Toàn cầu hoá là một quá trình gồm nhiều khía cạnh có mối liên hệ chặt chẽ với dòng vốn, sản xuất, dịch vụ, ý tưởng và kể cả về văn hoá trên phạm vi toàn thế giới. Chính sự lưu chuyển nhanh và với khối lượng lớn của những yếu tố này đã hình thành nên đặc tính chính của toàn cầu hoá. Sự lưu chuyển của dòng vốn, hàng hoá, chuyên môn và thông tin được thực hiện chủ yếu bởi các tập đoàn xuyên quốc gia (MNC) và chính quá trình lưu chuyển này làm xóa mờ ranh giới kinh tế giữa các quốc gia.
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương chịu tác động khá rõ nét của nền kinh tế toàn cầu khi có sự chuyển dịch về hình thức sản xuất và dòng vốn đầu tư từ các quốc gia tư bản đã phát triển. Ở cấp độ thành phố, do tính ưu việt của công cụ tài chính trong nền kinh tế thế giới mới, xuất hiện một khuynh hướng tập trung tư bản tại một số thành phố. Và một số trung tâm về kinh tế đã nổi lên trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chúng ngày càng mở rộng hoặc hình thành các trung tâm khác có tính chất kết nối hoặc tập trung kinh tế mạnh mẽ hơn.
Các nhà nghiên cứu đô thị từng tin tưởng rằng dáng vóc của các đô thị, vùng đô thị hoặc vùng siêu đô thị và tính chất của nó được hình thành từ quá trình phát triển kinh tế và xã hội trong giới hạn lãnh thổ quốc gia. Cùng với nó, hệ thống giao thương quốc tế cũng đã, đang góp phần tạo nên hình thái của đô thị. Hệ thống các thành phố được phát triển ở Đông và Đông Nam Á dựa trên xu hướng hội nhập các chức năng kinh tế. Những khuôn mẫu phát triển đô thị dựa trên xu hướng nói trên, đã chứng minh hình thái của thành phố được sắp xếp theo những nguồn lực trong và ngoài nước.
Một bộ phận của toàn cầu hoá là sự hội nhập khu vực vốn cũng dựa trên mối quan hệ chính trị giữa các quốc gia hoặc giữa các thành phố. Có nhiều quốc gia trong khu vực này đã cố gắng cải thiện sự hội nhập vào bối cảnh kinh tế toàn cầu bằng các chính sách tự do hoá đầu tư nước ngoài, tài chính và thương mại. Điều này cũng gợi lên một lưu ý là trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương hệ thống liên kết các mạng lưới đô thị đang phát triển thành một hành lang đô thị rộng lớn. Những thành phố liên kết với mạng lưới này đều trải qua những thay đổi về vai trò của nó, mà những thay đổi này tác động mạnh mẽ đến bộ mặt của thành phố.
Tiến trình phát triển đô thị trong bối cảnh toàn cầu hoá
Một hệ quả dễ nhận thấy sự tác động của hội nhập kinh tế là sự phát triển phi tập trung (decentralisation), có thể là về dân số và các hoạt động kinh tế đang diễn ra tại các vùng ngoại vi các thành phố chính, hoặc dọc theo các hành lang giao thông toả ra từ lõi trung tâm. Nguyên nhân của sự phi tập trung này một phần do các chức năng công nghiệp giãn ra và chiếm chỗ của các vùng ngoại ô. Quá tình này thường diễn ra theo hai khuynh hướng: một là các khu vực mới phát triển nằm phân tán, lấn dần các chức năng cũ theo kiểu “nhảy cóc’ hoặc “da beo”. Cách này thường không theo quy hoạch chiến lược và không được kiểm soát. Khuynh hướng thứ hai là tập trung ở một mật độ khá cao các hoạt động sản xuất (kể cả các chức năng ở) theo mô hình hạt nhân, có các trung tâm chính phụ, thường tuân theo những quy hoạch chung.
Phân tán, hạt nhân, đa hạt nhân và tái tập trung là những cụm từ ngữ mô tả cách thức thường có trong tiến trình phát triển đô thị, đặc biệt là phát triển không gian. Kiểu hình không gian còn có thể được nhận biết một cách liên vùng hoặc cả trong phạm vi một vùng. Cụ thể có ba mô hình không gian được áp dụng phổ biến như sau:
Mô hình 1: Đô thị phát triển đồng tâm, là một mô hình truyền thống và thông dụng có tính lịch sử trong nhiều đô thị. Ở mô hình này, quá trình phát triển và mở rộng đô thị thường chỉ bám vào khu vực lõi đô thị hiện hữu (tại vị trí trung tâm) với số lượng lớn dân số và việc làm tập trung tại khu lõi đô thị hoặc tại quận thương mại trung tâm.
Mô hình 2: Kiểu dàn trải và mở rộng: các khu vực nhà ở, nhà máy sản xuất, các cụm văn phòng, các diện tích như cửa hàng, thể thao, nằm tại các địa điểm phân tán, không liên tục trong suốt khu vực ngoại vi vùng đô thị và dọc theo những tuyến giao thông huyết mạch. Phần lớn các siêu đô thị hiện nay đều phát triển theo hình thức này.
Mô hình 3: Hình thức không gian đa tâm và đa hạt nhân: Mô hình này bao gồm một vài trung tâm, đa dạng, có tính phụ thuộc lẫn nhau trong cùng vùng đô thị. Nguyên tắc cơ bản là sự hội nhập gần kề của các khu dân cư và nơi làm việc trong những trung tâm chính và phụ. Mỗi trung tâm này được hình thành xung quanh hoặc lân cận với những nút giao thông quan trọng. Chúng được bố trí với các tổ họp kinh doanh buôn bán, dịch vụ, công nghiệp nhẹ và kể cả các khu ở. Mô hình này thường có được nhờ vào quy hoạch và sự kiểm soát của nhà nước, nhưng không phải là chuyện xảy ra phổ biến ở các nước đang và đã phát triển.
Ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sự hiện diện của các công ty đa quốc gia đến quá trình đô thị hoá tại TP.HCM
Thúc đẩy cho quá trình toàn cầu hoá và thay đổi diện mạo các đô thị là vai trò của việc đầu tư nước ngoài vào các nền kinh tế trong khu vực và vai trò của các tập đoàn, công ty đa quốc gia. Trước hết, đây là sự kích thích các hoạt động sản xuất công nghiệp và các hoạt động hỗ trợ khác. Sự hiện diện của các hoạt động này còn góp phần làm thay đổi về mặt không gian và bộ mặt của đô thị, bởi phải có không gian đặt văn phòng và trụ sở làm việc. Những trụ sở này thường tập trung ở khu vực lõi thương mại hoặc các khu vực trung tâm của thành phố. Thông thường, ở các quốc gia đã phát triển chúng chiếm trên 80% không gian văn phòng ở khu trung tâm, còn ở những thành phố đang nổi lên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, thì các không gian văn phòng, không gian thương mại tập trung tại khu lõi càng nổi bật. Các thành phố trong khu vực còn cạnh tranh nhau về mặt này, nhằm thu hút sự có mặt của càng nhiều công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước. TP.Hồ Chí Minh cũng dần dần tạo được sức hút của mình trong thời gian qua, với những thay đổi và tăng trưởng không gian đáng kể tại khu trung tâm của mình.
Cùng với sự hiện diện của các tập đoàn, công ty đa quốc gia tại Việt Nam nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, các cơ sở sản xuất của các đối tượng này thường đựoc thiết lập tại các vùng ngoại vi thành phố và nó cũng tạo ra động lực cần thiết cho quá trình đô thị hoá. Song song với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, người ta có thể chủ động hơn trong việc đặt vị trí các cơ sở kinh tế nói trên, nó có thể nằm ở cự ly xa trung tâm thành phố.
Ảnh hưởng của toàn cầu hoá đến sự phát triển của trung tâm TP. Hồ Chí Minh
Tác động của toàn cầu hoá tại một quốc gia hoặc một thành phố dễ được nhận thấy nhất chính là sự thay đổi về mặt vật thể và hình dạng của đô thị, đặc biệt là khu vực trung tâm, rõ nét nhất là chức năng thương mại, dịch vụ. Trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế, Việt Nam đang thực hiện các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cũng như khuyến khích phát triển kinh tế, các hoạt động kinh tế xuất hiện đa dạng hơn trước đây. Nhiều tổ chức, công ty ra đời trong thời gian gần đây đã tạo động lực cho sự phát triển của khu trung tâm thành phố. Tại đây đã xuất hiện nhiều cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp. Dáng dấp khu trung tâm đô thị đã thay đổi đáng kể cả về chiều cao lẫn hình thức kiến trúc. Điều này hoàn toàn khác với những lý thuyết về kinh tế không gian và lý thuyết về vị trí trung tâm. Sự tích tụ kinh tế (economic agglomerations) luôn luôn đạt cao điểm thì càng về phía trung tâm chính của đô thị.
Trụ sở, văn phòng của các doanh nghiệp được hình thành từ các làn sóng đầu tư nước ngoài vào trung tâm thành phố càng ngày càng tăng. Thêm vào đó các văn phòng từ các quận khác cùng có xu hướng dịch chuyển vào khu trung tâm, càng làm cho khu vực này phát triển theo kiểu nén và hệ quả là có sự điều chỉnh về chức năng đô thị trong phạm vi khu vực trung tâm thành phố. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực: Ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; Địa ốc; Dịch vụ cho kinh doanh (business services): luật, quảng cáo, kế toán kiểm toán... hay các ngành hàng không, vận tải biển, xuất nhập khẩu, luôn hướng vào khu vực lõi đô thị.
Đặc thù của các hoạt động này thường quy tụ tại khu vực thương mại có vị trí trung tâm nhất tại các đô thị lớn. Chúng thường tập trung thành từng cụm các công ty có cùng các hoạt động giống nhau, có khuynh hướng toạ lạc trong các cao ốc văn phòng cao cấp, nhằm thể hiện sự thành công, sự hiện diện và quy mô hoành tráng của mình. Yếu tố này góp phần cho thấy sự biến đổi quan trọng của một đô thị dưới tác động của quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Trong quá trình nghiên cứu quy hoạch sử dụng đất cho khu trung tâm, các yếu tố này cần được xem xét để bố trí khu trung tâm hiệu quả và phù hợp với nhu cầu thực tế.
Vai trò của khu vực trung tâm đối với quá trình phát triển không gian tại TP.Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy khu vực trung tâm thành phố chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu nói trên, còn phần lớn các trụ sở công ty vẫn nằm lại ở bên ngoài, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nếu khu trung tâm có thể đảm bảo cung cấp đủ không gian cho nhóm đối tượng này, thì chắc chắn sự tập trung kinh tế cho khu vực trung tâm sẽ tăng lên. Hiện nay, việc tăng cường khả năng cung cấp không gian làm việc của khu trung tâm là vấn đề mà TP.Hồ Chí Minh đang phải đối mặt. Giải pháp mở rộng phạm vi khu trung tâm được thành phố tiến hành với dự án khu trung tâm mới Thủ Thiêm còn phải cần nhiều năm nữa mới hoàn thành và khai thác. Trước sức ép từ tăng trưởng kinh tế, việc khai thác và phát triển khu trung tâm hiện hữu vẫn sẽ tiếp diễn theo hướng đơn lẻ để giải quyết nhu cầu trước mắt. Hiện chưa có những phân tích và đánh giá một cách toàn diện về tác động của việc phát triển và thay đổi nhanh, nhưng cục bộ về dáng dấp của đô thị quan trọng nhất nước này.
Ở một hướng phát triển ngược lại, tức là phát triển về phía ngoại vi thành phố, các trung tâm và đô thị mới được phân bố ở cự ly xa, tính từ trung tâm chính (từ 10 - 20 km), dĩ nhiên sẽ không thể tận dụng được hoàn toàn lợi thế tích tụ kinh tế của trung tâm chính và sự kết nối hoàn toàn với nó, mặc dù có thể có quy mô rất lớn và nhiều tiện nghi (nhờ vào quỹ đất đồi dào hơn). Tuy nhiên, các trung tâm đô thị mới dạng này thích hợp với các chức năng chuyên ngành có gắn liền với thế mạnh của địa phương, ví dụ những trung tâm đô thị kỹ thuật cao, giáo dục, y tế hoặc đầu mối giao thông (ví dụ như các sân bay quốc tế) sẽ tạo động lực mạnh cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh. Một số nghiên cứu của O Conner (1995) cho thấy vai trò của vận tải quốc tế rất quan trọng trong việc phát triển đô thị trong giai đoạn kinh tế toàn cầu. Hiện nay, quan điểm phát triển này được thấy qua hiện tượng phát triển phi tập trung ở xa khu lõi trung tâm thành phố. Đồng thời, sự phát triển này cũng thu hút một lượng dân cư tại các vùng nông thôn lân cận và làm cho bộ mặt các khu vực này thay đổi đáng kể. Ví dụ như khu đô thị Nam Sài Gòn - Quận 7; Khu đô thị An Phú - quận 2; khu đô thị Tây Bắc - Củ Chi...
Trong trường hợp mở rộng trung tâm chính hiện hữu, thì đây sẽ là hạt nhân quan trọng và duy nhất trong mạng lưới các trung tâm. Bởi những chức năng và năng lực mới được củng cố và bổ sung, sẽ thúc đẩy thêm quá trình tích tụ kinh tế và làm tăng tính cạnh tranh với các đô thị khác trong và ngoài nước, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình hội nhập và toàn cầu hoá.
Như vật, việc phát triển và phân bố chức năng đô thị của TP.Hồ Chí Minh trong xu hướng toàn cầu hoá cần được tiến hành theo cả 2 hướng:
Một là, tập trung phát triển mạnh khu lõi trung tâm để củng cố vai trò đầu tàu kinh tế và cửa ngõ hội nhập quốc tế.
Hai là, sự phát triển đa tâm theo hướng tận dụng thế mạnh của các khu vực mới của thành phố và phát triển theo chuyên đề để bổ sung đầu vào “đầu vào” cho vùng lõi trung tâm với những chức năng về dịch vụ.
Sự hình thành và phát triển của khu vực kinh tế dịch vụ là hệ quả của quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế. Vì vậy, các nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị cần cập nhật và tính đến những sự tác động của các yếu tố này.
Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Xây dựng số 5/2009