỳ theo chức năng mà sử dụng phù hợp.

+ Khoảng cảnh hợp lý cho người sử dụng.

Thùng rác:

+ Về quy cách thùng rác được thiết kế với kích thước phù hợp, thuận lợi với việc lấy rác, bỏ rác .

+ Hình thức có thể thay đổi phù hợp với từng khu vực: nhã nhặn, hiện đại, bắt mắt, dễ nhận thấy.

Đèn chiếu sáng thẩm mỹ:

Có hiệu quả đặc biệt  vào buổi tối, thường được dùng để làm nổi bật, nhấn mạnh những công trình, những cổng chính hoặc những điểm đặc biệt trong khu vực.

+ Khi thiết kế, bố cục đèn chiếu sáng chúng ta nên chú ý tới sự tương phản hơn là sự đều đều. Ánh sáng bố trí quá lộ liễu đôi khi cũng làm mất đi sự huyền ảo của nó.

+ Sử dụng đèn hắt chiếu sáng vườn cây, thảm có trên trục chính.

+ Sử dụng đèn màu trang trí cho không gian sân vườn giữa các công trình, đặc biệt là các lối đi dạo ven hồ.

Tượng trang trí công cộng, vòi phun nước, chòi nghỉ: là kiến trúc nhỏ làm đẹp không gian, thêm phần dịu mát cho các xứ nóng.

+ Tượng sẽ được đặt ở những vị trí mà dễ nhìn thấy từ mọi hướng, nơi mọi người có thể gặp gỡ, giao lưu.

+ Kích thước tượng phù hợp với cảnh quan xung quanh.

Biển chỉ dẫn, quảng cáo:

Cung cấp hệ thống biển cho mọi người định hướng các điểm bắt mắt, các điểm cần quan tâm, giúp cho mọi người tìm đường được dễ dàng hơn. Để đảm bảo dễ quan sát nghiên cứu tốc độ di chuyển của con người, từ đó có kích thước, cỡ chữ thích hợp. Chữ đơn giản, rõ ràng, dễ đọc và có màu sắc tương phản.

Đá trang trí: đá trang trí ven sông, hồ có nhiều dạng. Đá khối lớn tạo các địa hình, kè bến các đường dốc. Đá khối nhỏ dùng trang trí tiểu cảnh, đặct tại không gian công cộng.

Cầu dẫn:  có kích thước, tỷ lệ hài hoà với cảnh quan xung quanh, hình thức kiến trúc nhẹ nhàng, đảm bảo tính an toàn, tiện lợi cho người sử dụng.

Không gian ngoài trời: sử dụng kết cấu nhẹ, thông thoáng không che lấp tầm nhìn ra hồ, có sử dụng những màu sắc gây bắt mắt.

Hàng rào và cổng ra vào: Hàng rào không đưcợ phép xây dựng kín, đóng không gian và có chiều cao tối đa 0,9m. Chỉ được phép xây dựng hành rào thoáng ước lệ hoặc hàng rào cây bụi cắt xén tạo ngăn cách giữa không gian hồ nước với các khu lân cận.

Cổng luôn là ấn tượng đầu tiên mà khách cảm nhận được về không gian và vèe tính chất của khu vực. Đối với khu vực xung quanh mặt nước cần sử dụng cỏng như một yếu tố ngăn cách không gian, do vậy cần thiết kế cổng thoáng, không được khép kín các không gian trong khu vực.

Trên đây là một  vài gợi ý cho việc áp dụng thiết kế đô thị tạo nên không gian ven mặt nước được hấp dẫn hơn. Trong quá trình thiết kế kiến trúc cảnh quan các không gian xung quanh mặt nước, tạo một tác phẩm mang nhiều  chất cảnh quan, người thiết kế cần khéo léo và áp dụng tốt các tính chất và nguyên tắc trong thiết kế đô thị tạo nên không gian cảnh quan khu vực ven song hò thành phố Hà Nội hấp dẫn hơn, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng môi trường của Thủ đô ngày một cao hơn.

 

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 48/2011.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)