Đánh giá tình hình hoạt động đào tạo nghiệp vụ môi giới, định giá BĐS và quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS và quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS

Thứ tư, 16/06/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thị trường bất động sản Việt Nam tuy mới hình thành, nhưng những năm gần đây thị trường này đã có những bước phát triển mạnh mẽ; những thành tố mới của thị trường như hệ thống sàn giao dịch BĐS, các tổ chức dịch vụ hỗ trợ thị trường như môi giới BĐS, định giá BĐS, quản lý BĐS.v.v... đang dần được hình thành và đi vào hoạt động. Đóng góp vào thành quả phát triển ấy, có sự đóng góp rất lớn của các cơ sở đào tạo nghiệp vụ BĐS trong cả nước nhằm thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ thị trường BĐS phát triển.

1/ Kết quả hoạt động của các cơ sở đào tạo và công tác cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

- Số lượng cơ sở đào tạo: Từ khi Luật Kinh doanh bất động sản và Quyết định số 29/2007/QĐ - BXD ngày 31/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng được ban hành, cho đến nay trên toàn quốc đã có 86 cơ sở đào tạo được công nhận đủ điều kiện đào tạo nghiệp vụ môi giới, định giá bất động sản và quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản. Trong đó, thành phố Hà Nội có 55 cơ sở đào tạo, thành phố Hồ Chí Minh có 26 cơ sở đào tạo, các địa phương khác như Đồng Nai, Quảng Ninh, Vũng Tàu... có 5 cơ sở đào tạo.

- Số lượng chứng chỉ hoàn thành khoá học: Tính đến ngày 31/12/2009 trên toàn quốc, các cơ sở đào tạo  đã cấp được 35.227 giấy chứng nhận hoàn thành khoá học, trong đó có: 16.921 giấy chứng nhận về đào tạo môi giới bất động sản, 9.324 giấy chứng nhận về đào tạo định giá bất động sản, 8.982 giấy chứng nhận đào tạo về quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản.

- Số lượng chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá bất động sản đã cấp: Theo báo cáo của các sở xây dựng địa phương, tính đến ngày 30/4/2010, trên toàn quốc đã có: 15.819 chứng chỉ hành nghề được cấp cho cá nhân, trong đó có 10.689 chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và 5.130 chứng chỉ hành nghề định giá bất động sản.

2/ Đánh giá tình hình và kết quả hoạt động đào tạo trong thời gian qua

2.1/ Tình hình hoạt động của các cơ sở đào tạo:

- Hầu hết các cơ sở đào tạo đều thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật kinh doanh bất động sản và Quyết định số 29/2007/QĐ - BXD ngày 31/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, định giá bất động sản và quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản.

- Về giáo trình đào tạo: Các cơ sở đào tạo đã có ý thức chấp hành đầy đủ, đảm bảo Chương trình khung ban hành theo Quyết định số 29/2007/QĐ - BXD ngày 31/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Một số đơn vị đào tạo đã chủ động bổ sung thêm một số môn học như phong thuỷ, kỹ năng giao tiếp đàm phán trong kinh doanh bất động sản.v.v... góp phần bổ sung kiến thức cho học viên một cách toàn diện.

- Về đội ngũ giảng viên: Các cơ sở đào tạo chú trọng sử dụng đúng đội ngũ giảng viên như đã đăng ký với Bộ Xây dựng khi xin công nhận cơ sở đào tạo. Nhiều giảng viên là các cán bộ giảng dạy tại các trường đại học, các cơ quan quản lý có uy tín, các nhà quản lý doanh nghiệp có kinh nghiệm và các nhà khoa học. Có một số đơn vị trong quá trình tổ chức đào tạo đã bổ sung thêm giảng viên cho phù hợp với yêu cầu thực tế của cơ sở đào tạo và của học viên.

2.2/ Đóng góp từ hoạt động của các cơ sở đào tạo đối với sự phát triển của thị trường bất động sản.

- Hoạt động của các cơ sở đào tạo trong thời gian qua đã tác động sâu sắc vào nhận thức xã hội, tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức xã hội về ngành nghề dịch vụ bất động sản, đặc biệt là ngành nghề môi giới bất động sản. Môi giới bất động sản thực sự được công nhận là một nghề nghiệp với những điều kiện hoạt động cụ thể do pháp luật quy định; nhân sự hoạt động trong lĩnh vực này được đào tạo bài bản, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để hoạt động chuyên nghiệp. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản đã trở thành chủ thể quan trọng trong thị trường bất động sản, tác động trực tiếp tới sự vận hành của thị trường.

- Cung cấp lực lượng nhân lực có kiến thức chuyên môn, được đào tạo bài bản về kỹ năng hành nghề cho thị trường bất động sản. Trước kia nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bất động sản được đào tạo bài bản không nhiều. Có rất ít chuyên gia cao cấp trong ngành này, và nhân lực được đào tạo hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bất động sản lại càng thưa thớt. Hiện nay, các cơ sở đào tạo bất động sản đã cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn nhân lực được đào tạo bài bản về kỹ năng nghiệp vụ hành nghề. Nguồn nhân lực quan trọng này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản. Kết quả này đã góp phần đưa các quy định pháp luật kinh doanh bất động sản có cơ sở để áp dụng trên thực tế, nhất là các quy định về tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức môi giới, định giá bất động sản. Trên cơ sở đó, thị trường bất động sản đang ngày càng trở nên vận động trơn tru hơn, tính công khai, minh bạch được nâng lên rõ rệt.

- Thực tế hoạt động đào tạo trong thời gian qua đã phần nào nói lên hiệu quả các quy định pháp luật hiện hành về công tác đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, về nội dung đào tạo và chất lượng giảng viên đào tạo. Trên cơ sở đó, đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ sở đào tạo yêu cầu về sự cần thiết phải cải cách, nâng cao nội dung chương trình giảng dạy, quy định nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng giảng viên. Cải cách công tác quản lý hoạt động các cơ sở đào tạo, công tác cấp chứng chỉ hành nghè môi giới, định giá bất động sản lên xứng tầm với sự phát triển của thị trường bất động sản và yêu cầu quản lý nhà nước đặt ra trong giai đoạn phát triển mới.

2.3/ Một số vấn đề tồn tại trong hoạt động đào tạo nghiệp vụ bất động sản

- Về phía cơ quan quản lý nhà nước:

+ Chưa ban hành được bộ giáo trình giảng dạy chuẩn, chưa xây dựng được kế hoạch phát triển lực lượng giảng viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực đào tạo kinh doanh bất động sản. Nhà nước chưa ban hành được tiêu chuẩn về giảng viên trong lĩnh vực đào tạo nghiệp vụ bất động sản, cũng như chưa xây dựng được kế hoạch, lộ trình phát triển đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu đào tạo chuyên nghiệp. Thực tế này khiến cho chất lượng đào tạo trong thời gian qua nhìn chung là chưa cao, chưa đồng đều.

+ Quy định về điều kiện được đào tạo đối với các tổ chức đào tạo hiện nay khá đơn giản, do vậy chưa sàng lọc, lựa chọn được nhiều đơn vị chuyên nghiệp có năng lực cao để tổ chức đào tạo. Nhiều tổ chức năng lực non kém, chưa có kinh nghiệm đào tạo, chạy theo lợi nhuận trước mắt, không chú trọng tới chất lượng khiến cho thị môi trường đào tạo bị sáo trộn, cạnh tranh không lành mạnh.

+ Chưa có sự liên thông về thông tin giữa các địa phương, giữa địa phương với trung ương để cập nhật thông tin, tra cứu dữ liệu trong lĩnh vực quản lý công tác cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá bất động sản. Điều này gây khó khăn cho người có chứng chỉ hoàn thành khoá học trong việc xin cấp chứng chỉ hành nghề, vì nhiều địa phương do không quản lý theo dõi được nên chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho người trực tiếp học tại địa phương, từ chối cấp cho người học tại địa phương khác.

- Về phía các cơ sở đào tạo

+ Thực tế hoạt động của các cơ sở đào tạo hiện nay cho thấy chất lượng đào tạo chưa cao, chưa đồng đều, thiếu tính chuyên nghiệp, biểu hiện ở chỗ:

Nhiều cơ sở đào tạo chưa tuân thủ đúng quy định về thời lượng đào tạo, tổ chức thực hành, rút ngắn thời gian giảng dạy, thậm chí còn bỏ ngỏ cả khâu thực hành, khiến cho chất lượng đào tạo thấp, uy tín của một số cơ sở đào tạo trong thời gian qua bị ảnh hưởng không tốt.

Một số cơ sở đào tạo khi thay đổi địa chỉ hoạt động, mở chi nhánh đào tạo hoặc tổ chức đào tạo tại địa phương khác mà không có văn bản thông báo tới Sở Xây dựng địa phương nơi cơ sở đào tạo đặt trụ sở chính. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý và theo dõi thông tin phục vụ công tác cấp chứng chỉ hành nghề cho học viên. Một số cơ sở đào tạo bổ sung đội ngũ giảng viên mà không có văn bản báo cáo về Bộ Xây dựng để kịp thời  cập nhật thông tin quản lý, hoặc thực hiện chưa đúng trách nhiệm báo cáo định kỳ tình hình đào tạo về Sở Xây dựng.

Một số cơ sở đào tạo triển khai chưa hiệu quả công tác đào tạo, công tác tổ chức tuyển sinh chưa tốt, khả năng vận động thích ứng với các biến động của môi trường kinh doanh thấp. Có cơ sở đào tạo chưa tổ chức được khoá đào tạo nào từ khi được Bộ Xây dựng công nhận hoặc chỉ tổ chức được rất ít khoá học, thậm chí tạm dừng hoạt động.

+ Chưa chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp: Ngoài một số cơ sở đào tạo lớn là các trường đại học có lực lượng giảng viên là các giảng viên đại học được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực bất động sản, có nghiệp vụ sư phạm giảng dạy, phần lớn các cơ sở đào tạo khác chưa xây dựng được lực lượng giảng viên cơ hữu, mà chủ yếu thuê giảng viên từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo khác nhau không chuyên về bất động sản... Điều này làm cho chất lượng đào tạo không đồng đều, không toàn diện, chưa đáp ứng đòi hỏi về chất lượng nhân lực cao của thị trường lao động trong lĩnh vực bất động sản.

+ Chưa chú trọng xây dựng nội dung đào tạo chất lượng, hiện đại đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Sách và tài liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo ngành nghề kinh doanh bất động sản đang rất thiếu. Hiện nay, mới chỉ có một số cơ sở đào tạo lớn xây dựng được nội dung giáo trình đào tạo riêng, nhiều cơ sở đào tạo còn lại chủ yếu sử dụng các tài liệu có sẵn là chương trình giảng dạy.

Hiện tại, một vài trường đại học đang chuẩn bị xây dựng chương trình đào tạo bất động sản một cách bài bản, một số trường đã lên chương trình hợp tác với trường đại học của nước ngoài để đào tạo ngành bất động sản – xây dựng. Tuy nhiên, các chương trình này mới nằm trong kế hoạch dự kiến, chưa được triển khai trên thực tế.

- Về phía học viên cũng còn tồn tại nhiều vấn đề hạn chế, như: ý thức học thật, thi thật chưa cao; còn nặng ý thức học để lấy chứng chỉ nhằm hợp pháp hoá công việc; chưa chú trọng công tác thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp; chưa có ý thức thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin thị trường, quy định pháp luật, học nâng cao bổ sung kiến thức, kỹ năng hành nghề...

3/ Xu hướng phát triển của hoạt động đào tạo trong thời gian tới

- Nhu cầu đào tạo nhân lực cho thị trường nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng; cập nhật kiến thức, thông tin mới; rèn luyện kỹ năng hành nghề; đang rất cần các cơ sở đào tạo có uy tín. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ có sự sàng lọc rõ ràng giữa các cơ sở đào tạo; các cơ sở đào tạo chất lượng tốt, có uy tín sẽ tồn tại và phát triển mạnh, thu hút nhiều học viên; các cơ sở đào tạo nhỏ, kém uy tín sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh và đi tới chấm dứt hoạt động. Các cơ sở hoạt động đào tạo đa lĩnh vực sẽ phát triển vững mạnh vì có lợi thế về công tác tổ chức quản lý, tuyển sinh và khai thác sự dan xen giữa các chương trình đào tạo.

- Các cơ sở đào tạo sẽ trở nên năng động hơn, mở rộng phạm vi đào tạo ra các địa phương mới để khai thác thị trường còn bỏ ngỏ. Nhiều cơ sở đào tạo sẽ chú trọng cải tiến xây dựng chương trình đào tạo chất lượng tốt hơn theo hướng nâng cao, chuyên sâu các kỹ năng hành nghề. Xu hướng mở rộng hợp tác quốc tế để áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến hiện đại của nước ngoài sẽ là sự lựa chọn của nhiều cơ sở để tạo nên nét mới trong hoạt động đào tạo nhằm thu hút học viên.

- Bên cạnh các chương trình đào tạo cơ bản, sơ cấp như hiện nay, trong thời gian tới các cơ sở đào tạo sẽ chú trọng xây dựng tổ chức các chương trình đào tạo về bất động sản nâng cao, các kỹ năng, nghiệp vụ bổ trợ. Đặc biệt với sự thâm nhập của các tổ chức giáo dục quốc tế, các chương trình đào tạo bất động sản quốc tế, hoạt động đào tạo trong thời gian tới sẽ có diện mạo mới, từng bước tiếp thu khoa học công nghệ để tạo sự chuyển biến về chất trong chất lượng giảng dạy và học tập.

- Cùng với sự phục hồi dần của thị trường bất động sản trong trung và dài hạn, khi thị trường sôi động trở lại, nhu cầu về nhân lực cho thị trường tăng, sẽ kéo theo sự phục hồi của hoạt động đào tạo. Các cơ sở đào tạo nào trụ vững được trong giai đoạn thị trường trầm lắng sẽ phát triển mạnh mẽ khi thị trường bất động sản phục hồi vì đã tạo dựng được uy tín và lòng tin trong cộng đồng xã hội.

4/ Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nghiệp vụ bất động sản

Để nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nghiệp vụ bất động sản đòi hỏi phải có sự thay đổi nhận thức và nỗ lực từ nhiều phía, nhất là từ cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo và từ phía các tổ chức kinh tế tuyển dụng lao động chuyên môn và từ phía các cá nhân hành nghề môi giới, định giá bất động sản.

- Về phía các tổ chức, cá nhân môi giới, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản đòi hỏi: Am hiểu và tuân thủ pháp luật của Việt Nam; am hiểu các thông lệ quốc tế; có kiến thức chuyên môn và thường xuyên học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm thực tế, nâng cao kỹ năng môi giới, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản với ý thức trách nhiệm cao; luôn coi trọng đạo đức nghề nghiệp là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh của mình. Các tổ chức, cá nhân môi giới, định giá bất động sản, là những thành tố không thể thiếu trong thị trường bất động sản. Hoạt động của các tổ chức, cá nhân này nếu là chuyên nghiệp sẽ là cơ sở để các hoạt động dịch vụ bất động sản phát triển đúng định hướng. Do vậy, rất cần phải nâng cao chất lượng đào tạo.

- Đối với các tổ chức đào tạo: trước hết phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật về quản lý đào tạo; sử dụng đúng giảng viên đã đăng ký, đảm bảo đủ thời lượng tiết học và thực hành theo quy định, coi trọng việc giảng dạy đúng theo giáo trình dào tạo đã đăng ký và phê duyệt; chủ động nghiên cứu, thường xuyên cập nhật các thay đổi về pháp luật và chính sách quản lý của Nhà nước, thông tin thị trường để lồng vào chương trình giảng dạy; chú trọng phát triển việc đào tạo kỹ năng hành nghề cho học viên. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cần chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên nghiệp để sử dụng lâu dài, khặc phục tình trạng chỉ trông chờ vào đội ngũ giảng viên ngắn hạn, không chuyên trách, giảng dạy trên cơ sở kinh nghiệm tích luỹ và vận dụng các kiến thức từ lĩnh vực khác vào giảng dạy kinh doanh bất động sản.

- Đối với người hành nghề dịch vụ kinh doanh bất động sản: Ngoài việc học tập theo quy định để được cấp chứng chỉ, cần coi trọng việc thường xuyên được cập nhật kiến thức, thông tin thị trường, quy định pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp. Chú trọng học tập nâng cao và tham gia các khoá học bổ trợ để tích luỹ kiến thức nghề nghiệp.

- Về phía cơ quan quản lý Nhà nước:

+ Tăng cường công tác phổ biến pháp luật, xây dựng lộ trình phát triển đội ngũ giảng viên, chuyên gia giảng dạy trong lĩnh vực bất động sản; nghiên cứu để ban hành Bộ giáo trình chuẩn và Bộ đề thi sát hạch cấp chứng chỉ môi giới, định giá bất động sản. Từng bước nâng cấp chương trình đào tạo ngành nghề kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Xây dựng chương trình và lộ trình phát triển để có được đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp đào tạo về lĩnh vực kinh doanh bất động sản và dịch vụ bất động sản.

+ Tạo cơ chế để khuyến khích mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghiệp vụ kinh doanh bất động sản. Cho phép các tổ chức đào tạo trong nước được thực hiện việc hợp tác với các tổ chức đào tạo quốc tế, tiếp thu các công nghệ đào tạo, chương trình giảng dạy hiện đại. Khuyến khích sử dụng đội ngũ chuyên gia là người nước ngoài, Việt kiều trong công tác đào tạo để tạo động lực thay đổi nhận thức, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

+ Chú trọng việc kiểm tra thường xuyên hoạt động của các cơ sở đào tạo trong việc tuân thủ đúng các quy định về đào tạo nhằm quản lý chất lượng đào tạo; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo không thực hiện báo cáo theo quy định, không đảm bảo đầy đủ thời lượng tiết học cho học viên cũng như không sử dụng đúng nội dung giáo trình, danh sách giảng viên như trong hồ sơ đã đăng ký; đồng thời tạo môi trường hoạt động lành mạnh, bình đẳng cho các tổ chức đào tạo phát triển.

Cùng với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản, hoạt động đào tạo bất động sản trong thời gian tới cũng sẽ có sự chuyển biến lớn. Bằng sự nỗ lực chung tay góp sức từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp sử dụng lao động, hoạt động đào tạo bất động sản sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ và phát triển lên bậc thang mới về chất lượng.

 

Nguồn: Tham luận của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản tại Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực tham gia thị trường BĐS", tháng 5-2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)