Định mức xây dựng công trình sử dụng vật liệu xây không nung

Thứ năm, 01/07/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngành công nghiệp xây dựng của Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao, nhu cầu về sử dụng vật liệu xây dựng nói chung, trong đó có gạch xây nói riêng năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhưng trên thực tế gạch xây các loại kết cấu của công trình chủ yếu là gạch đất sét nung. Việc sử dụng loại gạch xây này đã xâm phạm đến quỹ đất sản xuất nông nghiệp, luôn tiêu hao một lượng lớn nhiên liệu, sinh ra khí thải lớn gây ô nhiễm môi trường.

Để hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, góp phần sử dụng tài nguyên hợp lý, bảo vệ môi trường…việc phát triển gạch xây không nung để thay thế loại gạch truyền thống này là hết sức cần thiết để thực hiện quyết định số 121/2008/QĐ- TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể và phát triển vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020. Mặt khác, giá cả loại gạch đất sét nung từ năm 2007 đến nay đã tăng từ 80%- 300% (tuỳ theo từng khu vực) so với năm 2005 và 2006 đã tác động đến chủ đầu tư trong việc lựa chọn phương án sử dụng vật liệu khác thay thế, đây cũng được coi là cơ hội cho gạch xây không nung phát triển.

Trong khuân khổ bài báo này chúng tôi chỉ trình bày một số nội dung chủ yếu có liên quan trực tiếp đến việc định lượng hao phí và chi phí các kết cấu sử dụng gạch không nung trên cơ sở hệ thống chi tiêu định lượng hao phí hiện hành đối với các kết cấu sử dụng phổ biến gạch đất sét nung truyền thống và một vài loại gạch xây không nung trước đây đã được sử dụng nhưng không thường xuyên.

1. Định lượng hao phí (định mức dự toán xây dựng công trình) và chi phí các kết cấu sử dụng gạch xây hiện nay.

Hệ thống định mức dự toán xây dựng công trình được sử dụng từ năm 1982 đến nay đã định lượng hao phí về vật liệu, nhân công, máy thi công khi sử  dụng các loại gạch đất sét nung và một số loại gạch không nung cùng với vữa xây truyền thống để tạo thành một đơn vị khối xây của các loại kết cấu móng, xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng kỹ thuật với các điều kiện thi công và biện pháp thi công khác nhau khoảng gần 250 danh mục công tác xây dựng trong đó.

- Đối với các loại kết cấu sử dụng gạch đất sét nung khoảng 190 danh mục công tác xây dựng được định mức cho các loại gạch chỉ (6,5 x 10,5 x 22cm), gạch thẻ (5 x 10 x 20cm, 4,5 x 9 x 19 cm, 4 x 8 x 19cm), gạch ống ( 10x 10 x 20 cm, 9 x 9 x 19cm, 8 x8 x 19cm), gạch rỗng (10 x 15 x 22cm, 10 x 13,5 x 22cm, 8,5 x 13 x 20cm)

- Đối với một số loại sử dụng vật liệu xây không nung khoảng 60 danh mục công tác xây dựng được định mức cho các loại đá hộc, đá chẻ, đá xanh, gạch bê tông rỗng (20x 20 x 40cm, 15 x20 x 40cm, 15 x 20 x 30cm) và gạch silicat 96,5 x 12 x 25 cm)

Với thời gian khá dài, các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, các nhà thầu thi công xây dựng đều sử dụng, vận dụng lựa chọn các công tác xây dựng sử dụng loại gạch đất sét nung đã định lượng nói trên phù hợp với yêu cầu chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện thi công, công nghệ thi công hợp lý, kinh tế làm cơ sở tính toán chi phí đầu tư xây dựng công trình thông qua các chỉ tiêu biểu thị như: đơn giá xây dựng, dự toán xây dựng công trình, giá dự thầu các loại dự án đầu tư xây dựng công trình, các chủ thể nói trên luôn biết rõ từng mức đơn giá xây dựng của một đơn vị xây theo loại kết cấu của công trình với việc sử dụng từng loại gạch đất sét nung, bởi lẽ họ hiểu và nắm rõ các chỉ tiêu định lượng đã được định mức. Có thể nói rằng, việc sử dụng gạch đất sét nung đang là thói quen khó xoá khỏi trong tiềm thức của các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và tính chuyên nghiệp trong thi công xây dựng của các nhà thầu.

Đối với một số loại kết cấu xây dựng đã định mức cho việc sử dụng một số loại gạch xây không nung như như gạch bê tông rỗng, gạch siliccát nói trên, trên thực tế tổng kết đắt giá từ thiết kế, dự toán của 1000 công trình xây dựng dân dụng cao từ tầng 6 trở lên và của 200 công trình xây dựng công nghiệp và một số loại công trình khác có quy mô khác nhau sử dụng vốn Nhà nước từ năm 2000 đến nay theo hồ sơ hiện tại Viện Kinh tế xây dựng thì chưa có công trình nào được chủ đầu tư chọn lựa sử dụng các loại gạch xây không nung này trong hồ sơ thiết kế và tính toán dự toán xây dựng công trình. Tính không khả thi trong thực tế nói trên có thể lý giải qua mẫu mã chủng loại gạch không được thay đổi, kích thước quá lớn chưa thích hợp với các yêu cầu về kết cấu, khối lượng thể tích thuộc hệ gạch nặng thậm chí lớn hơn cả gạch đất sét nung cũng kích cỡ và trên thực tế một số loại gạch này không có sẵn trên thị trường, nếu có cơ sở sản xuất thì không đáp ứng được cầu.

Khi xét về hiệu quả kinh tế so sánh, theo một số chuyên gia kinh tế cho biết nếu xây một khối tường bao che bằng gạch đất sét nung rỗng 2 lỗ  kích thước 22 x 10,5 x 6,5 cm và cùng một khối xây tường loại này sử dụng gạch block rỗng kích thước 39 x 15 x 19cm với việc sử dụng vữa xây truyền thống theo chỉ định từ thiết kế cho thấy khi sử dụng gạch block thì thời gian xây giảm đến 60%, đơn giá viên gạch sau khi đã quy đổi về kích thước tiêu chuẩn giảm khoảng 12% so với xây bằng gạch đất sét nung rỗng 2 lỗ.

2. Một số nội dung đặt ra đối với công tác định lượng hao phí  các kết cấu sử dụng gạch xây không nung (gồm gạch xi măng- cốt liệu và gạch bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông bọt thuộc loại gạch bê tông nhẹ…)

Gạch xây không nung có rất nhiều ưu việt trong sản xuất và sử dụng theo tổng kết, đánh giá của một số nước trong khu vực và trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia…Trong đó, theo nghiên cứu của chúng tôi chỉ xét dưới góc độ kinh tế theo một số tiêu chí đã thấy rõ tính ưu việt của loại vật liệu này chẳng hạn như: nó dễ dàng tạo ra được sản phẩm có chất lượng về cường độ, đa dạng về kích thước lỗ rỗng, ít cong vênh. Điều này đồng nghĩa với chủ động trong việc hạ giá thành sản phẩm để giá vật liệu này có thể cạnh tranh cao hơn gạch đất sét nung, đảm bảo cả về kỹ thuật, mỹ thuật của kết cấu, tiết kiệm được vữa xây, trát. Nó phù hợp với công nghiệp xây dựng có mức độ cơ giới hoá cao, rút ngắn thời gian xây dựng công trình khi sử dụng các loại tấm tường, gạch xây không nung có kích thước lớn, giảm chi phí xây dựng tự điều chỉnh lại thiết kế kết cấu móng, nền, hệ khung chịu lực khi sử dụng hệ gạch nhẹ nói trên…

Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, Thái Lan là quốc gia có nền công nghệ xây dựng phát triển, họ đã sử dụng khá phổ biến các loại tấm tường và gạch không nung để xây các toà nhà cao tầng. Theo tính toán so sánh của công ty  Q.Con- Thái Lan khi sử dụng gạch block nhẹ từ bê tông khí chưng áp so với việc sử dụng gạch đất sét nung để xây dựng các toà nhà cao tầng đã cho thấy chi phí nhân công để xây tường, trát tường gạch block từ bê tông khí chưng áp thấp hơn từ 37- 22% so với  gạch đất sét nung và chi phí vật liệu gạch (sau khi quy đổi với gạch chuẩn), vữa xây, trát thấp hơn khoảng 11%.... Các khoản chi phí này thấp hơn khi so sánh về lý thuyết kinh tế được coi là “độ lệch” của các chỉ tiêu định lượng hao phí khi xây dựng định mức dự toán xây dựng các loại kết cấu sử dụng loại vật liệu mới này.

Với một số nội dung phân tích ở trên, để có cơ sở tính toán định mức dự toán xây dựng công trình thông qua các chỉ tiêu định lượng hao phí đối với từng loại công tác xây dựng cho từng loại kết cấu, ứng với từng loại gạch xi măng- cốt liệu, gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt trong thời gian tới ở Việt Nam cần sớm hoàn thiện một số nội dung đặt ra như sau:

- Thứ nhất, các TCVN, TCXD- VN đã có đối với 3 loại gạch xây không nung nói trên cần được hoàn thiện về yêu cầu chất lượng sản phẩm và phương pháp thử kiểm tra xác định các chỉ tiêu chất lượng do sự đa dạng về kích thước, cường độ, độ rỗng của từng loại gạch xây không nung.

- Thứ hai, cần cụ thể hoá các tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, hướng dẫn thi công xây dựng và nghiệm thu theo từng đối tượng sản phẩm vật liệu xây không nung để các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn thiết kế sử dụng trong các giải pháp thiết kế của công trình, đưa ra các chỉ dẫn kỹ thuật phù hợp.

- Thứ ba, để phù hợp với sự đa dạng loại vật liệu xây không nung, cần xây dựng định mức cấp phối vữa xây, trát thích hợp cùng với các chỉ dẫn sử dụng cho một số chủng loại đặc trưng thay thế loại cấp phối vữa xây, trát truyền thống có mức độ hao hụt thi công khá lớn hiện nay.

- Thứ tư, cần tuyên truyền chỉ dẫn đầy đủ, rõ ràng tính ưu việt, nhất là tính nhẹ, cách nhiệt, tính kinh tế, bảo đảm chất lượng và rút ngắn thời gian thi công xây dnựg khi sử dụng các sản phẩm gạch xây không nung đến các chủ thể trong hoạt động đầu tư xây dựng mà quan trọng hơn cả là chủ đầu tư, tư vấn thiết kế.

- Thứ năm, nếu có thể được cơ quan chức năng tổ chức triển khai Chương trình phát triển vật liệu không nung cần thiết kế các modul đã hội tụ đủ phương án kết cấu hợp lý của một loại công trình khi sử dụng từng loại gạch xây không nung nói trên và khi sử dụng gạch đất sét nung để làm cơ sở tính toán chi phí, phân tích, đánh giá, so sánh hiệu quả kinh tế mang lại để xem xét tính “tường minh” của từng phương án và của hệ thống định mức dự toán của công tác xây dựng được định lượng hao phí theo các yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công và biện pháp hợp lý.

- Thứ sáu, theo các nội dung trên việc xây dựng định mức dự toán các công tác xây dựng theo từng loại kết cấu, với từng loại gạch xây không nung, loại vữa xây trát thích hợp, theo từng điều kiện thi công và tổ hợp dây chuyền công nghệ thi công dự kiến khoảng 200 danh mục công tác cần định lượng hao phí, để làm cơ sở xác định đơn giá xây dựng, chi phí tổng hợp cho một đơn vị khối lượng xây, trát có tính khả thi trên.

 

Nguồn: Tạp chí Vật liệu Xây dựng Việt Nam, số 5/2010

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)