Một số kinh nghiệm phát triển vật liệu không nung ở nước ngoài và Định hướng cơ chế chính sách ở Việt Nam

Thứ sáu, 24/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
I. Một số kinh nghiệm phát triển vật liệu không nung ở nước ngoài 1. Trung QuốcTừ những năm 1990 Trung Quốc đã nhìn thấy vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề tiêu hao tài nguyên đất và tài nguyên than khi sản xuất gạch từ đất sét nung. Trung Quốc bắt đầu đưa ra kế hoạch phát triển vật liệu mới từng bước thay thế vật liệu cũ (vật liệu cũ là gạch đặc đất sét nung, vật liệu mới là gạch rỗng đất sét nung, gạch không nung, gạch block nhẹ, siêu nhẹ, tấm làm vách, xây tường).

Để phát triển vật liệu mới và giảm vật liệu cũ, Trung Quốc đã ban hành chính sách điều tiết như sau:

a/ Chính sách áp dụng chung cho toàn quốc do Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành

- Chính sách hạn chế đối với gạch đất sét nung

+ Tăng thuế lên tới 17% áp dụng cho sản xuất gạch đặc.

+ Cục Vật liệu, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên, Bộ Nông nghiệp đưa ra danh sách các thành phố cấm sử dụng gạch đặc đất sét nung vào xây dựng công trình: tháng 6/2000 là 160 thành phố, tháng 6/2001 là 170 thành phố.

+ Đối với kiến trúc nhà sử dụng gạch đất sét nung thu thêm phí: "phí chuyên mục".

- Chính sách khuyến khích phát triển vật liệu mới

+ Nhà nước đầu tư tiền nghiên cứu vật liệu mới, vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu tiết kiệm năng lượng.

+ Các dự án đầu tư mới, dự án cải tạo để sản xuất vật liệu mới được vay vốn ưu đãi, tạo nguồn vốn lãi suất thấp, yêu cầu tỷ lệ vốn đối ứng thấp (Ví dụ có 1 cho vay 3).

+ Các dự án đầu tư mới, dự án cải tạo mở rộng, dự án cải cách kỹ thuật để sản xuất vật liệu mới được thực hiện chính sách thuế suất 0% thuế điều tiết tài sản cố định.

+ Doanh nghiệp sử dụng tro bay, xỉ, phế thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng mới được miễn thuế thu nhập 5 năm.

+ Với doanh nghiệp sử dụng > 30% các loại phế thải làm nguyên liệu sản xuất vật liệu mới thì được miễn thuế VAT.

+ Với doanh nghiệp sản xuất vật liệu tường nhẹ được xem xét miễn giảm thuế sử dụng đất, với doanh nghiệp sản xuất gạch đất sét không được miễn giảm thuế sử dụng đất.

+ Tất cả các công trình xây dựng đều phải thẩm định và xác định chủng loại vật liệu sử dụng.

+ Đưa vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng và vật liệu mới vào quy hoạch tổng thể kiến trúc thành phố, đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng cho mỗi năm.

+ Đối với nhà ở tiết kiệm năng lượng sử dụng vật liệu nhẹ cách âm, cách nhiệt có chính sách thuế điều tiết phương hướng đầu tư tài sản cố định là 0%.

+ Các đơn vị xả xỉ, phế liệu không được dùng bất kỳ hình thức nào danh nghĩa nào để thu phí của các phế thải mà họ xả ra sử dụng vào làm vật liệu mới, các đơn vị xả thải còn phải có kế hoạch hỗ trợ các đơn vị sử dụng phế thải.

+ Yêu cầu các địa phương hàng năm bố trí vốn phục vụ hỗ trợ cho các dự án phát triển vật liệu mới.

+ Các thành phố vừa và lớn tuỳ vào tình hình cụ thể có thế miễn, giảm phí hạ tầng thành phố cho những toà nhà kiến trúc tiết kiệm năng lượng.

+ Với các doanh nghiệp xử lý phế thải công nghiệp làm ra sản phẩm, sản phẩm đó làm nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm khác cũng được hoàn thuế VAT.

b/ Chính sách phát triển vật liệu kiểu mới của các tỉnh, đặc khu, khu tự trị

Ngoài các chính sách quốc gia áp dụng cho toàn lãnh thổ Trung Quốc thì các tỉnh, đặc khu, khu tự trị của Trung Quốc còn có thêm một số chính sách để thúc đẩy thêm sự phát triển của vật liệu mới và đẩy lùi vật liệu cũ.

Tỉnh Phúc Kiến:

- Nhà 10 tầng trở lên phải sử dụng gạch nhẹ, cách âm, cách nhiệt.

- Nhà 5 tầng trở lên không được dùng gạch đặc.

Tỉnh Quảng Tây:

- Với doanh nghiệp cho phép đầu tư sản xuất gạch block bê tông nhẹ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp không kỳ hạn, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng.

2. Malaysia

Malaysia phát triển cả block bê tông bọt và bê tông khí, ở đây Nhà nước không đưa ra chính sách cụ thể, trực tiếp khuyến khích phát triển loại vật liệu này, song ở đây Chính phủ Malaysia đã xây dựng chương trình công nghiệp hoá xây dựng. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà ở, từ đó những loại vật liệu nào đáp ứng cho việc thi công nhanh, thuận tiện cho cơ giới hoá, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sẽ là sự lựa chọn trước, nên công nghiệp sản xuất gạch block bê tông bọt và bê tông khí phát triển.

3. Thái Lan

Ở Thái Lan sử dụng rất nhiều vật liệu không nung, vật liệu không nung ở đây rất đa dạng, phong phú. Bê tông nhẹ ở Thái Lan đã có cách đây 10 năm, song hiện nay có 4 nhà máy sản xuất bê tông khí và bê tông bọt. Thái Lan không có chính sách khuyến khích phát triển vật liệu không nung, mà hoàn toàn do thị trường điều tiết, song ở đây giá vật liệu nung cao hơn rất nhiều so với vật liệu không nung.

Ví dụ: -Vật liệu lợp thì vật liệu nung cao hơn 4 - 5 lần vật liệu không nung.

- Vật liệu xây thì vật liệu nung cao gấp 2 - 2,5 lần vật liệu không nung.

Vì vậy, vật liệu không nung phát triển rất mạnh và đa dạng phong phú.

II. Định hướng cơ chế chính sách ở Việt Nam

1. Sự cần thiết phải xây dựng chính sách khuyến khích phát triển vật liệu không nung tại Việt Nam

Sau gần một thập niên xây dựng quy hoạch, xây dựng định hướng phát triển vật liệu không nung, song do nhiều nguyên nhân khác nhau tới nay công nghiệp sản xuất vật liệu không nung vẫn không phát triển được. Đến năm 2007 sản lượng vật liệu không nung chỉ chiếm 7,5 -8% so với vật liệu nung, trong khi đó nhu cầu vật liệu xây ngày một lớn, tốc độ tăng về nhu cầu trong nhiều năm gần đây từ 12 - 13%/năm. Như vậy mỗi năm phải tiêu tốn hàng chục triệu m3 đất sét và vài ba triệu tấn than sử dụng cho việc sản xuất vật liệu nung và xả ra môi trường hàng triệu tấn CO2 làm ô nhiễm môi trường. Tại các cuộc hội thảo về phát triển vật liệu không nung, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp đều đi đến thống nhất là muốn phát triển vật liệu không nung từng bước thay thế vật liệu nung thì trong giai đoạn đầu nhà nước cần đưa ra các chính sách nhằm khuyến khích vật liệu không nung phát triển và có chính sách để hạn chế việc phát triển vật liệu nung  đặc.

Trên cơ sở nghiên cứu chính sách của các nước và các chính sách hiện có ở nước ta hiện nay đang có hiệu lực thúc đẩy công nghiệp vật liệu không nung phát triển như: Nghị định số 24/2007/NĐ - CP ngày 14/02/2007, Nghị định số 124/2008/NĐ - CP ban hành ngày 11/12/2008 của Chính phủ, Thông tư số 134/2007/TT - BTC, Thông tư số 121/2008/TT - BTC của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề xuất với Chính phủ một số chính sách để từng bước thúc đẩy công nghiệp vật liệu không nung ở Việt Nam.

2. Dự kiến một số chính sách khuyến khích phát triển vật liệu không nung

- Hỗ trợ phí chuyển giao công nghệ, phí đào tạo, thiết bị phòng thí nghiệm.

- Tạo nguồn vốn vay lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài (như: nguồn vốn ODA, Ngân hàng Phát triển, Quỹ Môi trường), hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

- Hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo thiết bị đồng bộ dây chuyền sản xuất gạch block bê tông nhẹ trong nước.

- Đưa vật liệu xây không nung vào xây nhà cao tầng và nhà ở xã hội.

- Có chính sách miễn giảm thuế với những công trình sử dụng vật liệu nhẹ cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường.


(Nguồn: Tham luận của KS. Phạm Văn Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ VLXD - BXD tại Hội thảo "Phát triển vật liệu không nung -Thực trạng & giải pháp", tháng 4/2009)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)