Cần có kế hoạch, biện pháp phát triển hệ thống công viên – vườn hoa của thủ đô Hà Nội

Thứ ba, 14/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hệ thống mảng cây xanh nói chung, công viên – vườn hoá nói riêng và không gian mở của đô thị được hình thành nhằm cải thiện môi trường sống, cải thiện tổ chức nghỉ ngơi cho cộng đồng, tô điểm cho bộ mặt đô thị, tạo mỗi đô thị có bản sắc. Có lẽ mọi người đều nhận thức: Thảm xanh thành phố gồm có các mảng cây xanh nội thành và ngoại thành, được phân loại theo chức năng sử dụng: sử dụng công cộng, sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dùng.

Mảng xanh nội thành được bố trí trên khu đất xây dựng thành phố; mảng xanh sử dụng chung nội thành gồm các công viên thành phố, công viên quận, công viên vườn hoa các phố phường, đại lộ cây xanh, các dải cây xanh ven bờ sông, hồ, vịnh, biển.

Cây xanh sử dụng hạn chế nội thành là các mảng cây xanh trên đất các cụm nhà ở, vườn trường, vườn nhà trẻ, vườn cạnh các công trình công cộng, công trình thể dục thể thao, cơ quan y tế...

Cây xanh chuyên dùng nội thành là cây xanh trên các đường phố, các vườn bách thú – bách thảo, ở các khu triển lãm...

Cây xanh ngoại thành là các mảng cây xanh nằm ngoài các khu đất xây dựng đô thị, gồm: công viên rừng của thành phố, công viên rừng và các khu nghỉ ngơi du lịch sinh thái ngoại thành, các thảm rừng ngoại thành, các công viên chuyên đề ngoại thành khác.

Cây xanh dùng hạn chế ngoại thành gồm các thảm xanh các khu công nghiệp, trên các khu nghỉ dưỡng ngoại thành (các nhà nghỉ, trại thiếu nhi,...). Cây xanh chuyên dùng ngoại thành gồm cây xanh ở nghĩa địa, các vườn ươm, cây xanh ven các đường giao thông bên ngoài (đường bộ, đường sắt...) và kho tàng, các dải cây cách ly vệ sinh, vườn cây ăn quả, vườn ươm cây cảnh và cây trồng rừng, vườn của các di tích lịch sử.

Ở nhiều thành phố hiện đại của thế giới có hệ thống cây xanh tốt được thể hiện ở các khía cạnh sau:

- Bố trí tương đối điều hoà các mảng cây xanh công cộng (cây xanh sử dụng chung) trên lãnh thổ nội thành thành phố, trên các khu ở (quận, phường, cum nhà ở...), ở các trung tâm công cộng của thành phố, ở các khu công nghiệp – kho tàng, trục giao thông.

- Các mảng cây xanh nội thành và mảng cây xanh ngoại thành được bố trí có mối liên hệ hữu cơ với nhau bằng các đại lộ trồng cây, các dải cây ven sông – suối, các dải cây đi bộ... gắn với mảng công viên rừng ngoại thành.

- Đưa các thảm xanh vào tổ hợp các biện pháp làm hình thành toàn bộ cảnh quan thành phố, gắn với việc xây dựng thành phố, khai thác mặt nước trên lãnh thổ thành phố, chỉnh trang bề mặt địa hình và hoàn thiện xây dựng ngoài công trình.

- Khi hình thành hệ thống thảm xanh thành phố người ta tính rất kỹ đến các điều kiện khí hậu địa phương (mưa, gió, nhiệt, bức xạ...), điều kiện cảnh quan tự nhiên (thảm cây, địa hình, nền đất, mặt nước...), quy mô thành phố, đặc điểm kinh tế – xã hội và cấu trúc quy hoạch thành phố. Mức độ ảnh hưởng các nhân tố đó tới đặc điểm thảm xanh ở các thành phố khác nhau, các vùng khác nhau của đất nước thì không như nhau.

Tuỳ thuộc vào tổ hợp các điều kiện thiên nhiên và tình trạng xây dựng từng đô thị mà việc thiết lập không gian hệ thống thảm xanh rất khác nhau ở các đô thị.

Thực trạng về chỉ tiêu diện tích cây xanh công cộng nội thành bình quân đầu người nhiều thành phố thế giới đã đạt rất cao. Ví dụ, ở các thành phố của Nhật Bản đạt 7,5 m2/người; London – 26,9 m2/người; Berlin – 27,4 m2/người; Newyork – 29,3 m2/người; Matxcơva – 24 m2/người...(Số liệu của Jica, 2006).

Chuyên đề này xin chỉ đề cập đến vấn đề công viên – vườn hoa nội thành hiện nay.

Theo tài liệu “Điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 tại Quyết định số 108/1998/QĐ - TTg ngày 20/6/1998 thì đến năm 2020, tiêu chuẩn đất cây xanh đô thị (công viên – vườn hoa) phải đạt 16 m2/người; đất cây xanh khu ở đạt 2 m2/người ... Tổng diện tích đất công viên là 4.000 ha. Đó là điều rất đáng mừng. Nhưng đáng lo thay! Đồ án quy hoạch cứ treo đó, còn thực tiễn thực hiện quy hoạch đã được 10 năm, một nửa giai đoạn lập và thực hiện quy hoạch thì không thấy đổi thay.

Dân số Hà Nội tăng trung bình mỗi năm 6 - 7 vạn người mà công viên – vườn hoa mới không thấy được phát triển; công viên – vườn hoa cũ thì bị xà xẻo để giải quyết xây dựng các công trình dịch vụ, công trình kinh doanh (khách sạn Novotel on the park ở công viên Thống Nhất; tổ hợp khách sạn – trung tâm thương mại – văn phòng – căn hộ cao cấp 64 tầng ở Công viên Tuổi trẻ,...).

Gần đây, thành phố đã cho xây dựng một số vườn hoa nhỏ ở quảng trường 19/8, ở sân nhà văn hoá quận Hoàn Kiếm, ở phố Nam Đồng..., khởi công xây dựng công viên Hoà Bình ở Từ Liêm... nhưng không đáng kể.

Hiện trạng đất công viên nội thành theo đầu người 1998 (khi lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội) là 1,53 m2/người, đất cây xanh chung của toàn thành là 1,26 m2/người.

Theo số liệu của “Chương trình phát triển đô thị tổng thể thủ đô Hà Nội” (HAIDEP) do Jica lập năm 2006 bình quân chỉ có 0,9 m2/người. Riêng Đống Đa, Gia Lâm chỉ có 0,05 m2/người.

Còn giải pháp quy hoạch chung được phê duyệt 1998 và hiện hành về hệ thống công viên – vườn hoa thành phố được bố trí không hợp lý. Nhìn chung, thảm xanh chủ yếu được thể hiện bên ngoài khu đất xây dựng đô thị; có sự mất cân đối diện tích cây xanh giữa hai khu vực tả và hữu sông Hồng. Khu vực phía Bắc sông Hồng được thể hiện như các khu đô thị được bố trí trong thảm rừng; còn khu vực phía Nam sông Hồng, cây xanh công viên chủ yếu được bố trí bao quanh thành phố.

Ở một số quận trung tâm thành phố do điều kiện phát triển cũ không thể bố trí thêm nhiều công viên, nhưng các quận mới phát triển sau này thì đồ án quy hoạch chung và các quy hoạch chi tiết các quận không bố trí được cho mỗi quận một công viên trung tâm quận cho thoả đáng (Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Cầu Diễn, Long Biên, Gia Lâm...).

Một số nơi có hồ nước, cảnh quan đẹp không được quy hoạch thành công viên mà lại bố trí xây dựng khu đô thị mới (Linh Đàm,...). Đặc biệt khu vực bao quanh Hồ Tây – Viên ngọc quý nhất, to nhất của Thủ đô mà các đồ án quy hoạch không có ý tưởng quy hoạch khai thác, thể hiện vùng này thành một công viên văn hoá - nghỉ ngơi, một công viên trung tâm lớn nhất của thủ đô. Bao quanh công viên trung tâm này phải có một đại lộ – phố chính khu trung tâm thành phố - để tổ chức hoạt động cho nhân dân thủ đô nhân những ngày lễ lớn (tương tự như khu vực Hồ Gươm hiện nay. Nhưng ở Hồ Tây thì hoành tráng hơn). Bên kia phố chính trung tâm thành phố này được bố trí xây dựng nhiều công trình chính trị – văn hoá - xã hội – dịch vụ có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, tạo cho Hà Nội có bộ mặt kiến trúc – quy hoạch độc đáo. Từ công viên văn hoá - nghỉ ngơi, trung tâm Hồ Tây có những nêm cây xanh đi sâu vào khu dân dụng, ở đó bố trí các công viên cấp quận... Ý tưởng quy hoạch thủ đô Hà Nội như vậy đã được Viện Quy hoạch đô thị – nông thôn Bộ Xây dựng cùng với đoàn chuyên gia Liên Xô lập và đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam phê duyệt năm 1981. Nhưng tiếc thay, các lần điều chỉnh quy hoạch chung sau đó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1991 và 1998 đã xoá bỏ các ý tưởng tốt đẹp, tiên tiến, truyền thống, phù hợp với đặc điểm thiên nhiên nhiều sông hồ của Hà Nội.

Có thể nói, riêng vấn đề tạo công viên trung tâm thành phố, vấn đề khai thác cảnh quan Hồ Tây, vấn đề hệ thống công viên cấp quận... thì các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được duyệt năm 1998 là một bước lùi lớn về học thuật so với đồ án quy hoạch chung Hà Nội được Chủ tịch HĐBT duyệt năm 1981.

Để có được một hệ thống công viên + vườn hoa, hay cả hệ thống thảm xanh của Hà Nội một cách hợp lý nhất, có lẽ chúng ta hy vọng và phải chờ đến cuối năm 2009. Tổ chức tư vấn Posco E&C, Perkins Eastman Architéct and JINA Architects sẽ lập xong đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội theo địa giới hành chính mới vào cuối năm 2009 này. (Theo nhiệm vụ của Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội).

Hà Nội muốn đạt 16 m2/người đất cây xanh công cộng, tức khoảng 4000 ha vào năm 2020 thì mỗi năm UBND thành phố, UBND các quận phải tổ chức triển khai xây dựng mới khoảng 200 – 250 ha đất công viên – vườn hoa. Phải nhận thức rằng, công viên – vườn hoa là một phần của kết cấu hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội của thành phố; là cơ sở phục vụ, cơ sở cải thiện môi trường và điều kiện nghỉ ngơi – sinh hoạt của cư dân. Công viên không phải là công trình kinh doanh. Chính vì vậy thành phố phải có kế hoạch đầu tư, có kế hoạch hành động phát triển nhiều công viên mới; không thể chờ các nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước đến để liên doanh. Nhà nước, thành phố phải có cơ chế chính sách thích hợp để triển khai phát triển công viên – vườn hoa mới.

Chẳng hạn, Nhà nước tạo quỹ đất, chuẩn bị kỹ thuật khu đất (tôn nền, tạo hồ, làm đường bao quanh, tạo nên bộ khung của công viên...), còn việc trồng cây, chỉnh trang xây dựng thì huy động sự đóng góp của cộng đồng, của các nhà tài trợ... làm dần. Không thể ngồi chờ các nhà đầu tư tự đến để liên doanh xây dựng công viên.

Hơn nữa chủ trương liên doanh xây dựng công viên là không hợp lý. Các nhà đầu tư chỉ tập trung xây dựng các công trình dịch vụ trong công viên để kinh doanh sẽ làm méo mó nội dung hoạt động của một công viên, dễ biến công viên thành vườn cạnh công trình kinh doanh (khách sạn, chung cư cao cấp, nhà cho thuê, biệt thự...), biến hồ cảnh quan của công viên như cái ao sâu của công trình. Hiện trạng xây dựng công viên Nam Thành Công, công viên Tuổi trẻ, công viên Bách thú là những ví dụ xấu. Xu hướng này đang triển khai ở công viên Yên Sở, ở Hồ Tây... cần được ngăn chặn.

Các công trình công cộng, dịch vụ của thành phố, của quận... chỉ nên bố trí bên ngoài đất công viên. Trong phạm vi lãnh thổ công viên chỉ được xây các công trình phù hợp với chức năng của công viên được xác định trước, chủ yếu được xây dựng nhiều hình thái kiến trúc nhỏ để trang trí, để phục vụ sinh hoạt cần thiết cho người nghỉ ngơi.

Trường hợp bố trí xây dựng khách sạn Novotel on the park trong công viên Thống Nhất là một sai lầm. Đồ án quy hoạch chi tiết sử dụng đất của quận Hai Bà Trưng đã được thành phố duyệt năm 2000, công viên Thống Nhất bị cắt một mảnh đất lớn ở góc Rạp xiếc đến hồ Quán gió để bố trí xây dựng công cộng cũng là một ví dụ không đúng. Quy hoạch chi tiết sử dụng đất đai của quận Hai Bà Trưng này vừa không hợp lý vừa vi phạm đồ án quy hoạch chung của thành phố được duyệt năm 1998. Vì theo đồ án quy hoạch chung, đất đai công viên Thống Nhất bao gồm toàn bộ không gian đất đai giữa 4 con đường: Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu và đường Đại Cồ Việt.

Tóm lại, để phát triển công viên - vườn hoa (mảng cây xanh toàn thành phố nói chung) của thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đạt chỉ tiêu và hình thành một mạng lưới công viên - vườn hoa hài hoà với cảnh quan - địa hình thiên nhiên, tránh biến các đồ án quy hoạch hiện có thành quy hoạch “treo”, đề nghị:

- Chính quyền thành phố, chính quyền các quận - huyện cần có kế hoạch và công cụ hữu hiệu tổ chức triển khai xây dựng thêm nhiều công viên - vườn hoa mới trên lãnh thổ; tiếp tục chỉnh trang nâng cấp để khai thác hiệu quả các công viên - vườn hoa hiện có. Cần xác định rõ các chủ đầu tư quản lý phát triển công viên - vườn hoa và tạo điều kiện để các chủ đầu tư này hoạt động có hiệu quả.

- Các tổ chức tư vấn quy hoạch (QHC, QHCT), thiết kế các dự án xây dựng công viên có nhiều cống hiến trong sự nghiệp quy hoạch và thiết kế xây dựng công viên - vườn hoa của thủ đô, góp phần tạo bản sắc, tạo nét độc đáo của cảnh quan kiến trúc - quy hoạch thủ đô.

- Các cơ quan chức năng giúp thành phố quản lý quy hoạch và phát triển thủ đô, trong đó có quản lý, phát triển công viên (Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông công chính, Sở Xây dựng...) hãy xác định vai trò “đồng tác giả” của các đồ án quy hoạch phát triển đô thị để hiện thực hoá các đồ án quy hoạch, phát huy sức mạnh của cộng đồng trong việc phát triển đô thị, phát triển công viên - vườn hoa.

- “Văn hoá đầu tư” của các nhà đầu tư ngày càng cao hơn, sao cho hài hoà lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích của cộng đồng, đặc biệt việc đầu tư vào những nơi hết sức “nhạy cảm” gắn với công viên - vườn hoa.

- Chính quyền cần tạo điều kiện để cộng đồng (dân cư, đại biểu các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp..) có điều kiện đóng góp nhiều ý kiến có liên quan đến đầu tư phát triển trong thành phố, trong đó có đối tượng công viên - vườn hoa... trước khi cấp có thẩm quyền xét duyệt; Tránh tình trạng tạo “sự đã rồi”. Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp cố gắng thực hiện nhiều hơn chức năng tư vấn, phản biện, giám định xã hội các công việc của Nhà nước có liên quan.

 

   Nguồn: Tham luận của PGS. TS. KTS Huỳnh Đăng Hy - CT Hội Quy hoạch PTĐT Việt Nam tại Hội thảo Khoa học “Khai thác hiệu quả công viên - vườn hoa TP.Hà Nội, tháng 3/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)