Những vấn đề trong quản lý hiệu quả môi trường nông thôn mới ở Trung Quốc

Thứ ba, 16/04/2013 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cùng với tiến trình nhất thể hóa thành thị - nông thôn và sự tiến bộ trong xây dựng, các địa phương trên cả nước đang phát triển một môi trường nông thôn mới, sinh thái và thân thiện với môi trường, đặc biệt là vấn đề xây dựng công trình xử lý rác thải. Quản lý hiệu quả môi trường nông thôn chính là quản lý hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống sông ngòi, cây xanh, thu gom và xử lý rác thải, mỗi hạng mục quản lý đều cần phải có tiêu chuẩn và yêu cầu cụ thể. Tuy nhiên đối với quản lý hiệu quả và dài hạn thì 4 vấn đề nêu trên cần phải có kế hoạch thực hiện dài hạn.

“4 vấn đề trong nhất thể hóa nông thôn” thực hiện cải thiện căn bản môi trường nông thôn

Quản lý hiệu quả và lâu dài môi trường nông thôn được thể hiện qua 4 phương diện sau: Một là quản lý và bảo vệ hệ thống đường giao thông nông thôn. Đường giao thông ở nông thôn thường được người dân tận dụng để phơi rơm rạ, thậm chí là đổ rác thải xây dựng và chất thải trong sản xuất nông nghiệp ra đường, chính vì thế hệ thống cống rãnh thoát nước mưa cũng bị ảnh hưởng, mặt đường, vỉa hè, mặt cầu không được làm sạch thường xuyên, vỉa hè lòng đường bị lồi lõm, sụt lún, cây xanh hai bên đường cũng không được chăm sóc cẩn thận, vì thế cần phải có biện pháp mạnh để bảo quản đường giao thông nông thôn, có quy định rõ ràng về sử dụng đường giao thông và yêu cầu đơn vị bảo trì bảo dưỡng đường có trách nhiệm định kỳ bảo dưỡng ít nhất là 95% diện tích mặt đường giao thông trong khu vực. Hai là quản lý và bảo vệ hệ thống sông ngòi. Đường bao 2 bên bờ sông và kênh rạch cần được làm sạch, mặt nước và lòng sông, lòng kênh cần được thường xuyên nạo vét và vớt rác thải, không để bèo tấm bao phủ mặt sông, mặt kênh. Đặc biệt cơ quan chức năng phải có quy định quản lý rõ ràng với việc xả thải của khu công nghiệp, khu vực xây dựng, khu sản xuất nông nghiệp; nước thải sinh hoạt và nước thải ô nhiễm của khu công nghiệp phải qua xử lý mới được xả ra sông, ngòi. Ba là việc quản lý cây xanh ở khu vực nông thôn. Thường thì vành đai xanh tập trung ở khu vực nông thôn, chính vì thế hệ thống cây xanh cần được chăm sóc cẩn thận, đặc biệt là những cây lấy gỗ lâu năm, thường xuyên phun thuốc trị sâu bệnh, trồng xen kẽ cây tán rộng với cây bụi nhỏ, nghiêm cấm hành vi phá hoại hay khai thác cây lấy gỗ bừa bãi. Bốn là vấn đề thu gom và xử lý rác thải. Thực hiện xử lý rác thải theo mô hình hệ thống thu gom - vận chuyển - xử lý rác thải từ làng đến thị trấn đến huyện, rác thải sinh hoạt ở nông thôn được thu gom rồi nén lại thành khối, đóng vào thùng rồi vận chuyển đến nhà máy xử lý rác thải (hoặc bãi rác tập trung).

Việc quản lý lâu dài và hiệu quả 4 vấn để kể trên của môi trường nông thôn chính là tiêu chuẩn để phát triển nông thôn mới, và cũng là yếu tố căn bản làm thay đổi bộ mặt nông thôn Trung Quốc hiện nay.

Tăng cường kiểm tra, quản lý lâu dài và hiệu quả

Yếu tố căn bản để làm nên mô hình quản lý hiệu quả lâu dài môi trường nông thôn chính là “Quản lý nhất thể hóa trên mọi phương diện”, đặc biệt là vấn đề rác thải nông thôn.

Cụ thể, chính quyền địa phương phải xác định được tiêu chuẩn xử lý rác thải tại khu vực quản lý, xác định khối lượng rác thải thu gom và xử lý theo ngày, lập kế hoạch theo dõi kiểm tra định kỳ, quản lý và theo dõi việc thu gom và làm sạch môi trường của nhân viên vệ sinh môi trường; Lên kế hoạch định kỳ nạo vét lòng sông, kênh, rạch, sửa chữa bảo dưỡng đường nông thôn, chăm sóc cây xanh và phòng chống dịch bệnh theo mùa cho cây, với mỗi công việc cụ thể cần xác định rõ chi phí, có kế hoạch chi tiêu hợp lý, những đơn vị chuyên trách có trách nhiệm báo cáo công việc và nguồn chi rõ ràng cho lãnh đạo cấp trên.

Ngoài ra mỗi địa phương cũng cần phải có bộ máy tổ chức quản lý chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đồng thời xử phạt những hành vi vi phạm gây thiệt hại cho địa phương về đường sá, sông ngòi, cây xanh, hoặc vứt rác thải bừa bãi, đặc biệt là kiểm tra chặt chẽ quy trình xử lý nước thải, rác thải của khu công nghiệp và khu sản xuất. Việc quản lý môi trường nông thôn có đạt được hiệu quả hay không phụ thuộc vào biện pháp quản lý cụ thể của từng địa phương và công tác thanh kiểm tra của các ban ngành có liên quan. Chỉ cần kiên trì và duy trì tốt hệ thống quản lý theo quy chuẩn thì mục đích cải tạo nông thôn ngày một đẹp hơn, sạch hơn, đời sống của người nông dân được nâng cao hơn là điều hoàn toàn có thể đạt được trong tương lai không xa.

Quy tắc đánh giá công tác quản lý môi trường nông thôn có đạt hiệu quả hay không dựa trên 3 điểm: Một là ý thức làm việc của nhân viên vệ sinh môi trường ở địa phương và người quản lý, 1 tháng đánh giá kiểm điểm 1 lần; Hai là thị trấn, xã có trách nhiệm với việc quản lý và chi ngân sách cho hoạt động vệ sinh môi trường không, công việc này thực hiện theo quý (3 tháng đánh giá 1 lần); Ba là thành phố, huyện kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng môi trường nông thôn, chủ yếu là đánh giá tình hình tổng thể và kế hoạch quản lý dài hạn. Dựa vào việc đánh giá theo 3 quy tắc này, lãnh đạo địa phương có thể nắm bắt được tình hình quản lý thực tế, hiệu quả của công tác quản lý và điều chỉnh nguồn chi ngân sách hợp lý cho từng khu vực.

Điều kiện tiên quyết để quản lý hiệu quả và dài hạn

Để thực hiện được việc quản lý hiệu quả và dài hạn “4 vấn đề trong nhất thể hóa nông thôn” cần phải có 3 điều kiện sau: Thứ nhất là xác định chủ thể thực hiện công tác quản lý tại địa phương. Giao thông nông thôn, quản lý và bảo vệ hệ thống sông ngòi, xanh hóa nông thôn, thu gom và xử lý rác thải là 4 vấn đề cần có 4 đơn vị chức năng khác nhau quản lý, căn cứ vào nguyên tắc quản lý nhất thể hóa yêu cầu các bộ phận chức năng chịu trách nhiệm thiết lập đơn vị chuyên trách từng vấn đề, có người đứng đầu quản lý và có cơ cấu hoạt động rõ ràng, có quyền hạn, thống nhất quản lý, thống nhất tiêu chuẩn, thống nhất kinh phí, và xác định nguồn thu cho địa phương (nếu có). Hai là cần phải có một hệ thống vận hành hoàn chỉnh. Bốn đơn vị quản lý 4 lĩnh vực khác nhau thì sẽ có quy tắc và phương pháp hoạt động riêng, tuy nhiên cũng cần có sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc quản lý và giám sát công việc, và cần có sự tham gia và ủng hộ của người dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất. Ba là vấn đề kinh phí hoạt động. Tại khu vực thị trấn, làng xã thì hệ thống xử lý rác thải còn thô sơ, kinh phí đầu tư thấp, chủ yếu là chôn lấp rác thải, có nhiều loại rác không thể phân hủy cũng không được qua xử lý, để lâu sẽ ảnh hướng đến môi trường, thậm chí sẽ ảnh hưởng cả đến nguồn nước ngầm, nước sông ngòi. Vì thế, cần có kinh phí đầu tư thích hợp cho làng, xã để chính quyền địa phương có đội ngũ làm vệ sinh môi trường chuyên nghiệp, có thiết bị thu gom rác và xây dựng cơ sở xử lý rác thải ngay tại địa phương. Công tác quản lý cây xanh, nạo vét sông ngòi, bảo trì đường thôn, xóm cũng mất khoản chi phí không nhỏ, vì thế chính quyền địa phương cũng cần có kế hoạch chi tiêu ngân sách để bổ sung thêm thiết bị phục vụ cho công việc như máy cắt cỏ, thuyền, xe tưới nước… Ngân sách nhà nước cấp có hạn, do đó để có đủ chi phí cho mọi hoạt động của địa phương thì lãnh đạo cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của doanh nghiệp.


Quách Hiểu Đông (Nguồn: http://www.chinajsb.cn)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)