Quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng đô thị cần có chung tiêu chí an toàn giao thông

Thứ sáu, 27/02/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quy hoạch giao thông là bộ khung chính của quy hoạch xây dựng đô thịQuy hoạch giao thông vùng, miền là bộ khung cơ bản cho quy hoạch xây dựng vùng, miền. Cả hai quy hoạch này là tiền đề mấu chốt quan trọng cho quy hoạch phát triển kinh tế - an ninh quốc phòng - văn hoá xã hội.

Ở đô thị, quy hoạch giao thông là bộ khung chủ yếu giúp cho quy hoạch xây dựng đô thị được thuận hơn. Theo điều tra được biết, tình hình chung vừa qua giữa quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng còn chưa đồng bộ gắn bó với nhau. Tình trạng có nơi quy hoạch giao thông đi trước theo hướng này thì quy hoạch xây dựng lại định làm theo hướng khác hoặc xây dựng vô tình chống chéo lên nhau. Nếu nơi nào có quy hoạch giao thông triển khai đi trước một bước thì ở đô thị đó việc xây dựng tiếp tuân theo quy hoạch xây dựng tương đối suân sẻ. Nhưng ngược lại, nơi nào quy hoạch xây dựng còn không kiểm soát được có sự tuỳ tiện xây dựng "đô thị hoá" tự phát thì ở đó quy hoạch giao thông sau này rất vất vả, giải phóng mặt bằng nhiều, đền bù giải toả dây dưa rất tốn kém, gây ách tắc trì trệ triển khai quy hoạch giao thông. Từ đó, làm chậm trễ tiến độ phát triển kinh tế chung.

Quy hoạch giao thông gắn bó quy hoạch xây dựng như là anh em ruột trong cùng một gia đình xây dựng. Vì thế, cần có tiếng nói chung trong phát triển. Trong thực tế, nhiều khi quy hoạch xây dựng đô thị có thể cản vướng khi mở mang giao thông hoặc thực hiện quy hoạch giao thông. Ngược lại, có nhiều khi thực hiện dự án xây dựng giao thông lại chậm, kéo dài gây trở ngại cho xây dựng đô thị. Có một điều giản dị, là chưa có sự thống nhất chung về thời gian triển khai, hướng tuyến giao thông, quy mô bề rộng lòng lề đường giao thông thể hiện trong quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng thực tế còn không ăn khớp nhau ở nơi này nơi kia. Có đoạn đường trong trong đô thị cần làm ngay thì chưa được làm, có đoạn làm xong sớm nhưng lại rất vắng xe cộ đi lại. Đấy là hiệu quả đầu tư xây dựng dàn trải chưa bám sát với nhu cầu thực tiễn xã hội đòi hỏi gấp rút.

Việc điều chỉnh thống nhất thường xuyên thông qua quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng đô thị đang là trách nhiệm và nhiệm vụ cấp thiết của cơ quan quản lý quy hoạch giao thông, quản lý giao thông gắn với trách nhiệm và nhiệm vụ thường trực của cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng đô thị. Ở đây, ta thấy rõ sự thống nhất điều chỉnh các quy hoạch này có đôi lúc, đôi nơi còn chậm trễ và buông lỏng. Điều cốt lõi là tiêu chí chung của quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng còn chưa thống nhất với nhau về mặt an toàn giao thông. Làm sao cho tiêu chí này phải là tiêu chí quan trọng cần quán triệt để đi tới tiếng nói chung của nhiều người quan tâm đến an toàn giao thông đô thị.

Quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng đô thị cần có chung tiêu chí an toàn giao thông

Các quy hoạch xây dựng đô thị thời bao cấp và thời kỳ mới mở cửa hầu hết đã không bố trí đường gom xe cộ bao quanh khu đô thị ấy. Đồng thời không có quy hoạch giao thông sắp xếp đường chính đô thị có thể đi lân cận bên ngoài mạng đường giao thông nội bộ trong khu đô thị mới. Khi quy hoạch xây dựng cho khu đô thị chủ yếu là quy hoạch bố trí nhà ở tập thể 2- 5 tầng và định vị một số chung cư đời mới đan xen cho phép xây dựng cao hơn 5 tầng. Tại các khu đô thị trước đây, việc xây dựng đã thiếu đồng bộ đầy đủ các nhà dịch vụ tối thiểu về công ích tại chỗ cần thiết như: bệnh xá, trường học, siêu thị, nhà dịch vụ xã hội, nhà dịch vụ sửa chữa, những nhà dịch vụ sinh hoạt, văn hoá... Từ đó, lượng người ở các khu đô thị ấy buộc phải toả ra, dồn tụ bất đắc dĩ tới một số khu trung tâm, đã làm tắc nghẽn, ùn ứ giao thông xảy ra cục bộ đáng tiếc đây đó trong đô thị. Hơn nữa, đã xuất hiện mở nhiều lối đi, tuỳ tiện đấu thẳng vào đường chính của đô thị. Tình trạng không có đường to chủ động làm ra riêng biệt ở hầu hết các khu đô thị nên vô hình đã lợi dụng ngay đường chính sẵn có hoặc giao cắt trực tiếp vào đường lớn. Ở các khu đô thị có hình thể kiểu này giống như mô hình cấu trúc dạng cây leo bám vào cây lớn là hệ thống giao thông đô thị, cứ đi khoảng 10- 20m là có ngã giao hiện diện. Từ đó mật độ con số tổng giao lộ nảy sinh rất cao trong một mạng giao thông đô thị dày đặc dạng này thì không khác nào hình thành một mê hồn trận các ngã giao như lắm "mê cung bẫy" xe cộ rơi vào tình trạng mất an toàn giao thông. Điều đó làm cho Hà Nội sinh ra thêm lắm ngõ nhỏ, ngách nhỏ. Nguy cơ an toàn giao thông vì thế rất cao, đòi hỏi người lái xe phải hết sức tỉnh táo và rất căng thẳng khi đi qua khu vực phức tạp nhà cửa ấy. Có thể thấy rõ hiện tượng trên ở khu đô thị Kim Liên- Trung Tự- Khương Thượng- Thái Hà- Vĩnh Hồ...

Hiện nay nội thành Hà Nội cũ quá tải về dân số so với vóc dáng quy hoạch xây dựng trước đây đã tồn tại của nó. Hơn nữa việc quy hoạch xây dựng đô thị mới gắn với quy hoạch xây dựng cũ quả là sự khó khăn chồng chất lên nhau. Tuy nhiên dù khó khăn bao nhiêu trong quy hoạch giao thông cải tạo mở rộng Hà Nội hay quy hoạch xây dựng mới cho hà Nội có khó đến đâu thì hai quy hoạch này cần phải hội tụ chung tiêu chí an toàn giao thông thống nhất. Luật Quy hoạch mới sẽ đặt ra và đề cập thiết yếu đến tiêu chí chung này cho cả hai quy hoạch để phục vụ cho cùng một quy hoạch duy nhất của đô thị. Trong thực tế, đã quan sát quy hoạch xây dựng thực hiện ở các khu đô thị mới trên tuyến đường đi từ thành phố Vinh đến Cửa Lò, các ngã giao được bố trí ở đường trục giao thông có hai chiều tách biệt cứ quãng cách 200 - 300m mới có một điểm giao cắt. Như thế là tương đối đảm bảo an toàn giao thông. Các đô thị mới sẽ làm ở các nơi khác, nên tham khảo học tập các bản quy hoạch xây dựng đô thị mới, dự kiến bố trí các điểm giao cắt không gian (giao cắt lập thể) chủu dộng ở các đầu vào hay đầu ra của khu đô thị mới ấy. Tránh hiện tượng thả lỏng bố trí các giao cắt trên mặt bằng tuỳ tiện đổ ập thẳng vào đường giao thông chính sẵn có của đô thị. Cần sắp xếp cấu trúc mạng đường gom nội bộ ở. 

khu đô thị mới. Khi đường gom đổ vào đường chính hay đường trục thì bắt buộc phải có giao lộ lập thể thì mới xét duyệt thông qua về quy hoạch. Luật Quy hoạch bắt buộc các quy hoạch giao thông hay quy hoạch xây dựng đô thị phải xác định và định hướng được giao lộ lập thể trong tương lai để có đất dự trữ dành sẵn cho phát triển giao thông và xây dựng đô thị phù hợp tiến trình phát triển chung. Tránh tình trạng phải đền bù giải toả bất đắc dĩ, làm tốn kém tiền bạc Nhà nước và của nhân dân khi thực hiện dự án giao lộ lập thể.

An toàn giao thông là mục tiêu phấn đấu chung của quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng đô thị

Trong các tai nạn giao thông chúng ta ít đề cập đến lỗi làm ra và chưa làm đến của quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng đô thị. Công bằng mà nói thì quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng đô thị vẫn là nền tảng cốt lõi góp phần không nhỏ để phòng tránh tai nạn giao thông đáng tiếc, giữ gìn an sinh xã hội. Vai trò này đôi lúc và đôi khi còn chưa được quán triệt và chủ động đúng mức làm chõ dựa vững chắc cho phát triển chung của đô thị. Ví dụ, Hà Nội vốn có địa hình thấp trũng. Trước đây ở đất Hà thành có gần 200 hồ, ao lớn tồn tại, đã bị san lấp nhiều hồ ao trong lịch sử gần 80 năm qua để làm giao thông và xây dựng các khu đô thị. Việc san lấp chủ yếu là quy hoạch xây dựng nên đã xảy ra tình trạng hễ cứ mưa to là xảy ra úng cục bộ rất khó khắc phục, cản trở giao thông dễ có ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Tại TP. HCM cũng ở trong tình trạng tương tự, trên 60 năm qua, nhiều đoạn sông- kênh- rạch đã bị san lấp phục vụ quy hoạch xây dựng đô thị. Tình trạng úng ngập ở thành phố còn triền miên hơn so với cảnh Hà Nội ngập lụt trong vòng 10 ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2008. Về tai nạn giao thông ở TP. HCM cũng nhiều hơn ở Hà Nội.

Việc chính thoát nước đô thị đang là việc của quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị. Thực hiện quy hoạch giao thông thực tế đã tham gia góp phần thêm vào việc tiêu thoát nước dễ dàng hơn nhờ có sắn hệ thống giao thông để lắp đặt cống thoát bổ sung. Thoát nước tốt thì bảo vệ đường giao thông tốt, trong tất cả các thiệt hại do lũ lụt, úng ngập thì thiệt hại về xuống cấp công trình giao thông bao giờ cũng cao nhất. Đường xuống cấp thì tai nạn giao thông dễ xảy ra. Tóm lại, việc phòng tránh, giảm thiểu tai nạn giao thông đã trở thành thước đo tiêu chuẩn giá trị văn minh của bản quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch giao thông gắn bó với nó đang ở mức độ nào. Nếu để đô thị ngập úng thường xuyên thì giá trị văn minh của quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch giao thông bị sụt giảm theo. Phần thiệt hại lớn nhất là thuộc về nhân dân và Nhà nước đang gánh chịu. An toàn giao thông vì thế trở thành mục tiêu mấu chốt phấn đấu của cả quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng đô thị trong thời kỳ mới theo từng bứơc triển khai của các dự án xây dựng đề ra.

Phát huy hơn nữa vai trò gắn kết của quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng đô thị theo tiêu chí an toàn giao thông

Sự gắn kết này nếu nhất quán ở tiêu chí an toàn giao thông sẽ phát huy hiệu quả trông thấy. Trong quy hoạch xây dựng đường giao thông được bó trí nối các điểm đông dân cư. Nhất là các đường đi tắt nối liên thông các điểm chung cư với nhau cần được ưu tiên xây dựng trước trong khu đô thị, rồi đến các đường cửa ngõ ra vào thành phố, đường xuyên tâm, đường vành đai... Chẳng hạn, sẽ cần làm dưới đây là đường nói khu chung cư Giảng Võ đi tới khu đông dân Hoàng Hoa Thám, đường nối chợ Ngọc Hà đi tới UBND quận Ba Đình... Đường 32 ở cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội mới bắt đầu được quan tâm triển khai để giảm tải cho đường Láng- Hoà Lạc- Sơn Tây, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ở các tuyến hiện có.

Việc quy hoạch xây dựng mạng đường nội bộ khu đô thị mới cần được tạo thành mạng lưới ô cờ, phân làm rõ cho một chiều đi, một chiều về cách biệt, có lối đi liên hoàn gắn với đường gom của khu vực. Để hạn chế tai nạn giao thông, cần hạn chế bố trí số điểm đấu nối vào đường chính của đô thị. Khi đấu nối cần xét đến giao lọ lập thể hoặc bố trí cầu vượt, hầm chui... ở ngay bản quy hoạch xây dựng chính khu đô thị mới ấy mới được phép trình duyệt.

Về quy hoạch giao thông ở các khu đô thị đông dân như Hà Nội và TP. HCM có mật độ diện tích đường giao thông khoảng 5- 7% ở đô thị cũ (so với tiêu chuẩn giao thông đô thị ở đô thị mới cần có mức 20- 25% diện tích đất đô thị), nên mạnh dạn thực hiện các dự án tuyến giao thông bộ và sắt mới đi trên cao hoặc làm metro ngầm. Đó là cuộc cánh mạng thực sự đổi mới giao thông không gian, nhằm phấn đấu giảm ùn tắc giao thông cục bộ, giảm  tai nạn giao thông. Hiện nay, Hà Nội có thường xuyên gần 40 điểm, TP. HCM có 70 điểm ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày. Chỉ có giao thông không gian mới là cứu cánh cho nạn ùn tắc giao thông. Bài học Băng kốc (Thái Lan) bị ùn tắc giao thông triền miên gần 30 năm qua nhờ có mạng đường giao thông bộ và sắt đã xây dựng mới góp phần tháo gỡ được cơ bản nạn ùn tắc giao thông. Đối với Hà Nội và TP. HCM trước mắt cần củng cố và phát triển giao thông công cộng. Chú trọng nâng cấp các tuyến đường giao thông xe buýt đi quan khắc phục các điểm lún sụt. Trong quy hoạch giao thông phải có điểm nhấn dành ưu tiên cho mạng đường xe búyt. Tương tự trong quy hoạch xây dựng đô thị mới phải chú trọng đến đường xe buýt đi xuyên tâm (nếu khu đất rộng) hoặc đi lân cận khu đô thị (có đất dành riêng đủ rộng rãi cho các trạm chờ xe buýt ở đó).

Tóm lại: nếu quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng nói chung được gắn kết với nhau theo tiêu chí an toàn giao thông và an sinh xã hội thì hiệu quả xây dựng được phát huy tốt hơn cho cộng đồng thời kỳ mới.

 

Nguồn: Tạp chí Giao thông vận tải, số 1+2/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)