Tổng quan về kiến trúc đương đại Trung Quốc

Thứ hai, 05/01/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chỉ sau 15 năm phát triển so với kế hoạch đặt ra là 40 năm, diện mạo một số đô thị mới của Trung Quốc đã hình thành trước sự ngạc nhiên và thán phục của nhiều người. Kiến trúc Trung Quốc đã thay đổi nhanh chóng ở các thành phố lớn như: Thượng Hải, Quảng Châu, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Chu Hải.

Man Yansong, KTS trẻ 32 tuổi đã học tại Mỹ và đang điều hành một công ty xây dựng cho biết: “Đây mới chỉ là sự khởi đầu của Trung Quốc. Trong 10 năm qua, chúng tôi đã có những toà nhà mang tính đột phá tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhưng bây giờ các nhà đô thị đang kéo đến, và hai phần ba các thành phố đều muốn phát triển”.

Nói đến Trung Quốc, người ta nói đến Vạn lý Trường Thành - một trong bảy kỳ quan của thế giới hay kiểu kiến trúc mái chùa và kiến trúc viên lâm. Thật khó có thể tin rằng, trong tiếng Trung Quốc đã không có từ về kiến trúc cho đến những năm 20 của thế kỷ trước. Trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ về kinh tế, lĩnh vực xây dựng ở Trung Quốc hấp dẫn nhiều KTS nổi tiếng thế giới. Họ háo hức mong tạo những công trình kiến trúc trong các thành phố lớn. Có thể nhận thấy cái mới đang dần thay thế cái cũ trong cả ba lĩnh vực: kinh tế, chính trị và văn hoá của đất nước đông dân nhất thế giới này:

Năm 2001, khi vượt qua nhiều đối thủ để được quyền đăng cai tổ chức Olympic 2008, Bắc Kinh đã bắt đầu một cuộc chuyển đổi với nhiều tranh luận trái phiếu. Olympic - cuộc chạy đua cho sự phát triển - từ thể thao và những cơ ở hạ tầng tới những tiện ích thương mại và dịch vụ nhà ở - đã chuyển đổi một thành phố mang đặc điểm của kiến trúc cộng đồng. Bắc Kinh đã mở rộng cửa đón chào những KTS nổi tiếng thế giới như Reem Koolhaas, Sir Norman Foster và Paul Andreu đến và sáng tạo kiến trúc cho mình. Đó là những công trình với tên hiệu như : “Vỏ trứng”, “Tổ chim” và “Khối nước”. Theo nguyên tắc của Trung Quốc, KTS quốc tế tạo ra những công trình qui mô lớn phải được sự ủng hộ của các KTS Trung Quốc. Sự hợp tác giữa các KTS Trung Quốc với KTS nước ngoài đã mở ra cơ hội cho các KTS trẻ Trung Quốc học hỏi và thể hiện. Hiện nay, tầng lớp trung lưu mới của Trung Quốc có thể sống, làm việc và giải trí trong các khu ở kiểu phương Tây, các văn phòng, khu thương mại giống như Soho Shangdu hay như nhà hàng Lan của Phillipe Starck và quán Bar - Music của Zhong Song. Đây là lý do mà nhiều công trình đa năng được xây dựng ngày càng nhiều ở các thành phố lớn. Thật ngạc nhiên và thú vị khi ở Trung Quốc có thể thán phục trước những kiến trúc hoành tráng đồ sộ hay thư thái ngắm nhìn những công trình qui mô nhỏ như Suicate House hay Split House.

Hướng tới Thế vận hội Xanh đầu tiên ở Bắc Kinh, người Trung Quốc tràn đầy hi vọng thành phố sẽ làm được những kì tích như Barcelona năm 1992.

Dưới đây là một số công trình kiến trúc mới biểu tượng mới của kiến trúc Trung Quốc hôm nay.

1. Toà nhà Kim Mậu - Thượng Hải

Nằm bên sông Hoàng Phố thơ mộng ở phía Đông Thượng Hải, Kim Mậu là toà tháp cao nhất Trung Quốc tính đến năm 2005, cao thứ 5 thế giới. Toà tháp Kim Mậu do công ty Skidmore, Owings and Merrill thiết kế được khánh thành năm 1999, trên diện tích khu đất rộng 290.000 m2 gồm 88 tầng và cao 420 m với công năng chính là văn phòng và khách sạn (Shanghai Grand), Kim Mậu còn là nơi tham quan, tổ chức hội nghị, triển lãm và mua sắm.

Toà nhà Kim Mậu là kết quả của sự kết hợp hài hoà giữa phong cách kiến trúc Trung Quốc với KHCN hiện đại, đặt nền tảng cho hơn mười công trình kiến trúc Trung Quốc đứng đầu trong nước và thế giới. Kim Mậu chính là tác phẩm kinh điển của nghệ thuật kiến trúc hiện đại, cũng là công trình hàng đầu thế giới do người Trung Quốc làm chủ thầu.

2. Sân bay quốc tế Bắc Kinh

Nhà ga số 3 Sân bay quốc tế Bắc Kinh được đánh giá là tiên tiến nhất về công nghệ, hiệu quả sử dụng, bền vững và ánh sáng hợp lý do kiến trúc sư Norman Foster cùng các cộng sự thiết kế.

Diện tích sàn lên tới 1 triệu m2 và công suất 50 triệu lượt hành khách/năm. Sân bay được khánh thành vào năm 2007 để đón khách đến với Olympic Bắc Kinh 2008. Nhà ga là một khối kiến trúc khổng lồ bằng kính và thép với hệ thống mái được thiết kế theo nguyên tắc khí động học mô phỏng hình dáng của một con rồng với nội thất có màu đỏ, cam và vàng, những màu Trung Quốc đặc trưng cùng nhiều điểm nhìn đẹp ra không gian bên ngoài. Công trình được nối với hệ thống giao thông công cộng rất thuận tiện, khoảng cách đi bộ của khách ngắn và thời gian trung chuyển giữa các chuyến bay là ngắn nhất. Được đánh giá là công trình bền vững nhất trên thế giới là công trình bền vững nhất trên thế giới với hệ cửa sổ mái hướng về phía nam, giúp hấp thụ nhiệt tối đa vào buổi sáng, và hệ thống điều khiển môi trường tiêu thụ năng lượng ít nhất. Vật liệu xây dựng chủ yếu là của địa phương….

Hiện nay, sân bay Bắc Kinh nằm trong danh sách 10 sân bay lớn nhất và hiện đại nhất thế giới do Tổ chức sân bay Quốc tế bình chọn.

3. Trung tâm biểu diễn Nghệ thuật Quốc gia

Đặt tại trung tâm lịch sử của Bắc Kinh, phía tây Quảng trường Thiên An Môn và Đại lễ Đường Nhân dân, sát với Tử Cấm thành, Trung tâm biểu diễn Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc khởi công năm 2001 và hoàn thành năm 2007 do kiến trúc sư người Pháp Paul Andreu thiết kế.

Một mái vòm lớn hình ellip với trục chính dài 212 m và chiều cao 46 m là khối chính của Trung tâm biểu diễn Nghệ thuật Quốc gia, được đặt giưa một hồ nước nhân tạo có diện tích 355.000 m2, có hình Trung tâm còn có tên là Trứng khổng lồ được xây dựng bằng vật liệu Titan và kính màu. Lớp titan ở phía Đông và Tây của cấu trúc, hai mặt còn lại là kính thuỷ tinh, tạo nét lộng lẫy của kiến trúc bên trong, hơn nữa nó còn loại bỏ tiếng ồn từ ngoài phố và bảo vệ công trình. để xây dựng công trình này đã lắp đắp hơn 20.000 tấn titan, mỗi tấm nặng từ 20 - 30 kg có kích cỡ khác nhau. Công việc này khó đã tiêu tốn rất nhiều thời gian cũng như công sức nhiều lúc tưởng chừng như không thực hiện được do độ phức tạp của nó. Hôm nay công trình đã trở thành biểu tượng mới của Bắc Kinh.

4. Trung tâm Thể thao dưới nước Quốc gia (Water Cube)

Nằm cạnh Sân vận động Olympic Bắc Kinh, Water Cube được thiết kế dựa trên ý tưởng từ hình ảnh của một lớp bọt nước của các KTS người Úc: John Bilmon, Mark Butler, Chris Bosse thuộc PTW Architects cùng với các kỹ sư tạp đoàn Arup. Với sức chứa 6.000 chỗ cố định và 11.000 chỗ tạm, diện tích sàn lên tới 80.000 m2, Water Cube đã được hoàn thành sau 4 năm xây dựng (2003 đến 2007) với mức chi phí 143 triệu USD.

Toát lên vẻ chắc khoẻ, bởi hình khối và sự đặc biệt mới lạ từ vẻ ngoài, tạo hình ảnh của một khối kiến trúc hoàn chỉnh và duy nhất khối nước hư ảo như cách gọi khác. Sự mong manh tưởng chừng như dễ vỡ của những bọt nước đã không làm mất đi bản chất của khối hình học và rắn chắc như thường thấy trong tự nhiên qua dạng cấu trúc tinh thể, cấu trúc tế bào hay phân tử… Từ những ưu điểm của chất liệu, các KTS đã tạo ra những khối đệm hơi bằng nhựa và thiết kế được một cấu trúc mặt tiền hợp nhất. Công trình là một khối kiến trúc mở, sử dụng năng lượng mặt trời làm nóng hồ nước và bên trong toà nhà. Thêm nữa công trình được thiết kế như một ngôi nhà xanh, năng lượng tự nhiên được tận dụng tối đa và ánh sáng chủ đạo. Khu bể bơi chính có thể tiết kiệm 30% năng lượng nhờ sử dụng năng lượng mặt trời. Đặc biệt là hệ thống chứa nước mưa với mục đích tái sử dụng nước cho hồ bơi. Water Cube với hình khối lập phương bên trong chứa các hạt nước khổng lồ đã tạo một ấn tượng rất mới về hình thức của công trình, là một trong những biểu tượng mới của Bắc Kinh 2008.

5. Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh hay còn gọi là “Sân vận động Tổ chim”

Sân vận động Bắc Kinh nằm ở phía Đông thành phố Bắc Kinh, trong Công viên Olympic. Với sức chứa 91.000 chỗ ngồi trên diện tích 20.29 hecta. Kinh phí xây dựng 423 triệu USD. Đoạt giải thưởng Pritze năm 2002, KTS Herzog và De Meuron hợp tác với một số KTS Trung Quốc đã thiết kế từ năm 2002 và hoàn thành năm 2008. KTS Herzeg và De Meuron thuộc Công ty Kiến trúc của Thuỵ Sỹ cũng là tác giả của Sân vận động Allianz Arena phục vụ Thế vận hội Munich 1972. Nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị là tư vấn nghệ thuật cho công việc thiết kế công trình này.

Gây ấn tượng mạnh là hình dáng độc đáo của công trình theo trường phái “Giải toả kết cấu”. Thông điệp bảo vệ thiên nhiên và mô phỏng thiên nhiên đã hình thành nên hình “Tổ chim” khổng lồ không chỉ mang ý nghĩa kiến trúc thông thường mà còn như một biểu tượng về sự đổi mới trong quan niệm của người Trung Quốc. Một hệ lưới thép khổng lồ trông giống một tổ chim với dây bện đan xen nhau đã tạo nên kết cấu đặc biệt này. Nhờ thiết kế mặt ngoài theo hệ kết cấu chịu lực đã tạo cảm giác không có sự ngăn cách giữa phần chính của sân và phần vỏ bọc bên ngoài. Nhờ không gian trở nên mới lạ, ấn tượng và chắc chắn vượt qua mọi lời chỉ trích.

6. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV

Nằm tại vị trí trung tâm thương mại, dịch vụ quốc tế của Bắc Kinh, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã được Chính phủ đặt hàng thiết kế từ năm 2002 và sẽ hoàn thành năm 2009 với vốn đầu tư là 600 triệu USD. Rem Koolhaas, kiến trúc sư người Hà Lan đoạt giải thưởng Pritze năm 2000 là người thiết kế chính. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “S, M, L, XL” được xem như là “kinh thánh của lớp kiến trúc sư trẻ”. CCTV gồm 54 tầng với 2 khối hình chữ Z khổng lồ giao nhau. Chiều cao hoàn thiện là 234 m trên khu đất rộng 10 ha. Phần thứ nhất gồm một khách sạn 5 sao và các không gian công cộng lớn. Phần thứ hai là khu làm việc và các bộ phận kỹ thuật được chia thành những khu độc lập liên kết với nhau. Quan hệ không gian 3 chiều giữa kiến trúc và môi trường được Koolhaas sử dụng trong công trình này khác hẳn với mối quan hệ tuyến tính 2 chiều truyền thống. Quan niệm về nhà chọc trời với những cái tháp nhọn 2 chiều thẳng đứng đã được ông thay đổi hoàn toàn trong CCTV. Công trình là một bài toán khó cho thiết kế kết cấu cũng như trong xây dựng.

Koolhaas xác định sự đa dạng, mâu thuẫn và phức tạp của kiến trúc mới thực sự là chủ đề lâu dài của thời đại, làm cho kiến trúc không bị thời gian bào mòn cũng như giúp tránh sự đào thải của lịch sử. Koolhaas cũng đã sáng lập ra chủ nghĩ hiện thực lạc quan trong kiến trúc, luôn sẵn sàng thích nghi với mọi biến đổi của xã hội và “một sự vật tồn tại đủ để chứng tỏ tính hợp lý của nó”. Tuy chưa xong nhưng hiện nay CCTV đã là đại diện cho hình ảnh của một Bắc Kinh mới với những ý tưởng kiến trúc và văn hoá mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển kiến trúc thế giới.

7. Trung tâm Tài chính Thượng Hải

Nằm ở phố Đông, Thượng Hải Trung Quốc, Trung tâm Tài chính Thượng Hải gồm 101 tầng với diện tích sàn 377. 300 m2 và chiều cao 492 m, đã trở thành một trong những toà nhà cao nhất thế giới do Công ty Kohn Pederson Fox thiết kế với chi phí 850 triệu USD.

Nhà chọc trời dường như đã trở nên lạc hậu lỗi mốt ở châu Âu và Mỹ bởi đó không phải là chỉ số về phát triển văn minh nữa thì ở Châu Á và Trung Đông chúng vẫn là những biểu tượng hùng hồn về quyền lực và sự thịnh vượng có thể thấy trong các công trình ở Dubai hay Trung Quốc. Nhiều chủ đầu tư muốn các công trình của họ phải mang màu sắc bản địa chứ không hoàn toàn giống như những toà nhà kính và thép mà theo họ chúng như là những sản phẩm nhập khẩu. Và Jin Mao Tower ở Thượng Hải đã được dựng lên như dáng của một ngôi chùa kéo dài lên rồi đến toà nhà Đài Bắc 101 với những hình trang trí khổng lồ đã đẩy chủ nghĩa Hậu hiện đại đến mức độ loè loẹt. Như GS.TS Wiliam Lim, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Châu Á đã cảnh báo về mối đe doạ của chủ nghĩa Hậu hiện đại đối với kiến trúc Châu Á.

Mặc dù vậy, Trung tâm Tài chính Thượng Hải đã được thiết kế vươn lên như một toà nhà tráng lệ, tao nhã với sân thượng cao nhất thế giới, một con mắt to đang mở dưới đỉnh thon thả của tháp. Nó đã chứng minh kiến trúc không chỉ với ý nghĩa xây dựng mà đã hướng tới những tầm cao mới.

8. Trung tâm Văn hoá Trung Quan Thôn

Trung tâm Văn hoá Trung Quan Thôn được xây dựng tại khu vực quận Haidin, Bắc Kinh và nổi tiếng với công nghệ xây dựng cao, Trung tâm được KTS Von Gerkan, Marg và các cộng sự thiết kế, hoàn thành năm 2006 với diện tích sàn là 85000 m2. Von Gerkan cũng là tác giả của thiết kế Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Việt Nam.

Trung tâm Văn hoá Trung Quan Thôn được bao quanh bởi những dải kính tạo cảm giác như vẻ bề ngoài chuyển động. Cùng với sự hỗ trợ của gương, những hình ảnh có thể chiếu được lên trên mặt đứng của công trình như tạo ra biểu tượng của công nghệ kỹ thuật số hiện đại nhất là vào ban đêm. Một khu mua sắm lớn ở phía Bắc Nam cung cấp một không gian trưng bày phong phú ở 6 tầng đầu tiên. Một trung tâm thương mại gồm các nhà hàng, quán bar, sàn nhảy và sân khấu được tổ chức trên tầng mái, cũng từ đây có thể bao quát được toàn cảnh của đô thị Bắc Kinh.

9. Bắc Kinh Digital

Công trình Bắc Kinh Digital được đặt ở gần khu vực trung tâm của Thế vận hội Olympic, Sân vận động và Bể bơi quốc gia. Studio Pei-Zhu/Pei Zho, Tong Wu đã thiết kế công trình từ năm 2005 và hoàn thành năm 2007. Diện tích xây dựng là 16.000 m2 và diện tích sàn 96.518 m2 với chiều cao là 57 m gồm 11 tầng. Toà nhà có những phòng giao tiếp cộng đồng, văn phòng và phòng thương mại với tiện nghi hiện đại. Là một trung tâm lưu giữ số liệu của Chính phủ và hỗ trợ cho Thế vận hội Olympic, toà nhà cung cấp và bảo mật thông tin trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội. Nó cũng trở thành trung tâm kết nối khu vực Olympic và các vùng lân cận khác.

Bắc Kinh Digital là điểm nhấn của Thế vận hội Bắc Kinh 2008 - một thế vận hội với những công nghệ kỹ thuật cao nhất. Giống như một hàng mã vạch và một bảng vi mạch, công trình với hình khối chắc khoẻ, nổi lên từ một bề mặt nước phẳng lặng. Sau khi thế vận hội kết thúc, các KTS hi vọng toà nhà sẽ liên tục được làm mới để phù hợp với tốc độ thay đổi của công nghệ.

10. Thương Đô SoHo (Soho Shangdu)

Được đặt trên một khu đất rộng 2.2 ha trong khu kinh doanh thương mại chính của thủ đô Bắc Kinh, Thương Đô SoHo với diện tích xây dựng 170.000 m2 đã được xưởng LAB Architecture thiết kế năm 2004 gồm một trung tâm bán lẻ 50.000 m2 và hai toà tháp 32 tầng với các văn phòng thương mại, nhà ở và studio nhỏ.

Không gian bán lẻ của SoHo tạo ra mặt phố buôn bán sống động. Hai sân trong rộng kết nối theo chiều đứng các tầng nhà và cung cấp một không gian linh hoạt tổ chức các sự kiện về thời trang, thương mại hay hoà nhạc và lễ hội. Mặt đứng của hai toà tháp bọc những tấm nhôm. Giống như một khối đá tinh, Thương Đô SoHo có không gian ngoại thất đơn giản, lộ ra nội thất như mặt cắt của viên pha lê. Ánh sáng của những đường viền đã tạo cho công trình sự chắc khoẻ về hình khối và lung linh như những viên pha lê khi thành phố lên đèn.

Thương Đô SoHo gần đây đã nhận được giải thưởng kiến trúc quốc tế của Úc cũng như lọt vào danh sách giải thưởng Cityscape danh giá ở Dubai.

11. Nhà thờ Thiên chúa giáo Trung Quan Thôn

Là Nhà thờ Thiên chúa giáo lớn nhất Trung Quốc, nhà thờ Trung Quan Thôn được đặt trong không gian mở giữa Trung tâm Văn hoá Trung Quan Thôn và Haidian Book City và được đặc trưng bởi sự kết hợp giữa tính công cộng và riêng tư của nó. Tác giả của Trung tâm Văn hoá Trung Quan Thôn cũng chính là tác giả của Nhà thờ Thiên chúa giáo Trung Quan Thôn, Von Gerkan, Marg và các cộng sự. Nhà thờ được khởi công năm 2005 và hoàn thành năm 2007 với tổng diện tích xây dựng là 4000 m2.

Không giống như những nhà thờ Thiên chúa giáo khác, không gian thương mại có thể tìm thấy ở tầng trệt, các không gian cộng đồng và văn phòng thì ở trên tầng hai hoặc tầng ba ở hai cánh phía Nam và phía Tây của công trình. Hơn thế, công trình gây ấn tượng mạnh bởi hệ thống các sọc thẳng ở mặt đứng. Hệ thống những sọc thẳng đứng này đã phát triển thành biểu tượng của cây thánh giá.

12. Nhà Đại sứ Hà Lan

Toà nhà Đại sứ Hà Lan được đặt ở khu trung tâm lớn nhất và hiện đại nhất Bắc Kinh. Nằm trên khu đất rộng 4.220 m2, toà nhà một tầng được xây dựng như một không gian của sự tiện nghi và rộng rãi đáp ứng yêu cầu lối vào trực tiếp tới mỗi khu chức năng, không ảnh hưởng tới những không gian riêng tư khác. Toà nhà có hai cánh và một mảnh vườn được tạo bởi vài lớp vật liệu khác nhau bao gồm kính, bê tông, sỏi được đục khoét thành những hố trồng hoa, cây cảnh, cây bụi hay những cây tre. Nhà Đại sứ Hà Lan do Dirk Jan Postel, Sjoerd Buisman thiết kế và hoàn thành năm 2007.

Công trình toát lên sự đơn giản hiện đại tới từng chi tiết cũng như sự hoà nhập với không gian thiên nhiên xung quanh. Ngắm công trình cảm nhận sự giống nhau về hình khối cũng như sử dụng vật liệu của nó như những tác phẩm kiến trúc của kiến trúc sư Mies Van Der Rohe.

13. Ngôi nhà Vali

Năm 2001, 12 KTS từ các nước Châu Á khác nhau đã được mời tới tham dự thiết kế một ngôi nhà trong dự án có tên là “Commune by the Great Wall” được đặt ở thung lũng Nangou gần khu vực Badaling của Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc.

Ngôi nhà Vali là ngôi nhà đầu tiên do KTS Gary Chang từ xây dựng với đầy đủ tiện nghi có diện tích là 250.5 m2. Ngoại trừ chiếu cầu thang kim loại nối không gian sống ở khu vực cao nhất tới không gian mái, tất cả các phòng khác như phòng giải trí, phòng ăn, học tập, bếp, bốn phòng ngủ và phòng tắm, kho và sauna thì tất cả được che kín dưới những tấm panel sàn có khớp nối. Với những không gian đầy sự sáng tạo và sống động, ngôi nhà Vali trở thành một không gian tráng lệ, nếu thu xếp khéo léo chúng có thể tiếp đón được 14 vị khách qua đêm với tất cả những đồ dùng rất tiện nghi.

Ngôi nhà Vali không chỉ là sự sắp xếp tài tình của những không gian bị giới hạn để có thể sử dụng thuận tiện nhất mà còn cho thấy tiềm năng của sử dụng linh hoạt và tính phóng khoáng tự nhiên của nó.

Với tốc độ đô thị hoá cực nhanh, rất nhiều các thành phố lớn khác của Trung Quốc đang triển khai các kế hoạch và cho xây dựng những toà nhà chọc trời mới, đường cao tốc hay khu vực chuyên về mua sắm. Nhiều cuộc điều tra cho thấy không phải ai cũng hưởng ứng quá trình phát triển đến chóng mặt để làm thay đổi diện mạo các thành phố của Trung Quốc. Những khu chung cư cũ hay cả những toà nhà mang tính lịch sử cũng đã bị phá bỏ để thay thế những khu chức năng mới. Nhiều di chỉ Văn hoá đã bị xoá đi bởi những ngôi nhà chọc trời và đường cao tốc. Thậm chí nhiều KTS và nhà qui hoạch hàng đầu Trung Quốc đã phải thốt lên bởi sự thay đổi này.

Mặc dù không tránh khỏi những lời chỉ trích, nhưng vẫn phải công nhận những tác phẩm kiến trúc mới của các kiến trúc sư Trung Quốc cũng như nước ngoài đã phần nào đem lại những điều kì diệu mới mẻ cho bộ mặt đô thị Trung Quốc..

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 11 - 2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)