Về chất lượng các công trình xây dựng

Thứ tư, 25/02/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chất lượng công trình xây dựng là cốt lõi thương hiệu của ngành xây dựng. Trên thực tế, để xây dựng một công trình có chất lượng là không đơn giản, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia đầu tư và xây dựng công trình với trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao. Chất lượng công trình xây dựng không chỉ là mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp xây dựng mà còn là đòi hỏi của xã hội. Chính ở khía cạnh này, khi nói đến chất lượng công trình xây dựng, dư luận xã hội thường đề cập đến các vấn đề đã trở thành vấn nạn: tham nhũng, thất thoát và lãng phí trong đầu tư xây dựng - một yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình xây dựng. Những con số thống kê cụ thể về tham nhũng, thất thoát và lãng phí trong đầu tư xây dựng luôn làm nóng lên nghị trường các kỳ họp quốc hội đã nói lên điều đó.

Đúng là chất lượng công trình xây dựng có kẻ thù là tham nhũng, thất thoát và lãng phí. Để đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng và chống tiêu cực trong đầu tư xây dựng có nhiều cách. Nhớ một lần phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, ông nói: “tham nhũng, thất thoát là những tiêu cực, vậy mà nhiều người nhắc đến nó cứ như là mình vô can, không dính dáng gì và không có trách nhiệm gì, nhắc đến những điều tiêu cực, cứ như mình không hề tiêu cực vậy”, tôi thật sự tâm đắc đến câu nói này. Thường để chống, ngăn cản, hạn chế điều gì người ta dùng biện pháp lên án và cấm đoán. Nhưng tôn vinh những điều tốt, những khía cạnh tích cực để động viên xã hội phấn đấu đi đến chân lý của điều tốt là biện pháp sáng suốt, chắc chắn có hiệu quả lâu bền. Đó là chủ trương mà Bộ Xây dựng đã, đang và sẽ làm để tôn vinh công trình xây dựng có chất lượng.

Cách đây khoảng 20 năm, Bộ Xây dựng đã có quyết định về việc công nhận công trình, sản phẩm xây dựng đạt chất lượng cao, trao danh hiệu cho các công trình chất lượng cao, nhằm động viên các đơn vị có công trình, sản phẩm xây dựng chất lượng cao, qua đó định hướng cho xã hội, nhìn nhận về vấn đề chất lượng các công trình, sản phẩm xây dựng theo chiều hướng phát hiện, tôn vinh để phát triển. Theo các phiếu điều tra của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng về các lợi ích mang lại từ công trình chất lượng cao đối với 120 doanh nghiệp xây dựng đã hưởng ứng và tham gia cuộc vận động đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng cho thấy : 70,67% phiếu cho rằng việc phát hiện và tôn vinh đã khuyến khích nâng cao tay nghề trong xây dựng; 74,67% phiếu cho rằng vì tham gia cuộc vận động mà đơn vị nâng cao được uy tín, nhận thêm hợp đồng và tăng trưởng sản xuất; 84% cho rằng hệ thống quản lý chất lượng của đơn vị được nâng cao; 76% cho rằng có cơ sở để nâng cao quản lý chất lượng mà không làm tăng chi phí; 72% cho rằng việc tham gia cuộc vận động giúp tránh được rủi ro kỹ thuật có thể xảy ra trong thi công xây lắp; 73,33% phiếu cho rằng qua việc tham gia cuộc vận động đã đảm bảo độ bền vững của công trình, giá trị tài sản của người mua được đảm bảo.

Gần 20 năm không ngừng đổi mới về nội dung vận động và biện pháp tổ chức thực hiện. Ngày 27/4/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân có Chỉ thị số 06/2006/CT-BXD về việc tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm xây dựng” trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Thời gian gần 20 năm đủ để những người trong và ngoài cuộc cùng nhìn lại những gì đã làm, để rút kinh nghiệm sao cho công tác tích cực này đi vào đời sống xã hội sâu rộng và phát triển tốt hơn.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “cuộc vận động chưa tạo được phong trào rộng khắp trong cả nước nhằm thu hút được các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hưởng ứng tham gia, nhất là các doanh nghiệp xây dựng các địa phương, các công ty tư nhân, các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư vấn, khảo sát thiết kế. Hàng năm vẫn còn để xảy ra những sự cố công trình do vi phạm quy trình, quy phạm về quản lý chất lượng. Công tác duy tu, bảo dưỡng công trình của các chủ sử dụng chưa được quan tâm đầy đủ. Một số công trình khi đã đưa vào khai thác sử dụng không có hướng dẫn bảo trì làm công trình xuống cấp, giảm tuổi thọ. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, thậm chí chưa biết đến những lợi ích lâu dài mà cuộc vận động mang lại trong việc xây dựng mô hình quản lý theo hướng chuyên nghiệp nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao thương hiệu của sản phẩm xác định uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, tích cực, để chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”.

Thật vậy, qua tham khảo ý kiến ông Trần Chủng, nguyên cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và một số doanh nghiệp xây dựng cho thấy, trong những năm qua công việc này được coi như một phong trào vận động mang tính nội bộ đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng hơn là hành động xã hội mang ý nghĩa giáo dục. Nhiều đơn vị vì cần thành tích để tăng thêm điểm làm hồ sơ dự thầu mà miễn cưỡng gửi công trình để xin chứng nhận công trình chất lượng vàng, vì thế mà họ cũng không cần được tôn vinh bằng một hình thức trao tặng trang trọng giữa bàn dân thiên hạ. Điều này vô hình chung dễ biến công tác giám định trở thành một thủ tục hành chính có tính hình thức đối phó. Nay theo Luật Đấu thầu mới ban hành, công trình đạt chất lượng cao không còn là tiêu chí quan trọng nữa nên ngày càng ít đơn vị gửi hồ sơ xin chứng nhận công trình chất lượng cao. Nếu quy chế đánh giá và công nhận sản phẩm xây dựng đạt chất lượng cao thường xuyên được sửa đổi bổ sung, cập nhật phù hợp với nhu cầu xã hội hiện đại đang phát triển rất nhanh, thì sẽ thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và đặc biệt là sự quan tâm của toàn xã hội.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ: “có 3 chủ thể tham gia tạo nên một công trình xây dựng: chủ đầu tư (người bỏ tiền ra xây dựng), người thiết kế (trong đó có KTS), nhà thầu (người thi công, biến công trình từ bản vẽ thành hiện thực)”. Một dự án xây dựng ra đời phải qua nhiều khâu, với sự hợp tác chặt chẽ, liên hoàn của nhiều ngành nghề khác nhau, từ khâu quyết định đầu tư, lập dự án, thiết kế, thi công... mỗi khâu là một mắt xích, yêu cầu phải được chuẩn mực hoá thì mới có sản phẩm chất lượng cao.

Rõ ràng vấn đề không đơn giản, để có được sản phẩm xây dựng đạt chất lượng cao, đòi hỏi không chỉ chất lượng chuyên môn, sự tuân thủ pháp luật mà còn là năng lực và tính chuyên nghiệp trong hợp tác làm việc của tất cả các chủ thể xây dựng.

Về việc quyết định đầu tư, nếu không hợp lý sẽ dẫn đến lãng phí lớn. Còn về tư vấn thiết kế, vẫn ý kiến của Bộ trưởng: “vì đặc thù nghề nghiệp mà sự thất thoát do khâu thiết kế gây ra thường khó định lượng để quy trách nhiệm”. Bộ trưởng đã dẫn chứng một công trình gây lãng phí không nhỏ có nguyên nhân từ năng lực tư vấn thiết kế kém như công trình Sân vận động Đồng Hới, Quảng Bình. Kết quả, bên tư vấn thiết kế phải đền cho chủ đầu tư. Bộ trưởng luôn nhắc nhở các KTS nên hiểu rõ vai trò của mình, cụ thể: “kiến trúc sư là người kết hợp nhuần nhuyễn mối quan hệ giữa các ngành nghề khác nhau: khảo sát, kết cấu, điện, nước... nếu khảo sát không chính xác, kết cấu không khoa học, cũng gây lãng phí, KTS thiết kế mắc bệnh hình thức, chi tiết rườm rà (mà cho rằng độc đáo) cũng gây lãng phí”.

Về vấn đề này, KTS Graham Taylor, Tổng công trình sư của dự án IMPERIAL Vũng Tàu tâm sự: “tầm nhìn của chủ đầu tư quyết định chất lượng của công trình xây dựng. Là nhà thiết kế chuyên nghiệp, gặp một số chủ đầu tư bất động sản Việt Nam, chúng tôi nhận thấy trong đầu họ luôn có một suy nghĩ mơ hồ rằng: sản phẩm của họ phải đạt mức độ tốt nhất, song tiêu chí tốt như thế nào thì họ không nêu ra được. Nhưng khi làm việc với chủ đầu tư của dự án IMPERIAL Vũng Tàu, tầm nhìn của họ về chất lượng cung cấp sản phẩm đã thuyết phục tôi hợp tác. IMPERIAL đã hội tụ được tất cả các công ty hàng đầu, mang đẳng cấp quốc tế như: CELADON, OCEAN BANK, CBRE, ACCOR, EPS, PETROVIETNAM, PETROWACO... đồng thời lại luôn biết lắng nghe và trao đổi, vì vậy ở dự án IMPERIAL từng chi tiết nhỏ đều được làm theo thiết kế và đơn đặt hàng riêng nên có phong cách độc đáo. Để có được những tác phẩm để đời, cần sự say mê. Chúng tôi, người thiết kế và chủ đầu tư cùng những nhà thầu rất vui khi thấy sản phẩm của mình hiện hữu như chúng tôi mong muốn”.

Chất lượng của các phương án thiết kế là sự khởi đầu cho sự thành công và chất lượng của công trình, sản phẩm xây dựng. Nhưng hiện nay các KTS vẫn còn quá nhiều trăn trở, suy tư chưa thật sự yên tâm để sáng tác. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng SAGEL tâm sự: “KTS trẻ bọn em đam mê nghề lắm. Khi nghĩ đến tiền lệ “lại quả” cho chủ đầu tư thì nguồn cảm hứng sáng tác và trách nhiệm nghề nghiệp giảm nhiều. Nhiều đơn vị tư vấn thiết kế buộc phải giảm giá thiết kế, rồi thuê sinh viên đến vẽ, có trường hợp thi công nửa chừng phải dừng lại vì thiết kế không thể thi công được”. KTS Trần Minh Tâm - Chủ tịch HĐQT Công ty cố phần thương mại TTT, không phủ nhận việc chủ đầu tư “vòi vĩnh” phải “ngược” lại một khoản kinh phí nào đó, nhưng anh giải thích: “đối tượng khách hàng của TTT đa số là doanh nghiệp nước ngoài, khi làm việc với các cấp Tổng giám đốc hoặc người nước ngoài thì việc “đòi hỏi” tuyệt đối không xảy ra. Đôi khi có một vài nhân viên có “đặt vấn đề” nhưng TTT chỉ chấp nhận đến gần 5% coi đó là chi phí giao tiếp. Song có trường hợp TTT đã phải chấp nhận chi đến 20%, nếu đó là công trình tầm cỡ quốc gia, để khẳng định khả năng của mình”.

Để đối phó với tình trạng này, nhà tư vấn thiết kế cùng với các bên liên quan, có nhiều cách: khai khống số lượng hoặc giảm giá chất lượng, thủ thuật tính dự toán thấp để trúng thầu, thông đồng với chủ đầu tư và đơn vị thầu để thêm khối lượng phát sinh quyết toán, hợp lý hoá các chứng từ để đội thêm khoảng 30%, rồi thay thế vật liệu tốt thành vật liệu chất lượng tồi là “Chuyện thường ngày ở huyện”. Hậu quả là chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng thấp.

Một mắt xích trong muôn ngàn mắt xích, như một cửa ải, gây lãng phí không nhỏ mà khi nhắc đến nhiều chủ đầu tư, KTS phải rùng mình kinh hãi, đó là các thủ tục hành chính đối với các dự án và sản phẩm xây dựng. Nhiều chủ đầu tư mệt mỏi, uỷ thác cho KTS phải lo tất cả các việc này thì mới ký hợp đồng thiết kế. Sự né tránh, không hợp tác của các ban ngành liên quan đã gây ra sự chậm trễ tiến độ của dự án, nhỡ thời cơ đầu tư, gây thất thoát không nhỏ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “thời gian là vật chất, là tiền bạc, là tốc độ tăng trưởng”. Thủ tướng cũng chỉ đạo “phải cải tiến thủ tục, loại bỏ các giấy phép con đang tồn tại bất hợp lý”.

Ông Đỗ Hồng Khanh Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bạch Đằng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của những nhà thầu xây dựng: để có được công trình đạt chất lượng vàng vô cùng khó khăn và vất vả, cả quy trình với những khâu nho nhỏ cộng lại, theo dự toán, nền của toà nhà được lát bằng gạch 40 cm nhưng để hạ giá thành có thể thay thế bằng gạch 20 cm hoặc 30 cm nhưng hiệu quả thẩm mỹ sẽ không thể đẹp như gạch 40 cm. Nhiều khâu rất nhỏ trong thi công, việc sử dụng những sản phẩm chất lượng quyết định đến độ bền của công trình, nếu chỉ một tích tắc tặc lưỡi cho qua sẽ đem lại hậu quả khôn lường. Trong quá trình thi công xây dựng, nhiều người vô trách nhiệm, vì những lợi ích trước mắt mà có những thủ thuật gian lận, nhằm giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ. Nếu cán bộ kỹ thuật không giỏi, không kiên quyết sẽ đem lại những tổn thất và nguy hiểm khó lường. Ông Khanh tâm sự: “có một lần thi công cọc khoan nhồi của một dự án nhà cao tầng, theo khảo sát thì phải tới 36 m mũi khoan mới chạm đến nền đá cứng. Nhưng hiện tượng lắng bùn ... làm cho máy khoan không thể đảm bảo độ sâu 36 m mà phải tới 40 m mới đạt tiêu chuẩn, nhưng người thợ khoan đã dùng thủ thuật thắt đoạn giữa của dây thước đo khi thả xuống hố khoan để che mắt cán bộ kỹ thuật. Khi đó linh cảm mách bảo tôi có điều không hay, tôi quyết định kiểm tra và phát hiện sự gian trá này và quyết định dừng thi công để tìm biện pháp giải quyết. Nếu lúc đó vì vô trách nhiệm tặc lưỡi cho qua, điều gì sẽ xảy ra khi cả toà nhà dồn tải trọng vào những chiếc cột được khoan nhồi không đạt chất lượng? “.

Một chuỗi các công việc, các sự việc liên quan đến thất thoát, lãng phí ảnh hưởng đến chất lượng các công trình, sản phẩm xây dựng đầy ắp những biểu hiện tiêu cực đan xen, rối như tơ vò làm sao mà giải quyết? Nhiều người đã cố gắng đi tìm nguyên nhân nhưng vẫn mịt mù. Bởi đây là căn bệnh tiềm ẩn ngay trong lòng của mọi sự việc. Ông Hoàng Anh Dũng Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xây dựng đầu tư và phát triển Lĩnh Phong - (CONIC) chân tình bộc bạch: “ vốn là công ty tư vấn thiết kế, 80 - 90% nhân viên là KTS, công ty chúng tôi có những thuận lợi hơn các chủ đầu tư khác vì nhân viên của chúng tôi là những người có nghề chuyển sang làm công việc đầu tư. Việc tổ chức quản lý vì thế tốt. Song trên thực tế, chúng tôi chỉ thực hiện được một công trình đầu tiên đã biết trước sự tiềm ẩn điều không ổn định. Văn hoá “A - B” nhiễm trong đầu, các nhà thầu, khi chào thầu với CONIC, họ đã báo giá cao lên 5 - 10% với giám đốc. Chúng tôi đã cảnh báo họ, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh giữa nhà thầu với cán bộ giám sát của chúng tôi. Đến công trình thứ 2, chúng tôi giải tán toàn bộ Ban quản lý và mời tư vấn giám sát khác sang làm cho mình, mặc dù chuyên môn của họ có thể chưa bằng Ban quản lý cũ. Việc thay đổi nhân sự đã gây ra không ít khó khăn cho chúng tôi, song chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyên nghiệp hoá từ công trình thứ 2 này”.

Qua đây có thể hiểu được rằng, thất thoát, tham nhũng, gây lãng phí có khả năng nảy sinh bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào, nếu có thời cơ. Tham nhũng là kẻ thù số một của chất lượng công trình xây dựng.

Không có tham vọng làm thay đổi tình thế, nhưng hy vọng ở tia sáng cuối đường hầm, liệu tia sáng đó có còn trong mỗi chúng ta ? Hãy tin ở mỗi con người luôn còn một góc sáng. Nó sẽ được bừng lên khi ngày càng nhiều các công trình, sản phẩm xây dựng được phát hiện và tôn vinh - công trình chất lượng cao mà Bộ Xây dựng là chủ trương.

  

Nguồn: TC Xây dựng số 1/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)