Ảnh hưởng của điều kiện mặt bằng, giao thông đến quá trình triển khai thi công hệ thống tàu điện ngầm tại Việt Nam

Thứ bẩy, 10/01/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
 
Mở đầu

Hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đô thị hoá trong đó có vấn nạn giao thông nội đô. Để giải quyết vấn đề trên Chính phủ đang chuẩn bị đầu tư và xây dựng hệ thống tàu điện ngầm tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ chí Minh, đây là hệ thống vận chuyển hành khách nhanh, khối lượng lớn đã được khai thác hiệu quả tại hầu hết các nước tiên tiến và đang được triển khai rộng rãi tại các nước đang phát triển.

Xây dựng nói chung và xây dựng công trình ngầm nói riêng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thi công, đặc biệt là thi công trong khu vực nội đô. Trong phạm vi giới hạn của bài viết, tác giả chỉ đề cập đến một số yếu tố ảnh hưởng là mặt bằng và điều kiện giao thông khu vực thi công hiện nay tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

1. Thực trạng giao thông tại các đô thị lớn tại Việt Nam

Tốc độ tăng dân số tại các đô thị lớn của Việt Nam trong những năm gần đây rất nhanh (bao gồm tăng dân số cơ học do người dân ở các vùng quê lên thành phố kiếm việc làm, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, cán bộ công nhân các cơ quan xí nghiệp...), quy hoạch giao thông đô thị thiếu đồng bộ và lạc hậu, sự gia tăng nhanh các phương tiện giao thông cá nhân trong khi khả năng đáp ứng của các phương tiện giao thông công cộng rất hạn chế, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao. Các yếu tố trên là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông xảy ra hàng ngày tại các đô thị lớn của Việt Nam, nhất là vào các giờ cao điểm và tại các trục phố chính, các nút giao thông khu vực trung tâm thành phố. Các cơ quan quản lý của Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình trạng trên nhưng hiệu quả đạt được không đáng kể so với nhu cầu thực tế. Ta nhận thấy các đường phố chật hẹp đông đúc, có nhiều loại phương tiện cùng tham gia giao thông. Ngoài ra có thể thấy ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao, các phương tiện thường đi không đúng làn đường  của mình, các xe buýt lớn dễ cản trở giao thông do chiếm nhiều diện tích. Nhiều hộ dân còn chiếm dụng lòng, lề đường làm nơi kinh doanh nên cản trở giao thông, các điểm giao cắt tập trung chưa có các cầu, hầm vượt cho người đi bộ. Do đó, hiện tượng giao thông tắc nghẽn tại các giờ cao điểm là chuyên xảy ra bình thường hàng ngày đối với ngừơi dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

2. Điều kiện mặt bằng xây dựng

Sau khi có chính sách mở cửa kinh tế, chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, nước ta đã có bước nhảy vọt, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhiều khu vực, đời sống của người dân được thay đổi từng ngày. Cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của cả nước, bộ mặt đô thị tại hai thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ chí Minh cũng thay đổi với sức năng động của lớp trẻ. Trước đây dân cư Thủ đô chủ yếu tập trung sinh sống và buôn bán trong khu vực 36 phố cổ. Sau chiến tranh dân số tăng nhanh, nhất là từ khi đổi mới (năm 1986) nền kinh tế nước ta phát triển rất nhanh đồng thời dẫn đến tốc độ đô thị hoá ngày càng cao, dân cư từ các địa phương kéo về thành phố kiếm việc làm ngày càng đông nên nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn. Do trình độ quản lý, tầm nhìn chiến lược về vấn đề quy hoạch đô thị của chúng ta còn rất hạn chế, không theo kịp tốc độ đô thị hoá diễn ra hàng ngày nên chúng ta không kiểm soát tốt được quy hoạch kiến trúc các công trình xây dựng dân dụng, các công trình giao thông. Hậu quả là hiện nay khu vực trung tâm thành phố trở nên chật chội, đường phố chật hẹp, nhà ở lộn xộn với nhiều hình dạng và kích thước phi khoa học, thiếu khu vui chơi giải trí... Như vậy, khi triển khai thi công các công trình xây dnựg, nhất là các công trình có quy mô lớn đòi hỏi có mặt bằng thi công rộng thì nhà thầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn

3. Các phương pháp thi công đường tàu điện ngầm và mức độ ảnh hưởng của điều kiện mặt bằng, giao thông đối với các phương pháp thi công.

Có rất nhiều phương pháp thi công công trình ngầm khác nhau. Tuy nhiên có thể phân các phương pháp thi công công trình thành 2 nhóm chính dựa theo công nghệ thi công:

- Nhóm các phương pháp thi công lộ thiên (phương pháp tường- nền, phương pháp tường- nóc, phương pháp hạ dầ, phương pháp hạ chính)

- Nhóm các phương pháp thi công ngầm- phương pháp mỏ (phương pháp khoan nổ mìn, phương pháp đo bằng máy)

Đối với các phương pháp thi công lộ thiên toàn bộ hay một bộ phận, kết cấu của công trình ngầm được thi công lắp dựng trên mặt đất, còn đối với các phương pháp thi công ngầm thì toàn bộ kết cấu công trình ngầm được thi công lắp dựng trong lòng đất. Như vậy, mức độ ảnh hưởng của điều kiện mặt bằng xây dựng và điều kiện giao thông đối với quá trình thi công tàu điện ngầm phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn phương pháp thi công. Có thể nói mức độ ảnh hưởng trên không đáng kể đối với phương pháp thi công ngầm, nhưng ngược lại nó ảnh hưởng rất lớn khi thi công bằng phương pháp lộ thiên. Việc lựa chọn phương pháp thi công cho đường tàu điện ngầm phụ thuộc vào chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật, tròng đó có xét đến các yếu tố về điều kiện địa chất, chiều dài tuyến, độ sâu đặt công trình, hình dạng và kích thước công trình, quy hoạch các công trình kiến trúc trên mặt đất...Do có lợi thế về mặt kinh tế nên chắc chắn sẽ có nhiều tuyến hầm được thi công bằng phương pháp lộ thiên. Khi đó vấn đề mặt bằng xây dựng và tình trạng giao thông cần được khảo sát và nghiên cứu kỹ trước khi triển khai thi công.

4.Đánh giá mức độ ảnh hưởng và biện pháp hạn chế sự ảnh hưởng của điều kiện mặt bằng thi công và tình trạng giao thông

Với tình trạng giao thông như nêu ở trên, khả năng có được giấy phép lưu thông vào ban ngày cho các phương tiện vận chuyển đẩt đá thải hay vật liệu xây dựng là vô cùng khó khăn, nhất là vào các giờ cao điểm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình. Tình trạng úng ngập thường xuyên vào mùa mức tại một số tuyến phố cũng có thể ảnh hưởng đến thi công (gây ngập hố đào, hạn chế khả năng bơm thoát nước ngầm, nước mặt, tăng khả năng tắc nghẽn giao thông...)

Mặt bằng thi công chật hẹp như vậy nên diện tích dành cho lưu trữ, tập kết máy móc, nguyên vật liệu sẽ rất hạn chế. Việc phải tập kết vật liệu ở các bãi ngoại ô xa công trường là điều tất nhiên. Máy móc thi công có phạm vi hoạt động hạn chế cả về không gian và thời gian. Vì vậy, đây cũng là bài toán kinh tế cho các đơn vị tham gia thi công công trình

Các giải pháp cần được xem xét và áp dụng:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phân làn, phân luồng giao thông hợp lý

- Tăng cường thi công vào giờ có lưu lượng xe ít

- Lập biện pháp tổ chức thi công hợp lý, ưu tiên thi công trước các điểm dễ gây ùn tắc

- Có kế hoạch chuẩn bị vật liệu phù hợp với từng gia đoạn thi công

- Bố trí và sắp xếp máy móc, kho bãi hợp lý để tiết kiệm mặt bằng thi công

Kết luận

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và giá thành xây dựng công trình. Tuy nhiên trong các đô thị đông đúc và chật hẹp, điều kiện mặt bằng, điều kiện giao thông có ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt đối với việc thi công các công trình ngầm bằng phương pháp lộ thiên. Khi thiết kế và triển khai xây dựng, các yếu tố trên cần phải được khảo sát và xem xét kỹ lưỡng để có thể đưa ra các giải pháp thiết kế, các biện pháp thi công hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hạn chế tác động xấu đến các vấn đề xã hội

(Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, số 12/2008)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)