Quá trình phát triển của kiến trúc hiện đại Ấn Độ

Thứ tư, 25/02/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chúng ta đã hơn một lần nhắc đến sự kỳ vĩ của kiến trúc Cổ đại và Trung đại Ấn Độ, với đặc chất “cộng sinh đa nguyên”, với những “cội nguồn của linh cảm” từ  Stysa ở Sanchi, đến đền đài ở Kharujaho, đến lăng Taj Mahal... bản đồ kiến trúc truyền thống của Ấn Độ, từ Mohenjo-Daro, Harappa (nay thuộc Pakistan), đến Sanchi, Kharujaho, Bhubaneshawar, Fatepur Sikri, Delhi đến Karli, Shrirangum, Tanjore... dầy đặc chi chít những kỳ tích kiến trúc, khiến cả loài người kinh ngạc. Nhưng Ấn Độ cổ xưa không dừng lại, thành tựu của nền kiến trúc cận đại – hiện đại - đương đại Ấn Độ cũng khiến cả phương Tây và phương Đông đang kinh ngạc không kém và nhiều nước trên thế giới – riêng về mặt kiến trúc - đang phải tiếp tục đến Ấn Độ để “thỉnh kinh”.

Nền văn hoá Ấn Độ là một nền văn hoá “mở”, nó tiếp thu sâu sắc tinh hoa của nhiều tôn giáo, các tư tưởng đến từ các nước, các khu vực khác, nó tiếp thu các tinh hoa văn hoá của các dân tộc khác làm thành cái của mình, vì bản thân nó đã rất mạnh nên không bao giờ sợ bị “hoà tan”. Các nhà lãnh đạo, các nhà văn hoá lớn của Ấn Độ đều là hỗn hợp thể của văn minh Đông – Tây.

Chính vì vậy, khi nghiên cứu kiến trúc hiện đại Ấn Độ trong hơn 100 năm qua, đặc biệt chú tâm vào 30 năm gần đây, có hai chủ đề cần bàn thảo:

Ÿ Ảnh hưởng của các kiến trúc sư lớn phương Tây đối với kiến trúc hiện đại Ấn Độ.

Ÿ Thành tựu, các tác phẩm và tác giả chủ yếu của nền kiến trúc hiện đại và đương đại của Ấn Độ.

1. Ảnh hưởng của E.Luytens, của Le Corbusier và Louis Kahn đối với kiến trúc Ấn Độ thế kỷ XX

Đó là 3 kiến trúc sư Anh, Pháp và Mỹ đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nền kiến trúc mới của Ấn Độ, nhưng ngoài ra còn phải kể thêm vai trò quan trọng của P.Jeanseret, B.Kohn (Pháp), E. Stone, J.Stein (Mỹ) và F.Sahba (Israel).

Ngay từ năm 1911, Anh quốc tăng cường sự thống trị đối với Bắc Ấn Độ, quy hoạch và xây dựng một   New Dehli (Dehli mới) bên cạnh Dehli cũ, nhằm mục đích cổ suý “tinh thần của Hoàng gia Anh quốc”. Đã có 3 nhân vật gắn bó với bản đồ án quy hoạch này: E. Luytens (kiến trúc sư nổi tiếng, Chủ tịch hội KTS Hoàng gia Anh), K.Baker (KTS cộng tác) và L.C. Harding (Toàn quyền Anh quốc tại Ấn Độ).

Viên toàn quyền Harding muốn có một cái gì đó mà vừa phương Tây vừa phương Đông, trong khi đó E.Luytens lại muốn áp đặt một tư tưởng quy hoạch thuần tuý phương Tây, ông cho chỉ có kiến trúc cổ điển Châu Âu mới là văn minh, duy lí và nhân văn. Quy hoạch New Dehli (Dehli Hoàng gia) nhấn mạnh trục chính, trục ngang và đường chéo, thể hiện sự cao ngạo của E. Luytens. Viên toàn quyền Harding đã muốn “hãm phanh” bớt tham vọng của Luytens, nhưng về hình thức chủ nghĩa mà nói, phương án quy hoạch đã gặt hái được ít nhiều thành công. Chính vì vậy, để tiến tới có một “tinh thần Ấn Độ”, một “linh hồn Ấn Độ” thật sự, ta phải chờ đến một thành phố với kiến trúc và quy hoạch hoàn toàn theo kiểu mới ở Chandigard của Le Corbusier.

Từ năm 1950 đến 1953, Le Corbisier đã nghiên cứu quy hoạch chung do Chandigard, thủ phủ mới của bang Punjab và đã dựng lên một số công trình cho giai đoạn 1. Nguyên tắc tổ chức của thành phố nằm dưới chân dãy núi Hymalaya này là:

- Phân vùng công năng rõ rệt

- Phân loại đường giao thông hợp lý và tỷ mỷ.

- Chú ý mối liên hệ giữa các khu vực ở lao động – làm việc – nghỉ ngơi

Một trục chính của thành phố đã nối liền khu trung tâm đầu não hành chính của thành phố (Capital) với toàn bộ thành phố. Hệ thống đường có 7 cấp, từ V1 đến V7.

Le Corbusier đã “vượt lên những phân biệt xã hội”, mong muốn những con người – dù ở tầng lớn nào trong xã hội – cũng được hưởng hạnh phúc trong điều kiện ăn ở, sinh hoạt.

Le Corbusier đã thực hiện câu danh ngôn của Descartes: “Cần phải thống nhất giữa các tác phẩm của thiên nhiên và của con người”.

Trong thành phố này, Le Corbusier đã để lại các tác phẩm kiến trúc hết sức siêu việt trong lịch sử kiến trúc thế giới như Toà nhà Ban thư ký (1951 – 1957), Cung tư pháp (1951 – 1953), Cung đại hội... đó là “những bản nhạc ca bằng bê tông” rất thích hợp với kiến trúc nhiệt đới bằng cách dùng 2 lớp mái cho lên tầng trên cùng, dùng các mái hiên lớn (aqueduc) cho toà nhà và dùng mặt nước để trang trí cho toàn cảnh.

Tất nhiên, ngày nay người ta quy hoạch đô thị theo cách khác, nhưng qua điều tra, sau 50 năm, người Chandigard vẫn an cư lạc nghiệp ở Chandigard, đó vẫn là địa điểm của những nhà hành hương kiến trúc. Ngay lúc đó, Thủ tướng Ấn Độ Nerchu và sau này, các nhà phê bình nghệ thuật Maurice Besser và Pardo đã lên tiếng bênh vực đồ án này. Le Corbusier vẫn là kiến trúc sư lớn nhất thế kỷ XX và tư tưởng dùng cho kiến trúc nhiệt đới và cách xử lý chi tiết của ông vẫn được các kiến trúc lớn Châu Á, đặc biệt là Nam Á và Đông Nam Á sau này sử dụng.

Louis Kahn, theo điều tra ở Mỹ năm 1980, trong tâm khảm của người Mỹ, trong việc tuyển chọn các kiến trúc sư nổi tiếng nhất, đã được xếp thứ hai chỉ đứng sau Le Corbusier.

Louis Kahn đã để lại ở Ấn Độ tác phẩm Học viện Quản lí Ấn Độ ở Ahmedabad và để lại ở Bangladesh tác phẩm Nhà quốc hội. Các kiến trúc sư chủ chốt của kiến trúc hiện đại Ấn Độ sau này chịu ảnh hưởng của Kahn ở các mặt sau: những vấn đề về lý luận kiến trúc, vấn đề ý chí tồn tại và bản chất của kiến trúc, vấn đề phân biệt rõ giữa nhà cửa và kiến trúc là hoàn toàn khác nhau, vấn đề triết lý về trật tự và về ánh sáng, những quan niệm về chất thơ và về triết học kiến trúc. Cả thế giới, không chỉ Ấn Độ và thế giới Ấn Độ hoá, đã gọi Louis Kahn là nhà thi triết kiến trúc.

2. Các tác giả và tác phẩm chủ yếu của nền kiến trúc hiện đại và đương đại Ấn Độ

Xây dựng nên nền kiến trúc hiện đại và đương đại Ấn Độ ngày nay là công việc của cả một đất nước, cả một dân tộc lớn (bao gồm nhiều dân tộc), các nhà quản lý thông minh của các địa phương, nhưng trước hết phải kể đến công sức của các nghệ sỹ. Xem xét và đánh giá được vấn đề này là một vấn đề to lớn, chúng ta chỉ có thể “khoanh vùng” và chọn ra những tác giả và tác phẩm tiêu biểu, những rường cột của kiến trúc hiện đại Ấn Độ. Đó là Charles Correa, B.V. Doshi, Raj Rewal, U. Jain, A. Kanvinde, nhóm The Design Group..., Hafeez, văn phòng Design Plus. Những vấn đề về tinh thần Ấn Độ, bản sắc địa phương, khí hậu nhiệt đới luôn luôn vấn vít quanh tác phẩm của các kiến trúc sư giả và nhóm tác giả trên.

Chales Correa là kiến trúc sư, nhà lý luận kiến trúc, nhà quy hoạch, nhà hoạt động xã hội và chính trị. Ông là một kiến trúc sư toàn cầu (Global Architect), là một kiến trúc sư hàng đầu của Châu Á và của Nam Á, người đã góp phần quan trọng đưa nền kiến trúc Ấn Độ hiện đại lên đẳng cấp quốc tế, là giáo sư của nhiều trường đại học uy tín trên thế giới, ông cũng là người thấm đẫm dòng nhiệt huyết của 2 nền văn minh Đông – Tây, Correa đã là người giải phóng nền kiến trúc hiện đại của Ấn Độ khỏi “gánh nặng của quá khứ” (nguồn từ của Mahatma Gandhi).

Ngay từ sau khi tốt nghiệp ở Đại học Massachusser về, Correa đã có thành công đầu tiên là nhà tưởng niệm Mahatma Gandhi (1963), với những tư tưởng về thư pháp phát triển phong cách địa phương, làm cho nó trở nên sang trọng và có địa vị chính thức trong nền kiến trúc mới của Ấn Độ.

Charles Correa có một bản lý lịch tác phẩm rất dài, mà một hai cuốn tổng tập vẫn chưa thể nói hết, chứ chưa nói đến một chuyên luận.

Năm 1996, ông thiết kế Toà nhà Nghị viện (Vidhan Bhavan) của bang Bhoval, đó là một kết cấu kiến trúc phức tạp, có bố cục tự do chứa đựng trong một vòng tròn có cấu trúc mở.

Một số kiệt tác kiến trúc khác của Correa cần kể ra là: Nhóm nhà ở cho người có thu nhập thấp ở Belapur (1986), Bảo tàng Mỹ nghệ Quốc gia ở Dehli (1975 – 1991), Toà nhà Hội đồng Anh ở New Dehli (1992) và Trung tâm Thiên văn và Vật lý thiên văn ở Pune (1992).

Đặc điểm của tất cả các tác phẩm của Correa là cố gắng biểu hiện khái niệm Mandalas (sơ đồ vũ trụ của đạo Hinda và đạo Phật) để bộc lộ các kết cấu tầng sâu (deep structures) của các nền văn hoá, quan điểm xác định trung tâm cho một tác phẩm nghệ thuật, vốn là thủ pháp truyền thống của sáng tác kiến trúc Ấn Độ, cũng được Correa chú ý.

B.V. Doshi, một kiến trúc sư hàng đầu khác của Ấn Độ, đã khiến chúng ta không thể nào không quan tâm đến các tác phẩm giàu tính kích thích của ông là Nhà trưng bày Husain – Doshi Gufa (1995) ở Ahmedabad (một kiểu mẫu cách mạng chủ nghĩa biểu hiện mới mà vang vọng trong không gian của nó chủ nghĩa lịch sử) và Học viện Công nghệ thời trang Ấn Độ (1991) ở New Dehli (một quần thể kiến trúc hợp nhóm, với nhiều sân trong (chowk) và quảng trường chợ (moholla), nhưng với vật liệu hỗn hợp cả mới lẫn cũ, là kính, gạch và bê tông.

Doshi rất quan tâm đến khí hậu trong kiến trúc, chẳng hạn trong tác phẩm Học viện Văn học ngôn ngữ Ấn Độ, ông luôn đi tìm sự tương thích, mối quan hệ giữa qui luật vận hành của vũ trụ và môi cảnh của con người (cosmic relationship) tìm tòi sự hài hoà giữa con người và tự nhiên, tìm tòi tiếng vọng của địa phương của bản thổ (local echo).

Tiếp theo ta phải kể đến tác phẩm Trụ sở công ty Gokudas Images ở Bangalore của kiến trúc sư Pranav Desai và Văn phòng World Bank (1993) và Quần thể ở dành cho chuyên viên cao uỷ Anh quốc (1994) đều ở New Dehli của kiến trúc sư Raj Rewal. Trước Toà nhà World Bank, ngay từ 1990 Raj Rewal đã từng thành công trong tác phẩm Viện miễn dịch ở New Dehli với nhiều sân trong và không gian mở.

Về kiến trúc nhà ở, từ thập niên 80 thế kỷ XX, tác phẩm tiêu biểu có thể kể ra là các nhóm nhà ở thấp tầng của Town Aranya, ở đây có một số khái niệm về “loại hình” (typus) và “địa hình” (typus) đã được quan tâm nhấn mạnh. New Town là một cấu trúc mà chùm nhà ở trung tâm ta tìm thấy những nhóm phố thương nghiệp truyền thống (bazaar).

Sau đó, vào thập niên 1990, tác phẩm tiêu biểu về nhà ở cao cấp mà ta cần xem xét là chung cư Lake Castel, Powai, Bombay (1994), thuộc loại nhà ở siêu cao tầng, cả quần thể trên mặt đứng và trong hình khối có những không gian thủng lớn, mỗi căn hộ các phòng chính đều có hai hướng, tất cả đều nhằm một mục đích là có thông gió thường xuyên phòng tốt.

Thành công của nghệ thuật Ấn Độ bộc lộ rất rõ nét ở chỗ các tác phẩm vừa “tinh khiết” lại vừa “mộc mạc”, vừa “sang trọng” lại vừa “dễ gần”, vừa “hiện đại” lại vẫn “phảng phất đâu đây chất truyền thống” (kể cả khung cảnh lẫn vật liệu). Nền kiến trúc hiện đại và đương đại Ấn Độ đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với các kiến trúc sư và những người quan tâm đến văn hoá trên toàn thế giới.

Nguồn: TC Xây dựng, số 1/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)