Vì sao nên sử dụng vật liệu nhẹ không nung?

Thứ sáu, 24/12/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vật liệu nhẹ không nung của Việt Nam và thế giớiGạch nhẹ nói chung và gạch bê tông khí chưng áp AAC (Autoclaved Aerated Concrete) nói riêng là một sản phẩm của bê tông nhẹ. Được phát minh bởi tiến sỹ Johan Eriksson thuộc Viện Công nghệ Hoàng Gia Thuỵ Điển vào năm 1923, AAC đã được sử dụng ở châu Âu hơn 80 năm và ở các nước vùng Cận Đông hơn 40 năm nay. Người Mỹ bắt đầu sử dụng AAC từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia…cũng đã sử dụng AAC được gần 20 năm trở lại đây.

Ở Việt Nam, gạch AAC đã được biết đến  từ lâu, nhưng do những điều kiện khách quan nên đến năm 2008 mới có một số doanh nghiệp nhập khẩu về để giới thiệu và tiếp cận thị trường. Cuối năm 2009 đầu năm 2010, đã có hai nhà máy sản xuất gạch bê tông khí chưng áp công suất 100.000m3/năm đi vào hoạt động và cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Vì sao nên sử dụng vật liệu nhẹ không nung?

Về các đặc tính  kỹ thuật, vật liệu nhẹ không nung được đánh giá là có ưu điểm  vượt trội hơn so với các loại vật liệu truyền thống. Có thể kể đến như:

- Khối lượng nhẹ: khối lượng thể tích rất nhẹ, có thể nổi trên mặt nước. Gạch AAC nhẹ hơn từ 2- 3lần so với gạch nung truyền thống mà vẫn không mất đi tính vững chắc của gạch.

- Tính bảo ôn, cách nhiệt tốt: khi dùng gạch AAC làm kết cấu bảo vệ bên ngoài thì không cần thiết bọc thêm lớp bảo ôn mà vẫn đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt để bảo ôn tiết kiệm năng lượng. Do đó chúng vừa là vật liệu bao che, tường ngăn, vừa có thể coi là “vật liệu bảo ôn”.

- Tính năng phòng cháy chịu nhiệt ưu việt: bản thân gạch AAC làm bằng vật liệu vô cơ không cháy. Thực nghiệm cho thấy, gạch AAC là vật liệu phòng cháy lý tưởng, khả năng chống lửa của tường với độ dày 10cm có thể đạt từ 4 giờ trở lên. Do đó, chúng được sử dụng rộng rãi làm tường phòng cháy. Ở nhiệt độ dưới 700oC trong thời gian dài cũng không làm ảnh hưởng đến độ cứng của gạch.

- Khả năng cách âm tốt: do đặc tính chứa nhiều lỗ nhỏ, nó có tác dụng cách ly và giảm sự truyền dẫn âm thanh.

- Kích thước chuẩn xác: thiết bị và công nghệ tiên tiến sản xuất gạch AAC đảm bảo tính chuẩn xác về kich thước bên ngoài của sản phẩm, biến ững dụng vữa trát mỏng thành hiện thực. Các rãnh lồi lõm trên sản phẩm đảm bảo tính chuẩn xác về kich thước của tường khi thi công.

- Cường độ cao: với công nghệ sản xuất qua hai lần lưu hoá làm cho sản phẩm gạch AAC có độ cứng cao với kết cấu bền vững. Hơn nữa kích thước của gạch lớn cũng làm tăng độ cứng của viên gạch, tấm AAC có thể bố trí cốt thép thoả mãn các yêu cầu về tải trọng.

- Thi công tiện lợi, dễ dàng: do tính chất nhẹ, ngoài việc sản xuất ra những viên gạch AAC tiêu chuẩn còn có thể chế tạo những tấm AAC nhiều kích cỡ. Về kích thước, mỗi tấm AAC tương đương 18 viên gạch đỏ, lại có thể xây liên tục, không bị hạn chế về độ cao mỗi lần xây, có thể tăng tốc độ thi công lên gấp nhiều lần, giảm bớt giá  thành về nhân công. Thi công tấm AAC càng dễ dầng và tiện lợi hơn, có thể cưa cắt, khoan, đóng đinh, treo móc, điêu khắc… làm cho việc thiết kế lắp đặt chạy tuyến ống, dây và trang trí nội thất càng thuận tiện hơn. Ngoài ra, toàn bộ hoạt động thi công đều là tác nghiệp khô, có lợi cho đơn vị thi công nâng cao khả năng quản lý công trường.

- Tính kinh tế: do tính năng của gạch AAC có khối lượng nhẹ làm giảm trọng lượng của công trình kiến trúc, dẫn đến giảm phần lớn chi phí xử lý nền móng và kết cấu công trình. Do độ chuẩn xác cao nên bề mặt có thể trực tiếp đánh thô, giảm đáng kể vật liệu và nhân công trát bề mặt mà vẫn đạt được hiệu quả và tác dụng của kết cấu công trình. Độ dày tường khi dùng gạch AAC cũng nhỏ hơn nên có thể nâng cao được hệ số sử dụng của công trình, tăng diện tích sử dụng. Do tính năng bảo ôn  rất tốt của vật liệu nên giảm được rất nhiều chi phí năng lượng sử dụng.

Với những ưu điểm và tính năng nổi trội của gạch bê tông khí chưng áp AAC, chúng ta có thể khẳng định rằng, chúng là là loại vật liệu xây phổ biến trong những năm tới.

Xu hướng phát triển tại Việt Nam

Theo dự báo, nhu cầu vật liệu xây dựng và dự kiến sản lượng vật liệu không nung ở Việt Nam đến năm 2020 sẽ tăng theo từng năm. Từ tỷ lệ 10% năm 2010 lên 30- 40% vào năm 2020. Công suất sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ 2010- 2020 cũng sẽ tăng mạnh từ 2,5 đến khoảng 16 tỷ viên.

Với quy mô phát triển còn chưa đồng đều trong dòng sản phẩm vật liệu không nung, chúng ta còn cần một chiến lược cân đối, phù hợp để thị trường có những bước đi đồng bộ, cân bằng và phù hợp với nhu cầu cũng như tình hình thực tế tốt nhất. Trong sản lượng điều tra khảo sát về sản xuất (theo số liệu điều tra của Viện Vật liệu xây dựng), quý I/2010 nhiều nhất vẫn là gạch bê tông từ xi măng- đá mạt chiếm tỷ lệ 75- 80%, sau đó là đá chẻ tỷ lệ 16- 18 %. Sản phẩm gạch nhẹ không đáng kể, chỉ chiếm tỷ lệ 1- 2% và chủ yếu là bê tông bọt, bê tông khí thông thường. Còn bê tông khí chưng áp hiện tại chỉ có 2 nhà máy mới bắt đầu đi vào hoạt động.

Hiện tại, Viện Vật liệu xây dựng đang lập hai dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bê tông khí chưng áp AAC công suất 100.000m3/năm cho Công ty cổ phần Vinaconex 21 và Công ty TNHH Hồng Hà. Tổng mức đầu tư đồng bộ cho mỗi dây chuyền khoảng 80- 90 tỷ VNĐ.

Thiết bị công nghệ của dây chuyền sản xuất bê tông khí chưng áp AAC hiện nay được nhập chủ yếu từ Trung Quốc vì giá hợp lý, chất lượng thiết bị chấp nhận được. Thiết bị Tây Âu chất lượng rất tốt nhưng giá cao, gấp khoảng 2- 2,5 lần giá thiết bị của Trung Quốc. Suất đầu tư lớn nên nhiều chủ đầu tư rất cân nhắc khi lựa chọn thiết bị có xuất xứ từ Tây Âu. Dù là thiết bị của Trung Quốc hay Tây Âu thì cũng đều sản xuất ra được những sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn.

Việc sử dụng vật liệu nhẹ cũng sẽ đi theo xu thế chung của thế giới, bởi tính ổn định về chất lượng, thi công nhanh, về mặt môi trường chắc chắn sẽ ít ảnh hưởng so với các loại gạch khác. Từ năm 2010- 2020 chắc chắn sẽ là  bước đột biến trong việc sử dụng vật liệu nhẹ không nung.

 

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 11/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)