Kiến trúc nhà ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ trong quá trình đô thị hoá - Thực trạng và hướng giải quyết

Thứ sáu, 27/02/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
I. Dẫn  luậnVùng Đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) hay còn gọi là vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, được hình thành do phù sa bồi đắp của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Đó là một vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, nơi chủ yếu là người Việt sinh sống tạo thành các làng, xã. Vùng ĐBBB nằm trong hình tam giác kéo dài từ đỉnh là thành phố Việt Trì đến cảng thành phố Hạ Long ở phía cực Bắc cho đến điểm cực Nam là tỉnh Ninh Bình, có 108 huyện thị với tổng diện tích là 14.816,9 km2, dân số 14708.155 người, mật độ dân cư bình quân 1.313.2 người/km2; bao gồm 10 tỉnh thành: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Đồng bằng Bắc Bộ là nơi có nền văn hoá lâu đời, cái nôi của nền văn minh lúa nước của người Việt. Tổ chức xã hội của ĐBBB hình thành trên cơ sở làng, dòng tộc và gia đình, là cộng đồng dân cư làm nông nghiệp, quần tụ gắn bó trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử. Mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, tình cảm láng giềng thân thiện “tắt lửa, tối đèn có nhau” được hình thành từ xa xưa đã trở thành một truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng nông thôn ĐBBB.

Để có cái nhìn tổng quan về văn hoá kiến trúc nhà ở nông thôn vùng ĐBBB, chúng ta cần nhìn nhận lại ý nghĩa đặc trưng làng, xã, dòng họ và tổ chức gia đình của người Việt. Làng luôn là biểu tượng tốt đẹp và chứa đựng nhiều nền văn hoá truyền thống riêng biệt của mỗi vùng địa phương. Mỗi làng đều có hương ước quy định về điều lệ của làng mà mỗi người dân đều phải tuân theo “phép vua thua lệ làng”. Làng luôn tồn tại như một cấp cơ sở xã hội sau xã, bên trong mỗi làng được chia ra các thôn xóm, làng lớn có từ 4 – 6 thôn, làng nhỏ từ 3 – 4 thôn. Các làng được bao bọc bởi các luỹ tre xanh vừa tạo dựng yếu tố cảnh quan, vừa là thành luỹ bảo vệ an ninh cho dân làng. Với việc tổ chức quy hoạch không gian đóng kín như vậy, các làng tại châu thố sông Hồng có thói quen tự cung tự cấp về lương thực, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp và cả về việc cưới xin, ma chay hay giỗ chạp.

Các công trình văn hoá tiêu biểu của làng là Đình làng, nơi thờ cúng Thành Hoàng làng (thờ Ông tổ của làng, người sáng lập ra làng cũng là người đầu tiên truyền dạy cho dân làng những nghề thủ công hay nghề trồng lúa). Đình làng còn là nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần và một số hoạt động hành chính của chính quyền cấp cơ sở đương thời, nơi hội họp của Hội đồng kỳ mục để bổ bán binh dịch, phân chia công điền, công thổ, đặt khoán ước và giải quyết tranh chấp, kiện cáo, xét xử, phạt vạ... Đình làng được xây trên khu đất cao giữa làng, kề với đường chính của làng nối với cổng làng và đường cái quan. Phía trước Đình làng thường có sân rộng, ao làng với khu đất rộng rãi, thoáng mát, trồng nhiều cây xanh. Đình làng là nơi chỉ dành cho trai tráng trong làng (nơi phụ nữ hay lui tới là Đền, Chùa, bến nước, chợ làng), mỗi vị trí ngồi trong đình được dành cho các chức sắc và phục dịch của làng. Mỗi làng đều lo xây dựng cho làng mình một ngôi đình lớn nhất, to nhất để biểu thị sự giàu sang, phát triển của làng. Làng giàu xây dựng ngôi Đình với nhiều hàng cột lớn bằng gỗ, mái lợp ngói mũi với những đầu đao cao vút, làng nghèo xây dựng đình bằng tre, nứa, mái lợp tranh (ngôi Đình lớn và đẹp nhất vùng ĐBBB là Đình làng Đình Bảng tỉnh Bắc Ninh).

Một công trình tôn giáo tín ngưỡng quan trọng nữa trong làng là Chùa hay Miếu làng, Chùa được xây dựng ở ven làng nơi có không gian rộng, vắng vẻ với nhiều cây xanh, gần bãi bồi ven sông hoặc sườn đồi, núi cạnh làng. Chùa hay miếu được thờ các vị thánh thần, những người có công với nước, với dân. Chùa là nơi người dân sinh hoạt tín ngưỡng, nơi tìm đến những niềm tin của cuộc sống trong muôn vàn những khó khăn vất vả của ngời nông dân làm nông nghiệp. Kiến trúc Chùa to hay nhỏ đều phụ thuộc vào sự giàu có hay nghèo khó của dân làng. Xung quanh Chùa còn được xây dựng thêm giếng, ao, vườn Chùa, cảnh sắc thiên nhiên như hồ nước, núi đá, đôi khi còn có thêm thuỷ đình ở hồ nước để biểu diễn múa rối nước truyền thống (như Chùa Thầy – Quốc Oai). Miếu làng thường gắn với bến nước, gốc đa, cổng làng. Ngoài những công trình tiêu biểu về sinh hoạt văn hoá nêu trên, còn có một số công trình phục vụ công cộng khác trong làng như Cổng làng, Chợ, Cầu qua sông, Giếng làng, Điếm canh đê... tất cả đều mang lại cho làng một bản sắc văn hoá rất riêng mà chỉ có ở cộng đồng người nông dân ĐBBB.

Ngoài tính chất tổ chức xã hội theo cộng đồng làng xã, người dân ĐBBB còn có loại hình tổ chức xã hội thu nhỏ nhưng vô cùng chặt chẽ đó là dòng tộc và gia đình. Mỗi một làng gồm nhiều dòng họ, mỗi dòng họ có một vị trưởng tộc chịu trách nhiệm chăm lo hương khói cho tổ tiên và đứng đầu toàn bộ số gia đinh trong dòng họ. Mỗi họ tộc đều có gia phả và hương ước quy định riêng cho dòng họ của mình. Để khẳng định dòng họ mình lớn và giàu có trong làng, mỗi họ đều xây dựng cho họ mình một Nhà thờ họ to hơn dòng họ khác. Phong cách kiến trúc các Nhà thờ họ mang lại cho làng xã ĐBBB những bản sắc văn hoá truyền thống rất riêng. Một xã hội thu nhỏ nữa trong tổ chức xã hội của ĐBBB là gia đình. Gia đình của người dân ĐBBB là những gia đình lớn, nhiều thế hệ sống chung với nhau trong ngôi nhà (thường có 3 – 4 thế hệ: ông, cha, con và cháu), họ cùng nhau sử dụng chung các tài sản trên khu đất của gia đình. Khi những người con lớn lập gia đình và sinh con đẻ cái, họ được chia cho tài sản, đất đai để dựng nhà và ở riêng tách thành các hộ độc lập.

Cấu trúc tổ chức xã hội cộng đồng của làng xã, thôn xóm, dòng họ; sự phát triển gia đình từ hạt nhân đến gia đình lớn và cơ cấu thành phần của gia đình chính là những yếu tố cơ bản để thiết kế quy hoạch kiến trúc, xây dựng nhà ở nông thôn vùng ĐBBB. Khi nói về văn hoá truyền thống, tính bản địa trong kiến trúc của nông thôn ĐBBB, ngoài các công trình sinh hoạt văn hoá cộng đồng như Đình, Chùa, Miếu... chúng ta phải nói đến một loại hình kiến trúc vô cùng phong phú và giàu tính sáng tạo đó là kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống.

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, xã hội, sự gia tăng dân số, quá trình phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, điều kiện địa lý, môi trường và vấn đề đô thị hoá đã và đang làm cho kiến trúc nhà ở nông thôn vùng ĐBBB thay đổi cả về hình thức kiến trúc và công năng sử dụng. Mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự phát triển nhu cầu xã hội, quá trình tác động của đô thị hoá, sự buông lỏng quản lý trong vấn đề quy hoạch phát triển kiến trúc nhà ở nông thôn một cách tuỳ tiện đang làm mất đi hình ảnh văn hoá kiến trúc nhà ở truyền thống dân gian đầy bản sắc của vùng ĐBBB nói riêng và kiến trúc nhà ở nông thôn của Việt Nam nói chung. Do đó, các nhà quản lý, nhà quy hoạch kiến trúc cần phải quan tâm đánh giá thực trạng, các yếu tố tác động ảnh hưởng đến kiến trúc nhà ở nông thôn và đề ra các biện pháp bảo tồn, phát triển quy hoạch, kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống nhằm giữ gìn một nền văn hoá kiến trúc nông thôn đầy tính nhân văn của vùng ĐBBB.

II. Thực trạng kiến trúc nhà ở nông thôn vùng ĐBBB

1. Kiến trúc nhà ở nông thôn giai đoạn trước năm 1954

Nhà ở của người dân châu thổ sông Hồng thời xưa được xây cất đan xen với những luỹ tre làng hay dưới các tán cây xanh, bên cạnh sông suối, ao hồ, chúng hoà nhập với nhau đẹp tựa như một bức tranh thuỷ mặc. Những công trình kiến trúc có thể nhìn thấy nổi bật lên trên nền xanh của cây cối là những ngôi Chùa, Đình làng hay Điếm canh đê. Nhìn tổng thể, kiến trúc những ngôi nhà ở nông thôn vùng ĐBBB xưa rất giống nhau, chúng là những ngôi nhà một tầng thô sơ, nền làm sát mặt đất, vật liệu chủ yếu là tre, nứa lá, rơm rạ. Tuy nhiên, chúng có sự khác nhau về diện tích khu đất làm nhà ở, cách tổ chức tổng mặt bằng, vật liệu dựng nhà và mái lợp, đặc biệt là khác nhau về giàu nghèo của người dân.

Việc xây dựng nhà ở nông thôn ĐBBB được đặc biệt chú trọng đến điều kiện giải quyết vi khí hậu cho ngôi nhà, đón hướng gió mát cho ngôi nhà và che hướng gió lạnh, hướng có nhiều bức xạ mặt trời. Theo quan niệm phương Đông, hướng Nam là hướng sinh khí, hướng hưng thịnh, hướng cho gió nồm mát về mùa hè (Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam ); hướng Đông là hướng của Thần linh, nơi có ánh bình minh chiếu vào mỗi buổi sáng làm cho không khí ngôi nhà quang sạch; hướng Bắc là hướng có gió lạnh về mùa đông, hướng Tây nóng do bức xạ nên hai hướng này không được chọn làm hướng xây dựng nhà cửa.

Nhà ở của người giàu thường nằm trong khuôn viên được bao bọc bởi tường gạch hoặc rào dâm bụt cắt tỉa, cổng ra vào có mái che lợp ngói, cánh bằng gỗ; khu đất có diện tích rộng từ 3 – 5 sào (1.000 – 3.000 m2) bên trong gồm có nhà chính, các nhà phụ, sân gạch, ao cá, vườn cây, các công trình chuồng trại, nhà vệ sinh... Nhà chính, nhà phụ được xây dựng giữa khuôn viên khu đất và quay mặt về hướng Nam hoặc Đông.

Nhà chính từ 5 đến 7 gian, nhà hai mái hoặc hai chái, hai chái lợp ngói mũi, bên dưới có ngói liệt (cách lợp mái 2 lớp theo phương pháp này cho ta hiệu quả thông gió rất tốt về mùa hè). Kết cấu vì kèo của ngôi nhà bằng gỗ, vách tường gỗ hoặc xây bằng gạch đất nung, nền lát gạch bát. Gian giữa của ngôi nhà bố trí bàn thờ tổ tiên và bàn ghế tiếp khách, hai gian bên đặt giường ngủ cho chủ nhà và con trai lớn; hai phòng phụ còn lại, một phòng để đồ đạc quý hoặc lúa thóc, phòng kia là phòng ngủ của phụ nữ và con gái, sau này khi con trai lớn xây dựng gia đình thì phòng ngủ này sẽ dành riêng cho gia đình mới. Nhà chính quay mặt về hướng Nam nhìn ra sân rộng trước nhà; phía trước sân là ao, vườn cây ăn quả, bể nước mưa, giếng nước khơi... Phía vườn trước trồng cây cau, giàn trầu. Cây cau vừa có giá trị thẩm mỹ về cảnh quan, vừa lấy bóng mát về mùa hè ở, tán cây cau có tác dụng như cái ô che nắng nhưng vẫn cho gió nồm hướng Nam thổi vào trong nhà ở phía phần thân gỗ của cây cau. Phía sau ngôi nhà chính là hướng Bắc, là hướng gió lạnh về mùa đông, nên được trồng cây chuối có lá to bản, cây lại thấp nên có thể che bớt gió lạnh. “Chuối sau, Cau trước” là câu lưu truyền nhắc nhở các thế hệ sau này lưu tâm đến tổ chức cảnh quan ngôi nhà và cách giải quyết vi khí hậu cho ngôi nhà ở. Phía sau của ngôi nhà ở là các công trình phụ trợ như: chuồng trại chăn nuôi gia súc, nhà để dụng cụ làm nông nghiệp, nhà kho và nhà vệ sinh...

Nhà phụ hay còn được gọi là nhà ngang kéo dài 3 – 5 gian (từ 1 – 2 nhà), nền nhà phụ thường thấp hơn nền nhà chính, chiều cao mái cũng thấp hơn, mái lợp ngói đối với nhà giàu có và lợp rạ, cói đối với nhà trung lưu lớp dưới. Nhà phụ là nơi nấu ăn, bếp, phòng ăn, nơi ngủ của phụ nữ, người giúp việc trong nhà. Ngoài ra, nhà phụ còn là nơi làm các công việc thủ công lúc nông nhàn như dệt vải, dệt cửi, đan lát, thêu thùa; một không gian trong nhà phụ đặt cối xay thóc, cối giã gạo...

Một không gian nữa cũng cần được lưu ý vì nó chiếm diện tích khá lớn trong khuôn viên của ngôi nhà đó là sân phơi, nhà giàu thường có sân phơi rất rộng lát gạch bát, là nơi phới sản phẩm nông nghiệp vào ngày mùa và là không gian tổ chức đám cưới, đám ma của gia chủ. Từ sân lên nhà ở có một không gian đệm gọi là hiên, hiên có chức năng đệm ngăn gió lạnh về mùa đông và bức xạ về mùa hè. Giữa không gian hiên và sân phơi có hàng cột hiên ngăn không gian ước lệ (ranh giới theo phân vị tuyến đứng), cùng với hàng cột hiên, còn có thêm các tấm “chạt che” đan thành phên bằng tre. Tấm chạt che có tác dụng rất cao về giải pháp xử lý vi khí hậu trong nhà ở nông thôn ĐBBB, nó có nhiệm vụ nhằm che mưa, chống nắng hắt vào không gian bên trong nhà, đặc biệt là vào mùa đông nó ngăn được gió lạnh tràn vào trong nhà. Nhìn chung, không gian ở của người giàu nông thôn vùng ĐBBB là những không gian lý tưởng về cảnh quan và điều kiện tiện nghi về khí hậu, rất phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở nước ta.

Nhà ở người nghèo nông thôn khác biệt hoàn toàn so với người giàu, khuôn viên khu đất nhỏ, diện tích thường chỉ khoảng 1 – 2 sào (350 – 700 m2), xung quanh khuôn viên nhà ở trồng các loại cây, hàng rào được làm sơ sài bằng các thanh tre hoặc để trống có thể đi sang được nhà hàng xóm. Nhà ở cũng chia thành hai không gian nhà chính và nhà phụ, những gia đình quá nghèo chỉ có một ngôi nhà nhỏ duy nhất, tất cả mọi sinh hoạt của gia đình đều diễn ra ở đây. Nhà chính quay mặt về hướng Nam, gồm 2 – 3 gian có chái hoặc không được dựng bằng tre, nứa, mái lợp rạ dày 0,3 – 0,5 m (nhà ở vùng ven biển như Tiền Hải - Thái Bình, Hải Hậu – Nam Định, Kim Sơn – Ninh Bình thường lợp bằng cây cói, độ dày của mái lợp cói từ 0,5 – 0,9 m); tường vách tre, nứa đan phên, bên trong và bên ngoài vách phên trát bằng bùn nhuyễn trộn với rơm; nền nhà đắp bằng đất. Gian giữa cả ngôi nhà cũng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, phía trước có bộ chõng tre để tiếp khách, gian bên cạnh là phòng ngủ của cả nhà (không có không gian riêng cho phụ nữ và con gái). Nhà phụ cũng dựng bằng tre nứa, mái lợp rạ, vách phên trát bùn, nền đắp bằng đất (vùng nông thôn ven biển, vách nhà ở dùng đất sét trộn với cói chặt ngắn nện chặt thành tường, độ dày từ 0,5 – 0,7 m ). Phần chuồng trại chăn nuôi gia súc được sử dụng một phần bán mái kéo dài của nhà bếp xuống thấp gần mặt đất. Phía trước nhà là sân bằng đất đầm chặt, nhà có ao nhỏ hoặc cây ăn trái, trồng rau phía trước sân nhà.

Nhà ở người nghèo kém tiện nghi hơn so với nhà giàu, chẳng hạn như không có hiên trong nhà hoặc nếu có thì hiên nhà cũng quá hẹp, không đảm bảo điều kiện sử dụng; chiều cao của ngôi nhà quá thấp, các cửa sổ thường nhỏ, hẹp nên thiếu ánh sáng trong nhà; chiều cao những ngôi nhà vùng ven biển cũng rất thấp, mục đích để tránh gió bão. Tuy vậy, nhà ở lợp bằng rạ, cói với tường trình bằng đất lại mang lại một hiệu quả sử dụng rất tốt đó là đảm bảo mát về mùa hè và ấm vào mùa đông.

Quá trình xây dựng nhà ở nông thôn vùng ĐBBB xưa là sự tích luỹ vốn sống hàng ngàn đời của người nông dân, nhà cửa của họ khi xây dựng phải phù hợp với môi trường thiên nhiên, nương nhờ vào thiên nhiên tạo nên một hệ sinh thái bền vững. Kiến trúc nhà ở nông thôn có nhiều ưu điểm như: sử dụng vật liệu sẵn có của địa phương, tận dụng kỹ thuật xây dựng truyền thống, đáp ứng điều kiện môi trường khí hậu nóng ẩm, giải pháp phù hợp với hệ thống cảnh quan của các vùng nông thôn như cây xanh, mặt nước ao hồ, sông ngòi, đồi núi... tất cả hoà quyện với nhau tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình, đầy thơ mộng của nông thôn trù phú vùng châu thổ sông Hồng.

2. Kiến trúc nhà ở nông thôn giai đoạn 1954 - 1986

Giai đoạn này, tình hình kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do chiến tranh, tất cả sức người, sức của tập trung cho tiền tuyến. Vấn đề kiến trúc nhà ở nông thôn vùng ĐBBB nói riêng và cả nước nói chung chưa được chú trọng phát triển. Nông thôn thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, người dân làm việc và sinh hoạt trong các hợp tác xã, lương thực và đất đai nhà ở được phân chia theo số hộ dân. Tại các làng xã ở miền Bắc vào những năm 1957 đến 1965 được quy hoạch chỉnh trang lại điền thửa, làng xóm, nhà ở. Các khu dân cư làng xóm được quy hoạch gọn gàng, đất nghĩa địa được thu gom để dành cho đất canh tác. Một trong những ưu điểm của tất cả mọi người dân đều được cấp đất làm nhà sau khi lập gia đình, quá trình xây dựng nhà ở dãn dân đều được quy hoạch trước, không làm ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch chung của làng xã.

Quá trình quy hoạch phát triển kiến trúc nhà ở nông thôn giai đoạn này được quản lý chặt chẽ từ trung ương xuống địa phương. Nhà cửa đều được xây dựng trên cơ sở khuôn viên khu đất có diện tích bình quân từ 500 - 700 m2. Trong khuôn viên khu đất, người dân trồng cây dâm bụt xén tỉa hoặc xây bằng tường gạch đất nung, tường gạch đá ong làm hàng rào. Bên trong bố trí nhà chính từ 3 - 5 gian, tường xây gạch quét vôi trắng theo phong cách kiến trúc mới, mái lợp ngói hoặc tranh, đôi khi có nhà đổ mái bằng bê tông cốt thép hoặc đổ mái bằng một phần lồi và phần hiên. Nhà có sân rộng nhìn ra sân lát gạch, phía trước sân là ao rộng nuôi cá. Nhà phụ 2 - 3 gian, tường xây gạch, mái lợp ngói hoặc tranh. Các ngôi nhà ở đều được xây dựng một tầng cao ráo, thoáng mát, phù hợp với kiến trúc khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.

Nhìn chung, kiến trúc nhà ở nông thôn vùng ĐBBB giai đoạn này không thay đổi nhiều so với giai đoạn trước đây. Các yếu tố cấu thành nên hình thái khuôn viên khu đất và kiến trúc công trình đều phát triển theo phong cách đặc thù của kiến trúc nhà ở nông thôn. Chỉ có vật liệu xây dựng nhà cửa và trang thiết bị nội thất là có thay đổi cho phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.

3. Thực trạng kiến trúc nhà ở nông thôn từ 1986 - đến nay

Ngày nay, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng theo xu hướng phát triển của xã hội, nền kinh tế thị trường tác động đến tất cả các lĩnh vực như: kinh tế, kiến trúc, xây dựng, con người, mức sống, lối sống, nhu cầu tiện nghi... Mặt trái của đô thị hoá làm thay đổi nhiều nhất đến bộ mặt xã hội nông thôn, trong đó ảnh hưởng nhiều là văn hoá xã hội, phong tục tập quán và kiến trúc nhà ở. Các khu đô thị mới, khu công nghiệp ngày càng được mở rộng thay thế dần các cánh đồng lúa mỏi cánh cò bay. Một vài cây đa cổ thụ bên cạnh miếu hoang nơi mà người nông dân hóng mát lúc buổi trưa hè nắng chói chang, những luỹ tre xanh xào xạc cuối thu, cái Cổng làng đứng trầm mặc khoác lên mình tấm áo lịch sử nhiều đời của làng... Tất cả đều lùi về quá khứ để nhường chỗ cho những khu nhà cao đẹp nhưng quá đỗi xa lạ, những ống khói nhà máy suốt ngày nhả khói và những khu nhà dãn dân với mái lợp tôn đầy màu sắc. Ven con đường làng nhỏ bé được xây dựng những dãy nhà ở giống hệt như nhà ống trên phố, cái nhô lên cái thụt xuống, cái ra cái vào trong đó là quán net, quán karaoke, quán gội dầu.... Người nông dân chất phác như thế mà giờ đây đã thay đổi hẳn thói quen sống, tình làng nghĩa xóm dần phai nhạt, những tệ nạn, tiêu cực, thói xấu của thị thành tràn ngập trong thôn xóm.

Kiến trúc nhà ở nông thôn ở vùng ĐBBB cũng không tránh được sự xoay vần của quy luật, điều này thấy rõ từ việc quy hoạch làng xã một cách tự phát đến những công trình kiến trúc xô bồ của nhà ở nông thôn mới. Do dân cư của làng ngày càng tăng nên nhu cầu về nhà ở ngày càng cao, việc mở rộng xây dựng các khu dãn dân là tất yếu. Các khu nhà ở để có hiệu quả kinh tế cao phải bám vào các trục đường làng, trục đường liên thôn, xã hay huyện. Khu đất dãn dân tự phát không có hệ thống hạ tầng, không có quy hoạch, khu đất thường bám vào trục đường nên kéo dài thành tuyến.

Việc xây dựng không phép và không quan tâm đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật là yếu tố cơ bản làm cho môi trường nông thôn bị xâm hại nặng nề. Chất thải của con người và gia súc không có lối thoát do các ao, hồ tự nhiên đều bị san lấp để biến thành đất ở, do vậy ảnh hưởng đến môi trường nước và không khí của các vùng nông thôn.

Không chỉ các khu nhà ở dãn dân làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh kiến trúc nhà ở nông thôn mà các ngôi nhà ở phía sâu trong làng xưa cũng cùng chung số phận. Chúng bị thay đổi nhiều về hình thái khuôn viên truyền thống do người dân chia nhỏ khu đất ra làm nhiều nhà ống, mỗi lô đất chia đều cho các con cái làm nhà ở riêng, thói quen sống nhiều thế hệ trong ngôi nhà ở truyền thống không còn nữa. Cuộc sống tự do cá nhân đang làm mai một đi truyền thống văn hoá “lá lành đùm lá rách”, “chia ngọt sẻ bùi” của nông dân ĐBBB. Những sân dùng để phơi và làm mùa trong mỗi gia đình không còn nữa, người dân thu hoạch sản phẩm nông nghiệp ngay trên đường quốc lộ hay đường làng làm ảnh hưởng đến giao thông và môi trường sống.

Kiến trúc nhà ở nông thôn giai đoạn này ít được định hướng và quản lý sát sao của các cấp, các ngành. Các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị làm tư vấn kiến trúc sư đang lo giải quyết hậu quả của nhà ở trong các thành phố lớn nên mảng kiến trúc nhà ở nông thôn đang còn bị bỏ ngỏ. Thực tế, dưới tác động của đô thị hoá, kiến trúc nông thôn ngày càng hỗn độn, tuỳ tiện. Mọi sự quan tâm về kiến trúc nông thôn sau này sẽ trở nên vô tác dụng vì luôn đi sau nhu cầu phát triển của quy luật xã hội.

Với hình thái khuôn viên 100 - 120 m2 cho một lô đất hình chữ nhật, chiều rộng các lô đất khoảng 5 m, chiều dài bình quân 20 m, sự phân chia này đã làm mất đi hoàn toàn ý nghĩa của nhà ở nông thôn mà trở thành bản sao mẫu nhà chia lô của các đô thị vào những năm 90 của thế kỷ trước. Người nông dân sống chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp, làm nghề thủ công, chăn nuôi gia súc, làm kinh tế vườn - ao - chuồng gia đình. Do đó, họ cần có không gian cũng như khu đất xây dựng nhà ở sao cho phù hợp vừa để ngủ nghỉ, sinh hoạt, học tập, làm kinh tế phụ gia đình, chăn nuôi . . .

III. Một số kiến nghị cho giải pháp quản lý, phát triển kiến trúc nhà ở nông thôn

1. Nhà nước cần đưa ra các chính sách quản lý, định hướng quy hoạch, bảo tồn, phát triển kiến trúc nhà ở nông thôn giai đoạn mới hiện nay.

2. Bộ Xây dựng cần đề xuất ra các mẫu thiết kế tiêu chuẩn cho các loại hình nhà ở nông thôn sao cho phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội nông thôn trong thời kỳ đô thị hoá. Tránh tình trạng để cho phát triển tự phát rồi cải tạo, khắc phục hậu quả xảy ra sau này giông như các vùng ven đô hiện nay.

3. Các kiến trúc sư phải là những người có trách nhiệm tiên phong trong việc thiết kế các công trình văn hoá cộng đồng nông thôn và đặc biệt là loại hình kiến trúc nhà ở nông thôn mới.

4. Khuôn viên khu đất dành cho xây dựng nhà ở nông thôn phải đảm bảo đủ diện tích nhằm xây dựng phát triển hình thái nhà ở có vườn - ao - chuồng. Nhà ở phải giữ lại kiến trúc và công năng của ngôi nhà 3 gian 2 chái hoặc nhà 2 tầng, mái lợp ngói hoặc tôn 3 lớp cách nhiệt giả ngói màu đỏ.

5. Các khu dân cư mới phải được quy hoạch tổng thể và quản lý xây dựng từ hạ tầng đến kiến trúc công trình. Lựa chọn các loại vật liệu xây dựng địa phương cho phù hợp với loại hình nhà ở nông thôn mới.

6. Nhà ở nông thôn cần được quy định về diện tích chiếm đất, chiều cao công trình, diện tích sàn, khoảng lùi so với chỉ giới quy hoạch, các công năng phù hợp với nhu cầu nhà ở nông thôn mới, tỷ lệ % diện tích trồng cây xanh, mặt nước trong khuôn viên khu đất xây dựng nhà ở.

7. Cấp giấy phép xây dựng, quản lý quá trình xây dựng cũng như hình thức kiến trúc của nhà ở nông thôn.

8. Phân loại các làng cổ, các ngôi nhà ở nông thôn có giá trị để bảo tồn và định hướng cho phát triển lâu dài.

9. Đề xuất 5 tiêu chí đánh giá, xếp loại kiến trúc nhà ở nông thôn các làng, xã có giá trị nhằm bảo tồn và phát triển. Cụ thể như sau:

- Giá trị đặc biệt: Các làng cổ có giá trị đặc biệt về quy hoạch, kiến trúc cần bảo tồn nguyên gốc (ví dụ như Làng cổ Đường Lâm ở ngoại thành Hà Nội), tránh mọi tác động xấu ảnh hưởng đến quy hoạch và kiến trúc của làng.

- Giá trị rất cao: Các làng có giá trị cao về quy hoạch và kiến trúc công trình, có các làng nghề thủ công cần thiết phải giữ lại để bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, đặc biệt là các ngôi nhà cổ được xây dựng trước những năm 1930.

- Giá trị cao: Làng xóm có kiến trúc và quy hoạch mang bản sắc văn hoá truyền thống, có các làng nghề cần phải bảo tồn. Các ngôi nhà dân gian được xây dựng từ năm 1930 đến năm 1945. Lưu ý các làng nghề cần phải quy hoạch khu dãn dân và cụm công nghiệp nhỏ để đưa các làng nghề ra khỏi làng truyền thống nhằm tránh ảnh hưởng xấu của môi trường tác động đến đời sống dân cư của làng.

- Giá trị trung bình: Đó là các làng mới và nhà cửa được quy hoạch xây dựng từ năm 1945 đến năm 1986. Các làng này nên giữ lại quy hoạch, không cho cơi nới và phá vỡ cấu trúc hình thái không gian của làng và khuôn viên ngôi nhà.

- Giá trị thấp: Đó là các khu dãn dân tự phát bám theo các trục đường làng không có quản lý quy hoạch được xây dựng từ năm 1986 đến nay. Các khu nhà ở này cần phải đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trồng cây xanh và nhất thiết phải hạn chế xây dựng các loại hình kiến trúc nhà ở kiểu hộp diêm (sản phẩm của nhà ở đô thị).

10. Để quản lý, quy hoạch phát triển bảo tồn nhà ở nông thôn vùng ĐBBB, cần thiết phải có sự quan tâm thích đáng của Nhà nước, các Bộ ngành có liên quan về hỗ trợ vốn, hỗ trợ kỹ thuật vật liệu và xây dựng, hỗ trợ tư vấn phương án kiến trúc để cùng với người dân xây dựng nhà ở nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của xã hội hiện nay.

 Nguồn: Tham luận của TS. KTS Nguyễn Đình Thi, NCS. KTS. Lê Hồng Dân - Khoa KT&QH -   Trường ĐHXD tại Hội thảo "Kiến trúc nông thôn thời kỳ đổi mới", tháng 12/2008

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)