Các giải pháp phát triển hệ thống công viên, cây xanh ở TP Hồ Chí Minh

Thứ ba, 14/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và mong muốn được sống trong môi trường không khímát lành từ hệ thống công viên và cây xanh đang là nhu cầu chính đáng và cầnthiết của hàng triệu người dân trên địa bàn. Làm gì để TP Hồ Chí Minh ngày càngxanh tươi, mát, đẹp?
Thực trạng hệ thống công viên và cây xanh thành phố

Theo Sở Giao thông công chính, hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 90 công viên cây xanh (CVCX) với tổng diện tích gần 970 ha. Phần lớn số công viên này tập trung ở khu vực nội thành (14 quận) với 75 công viên. Sáu quận mới có  chín công viên và năm huyện ngoại thành có sáu công viên.

Nhiều công viên như Thảo cầm viên, quận 1; Suối Tiên, quận Thủ Ðức; Ðầm Sen, quận 11; Kỳ Hòa, quận 10 ngày càng hấp dẫn du khách và là địa chỉ quen thuộc của nhiều người, mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách thành phố, trong nước và nước ngoài đến vui chơi, giải trí, thư giãn sau những ngày lao động, học tập bận rộn.

Cùng với hệ thống công viên, trên nhiều tuyến đường thành phố còn có hơn 130.000 cây xanh các loại. Trong đó gần 57.000 cây (nhiều cây hơn trăm năm tuổi) đang được các đơn vị công ích ngày đêm chăm sóc. Ngoài ra là hàng nghìn vườn hoa lớn, nhỏ, hàng trăm nghìn cây xanh do các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện và nhân dân tự lập, tự trồng lấy bóng mát, hoa, quả và cung cấp cây giống ở khắp các quận, huyện.

Những mảng xanh thiên nhiên này đã góp phần làm cho cảnh quan đô thị thêm hài hòa, môi trường thêm dịu mát, nhất là vào những tháng mùa khô nắng nóng ở phương nam.

Những năm qua, thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác chăm sóc và phát triển hệ thống công viên và cây xanh đường phố. Chỉ tính 5 năm (2000-2005), thành phố đã dành 346 tỷ đồng cho công tác duy tu, bảo dưỡng (207 tỷ) số cây xanh hiện có và trồng mới (139 tỷ) hơn 18.000 cây ngoài đường phố và trong các công viên.

Thành phố đã đề ra kế hoạch cụ thể mở rộng thêm diện tích và số lượng công viên, cây xanh từ nay đến năm 2010 và đến năm 2020 theo phương châm: "Có đường - có cây, có đất - có công viên".

Thực hiện chỉnh trang đô thị, 5 năm qua các đơn vị công ích đã tháo dỡ hàng chục nghìn mét tường rào bao quanh các công viên 30-4, Tao Ðàn, Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ, Gia Ðịnh, Phú Lâm. Trồng thêm hàng nghìn m2 hoa, thảm cỏ, sửa đường, mở rộng cửa đón người dân đến với công viên.

Anh Huỳnh Văn Nam, nhân viên bảo vệ Công viên Lê Văn Tám, quận 1 cho biết: Mỗi ngày, từ 4 đến 8 giờ sáng và từ 16 giờ đến 20 giờ, công viên đón hàng nghìn lượt người đủ các lứa tuổi, tầng lớp đến tập thể dục - thể thao.

Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống công viên và cây xanh vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của thành phố và chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Cây xanh đường phố về tổng thể chưa hoàn chỉnh, chưa đẹp. Phần lớn số cây xanh hiện hữu tập trung ở 14 quận nội thành như quận 1 (22%), quận 3 (10%), quận Tân Bình (11%).

Không ít nơi, cây xanh thưa thớt, chỉ chiếm tỷ lệ 1% - 2% tổng số cây xanh thành phố.

Tại quận 5, mật độ dân cư cao vào loại nhất thành phố, nhưng tỷ lệ cây xanh lại quá thấp, chỉ đạt 0,3 m2/người. Các phường 5, 6, 14, 15 từ lâu là "vùng trắng" vì không thấy bóng dáng cây xanh trên đường phố.

Nhiều tuyến đường ở các quận 8, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp số lượng cây tạp hay cây trong danh mục cấm trồng và hạn chế trồng chiếm tỷ lệ khá lớn.

Một cán bộ kỹ thuật Công ty công viên cây xanh cho biết: Ở nhiều quận nội thành, diện tích (đất trống, lề đường) để trồng cây xanh hầu như không còn.

Tại khu vực này, công việc thường ngày của đơn vị là chăm sóc cây cũ và trồng dặm, thay thế cây già, mục, nghiêng sắp đổ. Hai bên lề đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Trỗi, Cách Mạng Tháng Tám quá hẹp, lại "vướng" công trình hạ tầng kỹ thuật (cả trên không và ngầm dưới đất) nên không thể trồng cây.

Ðáng báo động là tình trạng "xẻ thịt", thu hẹp diện tích công viên đang gây bức xúc cho nhiều người. Một thời gian dài, công tác quản lý bị buông lỏng, trách nhiệm không rõ ràng đã dẫn đến tình trạng lấn chiếm mặt bằng, sử dụng công viên sai mục đích, công năng khá phổ biến, kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục.

Công viên Tao Ðàn, Lê Thị Riêng, Phú Lâm, Kỳ Hòa đang "kêu cứu" vì diện tích ngày càng "teo" lại, do hàng chục cơ quan, đơn vị và cá nhân đua nhau lấn chiếm xây nhà, dựng công trình làm trụ sở, nơi buôn bán, sân khấu ca nhạc và nhà ở.

Kết quả điều tra mới đây của Sở Giao thông công chính cho thấy, diện tích công viên cây xanh công cộng tại thành phố hiện nay mới ở mức bình quân 1,6 m2/người, quá thấp so với tiêu chuẩn chung của một thành phố hiện đại, văn minh và còn thấp xa so với chỉ tiêu kế hoạch thành phố đề ra đến năm 2010 là 6m2 - 7m2/người (nội thành là 3m2 - 4m2/người, ngoại thành là 8m2 - 10m2/người).

Trong khi đó, các cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý CVCX, nhưng lại đang "vô tư" sử dụng bất hợp lý đất công viên vào mục đích khác hơn 760 ha, chiếm tới 78,5% tổng diện tích CVCX thành phố hiện có?

Giải pháp nào phát triển hệ thống công viên và cây xanh?

Ðể khắc phục tình trạng yếu kém trên, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp và thực hiện nhiều biện pháp trước mắt và lâu dài nhằm củng cố, mở rộng và phát triển hệ thống công viên và cây xanh, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần của nhân dân.

Tổ chức điều tra, nắm chắc số lượng cây xanh hiện có để có kế hoạch quản lý, chăm sóc và phát triển thêm cây xanh thành phố. Tăng cường chăm sóc và nâng cấp hệ thống cây xanh bảo đảm mỹ quan đô thị, sự an toàn của người đi đường và các công trình kiến trúc. Tiếp tục thực hiện chăm sóc, bảo tồn cây xanh cổ thụ trên các tuyến đường đã gắn bó với lịch sử phát triển của thành phố như hàng cây dầu trên đường Trần Hưng Ðạo, Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, cây me đường Pasteurs, cây phượng vĩ trên đường Nguyễn Tất Thành, v.v. Tận dụng đất trống khi chỉnh trang đô thị, đẩy nhanh tiến độ trồng mới, từng bước phủ kín cây xanh khu vực nội thành.

Về lâu dài cần sớm nghiên cứu, lựa chọn trồng thêm nhiều giống cây mới phù hợp với đô thị vùng nhiệt đới. Ðầu tư, củng cố các vườn ươm cây giống, thực hiện việc lai tạo, nhân giống cây mới từ các địa phương trong nước và nước ngoài, tìm cây phù hợp  cảnh quan, môi trường thành phố và trồng thử nghiệm trước khi đưa ra trồng đại trà trên hè đường phố, nơi công cộng. Tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp công viên cây xanh. Kiên quyết giải tỏa, di dời các công trình xây dựng lấn chiếm đất công viên, chấm dứt việc tổ chức hội chợ, triển lãm trong CVCX, trả lại chức năng, nhiệm vụ vốn có của công viên phục vụ nhân dân.

Khi quy hoạch khu đô thị (Thủ Thiêm; bắc Củ Chi), khu dân cư, KCN, KCX mới, cần coi việc trồng mới cây xanh là một trong những hạng mục của dự án, dành diện tích đất hợp lý để xây dựng CVCX và trồng cây trên lề đường mới mở. Kiểm tra, giám sát đến nơi đến chốn, không để xảy ra tình trạng quy hoạch ban đầu có phần đất xây dựng CVCX, nhưng khi triển khai thực hiện thì chủ dự án lại tìm mọi cách cắt xén bớt đất công viên, thậm chí không ít dự án đã tự tiện xóa bỏ công viên, lấy đất xây dựng nhà, chung cư, văn phòng kinh doanh cho thuê kiếm lãi cao.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý hệ thống CVCX và cây xanh cho quận, huyện. Mở rộng tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức cộng đồng, cùng nhau tham gia chăm sóc, bảo vệ cây xanh đường phố và CVCX công cộng.

Hằng năm tổ chức các phong trào thi đua trồng cây trong các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện và nhân dân. Cung cấp đầy đủ, kịp thời cây giống và cử cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi có yêu cầu, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây. Ðồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại cây xanh đường phố và hệ thống công viên.
 
 
Theo Báo ND
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)